Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển văn hóa

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện chương mỹ, thành phố hà nội lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa từ năm 1998 đến năm 2013 (Trang 27 - 30)

phát triển văn hóa

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa bắt nguồn và dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là toàn bộ những quan điểm có tính chiến lược để chỉ đạo lĩnh vực văn hoá, hoạt động văn hoá trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam; đó cũng là quá trình đổi mới nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của văn hoá trong sự nghiệp cách mạng.

Các mốc lớn, cơ bản của quá trình đó là: Tháng 3-1943, Đảng ta thông qua Đề cương về văn hoá Việt Nam - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hoá - trực tiếp nêu ra một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng đối với lĩnh vực văn hoá văn nghệ với các nguyên tắc “dân tộc hoá”, “đại chúng hoá”, “khoa học hoá”. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quan điểm của Đảng về văn hoá tập trung chủ yếu ở một số văn kiện và báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam (7-1948) của Tổng Bí thư Trường Chinh. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), quan điểm của Đảng về văn hoá được thể hiện ở một số văn kiện đã xác định đi đôi với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về kinh tế cần phải đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hoá, kỹ thuật; trong đó nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hoá nghệ thuật có nội dung xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội lần thứ III (1960), Đảng đề ra mục tiêu xây dựng nền văn hoá, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, trước hết là ở miền Bắc. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Đại hội lần thứ IV (1976) mục tiêu văn hoá được Đảng đề ra là xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Tại Đại hội lần thứ VII (1991), Báo cáo Chính trịCương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên

tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tháng 01-1993, Hội nghị Trung ương 4 (khoá VII) đã thảo luận, ra Nghị quyết Về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” [11, tr. 178]. Đại hội Đảng lần thứ VIII (6-1996) chỉ rõ: “Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội” [19, tr.111].

Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tháng 7-1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã thảo luận và ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sau khi đánh giá thực trạng văn hoá nước ta bao gồm khái quát những thành tựu, mặt yếu kém và nguyên nhân, Nghị quyết đã xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp lớn xây dựng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới. Nghị quyết đề ra 5 quan điểm chỉ đạo là:

- Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Nền văn hoá mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

- Văn hoá là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Nghị quyết nêu lên 10 nhiệm vụ cụ thể là: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa đối với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; củng cố, xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa. Trong những nhiệm vụ đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ cấp bách đến năm 2000 là phải đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá lành mạnh trong xã hội.

Nghị quyết đề ra 4 giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa là: Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách liên quan đến văn hóa; tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa.

Ngày 12-8-1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá VIII. Chỉ thị yêu cầu: Các cấp uỷ, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cần tập trung lãnh đạo việc quán triệt nội dung Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; rà soát các chính sách, văn bản, quy định để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Ngày 17-9- 1998, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII).

Những quan điểm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) tiếp tục được Nghị quyết Đại hội IX (năm 2001), Kết luận Hội nghị Trung

ương 10, Khóa IX (năm 2004), Nghị quyết Đại hội X (năm 2006), Nghị quyết Đại hội XI (năm 2011) bổ sung, phát triển; tiếp tục xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, chăm lo phát triển văn hoá chính là tạo động lực phát triển đất nước: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” [23, tr.75].

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện chương mỹ, thành phố hà nội lãnh đạo xây dựng và phát triển văn hóa từ năm 1998 đến năm 2013 (Trang 27 - 30)