Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đã đạt được, công tác phát triển đảng viên trong công nhân các DNNQD ở Bình Dương và Đồng Nai còn không ít khuyết điểm và khó khăn.
- Số lượng phát triển đảng có tăng hằng năm nhưng tỷ lệ đảng viên được kết nạp mới còn quá thấp trong tổng số đảng viên ở các DNNQD. Qua khảo sát 19 DNNQD
cho thấy rằng, số lượng kết nạp mới chỉ có 0,28% (Phụ lục 9). Trong đó, DNTN chiếm 0,05%; DNCVĐTNN chiếm 0,04%; doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chiếm 0,1%; doanh nghiệp 100% VĐTNN chiếm 0,08%. Thậm chí có doanh nghiệp nhiều năm liền không phát triển đảng viên nào, như Công ty cổ phần thương mại tổng hợp (Bình Dương) có 15 đảng viên, từ ngày thành lập đến nay không phát triển được đảng viên nào; Chi bộ Xí nghiệp phân bón Thành Phát có 4 đảng viên, phát triển được một đảng viên, song một đảng viên khác chuyển đơn vị công tác; Xí nghiệp gỗ Kim Huy có 6 đảng viên, Chi bộ Xí nghiệp Hoàng Gia Cát Tường 30 đảng viên cho đến nay chưa phát triển được đảng viên nào… Bởi vậy, hiện nay, số lượng đảng viên trên tổng số lao động trong các DNNQD trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai chiếm tỷ lệ còn quá thấp 0,64% (Bình Dương có tổng số đảng viên đang sinh hoạt ở các DNNQD trong các KCN là 36 đảng viên /73.965 lao động chiếm tỷ lệ 0,04%).
- DNTN phát triển rất ít đảng viên, tuy số lượng đảng viên mới ở doanh nghiệp 100% VĐTNN có cao qua đánh giá, song thực tế việc phát triển đảng chỉ có ở vài doanh nghiệp điển hình, hầu hết các doanh nghiệp còn lại chưa phát triển được đảng viên. Hiện tại, tỉnh Bình Dương có 100% DNCVĐTNN chưa phát triển được đảng viên nào. Điểm khó khăn nhất ở đây vẫn là việc chưa xây dựng được tổ chức đảng trong doanh nghiệp; Đảng ủy khối doanh nghiệp cũng mới thành lập, chỉ bước đầu tập trung xây dựng tổ chức công đoàn, sau đó triển khai Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về việc xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong DNTN, DNCVĐTNN, nên công tác phát triển đảng trong công nhân nơi đây chỉ ở bước đầu.
- Việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công tác phát triển Đảng ở một số cấp ủy còn hạn chế. Có cấp ủy chưa chú trọng đến công tác thẩm tra xác minh lý lịch trước khi cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có nơi làm hồ sơ kết nạp đảng viên không đầy đủ phải xác minh nhiều lần, ảnh hưởng sức chiến đấu của quần chúng và của đơn vị. Có cấp ủy quá cầu toàn khi nhận xét quần chúng nên không phát triển được. Các đoàn thể chưa chú trọng bồi dưỡng nhân tố tích cực để giới thiệu sang Đảng xem xét kết nạp.
- Về nội dung, hình thức tổ chức, thời gian học lớp đối tượng Đảng, lớp đảng viên mới chưa phù hợp với thời gian làm việc của CNLĐ. Việc sau khi kết nạp phải đi học lớp đảng viên mới mất 4 ngày đang gây khó khăn cho công nhân trực tiếp sản xuất
hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng học tập. Từ đó, việc phát hiện, đề xuất các đối tượng là cán bộ, đoàn viên tiêu biểu trong công nhân được dự các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng ở các DNNQD còn nhiều lúng túng trong cách làm, chưa được sự thông hiểu của người sử dụng lao động
- Vì tính đặc thù của công nhân các DNNQD ở Bình Dương và Đồng Nai có xuất thân từ các vùng miền khác đến, công tác thẩm tra lý lịch phải mất nhiều thời gian, kinh phí mới có thể thực hiện được, nên việc xem xét kết nạp một số trường hợp còn kéo dài.
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khâu tuyên truyền giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động. Một bộ phận công nhân hiện nay chỉ lo làm ăn, thờ ơ với thời cuộc, chưa tích cực tham gia phong trào, hoạt động đoàn thể nên hệ tư tưởng kém. Mặc dù các đơn vị đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng các hình thức đó cũng chưa thu hút, chưa có sự hấp dẫn đối với người lao động.
- Chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể ở một số nơi không cao, chưa thật phong phú, nhất là hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên còn lúng túng cả về nội dung và phương thức; chưa hấp dẫn, chưa lôi cuốn đối với đảng viên, đoàn viên và người lao động. Có cấp ủy, chi bộ, ban chấp hành các đoàn thể chưa duy trì đều đặn sinh hoạt hàng tháng, có nơi hoạt động mang tính hình thức, vịn vào sản xuất kinh doanh, lệ thuộc nhiều vào giới chủ, an phận, thậm chí có nơi, có tổ chức đảng nhưng đảng viên còn nhận thức không muốn chuyển sinh hoạt đảng về, người lao động không muốn gia nhập tổ chức đoàn, hội sợ nhà đầu tư biết mình là đảng viên, đoàn viên, hội viên sẽ có thành kiến đối xử trong quá trình làm việc, biểu hiện tư tưởng an phận làm ăn, có thu nhập. Một số chi bộ, chi đoàn, chi hội chưa làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên mới. Vì vậy, tỷ lệ đảng viên, đoàn viên công đoàn, đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam so với lực lượng công nhân còn thấp. Có chi bộ, chi đoàn, chi hội nhiều năm liền không phát triển được đảng viên, đoàn viên, hội viên mới. Có thể nói, trong hoạt động của các đoàn thể còn nhiều yếu kém, gặp nhiều khó khăn. Nội
dung và phương thức hoạt động còn chậm cải tiến, chưa chủ động và thiếu mạnh dạn làm việc với giới chủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
- Một số tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể quần chúng ít quan tâm đến việc chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, nên để xảy ra các vụ đình công, lãn công hay phản ứng tập thể, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp và do đó làm cho công tác phát triển đảng viên gặp khó khăn. Từ năm 1998 - 2004, trên địa bàn hai tỉnh có đến 172 vụ tranh chấp, đình lãn công (69 vụ xảy ra ở Đồng Nai và 103 vụ ở Bình Dương), trong đó có 165 vụ xảy ra ở những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 7 vụ xảy ra ở những doanh nghiệp đầu tư trong nước. Thời điểm nóng nhất, ở Đồng Nai trong năm 2003 có 29 vụ đình công và phản ứng tập thể (21 vụ
đình công và
8 vụ phản ứng tập thể), 18 vụ xảy ra ở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới đi vào hoạt động và chưa có tổ chức công đoàn; ở Bình Dương chỉ trong vòng 5 tháng cùng kỳ, có 17 vụ tranh chấp đình lãn công ở các DNCVĐTNN. Trong đó, 100% số cuộc đình công không do công đoàn khởi xướng, lãnh đạo tổ chức, không tuân thủ trình tự pháp luật quy định. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động là do: tăng ca, giảm tiền lương, tiền thưởng, bồi dưỡng độc hại, kỷ luật lao động, chuyên gia nước ngoài có hành vi đối xử thô bạo với lao động Việt Nam. Việc chủ động xây dựng thương lượng với nhà đầu tư để ký kết thỏa ước lao động tập thể còn nhiều hạn chế (chiếm 19,81% so với tổng số doanh nghiệp). Tiền lương và thu nhập của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng nhìn chung còn thấp; việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân; trật tự an ninh, tệ nạn xã hội còn diễn ra phức tạp ở các KCN, các khu nhà trọ tự phát; đời sống văn hóa và tinh thần của người lao động còn nhiều bức xúc, nhiều nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, các dịch vụ khác. Còn nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được lực lượng tự vệ, đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp 100% VĐTNN chưa xây dựng được lực lượng tự vệ, trong đó có một số doanh nghiệp có tổ chức đảng cũng chưa thành lập được đội tự vệ như: Công ty Điện lực AMTA, Công ty Taekwang Vina, Công ty Bourbon (Big C),... Công tác tuyên truyền giáo dục, bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn lao động - phòng cháy chữa cháy ở một vài doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số vụ tai nạn
còn cao. Số vụ cháy lớn xảy ra làm thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động. Chỉ tính riêng 4 KCN ở thành phố Biên Hòa trong năm 2003 có 294 vụ tai nạn lao động, trong đó doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước 11 vụ, DNTN có 2 và DNCVĐTNN 181 vụ (không có vụ gây tai nạn chết người); 2 vụ cháy lớn (Công ty Interfood và Công ty Sợi Tainan); 50 vụ phạm pháp hình sự (chủ yếu là trộm cắp tài sản của các doanh nghiệp và gây rối trật tự công cộng) và 500 trường hợp vi phạm an toàn giao thông (trong đó có 9 vụ nghiêm trọng làm chết một người nước ngoài Công ty Tainan, bị thương 15 người). Doanh nghiệp nào có những vấn đề phức tạp nêu trên đều làm cho công tác phát triển đảng viên gặp rất nhiều khó khăn.
- Còn một số cấp ủy đảng, Ban thường vụ các đoàn thể quần chúng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của việc lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác này. Do vậy, việc xây dựng và thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng trong các doanh nghiệp còn chậm, một số doanh nghiệp đã có đủ số lượng đảng viên, đoàn viên, đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thành lập chi bộ, chi đoàn. Nhiều nơi tuy đã có tổ chức nhưng lúng túng trong hoạt động, vai trò lãnh đạo hạn chế; tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên trong các tổ chức quần chúng còn thấp.