Theo Phạm Thị Thành, trong giao tiếp, các phát ngôn nghi thức được biểu hiện dưới hai dạng: dạng tường minh và dạng hàm ẩn, trong đó số lượng phát ngôn nghi thức hàm ẩn lớn hơn nhiều so với các phát ngôn nghi thức tường minh (PhạmThị Thành, 1995, tr.97). Vấn đề đặt ra là nội dung ngầm ẩn này có phải là hàm ý của các phát ngôn nghi thức không. Căn cứ vào tiêu chí xác định hàm ý ở (2.2.) chúng ta thấy:
a. Cũng như hàm ý, nội dung ngầm ẩn sau phát ngôn nghi thức được suy ra từ hiển ngôn.
Ví dụ:
(1). Tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn của anh. (2). Gia đình tôi làm phiền anh nhiều quá.
(3). Ra ngõ gặp trai, cô đi thi (là) làm bài tốt lắm đấy nhé!
Dựa vào phát ngôn, người nghe tìm ra điều mà người phát ngôn muốn nói với mình không mấy khó khăn. Cụ thể: ở ví dụ (1), người đối thoại đã làm một việc gì đó giúp đỡ người phát ngôn và người phát ngôn đã bày tỏ tình cảm của mình bằng hành vi "cảm ơn" gián tiếp. Ví dụ (2), là một lời "xin lỗi" hoặc "cảm ơn" dưới hình thức than phiền. Còn phát ngôn (3), là một lời chào kèm theo lời chúc.
b. Các phát ngôn nghi thức cũng hướng đến chức năng thiết lập tiếp xúc, xác định quan hệ thân thiện, bộc lộ thái độ lịch sự đối với đối tượng giao tiếp, làm cho đối tượng giao tiếp có phản ứng đối đáp tích cực và hoạt động giao tiếp theo ý định mong muốn của chủ thể giao tiếp (Phạm Thị Thành, 1995, tr.102). Tuy nhiên, khác với hàm ý, nội dung (hiển ngôn hay ngầm ẩn) của các phát ngôn nghi thức không hướng đến chức năng nhận thức, phản ánh những thông tin về thực tế khách quan. Mặt khác, do sự quy định của xã hội, do "đặc trưng" mang đậm bản sắc dân tộc nên nội dung ngầm ẩn của các phát ngôn nghi thức mang tính quy ước có tính văn hoá dân tộc. Điều đó thể hiện ở tính chất "bất biến", tính chất ổn định, bền vững của các nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn nghi thức. Chính vì thế, nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn nghi thức không phải là hàm ý mà là đích của chúng.