- Dịch vụ in room dining – phục vụ ăn tại phòng 24/24h.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THU HÚT KHÁCH TỚI KHÁCH SẠN SHERATON HÀ NỘ
3.1. CHIẾN LƯỢC THU HÚT KHÁCH CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng xấu, làm giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu sẽ đạt con số 4,5 triệu lượt khách trong năm 2009.
Trước tình hình ảm đạm của kinh tế thế giới, lượng khách đến Việt Nam có khả năng suy giảm, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp để vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng trong năm 2009 đầy biến động. Ngành du lịch Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác các dự án du lịch trọng điểm, đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.
Để kích cầu và phát triển ngành du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phát động chương trình tour khuyến mãi giảm giá trong chương trình “Ấn tượng Việt Nam”. Chương trình đã được sự tham gia của 37 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 61 khách sạn 3 – 5 sao, 3 hãng vận chuyển và 14 cửa hàng mua sắm với cam kết giảm giá 30 – 50% cho 99 tour du lịch điển hình để thu hút khách quốc tế và thúc đẩy khách nội địa.
Nội dung chính của chương trình “Ấn tượng Việt Nam” là xây dựng một số tour du lịch khuyến mại dành cho cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Những khách du lịch khi mua những tour này sẽ được hưởng những dịch vụ với giá ưu đãi, bao gồm cả giá khách. Chương trình không nhằm hạ giá tràn lan mà chỉ là khuyến mại cho các khách mua những tour xây dựng riêng cho chương trình. Mục đích là hướng tới thu hút khách nội địa cũng như khách quốc tế từ một số thị trường trọng điểm Pháp, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga, Bắc Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chất lượng và thương hiệu của sản phẩm dịch vụ vẫn được đảm bảo. Đây chính là điểm đặc sắc, độc đáo của chương trình “Ấn tượng Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du Lịch sẽ hợp tác với các ngành như hàng không, ngoại giao, giao thông vận tải, truyền thông, hợp tác với các nước trong
khu vực và quốc tế tổ chức các hội thảo về du lịch đường bộ, du lịch đường biển, du lịch đường không và du lịch đường thủy. Tổng cục Du lịch cũng tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan truyền thông, các cơ quan báo chí trong nước để đẩy mạnh quảng bá cho các sản phẩm của chương trình. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động tuyên truyền thêm cho sản phẩm của mình. Như vậy sẽ tạo thành một chiến dịch rộng rãi tới các doanh nghiệp, trong ngành và toàn thể cộng đồng, hướng tới mục tiêu chung là kích cầu du lịch.
Song hành cùng chương trình giảm giá tour, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cũng sẽ khởi động chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp hơn về vẻ đẹp, chất lượng, sự bình yên và chi tiết chương trình khuyến mãi, giảm giá trên các phương tiện truyền thông. Hiện Cục hợp tác quốc tế cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá văn hoá và du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình KBS của Hàn Quốc, kênh VTV4 của Việt Nam và qua mạng Internet. Tổ chức mời các đoàn điền dã, thông tấn từ các thị trường Tây Âu, Đông Âu và Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước khối ASEAN … Theo dự kiến chương trình quảng bá này sẽ tập trung giới thiệu nét độc đáo của các di sản vật thể như vịnh Hạ Long, Sapa, đỉnh Phansipan, động Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An.
Trong thời điểm khó khăn này, chiến lược của ngành du lịch là thu hút khách ở thị trường gần như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…và những tỉnh ven biển Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục du lịch đã trao đổi với một số hãng hàng không, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, hướng dẫn viên, mua sắm, ăn uống cam kết đăng ký tham gia chương trình giảm giá nhằm tăng sức hút của ngành du lịch Việt Nam. Và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đưa ra một số đề nghị trình Thủ tướng Chính Phủ như giảm thuế VAT dịch vụ du lịch từ 10% xuống còn 5% cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ mua sắm và nhà hàng đăng ký tham gia khuyến mãi để tạo thêm cơ hội thành công cho chiến dịch hút khách du lịch Việt Nam 2009.
Tại Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2009) tháng 1/2009 vừa qua tại Hà Nội, Việt Nam nhận được những cam kết của các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia nhằm tăng dòng khách trao đổi giữa các nước. Cũng tại Diễn đàn này, đại biểu các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm và đi đến sự đồng thuận cao về việc xây dựng ASEAN trở thành điểm đến chung và xây dựng ngành du lịch ASEAN năng động. Diễn đàn này hứa hẹn một năm du lịch đầy triển vọng và thành công đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thông qua các chiến lược trên, ngành du lịch Việt Nam hy vọng sẽ ngăn chặn được sự suy giảm của ngành du lịch đồng thời tạo cơ hội mới để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển hơn.