2. 4 Các loại hàm ý
2.4.2 Hàm ý của một chi tiết nghệ thuật
Trong các tác phẩm văn học, điều tác giả muốn nói với bạn đọc không phải bao giờ cũng được "giãi bày" trên bề mặt câu chữ. Tác giả có thể nói tất cả những gì cần nói nhất thông qua các hình tượng nhân vật, qua các chi tiết nghệ thuật.
Chi tiết nghệ thuật được thể hiện trên văn bản có thể là một câu, có thể là nhiều câu. Chẳng hạn, để giới thiệu hai người đàn bà cô đơn ở với nhau, Đức Ban đã mở đầu tác phẩm "Mồng mười tháng Tám" của mình bằng các chi tiết nghệ thuật sau:
"Ngoài rìa thị xã, về phía mặt trời lặn, có một ngôi nhà nhỏ nằm cô đơn giữa một bãi cây trinh nữ. Những cây trinh nữ mọc từ thuở nảo nào, thân xám mốc, khía lá oằn èo và hoa nhỏ tím ngắt cả 4 mùa... Góc sân, cái sân đất nhăm nhít kẽ nứt có hai cây dâu già, cành lưa thưa, lá rơi rụng xuống bậu cửa sổ bay vào tận chân giường...".
Đọc những dòng mở đầu, độc giả không thể thờ ơ trước các chi tiết nghệ thuật "đặc tả" về "hiện thực khách quan". Vẫn chỉ là các sự vật bình thường (ngôi nhà nhỏ, bãi cây trinh nữ, cái sân đất, cây dâu...) nhưng trong cách miêu tả của tác giả, dường như các "sự vật" ấy mang đẫm hồn người và hơn thế, "chứa đựng" cả số phận của con người. Người đọc "nắm bắt" được ý nghĩa ấy, thậm chí, có quyền "suy diễn" theo chiều hướng ấy bởi lẽ, họ hiểu một điều: Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Đức Ban "xây" nên một ngôi nhà nhỏ "đơn côi giữa một bãi cây trinh nữ" (chứ không phải ở một vùng đồi hay một thung
lũng nào khác); cũng không phải ngẫu nhiên tác giả đặc tả cái vẻ ngoài xấu xí (thân xám mốc, khía lá oằn èo) của cây trinh nữ để làm nền cho cái hồn hoa "tím ngát cả bốn mùa"... Và, chắc chắn rằng cũng không phải ngẫu nhiên mà ngôi nhà đơn côi ấy chỉ có "hai cây dâu già, cành lưa thưa, lá rơi rụng...". Mỗi độc giả có thể có những liên tưởng khác nhau từ những chi tiết nghệ thuật đó nhưng có lẽ liên tưởng về lòng chung thuỷ, về niềm tin, về khát khao hạnh phúc (xuất phát từ màu hoa trinh nữ tím ngát cả 4 mùa), liên tưởng về số phận khắc nghiệt và bất hạnh của những người phụ nữ (xuất phát từ hình ảnh cây trinh nữ "thân xám mốc" ,"lá oằn èo", từ hình ảnh "cái sân đất nhăm nhít kẽ nứt "và"cây dâu già cành lưa thưa...") là những liên tưởng chung nhất của các độc giả và quả thực, khi đọc hết tác phẩm "Mồng mười tháng Tám", ít ai có thể phủ nhận một điều: Bằng những chi tiết nghệ thuật trên, Đức Ban đã khắc hoạ rõ nét nhất, gửi gắm tới độc giả được nhiều điều sâu sắc nhất về các nhân vật của mình: Dẫu tuổi trẻ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường nhưng họ - hai người đàn bà cô đơn trong ngôi nhà nhỏ ấy - vẫn không nguôi khát khao, không nguôi hi vọng một ngày nào đó, họ sẽ tìm được hạnh phúc cho mình.
Như vậy, giống như hàm ý, ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật cũng là nội dung ngầm ẩn sau ý nghĩa tường minh của câu chữ và là điều mà "người nói" (người xây dựng nên chi tiết nghệ thuật) muốn nói với "người nghe"(người đọc). Ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật cũng thay đổi theo hoàn cảnh mà chi tiết nghệ thuật đó tồn tại. Sự lĩnh hội ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật cũng phụ thuộc phần lớn vào vốn tri thức nền, khả năng liên tưởng của độc giả. Bởi thế, mối tương quan về lượng tin mà "người nói" (tác giả) muốn gửi gắm và lượng tin mà "người nghe" (độc giả) suy ý, lĩnh hội được từ chi tiết nghệ thuật không phải bao giờ cũng theo tỷ lệ 1 - 1 v.v.... Có thể nói, loại hàm ý này (hàm ý của chi tiết nghệ thuật) thường "có mặt" trong các tác phẩm nghệ thuật và được sử dụng trong lĩnh vực giao tiếp bằng văn bản.
Chương 3