Với vị trí là trung tâm văn hóa lớn của cả nước; nơi hội tụ, kết tinh, toả sáng các giá trị văn hoá mấy ngàn năm của dân tộc, Thành uỷ Hà Nội đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 04-5-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành uỷ ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 04-8-2006 Về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2006 - 2010.
Thành uỷ đã xây dựng các chương trình công tác, xác định các cụm công trình trọng điểm, những công việc cần tập trung chỉ đạo. Chương trình và các hoạt động kỷ niệm được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Các công trình, dự án trọng điểm được chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, nhiều công trình hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng ca ngợi, tôn vinh giá trị truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến được sáng tác. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch có nội dung phong phú, đa dạng của Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước với chủ đề chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được phối hợp tổ chức thành công, khơi dậy và tạo được phong trào rộng khắp trong quần chúng nhân dân Thủ đô về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Kết quả thực hiện các chương trình hoạt động kỷ niệm đã góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu truyền thống, hình ảnh của Thành phố và con người Thủ đô tới bạn bè trong và ngoài nước.
Tháng 10-2010, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV (Đại hội đầu tiên sau khi hợp nhất) đề ra những tư tưởng chỉ đạo cơ bản đối với công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá trên địa bàn Thủ đô:
Thứ nhất, quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn về đầu tư nguồn lực tài chính và con người để sự nghiệp phát triển văn hóa chuyển biến rõ nét, tạo nên tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho những nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Hà Nội thấm sâu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Thực hiện phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu; tăng cường tính tự quản của cộng đồng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ý thức tự giác của nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhất là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; ngăn chặn, đầy lùi hủ tục và các tệ nạn xã hội. Coi trọng vai trò của gia đình trong giáo dục thế hệ trẻ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô và dân tộc. Phấn đấu nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) của Hà Nội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố tới cơ sở, đặc biệt là nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí ở khu dân cư. Từng bước thu hẹp khoảng cách đời sống văn hóa giữa các địa bàn dân cư, giữa đô thị và nông thôn vùng xa trung tâm. Phát triển các hoạt động, dịch vụ văn hóa hợp lý. Làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Thứ tư, phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; quan tâm phát huy tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trên địa bàn Thủ đô. Khuyến khích sáng tạo đi đôi với đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của trí thức, văn nghệ sỹ; tôn trọng sự tìm tòi những phong cách nghệ thuật và phương thức thể hiện mới, đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng. Tăng cường định hướng bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đổi mới hơn nữa cơ chế đầu tư sáng tác thẩm định, trao giải thưởng các tác phẩm văn học - nghệ thuật của Thủ đô.
Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nâng cao dân trí, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ bưu chính viễn thông, internet...nhằm phát
huy mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Phấn đấu để Hà Nội trở thành một trung tâm mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, bồi đắp, phát huy những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội, với những tiêu chí cơ bản: có phẩm chất, đạo đức tốt, trách nhiệm, tâm huyết, thanh lịch, văn minh, trung thực, tự trọng, nhân ái, nghĩa tình, ứng xử có văn hóa, có tri thức, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách của con người mới; luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
Thứ bảy, phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, với nội dung thiết thực và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tấm gương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu; tập trung xây dựng nâng cao chất lượng và nhân rộng những mô hình văn hóa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút và sử dụng nhân tài; khuyến khích, tôn vinh những người có đóng góp lớn về khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội, Thành uỷ đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 18-10-2011 về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, Chương trình đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá - xã hội; 6 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, 3 giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đặc biệt 3 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Chương trình của Thành uỷ nêu rõ: Đổi mới phương thức tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng văn hoá, hệ thống thiết chế văn hoá; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hoá; phát
triển văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng môi trường văn hoá; xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới; xây dựng nền thể dục thể thao tiên tiến; tăng cường giao lưu, hợp tác về văn hoá...
Quán triệt chủ trương của Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố đã có nhiều văn bản để cụ thể hoá nghị quyết Đại hội lần thứ XV và Chương trình số 04-CTr/TU như Chỉ thị số 38/2009/CT-UBND ngày 31-12-2009 về tăng cường công tác quản lý đại lý internet, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2011 về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 4641/QĐ-UBND ngày 17-10-2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hoá Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Quy hoạch phát triển văn hoá Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 đề ra 5 mục tiêu cơ bản là:
- Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại, phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc. - Xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa hiện đại, mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.
- Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng đáng với truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, xây dựng những giá trị mới làm nền tảng tinh thần cho xã hội. Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, phát huy sự đa dạng bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa.
- Khai thác năng lực, tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, tính sáng tạo của tri thức, văn nghệ sỹ, tài năng văn hóa nghệ thuật. Nâng cao
mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, phấn đấu xây dựng các câu lạc bộ, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Đa dạng hóa công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, hình thành các doanh nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp giải trí gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết du lịch, dịch vụ với văn hóa tạo điều kiện để Hà Nội trở thành một trong những địa bàn phát triển các ngành dịch vụ văn hóa.
Quy hoạch nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống (giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể), gắn liền với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa của khu vực và quốc tế. Tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa ở các khu vực đặc thù trên địa bàn Thủ đô, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra đối với các hoạt động văn hóa. Phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô một cách toàn diện, phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao, góp phần bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của người Hà Nội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa. Rà soát, bổ sung các văn bản quy định về cơ chế, chính sách văn hóa ở Thủ đô phù hợp với yêu cầu mới của thiết chế và nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của nhân dân. Đẩy mạnh giao lưu và hợp tác về văn hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và Thủ đô các nước trên thế giới để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tăng cường hệ thống các thiết chế văn hóa và phát triển các lĩnh vực văn hóa.
Để Quy hoạch phát triển văn hoá Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 thực hiện có kết quả cao, Quy hoạch nhấn mạnh giải pháp đổi mới,
nâng cao hiệu quả, chất lượng lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trên lĩnh vực văn hoá.