Trong tác phẩm tự sự, ngôi kể đóng vai trò rất quan trọng. Ngôi kể chính là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng khi kể chuyện. Khi người kể xưng “tôi” thì đó là kể theo ngôi thứ nhất còn khi người kể giấu mình, gọi sự vật bằng cái tên của chúng, như “người ta kể” thì đó gọi là kể theo ngôi thứ ba. Mỗi một ngôi kể có lợi thế riêng của nó. Ngôi kể thứ nhất thì chỉ được kể theo những gì mình được biết, được chứng kiến, được trải qua, có thể nói ra cảm tưởng của mình một cách trực tiếp và mang tính chủ quan. Ngôi kể này thường áp dụng trong các tác phẩm tự thuật hoặc hồi ức, chủ thể tự kể về mình, hoặc trong các tác phẩm mà chủ thể hóa thân vào nhân vật để đảm bảo sự thật cho câu chuyện. Kể theo ngôi thứ ba thì người kể giấu mình, độc giả không biết người kể là ai. Người kể có mặt ở khắp nơi, biết mọi chuyện và kể như người ta kể. Kể ở ngôi thứ ba thường mang tính khách quan, nhòe mờ tính chủ quan cho nên lời kể thường rất tự nhiên, hoạt bát, có thể di chuyển điểm nhìn đến khắp mọi nơi.
Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, tác giả chọn ngôi kể thứ ba, nhà
văn ẩn mình và không ai biết người kể. Chính vì thế, tác giả có thể kể mọi chuyện và kể ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Cách kể ấy tạo ra tính xác thực không thiên lệch, khiến cho câu chuyện hiển hiện với sự hấp dẫn thú vị.
Mặc dù trong tác phẩm tác giả không lộ diện mình là ai, thuộc phe nào, nhưng những sự kiện tác giả đề cập lại rất chính xác, đặc biệt những nhận định của ông khá chuẩn mực, không thiên lệch. Mặc dù đọc tác phẩm ta thấy Nguyễn Khoa Chiêm có nhiều ưu ái khi kể về các chúa Nam triều, song khách
quan mà nói thì những lời kể của tác giả cũng không hoàn toàn phiến diện. Khi các chúa Nam triều có những khuyết điểm gì, ông cũng đều mạnh dạn chỉ rõ chứ không bao che, lấp liếm. Điều đó lại càng tăng thêm tính khách quan cho tác phẩm. Ví dụ như tác giả đã phê phán chúa Nguyễn Phúc Lan cũng có thời kì ăn chơi, hưởng lạc, sa vào sắc dục để ảnh hưởng đến triều chính, hay là chuyện con trai của chúa tranh giành ngôi vị, giết hại lẫn nhau. Cụ thể là chuyện chúa Thượng sau khi lên ngôi chúa đã bị Dương Nghĩa hầu ghen tị quyết chí làm phản, Tường Quận công phải đi bắt về xử tội. Hoặc việc Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên được lên nối ngôi chúa thì hai người em là Văn Nham và Thạch Xuyên vốn là anh em cùng cha khác mẹ sinh lòng ghen ghét và có mưu đồ tranh giành ngôi chúa. Hai người này lên kế hoạch liên kết với quân Trịnh để lật đổ chúa Sãi, nhưng kế hoạch bị bại lộ và bị Tuyên Lộc theo mệnh chúa bắt đem về giam tại nhà rồi sau này xấu hổ quá mà chết. Có đoạn ông còn nói đến việc thiếu quyết đoán, chần chừ của chúa Nguyễn trong chính trị như sự việc của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, người đã để lỡ mất cơ hội thu phục Trung đô, thống nhất giang sơn mặc dù thế trận đã nghiêng hẳn về phía Nam triều, để rồi khi mất Ký Lục hồ, chúa cũng phải hối tiếc rằng không có cơ hội thứ hai như vậy nữa….Hay sự việc các tướng lĩnh của chúa Nam Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật và Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến lục đục với nhau gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến kết quả trận chiến cũng được Nguyễn Khoa Chiêm thẳng thắn chỉ ra.
Còn về phía quân Bắc triều, tác giả cũng không ngại ngùng khi chỉ rõ bộ mặt đớn hèn của các vua Lê chỉ biết ăn chơi hưởng lạc không có chính kiến riêng, không có tài cán gì để nhà Trịnh thâu tóm quyền hành, lấn lướt vua, hành hạ nhân dân, khiến nhân dân rơi vào tình cảnh một cổ hai tròng. Ngoài ra, ông còn chỉ rõ sự ích kỷ của các đời vua Lê khi mặc sức cho chúa Trịnh hoành hành trong thiên hạ, còn bản than mình lo hưởng thụ và thi nhau tranh
chấp ngôi báu…Qua việc chỉ trích các đời vua Lê, ta thấy Nguyễn Khoa Chiêm đã rất khôn khéo khi mượn điểm nhìn nghệ thuật từ bên ngoài để nhìn vào sự thật đồng thời dùng ngôi kể ẩn mình để nói lên tất cả những suy nghĩ chân thật về hiện thực xã hội mà không ai có thể trách cứ hay bắt lỗi được.
Cũng với cái nhìn toàn cảnh và không thiên lệch ấy, Nguyễn Khoa Chiêm đã cho bạn đọc thấy rõ bộ mặt xấu xa, tàn ác của các đời chúa Trịnh. Hầu hết các đời chúa hiện lên trong tác phẩm đều là những ông chúa tàn bạo, độc ác, trên khinh mạn thiên tử, dưới coi thường muôn dân, lấn lướt quyền hành của vua, giết vua hại trung thần.. tội nào cũng có. Đó là những lần lấn quyền vua tự quyết định việc của quốc gia, hay là việc giết vua cũ thay vua mới mà không cần ý kiến ai. Nhìn chung, dưới con mắt của Nguyễn Khoa Chiêm thì các đời chúa Trịnh hiện lên đều là những ông chúa đáng ghét hơn đáng kính. Những điều này cho thấy tác giả có cái nhìn chuẩn xác và đầy bản lĩnh mới dám viết lên thành một câu chuyện hay như vậy. Thông qua câu chuyện, tác giả muốn lên án cuộc nội chiến kéo dài hơn một trăm năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, làm cho người chịu khổ nhất không ai khác chính là người dân. Còn các vị vua chúa tham gia cuộc nội chiến này không có mục đích nào khác ngoài mục đích tranh giành quyền lực, địa vị, không hề quan tâm đến cuộc sống của bá tính, muôn dân lầm than mất mát ra sao họ không thèm đếm xỉa đến.
Bên cạnh việc phê phán mặt sai lầm của các phe phái, tác giả cũng nói lên những mặt tốt, những yếu tố tích cực mà các ông vua, vị chúa đã làm được. Đó là lời khen cho các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, họ là những ông chúa biết yêu thương dân chúng, biết trọng đãi kẻ hiền. Đọc tác phẩm, ta thấy được từ đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến đời chúa Sãi vương Nguyễn Phúc Trăn, các vị chúa này đều có những chính sách khuyến khích nông nghiệp phát triển, có nhiều lần miễn thuế cho dân khi gặp thiên tai, biết bảo vệ
dân, phát lương cho dân khi đói kém…. Nhìn chung, họ yêu dân như con và có ý thức xây dựng đất nước thịnh vượng cho muôn dân. Các vị chúa Trịnh cũng được ông nhắc đến công lao phò giúp vua Lê xây dựng đất nước. Còn các vua Lê thì phần nào cũng có mặt tốt riêng, cũng có ông vua muốn giành lại thực quyền đã lên kế hoạch đánh đổ Trịnh Tùng nhưng rồi bị phát hiện nên phải chết một cách đau xót.
Từ ngôi kể thứ ba, Nguyễn Khoa Chiêm đã làm được một công việc vô cùng nặng nhọc đó là ghi lại toàn bộ diễn tiến của lịch sử nước ta trong suốt một chặng đường dài với cái nhìn toàn cảnh và nội dung phản ánh khá khách
quan. Điều đó đã tạo cho Nam triều công nghiệp diễn chí một sức hấp dẫn
riêng đối với bạn đọc nhiều thế hệ. Đây chính là một nét đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Khoa Chiêm.