Trong những năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, Nhật Bản liên tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Theo đại diện của JICA, tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA trong những năm qua ngày càng tiến bộ, nhờ vào các cải cách từ phía Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, mức độ giải ngân các dự án ODA Nhật Bản thường khác nhau:
Các dự án hỗ trợ kỹ thuật thường có mức giải ngân cao (chủ yếu là chi cho chuyên gia, mua sắm thiết bị và đào tạo).
Các dự án đầu tư xây dựng thường giải ngân chậm vì mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện như: Đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục về đầu tư xây dựng, đấu thầu…
Nhìn chung, việc giải ngân các dự án ODA Nhật Bản của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ giải ngân đạt 64% so với tổng
mức ODA giải ngân của toàn dự án tính đến hết năm 2012. Điều này là do một số tồn tại, khó khăn như:
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa thực sự đồng bộ, thiếu nhất quán, chưa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Hầu hết các văn bản pháp quy về thu hút, quản lý và sử dụng ODA đều mang tính chất chung chung, không có văn bản nào quy định cụ thể nào đối với các nhà tài trợ riêng biệt.
Hơn thế nữa, trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó. Chính vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tiếp cận và giải ngân nguồn vốn cho các dự án ODA tại Việt Nam nói chung và tại Quảng Ninh nói riêng. Điều này đã dẫn tới những ách tắc làm chậm tiến độ chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án ODA, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này. Thực tiễn cho thấy, những thay đổi thường xuyên về chế độ, chính sách trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản đã dẫn đến nhiều dự án phải điều chỉnh trong khi các quy định về điều chỉnh dự án còn nhiều phức tạp.
Ví dụ như dự án cầu Bãi Cháy, việc giải ngân cho nhà thầu, nhất là khối lượng phát sinh trong quá trình thi công chưa được xử lý kịp thời do các khúc mắc trong chính sách. Tại các gói thầu BC1 và BC3, khối lượng phát sinh từ công tác đào đá và bảo vệ mái dốc của hợp đồng rất lớn, với giá trị ước tính trị giá 57 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị hợp đồng. Do yêu cầu tiến độ dự án, mặc dù không đủ cơ sở pháp lý để thi công, các nhà thầu vẫn tập trung cao độ phương tiện, thiết bị, lao động để thực hiện khối lượng phát sinh nhưng việc phê duyệt các lệnh thay đổi, hồ sơ thiết kế và và giá rất chậm.
Mặt khác, mặc dù giữa Quảng Ninh - Việt Nam và các nhà tài trợ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hài hoà quy trình, thủ tục, song vẫn còn tồn tại các khác biệt giữa các bên, đặc biệt trong lĩnh vực đấu thầu, chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đánh giá tác động môi trường... Khi dự án chưa triển khai đúng theo kế hoạch, đồng nghĩa với việc giải ngân
nguồn vốn ODA cũng không thể đáp ứng được kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, một vấn đề nổi cộm là nhiều nhà thầu nước ngoài khi thi công các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nói chung ở nước ta còn tỏ ra yếu kém về năng lực, không tương xứng với hồ sơ khi bỏ thầu các dự án. Điều này làm cho tình trạng giải ngân vốn ODA cho các dự án của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ninh trì trệ kéo dài và kém hiệu quả.
Thêm vào đó, thời gian chuẩn bị dự án và chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài, bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước cụ thể về ODA thường mất khoảng từ 2-3 năm, dẫn đến việc dự án phải điều chỉnh thiết kế, thay đổi phương án thi công, công nghệ dự kiến, tổng mức đầu tư thay đổi do biến động về giá cả và chi phí giải phóng mặt bằng tăng…
Quy trình thành toán nguồn vốn ODA cũng rất phức tạp và qua rất nhiều “cửa” như các bộ phận của Ban quản lý dự án, xong đến Kho Bạc, Bộ Tài Chính, Ngân hàng tiền mới có thể về được tài khoản nhà thầu. Một số nhà thầu không thể nắm bắt hết được quy trình thanh toán này nên công tác thanh toán giải ngân cũng rất hay bị chậm trễ.