Hàm ý và nội dung ngầm ẩn của các phát ngôn có sử dụng phương tiện và biện pháp tu từ.

Một phần của tài liệu hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý (Trang 30 - 43)

phương tiện và biện pháp tu từ.

Để đạt mục đích và hiệu quả giao tiếp, việc sử dụng các phương tiện tu từ trong quá trình tạo lập phát ngôn đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ ''phương tiện tu từ là phương tiện ngôn ngữ mà ngoài ý nghĩa cơ bản (ý nghĩa sự vật -logic) ra chúng còn có ý nghĩa bổ sung'' (Đinh Trọng Lạc, 1995, tr11). Và như vậy, sử dụng các phương tiện tu từ vào việc tạo lập phát ngôn sẽ tạo cho phát ngôn tính hai nghĩa: nghĩa hiển ngôn và nghĩa hàm ẩn, trong đó nghĩa hàm ẩn mang giá trị bổ sung, mở rộng cho hiển ngôn (gọi là hàm nghĩa). Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa hàm ý và nội dung ngầm ẩn của phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ. Mặc dù vậy, trong luận văn này, chúng tôi vẫn cố gắng xem xét một cách cụ thể nội dung ngầm ẩn của các phát ngôn được tạo lập dựa trên ''cơ sở'' các phương tiện hoặc các biện pháp tu từ mà các nhà nghiên cứu ngữ dụng học coi là những phương thức biểu thị hàm ý. Mục đích của chúng tôi khi tiến hành công việc này là tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Có phải tất cả nội dung ngầm ẩn của các phát ngôn được ''hình thành'' từ các phương tiện / biện pháp tu từ đều là hàm ý? Nội dung ngầm ẩn nào trong số đó là hàm ý?... Câu trả lời sẽ là cơ sở để chúng tôi lý giải: Khi nào một phương tiện / biện pháp tu từ trở thành phương thức biểu thị hàm ý?.

a. Hàm ý và nội dung ngầm ẩn của phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ từ vựng (sử dụng từ đồng nghĩa).

Sử dụng phương tiện tu từ từ vựng để tạo lập phát ngôn sẽ tạo cho phát ngôn có tính hai nghĩa (hiển ngôn và hàm ngôn) nhưng nghĩa hàm ngôn chỉ là ý nghĩa bổ sung cho hiển ngôn (thường là bổ sung ý nghĩa tình thái).

Ví dụ:

Các từ ''đứa trẻ'', ''đứa trẻ con'', ''đứa con nít'', ''ranh con'', ''nhãi con'' đều có chung ''sở chỉ'' là đứa bé nhưng khi đi vào phát ngôn, mỗi phương tiện từ vựng tu từ trên đều tạo cho phát ngôn một ''ý ngoại ngôn'' mang tính tình thái (âu yếm hay coi thường; khinh bỉ hay ghét bỏ...). Ý ngoại ngôn này chính là nghĩa ngầm ẩn bổ sung ý nghĩa tình thái cho hiển ngôn; nó không thay đổi (/ phụ thuộc) theo hoàn cảnh giao tiếp nên nó không phải là hàm ý.

b. Hàm ý và nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ ngữ nghĩa.

b1. Hàm ý và nội dung ngầm ẩn trong phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ ẩn dụ.

Phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ ẩn dụ là phát ngôn có ''định danh thứ hai'' - loại ''định danh'' mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau giữa hai sự vật / hiện tượng.

Ví dụ:

''Hoa'' khi thì được dùng để ví người phụ nữ xinh đẹp; khi được dùng để ví người có phẩm chất cao đẹp (đối lập với ''cỏ'' - ví hạng thấp hèn).

- Ví đành trong nguyệt trên mây

Hoa sao hoa khéo đoạ đầy bấy hoa

(Nguyễn Du)

- Phượng những tiếc cao, diều hay liệng

Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi

Ý nghĩa của "Định danh thứ hai" trong phát ngôn thay đổi theo "hoàn cảnh" mà từ biểu thị nó tồn tại (tức nó thay đổi theo kiểu cấu trúc phát ngôn mà từ biểu thị nó tồn tại).

Mặt khác, "định danh thứ hai" được hình thành dựa trên "sự tương đồng giữa hai sự vật/hiện tượng" nên tính chất "cố định" của nó (định danh thứ 2) được thể hiện khá rõ nét. Nếu sử dụng phát ngôn chứa "định danh thứ hai" (tức tạo lập phát ngôn bằng phương tiện tu từ ẩn dụ) vào hoạt động giao tiếp thì trong bất kỳ hoàn cảnh giao tiếp phi ngôn ngữ nào, "định danh thứ hai " cũng không thay đổi.

Ví dụ:

Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

Dù xuất hiện trong hoàn cảnh giao tiếp nào, cái "định danh thứ hai" của "thuyền" và "bến" vẫn không thay đổi (luôn là ẩn dụ của chàng trai (thuyền) và cô gái (bến)).

Sử dụng phương tiện tu từ ẩn dụ để tạo lập phát ngôn là chúng ta đã tạo cho phát ngôn tính hai nghĩa (hiển ngôn và hàm ngôn) nhưng hàm ngôn chính là "sự biểu hiện" của "định danh thứ hai" nên tính cố định và tính đồng nghĩa của hàm ngôn so với hiển ngôn là "thực tế" không thể phủ nhận. Nghĩa hàm ngôn này thực ra, chính là điều người nói muốn nói (vì đồng nghĩa với hiển ngôn) nhưng không phải vì "không thể nói bằng hiển ngôn" do sự chế định của hoàn cảnh giao tiếp mà vì nói như thế (nói bằng hàm ngôn thông qua việc sử dụng tu từ ẩn dụ) sẽ dễ rung động lòng người hơn. Điều này thể hiện khá rõ trong quan điểm của chính một số nhà nghiên cứu về tu từ học khi cho rằng "việc sử dụng các phương tiện tu từ ẩn dụ thông thường và nhân hoá không tạo cho phát ngôn tính hai nghĩa (ý nghĩa bề mặt và ý nghĩa bề sâu (tức ý nghĩa gián tiếp)) mà chỉ có một ý nghĩa" (Đinh Trọng Lạc, 1995, tr65).

Trong số các phương tiện tu từ ẩn dụ (ẩn dụ bổ sung, ẩn dụ tượng trưng, cải danh, nhân hoá, phúng dụ, hình dung ngữ...), có phúng dụ (một biến thể của ẩn dụ - Đinh Trọng Lạc) là phương tiện ''luôn bao hàm hai ý nghĩa: ý nghĩa bề mặt (tức ý nghĩa trực tiếp) và ýnghĩa bề sâu (tức ý nghĩa gián tiếp)'' (Đinh Trọng Lạc, 1995, tr65) nhưng ''phúng dụ chỉ được dùng trong lời nói nghệ thuật'' và '' chỉ được hiện

thực hoá trong văn bản hoàn chỉnh'' (Đinh Trọng Lạc, 1995, tr65) nên chúng tôi coi ''ý nghĩa gián tiếp'' được tạo bởi phương thức sử dụng phương tiện tu từ phúng dụ là ý nghĩa tác phẩm (1)

.

b2. Hàm ý và nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn có sử dụng phương tiện tư từ hoán dụ.

Cũng như ẩn dụ, hoán dụ là ''định danh thứ hai'' của từ nhưng '' định danh'' này được ''hình thành'' dựa trên ''mối liên hệ giữa khách thể được định danh với khách thể có tên gọi được chuyển sang dùng cho khách thể được định danh". Các mối liên hệ đó có thể là mối liên hệ giữa bộ phận và toàn thể, liên hệ giữa chủ thể và vật sở thuộc...

(Đinh Trọng Lạc, 1995, tr.67,68).

Ví dụ:

Đầu xanh có tội tình gì

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Nguyễn Du)

"Đầu xanh" (bộ phận cơ thể) biểu thị con người ở độ trẻ trung, mới bước vào đời (toàn thể). "Má hồng" (bộ phận cơ thể) biểu thị người đàn bà sống kiếp lầu xanh (toàn thể).

Hoán dụ cũng như ẩn dụ, là "phương thức phổ quát" cho việc tạo ý nghĩa (định danh thứ hai) của từ. Tức là, sử dụng phương tiện tu từ hoán dụ để tạo

(1) Trong luận văn này, chúng tôi không coi ý nghĩa tác phẩm là hàm ý (xem mục 2.3.7.)

phát ngôn, phát ngôn sẽ mang tính hai nghĩa nhưng nghĩa thứ hai - hàm ngôn - lại mang tính chất cố định và đồng nghĩa với hiển ngôn.

Nói cách khác, hàm ngôn được "hình thành" từ việc sử dụng phương tiện tu từ hoán dụ cũng chính là "nội dung cần thông báo" của người nói nhưng không phải vì "không thể nói bằng hiển ngôn" mà vì nói như thế (nói bằng hàm ngôn thông qua hoán dụ) sẽ "khắc sâu được đặc điểm tiêu biểu cho đối tượng được miêu tả" (Đinh Trọng Lạc, 1995, tr.67) và người nói thể hiện một cách sâu sắc hơn tình cảm/ thái độ của mình trước "hiện thực" được nói tới trong phát ngôn.

Ví dụ:

(Dùng nhã ngữ - một "dạng" hoán dụ - để giảm bớt nỗi đau buồn khi nói về cái chết).

- Nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên hương

(Nguyễn Du)

- Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Mác, cụ Lê - nin...

(Hồ Chí Minh)

- Bác đã lên đường theo tổ tiên Mác Lê - nin, thế giới người Hiền

(Tố Hữu)

Như vậy, xét về bản chất, ý nghĩa hàm ẩn - định danh thứ hai - được tạo bởi phương tiện tu từ hoán dụ không "hội tụ" đủ các đặc trưng cơ bản của một hàm ý, bởi thế, nội dung ngầm ẩn trong các phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ này không phải là hàm ý.

b3- Hàm ý và nội dung ngầm ẩn của lối "nói mát" (nội dung ngầm ẩn của phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ nói mỉa).

Sự hiện diện của phát ngôn "nói mát" trong giao tiếp thường ngày không phải là một "hiện tượng" lạ. Với lối nói này, người phát ngôn thực sự nói được nhiều hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn và tế nhị hơn những điều hình muốn biểu đạt.

Đặc trưng nổi bật của loại phát ngôn này là nội dung ngầm ẩn - đặc biệt là nghĩa tình thái -bao giờ cũng ngược (/đối lập) với nghĩa hiển ngôn bởi thế, lối "nói mát" còn được gọi là "nói mỉa", "nói ngược".

Nghĩa ngược lại của phát ngôn "nói mát" được hình thành và tiếp nhận dựa trên cơ sở hoàn cảnh giao tiếp (thường là tâm lý của người nói, quan hệ giữa người nói đối với người nghe và đối với sự việc / đối tượng được nhắc đến trong phát ngôn), hàng loạt yếu tố ngôn ngữ, trong đó đáng kể nhất là các từ tình thái và ngữ điệu của phát ngôn. Có thể nói, nếu như có điều kiện về hoàn cảnh để phát ngôn "nói mát" tồn tại nhưng thiếu sự tham gia của các tiểu từ tình thái và ngữ điệu thì phát ngôn sẽ không có nội dung ngầm ẩn mà chỉ có

nội dung tường minh (hiển ngôn) thông thường. Chúng ta sẽ thấy điều này qua sự so sánh các cặp phát ngôn sau:

(3a) - Đẹp nghiêng nước nghiêng thành cơ đấy. (3b) - Đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

(4a) - Môn đăng hộ đối lắm nhỉ! (4b) - Môn đăng hộ đối lắm.

Do cơ chế sử dụng phương tiện ngôn ngữ đặc trưng(1), đặc biệt là cơ chế sử dụng từ tình thái và cơ chế phát ngôn (các phát ngôn "nói mát" được phát âm với ngữ điệu riêng, khác hẳn với ngữ điệu khen thực sự) nên người nghe tiếp nhận nội dung ngầm ẩn này một cách rất nhanh và rất tự nhiên. Và nếu (thường thì rất ít) người nghe có phản ứng lại nội dung ngầm ẩn này thì người nói dẫu có thể phủ nhận trách nhiệm cuả mình đối với nội dung ngầm ẩn nhưng lý lẽ để phủ nhận thường không có sức thuyết phục.

Ví dụ:

A1: - Vâng, cô giỏi, cô tuyệt vời.

B1: - Anh không cần phải giễu cợt tôi như thế. A2: - Tôi có giễu cô đâu. Tôi khen cô đấy chứ.

Như vậy, các thông tin ngoài lời, ngầm ẩn đằng sau lời của các phát ngôn "nói mát" là thông tin về tình thái, là sự chế giễu, mỉa mai, phủ định... là thái độ yêu thương, hờn dỗi, trách móc, tức giận... của người nói đối với ý kiến của người đối thoại hoặc đối với bản thân người tham gia đối thoại. Mặc dù ý nghĩa tình thái này có nội dung trái ngược với ý nghĩa tình thái hiển ngôn nhưng xét về "bản chất sâu xa", ý nghĩa tình thái "nói mát" vẫn được biểu thị bằng các phương tiện ngôn ngữ (tiểu từ tình thái và ngữ điệu); chính các phương tiện ngôn ngữ này đã tạo nên tính chất "bất biến" cho loại ý nghĩa ngầm ẩn này trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Đó là điểm khác nhau cơ bản và cũng là "lý do" khiến chúng tôi không coi nội dung ngầm ẩn của lối "nói mát" là hàm ý.

c - Hàm ý và nội dung ngầm ẩn của các phát ngôn có sử dụng phương tiện tu từ cú pháp.

c1 - Hàm ý và nội dung tỉnh lược trong phát ngôn tỉnh lược

(1)

Theo Mai Ngọc Chừ (2000), trong tiếng Việt, từ được dùng để nói ngược, nói mát thường là tính từ hoặc động từ.

Phát ngôn tỉnh lược (còn có tên gọi là "ngữ trực thuộc tỉnh lược" (Trần Ngọc Thêm), "phát ngôn ngữ cảnh" (Nguyễn Chí Hoà), "câu dưới bậc"(Diệp Quang Ban)) là những phát ngôn không đầy đủ vì có một nội dung không được thể hiện bằng các phương tiện ngôn ngữ trong phát ngôn. Nội dung bị tỉnh lược không phải là hàm ý của phát ngôn tỉnh lược mặc dù nội dung này cũng "có thể được xác định bằng bối cảnh giao tiếp hay bằng ngôn cảnh"(1)

như hàm ý. Sở dĩ chúng ta có thể khẳng định như vậy là vì nội dung bị tỉnh lược là "cái" đã được nói đến trong các phát ngôn trước phát ngôn tỉnh lược hoặc đã được chỉ ra trong ngữ cảnh, người nói không cần truyền đạt vì tin chắc rằng người nghe sẽ đoán định được.

Ví dụ:

A1: - Hôn nhau chưa? B1 : - Rồi

A2: - Cảm thấy thế nào? B2: - Như điện giật

(Dẫn theo Nguyễn Chí Hoà, 1991).

Căn cứ vào hoàn cảnh phát ngôn, ta có thể "khôi phục" lại nội dung bị tỉnh lược ở các phát ngôn trên.

A1: - Chúng mày hôn nhau chưa? B1: - Chúng em hôn nhau rồi. A2: - Mày cảm thấy thế nào?

B2: - Em cảm thấy như (bị) điện giật.

Ngoài ra, sự tỉnh lược một thành phần nào đó trong phát ngôn là xuất phát từ dụng ý của tác giả nhưng dụng ý tỉnh lược của tác giả không hướng tới đích là "thông báo một vấn đề khác nằm ngoài (hoặc sau) bề mặt câu chữ mà ''cái đích của sự tỉnh lược là nhấn mạnh/khẳng định một vấn đề, một nội dung nào đó được biểu đạt tường minh trong phát ngôn tỉnh lược hoặc phát ngôn đứng trước nó" (2)

Ví dụ:

- Mâm cơm vẫn còn nguyên. Cả đĩa tiết canh

- Y biết chẳng bao giờ nữa, y còn được một thiếu nữ xinh đẹp như Tư để ý. Chẳng bao giờ nữa.

(Dẫn theo Phạm Văn Tình, 1997).

Như vậy, phát ngôn tỉnh lược cũng "tiềm ẩn" một ý nghĩa ngầm ẩn sau hiển ngôn nhưng ý nghĩa ngầm ẩn này mang tính chất bổ sung cho hiển ngôn. Mặt khác, người phát ngôn những phát ngôn tỉnh lược thường khó rút lui (hay phủ nhận) các ý nghĩa ngầm ẩn được "hàm chứa" trong phát ngôn. Bởi thế, đây là một trong những căn cứ để chúng tôi khẳng định nội dung ngầm ẩn trong phát ngôn tỉnh lược không phải là hàm ý.

c2 - Hàm ý và nội dung của "sự im lặng" trong giao tiếp.

Xét về phương diện "nguyên tắc giao tiếp", sử dụng "sự im lặng" trong giao tiếp là "người nói" (người trả lời, người đáp bằng sự im lặng) đã vi phạm tới điều kiện cơ bản của hội thoại là "tuân thủ sự luân phiên lượt lời" nhưng vẫn có giá trị giao tiếp bởi "sự im lặng cũng là một cách trả lời. Đó là một hành vi ngôn ngữ với những chiến thuật giao tiếp xác định". (Nguyễn Đức Dân, 1998, tr90).

Như vậy, sử dụng "sự im lặng" để thay cho phát ngôn hồi đáp là một chiến thuật giao tiếp mà chiến thuật giao tiếp theo quan niệm của chúng tôi - không phải là phương thức biểu thị hàm ý (3)

- nên trong luận văn này, chúng tôi không coi nội dung của "sự im lặng" là hàm ý, mặc dù về "bản chất", nội dung này cũng mang những nét đặc trưng cơ bản của hàm ý. Chẳng hạn, "sự im lặng" xuất hiện trong hoàn cảnh "không thể nói thành lời" (ví dụ: Do trạng

thái cảm xúc uất ức, nghẹn ngào, đau khổ, thẹn, đuối lý...) nên nội dung của "sự im lặng" phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp - đặc biệt là những phát ngôn đứng trước và sau nó. Nội dung đó cũng chính là điều "người nói" (người hồi đáp bằng sự im lặng) muốn nói với người nghe. Cùng là "sự im lặng" nhưng trong mỗi tình huống giao tiếp khác nhau thì sự im lặng có một nội dung ngữ nghĩa khác nhau. Cụ thể:

* Im lặng là sự thừa nhận sự tình mà người khác vừa nêu ra.

Ví dụ:

A (người cha): - Lúc nãy, mẹ con mày ăn cám phải không? B (cái Gái): - Ăn chè đấy chứ.

(1) Xem: Nguyễn Chí Hoà , 1991, tr 52; Phạm Văn Tình, 1997, tr 73. (2) Phạm Văn Tình, 1997, tr 74

A: - Khốn nạn, chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè. Rõ mày khổ từ trong bụng mẹ.

B: (cái Gái cúi đầu không nói)...

* Im lặng là sự đồng ý hay phản đối trước câu hỏi (hay ý kiến) của người đối thoại.

* Im lặng là sự thừa nhận đuối lý (thừa nhận sự bất lực trong việc tiếp tục bày tỏ ý lập luận của mình).

(Xem: Phạm Văn Tình, 2001)

* Im lặng là sự biểu hiện về thái độ của nhân vật giao tiếp (chẳng hạn như thái độ bất hợp tác).

Ví dụ:

A: Em khác đi nhiều quá, chẳng còn là cô bé ngày xưa nữa. B:...

A: Em! Chẳng lẽ mọi sự đổ vỡ rồi sao? B:....

A: - Chẳng lẽ em không tha thứ cho anh ư? Em đã gặp cô ta rồi và em đã hiểu đó là một mụ đàn bà nghê tởm, một con rắn độc.

B: - Con người sợ hổ, sợ rắn nhưng không bị chi phối một cách yếu hèn vì chúng.

Một phần của tài liệu hàm ý và phương thức biểu thị hàm ý (Trang 30 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)