Thế giới nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (Trang 57 - 69)

Nhân vật là phạm trù cơ bản của văn học. Trong nghiên cứu phê bình và lí luận văn học, nhân vật là một khái niệm quen thuộc, thiết yếu. Ở tiểu thuyết truyền thống, các nhân vật thường được xây dựng theo công thức bao gồm tên gọi, tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách... Theo đó, nhà văn sẽ xây dựng nhân vật từ những đường nét ngoại hình đến tính cách, hành động, tâm trạng… để các nhân vật trở thành những hình tượng sống động.

Nhân vật văn học chính là con người được miêu tả, thể hiện trong văn học bằng phương tiện văn học. Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người và nhân vật chính là sản phẩm của tư duy nghệ thuật, sự sáng tạo của nhà văn nhằm thể hiện một tư tưởng cụ thể.

Nhân vật văn học có thể là những con người giống như thật hoặc có nguyên mẫu ở ngoài đời, cũng có khi là những nhân vật do nhà văn hư cấu

tưởng tượng ra hoặc cũng có thể là các sự vật, hiện tượng trong đời sống… nhưng mang dáng dấp, tâm hồn con người, được miêu tả cụ thể hoặc khái quát và rất sinh động.

Nhân vật là yếu tố quan trọng cấu thành tác phẩm, nếu không có nhân vật sẽ không có tác phẩm văn chương. Nhân vật nhiều khi là hình thức nghệ thuật ước lệ để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng, và qua nhân vật nhà văn cũng muốn gửi gắm quan niệm nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ của mình về con người và cuộc đời.

Xét về mặt kết cấu, ta có các loại nhân vật như: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm…

Còn xét về phương diện tư tưởng, ta có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, tích cực, tiêu cực… Cách phân loại này dựa vào những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội.

Trong tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí, ta thấy hệ thống nhân

vật rất lớn, hầu hết là những nhân vật có thực ngoài đời được tác giả đưa vào truyện. Ngoài những nhân vật ở vị trí đỉnh cao của xã hội như vua, chúa, còn có những nhân vật anh hùng nổi tiếng trong lịch sử như Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật… Đó là những con người có thật và rất quen thuộc trong lịch sử Việt Nam ta ở thời kỳ này.

Đầu tiên phải kể đến là các vị vua nhà Lê. Kể từ sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi rồi được các công thần giúp sức lấy lại ngôi báu, sau đó được họ Trịnh giúp đỡ rất nhiều khi gây dựng lại triều đình thì các vị vua Lê dần dần trở nên mờ nhạt, họ trở thành những con bù nhìn cho nhà Trịnh giật dây, điều khiển. Duy nhất có vua Lê Kính Tông định lật đổ họ Trịnh thì bị phát hiện và giết

chết. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, ta thấy sự xuất hiện của các vị

vua Lê rất đúng với ghi chép trong các bộ sử cũ.

Vua Lê Chiêu Tông là vị vua xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm nhưng sau đó bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, Chiêu Tông phải chạy về Thanh Hóa và

tại đây ông đã thu thập tàn binh rồi tìm cách lấy lại Kinh đô nhưng ông đã bị Mạc Đăng Dung bắt và giết hại.

Sau Lê Chiêu Tông là vua Lê Trang Tông tức Lê Ninh, con của Lê Chiêu Tông là vị vua may mắn thoát chết khi cùng mẹ chạy trốn sang Ai Lao và sau này được An Tĩnh hầu Nguyễn Kim tìm thấy, đón về đưa lên làm vua.

Sau Lê Trang Tông là vua Lê Anh Tông trị vì được mười bảy năm, thọ bốn mươi hai tuổi. Vị vua này cũng không có quyền lực trong tay, chính sự vẫn do phủ chúa quyết định.

Vua Lê Duy Đàm hay còn gọi là Lê Thế Tông, con trai vua Lê Anh Tông, lên ngôi khi mới bảy tuổi, mọi việc vẫn giao cho Trịnh Tùng xem xét. Vua trị vì hai mươi bảy năm, mất năm 1599 thọ ba mươi tư tuổi. Lê Duy Đàm là vị vua đầu tiên trở về Kinh đô Thăng Long năm 1593, sau thời kì bị nhà Mạc cướp ngôi phải chạy về đất Thanh Hóa.

Sau Lê Duy Đàm là vua Lê Duy Tân, con trai thứ hai của vua Quang Hưng, lấy niên hiệu Thuận Đức, sau đổi lại là Hoằng Định vào năm 1619. Vua Kính Tông là vị vua duy nhất của triều Lê không muốn là ông vua bù nhìn và chịu cảnh họ Trịnh thâu tóm nên đã liên kết với Trịnh Xuân, con trai Trịnh Tùng mưu giết Trịnh Tùng nhưng không thành. Vua bị thắt cổ chết, vứt xác ra ngoài sân chầu.

Vua Lê Duy Kỳ hay còn gọi là vua Lê Thần Tông là con trai vua Lê Kính Tông. Khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Vĩnh Tộ, sau này đổi thành Khánh Đức

Vua Lê Duy Vũ niên hiệu Cảnh Trị tên khác là Lê Huyền Tông; Lê Duy Cối tức Lê Gia Tông; Lê Duy Cáp tức Lê Hy Tông đều là những ông vua hết sức mờ nhạt trong thời kì Lê Trung hưng nên rất ít xuất hiện trong tác phẩm. Mặt khác, các ông vua này hầu hết khi lên ngôi còn rất trẻ, mọi việc triều chính vẫn trong tay phủ chúa quyết định, họ hầu như chỉ là bù nhìn cho nên không được nhắc đến nhiều trong tác phẩm.

Như vậy, các vị vua triều Lê được đưa vào tác phẩm rất đúng so với các sách lịch sử ghi lại. Điều này cho thấy tác giả đã rất tôn trọng lịch sử và có ý thức xây dựng một tác phẩm văn học nhưng vẫn gắn chặt với lịch sử.

Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, các nhân vật triều Mạc cũng

chiếm một vị trí khá quan trọng. Nhà Mạc bắt đầu khi nhà Lê suy yếu, Mạc Đăng Dung nổi dậy cướp ngôi. Thời gian đầu mới lên ngôi, nhà Mạc cũng giữ quyền hành trong cả nước nhưng sau đó lại bị họ Trịnh đánh bại, nhà Mạc thua phải bỏ chạy về Cao Bằng. Sau khi nhà Lê và họ Trịnh đã lấy lại được Kinh đô, thi thoảng nhà Mạc lại kéo quân xuống đánh nhưng đều thất bại thảm hại. Lần sau cùng tấn công Lê – Trịnh, Mạc Kính Cung thua và phải chạy sang biên giới. Trong tác phẩm, nhà Mạc không được khắc họa nhiều và mô tả chi tiết song cũng có một vài nhân vật được tác giả nói đến, đó hầu hết là những nhân vật mà lịch sử cũng đã ghi chép như vua Mạc Đăng Dung là vị vua đầu tiên của nhà Mạc là người gây dựng lên nhà Mạc bằng con đường tiếm ngôi nhà Lê.

Vua Mạc Mậu Hợp niên hiệu là Sùng Khanh lên ngôi khi mới tròn hai tuổi cũng chưa có phát kiến gì mới để xây dựng đất nước. Vị vua này sau đó bị Trịnh Tùng giết và nhà Mạc bị lật đổ từ đây. Những đời vua Mạc về sau chủ yếu lưu vong khắp nơi trên đất nước và thậm chí ra cả nước ngoài.

Khi Mạc Mậu Hợp lên ngôi còn quá nhỏ thì Tể tướng Diễn Quốc công Mạc Kính Điển đã thay thế vua điều hành việc triều chính một thời gian. Trong thời gian này, nhà Mạc thường đem quân đánh nhà Trịnh đang đóng ở Thanh Hóa.

Mạc Đăng Mạo là con Mạc Mậu Hợp, sau khi nhà Mạc mất, Mạc Đăng Hạo trốn lên Cao Bằng lập cơ sở và xưng tên hiệu là Long Thái vương.

Mạc Kính Chỉ con Tể tướng Mạc Kính Điển được đồ đảng họ Mạc ở Thanh Lâm lập lên làm vua lấy niên hiệu là Khang Hựu. Sau này, Mạc Kính

Chỉ bị Trịnh Tùng bắt được và chém đầu, từ đó dư đảng nhà họ Mạc tạm thời không dám nổi dậy nữa.

Mạc Kính Cung là vua Kiền Thống bị Trịnh Tùng đánh sang biên giới. Ông vua này từng xưng vương ở Hải Dương.

Mạc Kính Khoan là Mạc Khánh vương, xưng vương ở Cao Bằng, đã từng đem quân đi đánh nhà Lê nhưng toàn thất bại lại chạy về Cao Bằng, mãi tới tháng giêng năm 1625, trong một trận đánh với nhà Lê bị thua to phải xin hàng thì từ đó trở đi mới tạm yên vị không dám đánh quân Trịnh nữa. Ngoài ra, còn có hai đời vua Mạc nữa là Mạc Kính Vũ niên hiệu Thuận Đức và Mạc Kính Hoàn niên hiệu Thịnh Đức, hai vị vua này vẫn không hết hi vọng giành lại ngôi báu từ nhà Lê nên thỉnh thoảng lại dấy quân đánh nhà Lê nhưng đều thất bại.

Cũng giống như các vị vua triều Lê, các vị vua họ Mạc cũng xuất hiện khá mờ nhạt trong tác phẩm, mọi sự trọng tâm chú ý hầu như được dồn hết cho các nhân vật phía nhà Trịnh và nhà Nguyễn.

Về phía dòng họ Trịnh, từ khi phò tá vua Lê giành lại chính quyền và giúp đỡ vua Lê dựng nước rồi dần dần tiếm quyền của vua Lê thì nhà Trịnh đã trải qua năm đời chúa, từ Trịnh Kiểm cho đến Trịnh Căn. Họ hầu hết là những nhân vật nổi tiếng được ghi danh trong lịch sử, nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm thì những vị chúa này hiện lên vô cùng chân thực, gần gũi với bạn đọc. Nhân vật đầu tiên ta phải kể đến là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm vốn là con rể của An Tĩnh hầu Nguyễn Kim, tức Thái sư Minh Khang vương. Trịnh Kiểm cũng là một trong những đại thần có công phò tá vua Lê giành lại ngôi từ nhà Mạc. Sau khi vua Lê lên ngôi, Nguyễn Kim bị dư đảng nhà Mạc đầu độc chết, Trịnh Kiểm trở thành người phò tá đắc lực cho vua Lê song càng ngày Trịnh Kiểm càng thâu tóm quyền lực vào tay mình, chèn ép vua Lê trở thành bù nhìn và dần biến bộ máy cai trị đất nước thành một bộ máy kì lạ

là có vua và có chúa. Việc làm đó khiến nhân dân lâm vào cảnh một cổ hai

tròng vô cùng khốn khổ. Trịnh Kiểm là người tính toán và lạnh lùng, khi lo sợ

Nguyễn Hoàng, con Nguyễn Kim giỏi giang hơn mình, có thể sẽ lấn át mình nên đã tìm cách để tiêu diệt. Nguyễn Hoàng đã đoán ra được âm mưu ấy nên tìm cách trốn vào Đàng Trong.

Sau Trịnh Kiểm, vị chúa thứ hai được tác giả đưa vào tác phẩm là Trịnh Tùng. Trịnh Tùng là con trai Trịnh Kiểm, tức Bình An vương. Đây là vị chúa giỏi, có tài cầm quân, thao lược tốt, nhiều lần giúp nhà Lê đánh tan các cuộc tấn công của nhà Mạc. Chúa ở ngôi năm mươi tư năm, mất năm 1620.

Sau Trịnh Tùng là Trịnh Tráng, tức là Thanh Đô vương, là vị chúa thứ ba của nhà Trịnh cũng là người đầu tiên khai mào cuộc nội chiến Nam – Bắc triều vào năm 1627. Sau đó còn tiếp tục đem quân giao chiến với nhà Nguyễn thêm mấy lần nữa nhưng đều thất bại. Đây là vị chúa hiếu chiến nhưng lại không có tài cầm quân như Trịnh Tùng nên hầu hết các lần ra quân của Trịnh Tráng đều thua trận, gây tổn thất lớn cho cả triều đình. Nhân dân cũng phải gánh chịu những hệ lụy của các trận chiến đó.

Vị chúa thứ tư là Trịnh Tạc, con trai Trịnh Tráng, tức là Tây Định vương. Khi lên ngôi chúa, Trịnh Tạc cũng hai lần dẫn quân đi đánh nhà Nguyễn. Đặc biệt là trận đánh lớn nhất năm 1672,Trịnh Tạc đích thân cầm quân nhưng sau bảy lần tiến công, Trịnh Tạc phải cuốn cờ rút quân lui về miền Bắc, từ đó chấm dứt cuộc nội chiến Nam – Bắc triều.

Vị chúa cuối cùng xuất hiện trong tác phẩm là Trịnh Căn. So với các vị chúa khác, Trịnh Căn không nổi bật, mà được miêu tả khá mờ nhạt bởi khi lên ngôi chúa thì Trịnh căn đang bị trúng gió ốm nặng trong trận giao chiến với nhà Nguyễn.

Nhìn chung, các vị chúa Trịnh được miêu tả trong tác phẩm đều là những kẻ tiếm quyền, độc ác, tàn nhẫn, lạnh lùng. Hầu như tác giả không dành tình cảm hay ưu ái nào cho những nhân vật này.

Khác với các chúa Trịnh, khi miêu tả các đời chúa Nguyễn, Nguyễn Khoa Chiêm có cái nhìn và giọng điệu nhẹ nhàng hơn nhưng cũng không hoàn toàn ca ngợi một chiều mà cũng có chỉ ra những sai lầm, những thiếu sót và những điều chưa làm được của họ. Đó là cái nhìn khách quan khi xây dựng nhân vật theo cách lấy nhân vật nguyên mẫu đem nguyên vào tác phẩm của mình. Bởi xét theo một góc độ khác thì tác phẩm này cũng được coi như một

pho sử thời kì này. Trong Nam triều công nghiệp diễn chí, tác giả đã kì công

xây dựng hơn hai trăm nhân vật gắn liền với dòng họ Nguyễn nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến là năm vị chúa Nguyễn và các thuộc hạ thân cận như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ…

Vị chúa Nguyễn đầu tiên phải nhắc đến là chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng là con trai An Tĩnh hầu Nguyễn Kim. Sau khi Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm lo sợ Nguyễn Hoàng sẽ lấn át mình nên tìm kế trừ đi. Nguyễn Hoàng bèn tìm cách thoát vào vùng Thuận Quảng. Sau đó, gây dựng một cơ ngơi vương triều riêng ở Đàng Trong. Nguyễn Hoàng được miêu tả là một vị chúa tài ba, đức độ, thương dân như con, chăm lo cho dân có cuộc sống an bình. Ở thời điểm đó, Nguyễn Hoàng chưa công khai chống lại triều đình Lê – Trịnh, ông vẫn thực hiện nghĩa vụ phiên thần, thuế khóa đầy đủ. Khi Trịnh Kiểm mất, ông vẫn phúng điếu chu đáo. Khi nhà Lê thu phục lại được Kinh đô, Nguyễn Hoàng cũng ra chúc mừng và ở lại đây một thời gian dài mới trở về Thanh Hóa. Nhìn chung, Nguyễn Hoàng là vị chúa có tài cai trị, thời gian ở ngôi chúa, ông đã giúp nhân dân Đàng Trong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thái bình thịnh vượng.

Vị chúa thứ hai được nhắc đến trong tác phẩm là chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay còn gọi là Sãi vương, là con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng, kế nghiệp năm 1613. Từ đời chúa Sãi trở đi, Nam triều bắt đầu trở mặt với Bắc triều khi Sãi vương không chịu nộp tô thuế ra Bắc nữa với lí do là mất mùa.

Sự thật là do Trịnh Tráng đã câu kết với hai em trai của Sãi vương để lật đổ ông, vì vậy Sãi vương mới nuôi ý định thu phục Trung đô và tiếp tục phò tá sự nghiệp cho vua Lê. Chính vì thế, chúa đã ra lệnh tích trữ tiền của, lương thảo để đợi thời cơ thuận lợi sẽ ra tay. Chúa Sãi được đánh giá là vị chúa có tài cầm quân, sáng trí lại có lòng yêu thương dân chúng. Thời kì ông trị vì, cuộc sống nhân dân Đàng Trong cũng được ấm êm hạnh phúc. Ngoài ra, chúa còn nổi tiếng là người anh minh, biết thu phục và trọng dụng người hiền tài, cho nên chúa lại càng có sự hậu thuẫn, giúp đỡ của những viên tướng tài giỏi trong công cuộc đấu tranh mở mang bờ cõi, diệt Trịnh và phò tá cơ nghiệp vua Lê.

Vị chúa thứ ba là chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan là con trai của chúa

Sãi, sinh năm 1601 mất năm 1648, lên ngôi chúa năm 1635. Trong Nam triều

công nghiệp diễn chí, chúa Thượng là người ân đức, yêu dân, gần gũi với

quan tướng. Nhưng chúa lại là người đam mê sắc dục nên có chuyện chúa tư thông với vợ góa của anh trai mình là Khánh Mỹ hầu nên để Tống thị tự tung tự tác. Điều này có nhắc tới trong tác phẩm nhưng do phải giữ đạo quân thần nên tác giả không dám nói nhiều.

Vị chúa thứ tư là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, là con trai thứ hai của chúa Thượng, kế nghiệp năm 1648. Ông là vị chúa đầu tiên có sách lược sai quân đi đánh quân Bắc vào năm 1655, còn những lần giao tranh trước đều là do quân Bắc khai mào, dẫn quân vào đánh trước. Trận đánh này là trận đánh diễn ra lâu nhất trong lịch sử chiến tranh Nam – Bắc triều từ năm 1655 đến năm 1600 khiến cho dân chúng hai Đàng kiệt quệ, khổ sở. Chúa Hiền được miêu tả là vị chúa có chí lớn, có tài nhìn xa trông rộng, thu phục được bảy tám châu huyện, anh hùng hào kiệt theo về rất nhiều.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (Trang 57 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)