Hành vi tại lời gián tiếp (HVGT) là hành vi có mục đích phát ngôn và dạng thức biểu hiện không trùng nhau. Có nghĩa là một phát ngôn có hình thức là A nhưng lại biểu hiện nội dung là B.
Ví dụ:
Phát ngôn "Anh đi đâu đấy?" có dạng thức hỏi (chuyên dùng cho hành vi hỏi để tri nhận thông tin) được sử dụng để biểu hiện hành vi chào. Dạng thức biểu hiện này chính là hành vi tại lời trực tiếp (HVTT) còn mục đích phát ngôn (chào) là HVGT.
HVGT đượcphát sinh từ HVTT. Nói cách khác, "nội dung" của HVGT được suy luận từ HVTT (hiển ngôn) và hoàn cảnh mà hành vi tại lời đó tồn tại. Nội dung này chính là đích của phát ngôn. Chẳng hạn:
Một kiểu câu hỏi "có A không?" luôn có HVGT là "tôi muốn có A" nhưng tuỳ theo từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể mà nội dung của HVGT được cụ thể hoá.
Ví dụ:
Chị có cuốn "Ngôn ngữ học đại cương" không?
Nếu phát ngôn trên tồn tại trong hoàn cảnh: Người phát ngôn là một sinh viên (hoặc một độc giả) và người nghe là cán bộ phụ trách thư viện thì (nó) sẽ có nội dung: "Tôi muốn mượn cuốn Ngôn ngữ học đại cương".
Nếu phát ngôn trên tồn tại ở cửa hàng bán sách thì nó có nội dung ngầm ẩn: Tôi muốn mua cuốn "Ngôn ngữ học đại cương".
Như vậy, cũng như hàm ý, nội dung của HVGT không được thể hiện tường minh trên bề mặt câu chữ. Chính vì điểm giống nhau cơ bản này mà không ít ý kiến cho rằng nội dung của HVGT là hàm ý hội thoại (Nguyễn Đức Dân, 1998, tr72; Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, 1996, tr 337). Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế dùng và hiểu các HVGT trong giao tiếp, chúng ta thấy: Dù có những điểm giống nhau cơ bản nhưng không phải bao giờ HVGT và hàm ý cũng là một bởi lẽ, để hiểu được nội dung của HVGT, không phải bao giờ
người nghe cũng cần căn cứ vào hoàn cảnh giao tiếp. Chẳng hạn, hành vi "hỏi" có thể để thể hiện nhiều hành vi gián tiếp khác nhau như: khen, chê, trách, khẳng định, phủ định, từ chối vv... nhưng người nghe vẫn có thể hiểu được những nội dung này mà không cần phải căn cứ vào hoàn cảnh giao tiếp.
Ví dụ:
(1): Ồ, trông thế mà mày cũng giỏi việc nhà gớm nhỉ? (HVGT: khen). (2): Sao anh ta thiếu lịch sự đến thế nhỉ ? (HVGT: trách cứ).
(3) Không mày hót thì còn thằng nào vào đây? (HVGT: khẳng định). (4) Tôi mà làm như thế à? (HVGT: phủ định).
(5) Cậu còn chẳng ăn thua (thì) tớ là cái thá gì? (HVGT: từ chối). (6) Mày có xéo đi cho khuất mắt tao không? (HVGT: mệnh lệnh). (7): Ở đây thêm một chút nữa có được không anh? (HVGT: đề nghị). Mặc dù nội dung của các hành vi tại lời gián tiếp cũng là nội dung ngầm ẩn nhưng chúng không phải là hàm ý bởi lẽ chúng đồng hướng với hiển ngôn; được suy ra từ các yếu tố ngôn ngữ (từ, ngữ, cấu trúc câu) và dường như không đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà phát ngôn chứa chúng tồn tại. Mặt khác, chúng (nội dung của các HVGT) chính là điều người nói muốn người nghe thực hiện. Chúng chính là đích của các phát ngôn.