phát triển văn hóa từ năm 1998 đến năm 2008
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 12-8-1998 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 19-9-1998 của Tỉnh uỷ Hà Tây về việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII); Huyện uỷ Chương Mỹ ban hành Kế hoạch số 24-KH/HU ngày 18-10-1998 tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) theo hai bước:
- Bước một: Thông báo nhanh tinh thần Nghị quyết cho hơn 230 cán bộ chủ chốt, báo cáo viên của huyện và cơ sở, trên 12.000 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn huyện. Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn tăng thời lượng giới thiệu nội dung Nghị quyết. Huyện uỷ yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến thôn, xóm, khu phố thông qua công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: hệ thống cổ động trực quan, nói chuyện, hội nghị sinh hoạt, giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ thơ ca, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, cuộc thi để tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân.
- Bước hai: Tổ chức nghiên cứu sâu Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, đảng viên của toàn đảng bộ huyện, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học, bệnh viện, trạm y tế gắn với thảo luận, xây dựng Chương trình hành động của các cấp, các ngành. Mỗi chi bộ khi xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân địa phương hoặc tập thể cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan, đơn vị trước khi thảo luận, quyết định và phân công đảng viên theo dõi, phụ trách từng công việc trong quá trình thực hiện. Đến ngày 20-11- 1998, đã có 100% tổ chức cơ sở Đảng với 6.097 đảng viên (93,6% tổng số đảng viên), 2.245 cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa là đảng viên ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn toàn huyện đã được quán triệt Nghị quyết, thảo luận Chương trình hành động của cơ quan, đơn vị mình. Ngày 18-10-1998, Huyện uỷ ban hành Chương trình hành động số 23- CTr/HU Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Đánh giá thực trạng văn hoá của huyện trên một số lĩnh vực chủ yếu, Chương trình của Huyện uỷ khẳng định những kết quả chính đã đạt được: Tư tưởng, đạo đức, lối sống có chuyển biến tích cực, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào kết quả công cuộc đổi mới. Nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức được hình thành. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ phát triển, góp phần nâng cao dân trí, trình độ học vấn của nhân dân, tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Môi trường văn hoá, nhất là xây dựng
nếp sống văn hoá ở cộng đồng dân cư được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Hoạt động văn hoá - văn nghệ, thông tin tuyên truyền cổ động góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình của Huyện uỷ cũng nêu ra những hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá cần phải khắc phục là: một số ít cán bộ, đảng viên, nhân dân giảm sút lòng tin, thờ ơ về chính trị, nảy sinh lối sống thực dụng, cá nhân, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, làng văn hoá phát triển chậm, các thiết chế văn hoá, thể thao chưa được đầu tư đúng mức; đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; việc giáo dục đạo đức, thể chất cho học sinh còn hạn chế.
Chương trình số 23-CTr/HU xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, xây dựng con người: Coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng những quy định, quy chế, nội quy cụ thể ở từng cấp, từng ngành để ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; đấu tranh loại bỏ những hủ tục, tệ nạn xã hội; phát động các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hai là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh (trong gia đình, làng xóm, công sở, nơi công cộng, trong phát triển kinh tế - xã hội). Việc bình xét các danh hiệu văn hoá phải bảo đảm đúng quy chế, đúng “thực chất”, không chạy theo số lượng đơn thuần. Môi trường văn hoá ở khu dân cư, ở cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện phải là nơi giáo dục nhân cách con người; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng gia đình gương mẫu xây dựng nếp sống văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và
mừng thọ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; xây dựng kế hoạch phát triển
kinh tế phải gắn liền với các vấn đề xã hội.
Ba là, tăng cường nguồn lực cho văn hoá: củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, hệ thống tổ chức ngành văn hoá từ huyện đến cơ sở; khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; khai thác tiềm năng, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ sự nghiệp văn hoá hiện có; từng bước đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh, hệ thống các thiết chế văn hoá nhất là ở khu dân cư; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hoá, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hoá.
Đây là lần đầu tiên Huyện uỷ Chương Mỹ có một chương trình thể hiện ý thức, nhận thức, chủ trương khá toàn diện, sâu sắc, cụ thể về xây dựng và phát triển văn hoá.
Ngày 21-10-1998, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 259/KH-UB về thực hiện Chương trình hành động trên của Huyện uỷ. Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ:
Một là, xây dựng con người với 5 đức tính xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Gắn xây dựng con người với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, xây dựng môi trường văn hoá trong cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học. Uỷ ban nhân dân huyện kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động nếp sống văn hoá thành Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, giao chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá cho từng xã, thị trấn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 87/CP, 88/CP của
Chính phủ về tăng cường quản lý văn hoá, phòng chống các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh thực hiện chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-01-1998 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 19-01-1998 của Tỉnh uỷ, Quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức hội nghị, họp mặt, kỷ niệm truyền thống.
Ba là, phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin, văn học - nghệ thuật.
Bốn là, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá.
Năm là, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Sáu là, phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng.
Bảy là, chăm lo phát triển lĩnh vực văn hoá tôn giáo.
Tám là, củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hoá, tăng cường nhân lực, nguồn đầu tư cho văn hoá, thể thao từ huyện đến cơ sở.
Ngày 05-5-1999, Huyện ủy Chương Mỹ ban hành Thông tri số 04- TT/HU Về tiếp tục đổi mới việc cưới, việc tang và lễ hội. Nội dung Thông tri quy định một số điểm rất cụ thể trong đám cưới như: không dùng nhạc sống, không hút thuốc lá, tổ chức gọn trong một ngày; trong việc tang như bỏ tục lăn đường, rắc vàng mã, không làm cỗ mời khách.
Ngày 12-10-1999, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Kế hoạch số 63- KH/HU chỉ đạo tiến hành sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, gắn với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khoá VIII), bước đầu đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn của Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII).
Tháng 11-2000, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2000- 2005) đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX: Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm; đời sống nhân dân từng bước cải thiện. Chất lượng dạy và học nâng cao, chú trọng phát triển toàn diện; riêng hệ phổ thông, số học sinh tăng 15,4% so với đầu nhiệm kỳ; giữ vững phổ cập tiểu học và xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Công tác văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: “Toàn huyện đã có 75 làng xây dựng quy ước làng văn hóa, trong đó có 16 làng được công nhận làng văn hóa, chiếm 9% so với tổng số làng, trên 22 nghìn gia đình được công nhận gia đình văn hóa chiếm 44,8%” [45, tr. 300]. Hệ thống Đài truyền thanh huyện và truyền thanh cơ sở được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng nội dung chương trình phát sóng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của huyện để tuyên truyền đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, nhất là thể thao truyền thống (đua thuyền, vật dân tộc…). Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thân thể thu hút hàng vạn người tham gia, nhiều địa phương trở thành phong trào của quần chúng; nhiều vận động viên tham gia ở tỉnh và quốc gia; 100% xã, thị trấn quy hoạch đất cho sân thể thao, trong đó 24 đơn vị đã có quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đại hội cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm: Về xã hội nổi lên là việc làm cho người lao động chưa đáp ứng, kể cả số có học vấn, có bằng cấp và ở lứa tuổi trẻ. Công tác xóa đói giảm nghèo chưa đạt mục tiêu. Công tác tổ chức bộ máy và một số tồn tại trong ngành giáo dục chậm được khắc phục, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân có mặt hạn chế. Công tác bảo hiểm y tế chưa thuận tiện và kịp thời. Việc xét và đề nghị công nhận làng văn hóa, gia đình văn hóa chưa thật chặt chẽ, dân chủ nên tính giáo dục thuyết phục
chưa cao. Tệ nạn xã hội nhất là tệ cờ bạc, mại dâm, nghiện hút, tình trạng suy thoái về đạo đức ở một bộ phận thanh niên đang là vấn đề quan tâm. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, nâng cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch còn hạn chế. Đại hội đề ra mục tiêu chủ yếu của lĩnh vực văn hóa đến năm 2005 là “Phấn đấu có 60% trở lên số làng xây dựng quy ước đăng ký làng văn hóa, có từ 25 - 30% số làng được công nhận làng văn hóa; 60% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa” [45, tr. 266].
Về nhiệm vụ, giải pháp, Đại hội nhấn mạnh: Quan tâm sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và trách nhiệm phẩm chất của thầy giáo, cô giáo; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, đài phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã thị trấn; đưa văn hóa thông tin về cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe nhân dân. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn minh, đổi mới việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội.... Đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể ở mọi lứa tuổi, đầu tư phát triển năng khiếu vận động viên tham gia các giải thể thao của tỉnh, Trung ương, tập trung vào các môn: vật tự do, vật cổ điển, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, bơi chải. Bảo tồn, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng, trước mắt triển khai dự án khu du lịch chùa Trầm với phương châm vừa đầu tư, vừa khai thác, thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh về du lịch.
Ngày 06-7-2001, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành Chỉ thị số 12/CT- UB về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn minh theo tinh thần Nghị quyết của Hội
đồng nhân dân tỉnh Hà Tây. Ngày 11-01-2002, Hội đồng nhân dân huyện (khoá XVI, kỳ họp thứ 8) đã ban hành Nghị quyết số 05/2002/NQ-HĐND16
Về việc xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2002 - 2005. Ngày 27-3-2003, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành Chỉ thị số 10-CT/UB và Kế hoạch số 18/KH-UB thực hiện Quy chế công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2003/NQ-HĐ13 ngày 17-01-2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tây.
Ngày 28-4-2003, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào yêu nước và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Nghị quyết xác định cuộc vận động này là giải pháp thiết thực góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đề ra mục tiêu đến năm 2005 toàn huyện có 85% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến.
Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX), Huyện ủy ban hành Chương trình số 20-CTr/HU ngày 30-8-2004 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) trên địa bàn huyện, Chương trình của Huyện uỷ khẳng định:
Thông qua thực hiện Nghị quyết, nhận thức về xây dựng và phát triển văn hoá của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện được nâng lên; tất cả các lĩnh vực liên quan đến văn hoá, giáo dục đào tạo đều chuyển biến tích cực, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” [33, tr. 01].
- Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền