2 CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU SỬ DỤNG ĐẤT TRONG NỘI BỘ ĐẤT NÔNG
4.2.2.2. Kiện toàn bộ máy Quản lý nhà nước về đất nông nghiệp
Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh Hưng Yên hiện được xem là thiếu và chưa thực sự mạnh cả về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Chính quyền các cấp của tỉnh cần tăng cường công tác kiện toàn công tác cán bộ làm thay đổi nhận thức của công chức thực hiện QLNN về đất đai.
Đối với công tác nhân sự cần công khai các tiêu chuẩn thi tuyển công chức, thi tuyển các chức vụ QLNN, các tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác, khen thưởng kỷ luật phải rõ ràng, khoa học. Sau đó cần được công bố rộng rãi để mọi người biết, phấn đấu, đánh giá và kiểm tra. Cần thường xuyên tiến hành đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên để uốn nắn kịp thời những sai phạm. Kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống quản lý những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách phẩm chất trình độ.
Coi việc tuyên truyền giáo dục cán bộ đảng viên sống và làm việc theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên. Từ đó, phấn đấu không để xẩy ra hiện tượng cán bộ QLNN vi phạm tiêu cực trong quản lý đất đai, tập huấn, đào tạo
nghiệp vụ cũng như việc kiểm tra chặt chẽ Quản lý nhà nước về đất đai, tạo hệ thống kênh thông tin ngắn nhất trong QLNN về đất đai giữa các cấp quản lý.
Một trong những biện pháp thiết thực và mang lại hiệu quả là cần tập trung cũng cố và hoàn thiện bộ máy QLNN về đất đai của cấp xã, phường, thị trấn. Bởi vì, khi nói đến QLNN về đất, thì không thể không nói đến quản lý của chính quyền cơ sở. Đất đai gắn liền địa bàn xã, phường, thị trấn và được sử dụng sinh lợi từ địa bàn cơ sở. Chính quyền phường, là người đại diện cho Nhà nước tại địa phương và thường trực, trực tiếp thực hiện việc giám sát theo dõi mọi hoạt động sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hàng ngày. Người ta không thể quản lý tốt về đất đai ở một địa bàn cụ thể nào đó mà ở đấy chính quyền cơ sở yếu kém về năng lực, có nhiều tiêu cực. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền cơ sở vững mạnh, thì nơi đó thường không để xẩy ra các bê bối trong Quản lý nhà nước về đất đai, cũng như các vụ kiện cáo tranh chấp đất đai kéo dài. Các mối quan hệ về đất đai chủ yếu phát sinh từ cơ sở, về mặt xã hội đất đai gắn liền với các khái niệm về “lãnh thổ”, “địa phận”, “địa chỉ”, gắn liền với lịch sử phát triển của đơn vị hành chính như phường, phố... Do vậy, cần quan tâm, đầu tư thích đáng cả về lượng và chất đối với chính quyền cấp cơ sở.
Tiếp tục rà soát các chức năng nhiệm vụ của các phòng ban, đơn vị cá nhân để có thể phân công phân nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận trong bộ máy, giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra các vi phạm trong quản lý. Thực hiện tốt việc phân cấp phân quyền trong quản lý theo nguyên tắc: Công việc của đơn vị nào, cấp nào giải quyết tốt hơn thì giao cho đơn vị đó, cấp trên chỉ tập trung hướng dẫn và tăng cường kiểm tra giúp đỡ cấp dưới thức hiện.
Tập trung đào tạo bồi dưỡng chuyên môn QLNN về đất đai cho cán bộ quản lý nhà nước về đất đai, cán bộ chủ chốt của xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nghiệp vụ. Chăm lo giáo dục tư tưởng, vật chất, đời sống cho cán bộ, quy định chế độ khen thưởng và kỷ luật rõ ràng. Kiên quyết loại bỏ các cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi bộ máy QLNN về đất đai.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ở các cấp chính quyền đặc biệt chính quyền cơ sở, xây dựng cơ chế Cấp ủy Đảng và chính quyền cùng chịu trách nhiệm theo chức năng và nhiệm vụ được giao, nếu để xảy ra các sai phạm yếu kém trong Quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Tăng cường sự giám sát thi hành pháp luật của các cơ quan HĐND các cấp bằng các chương trình giám sát với các nội dung cụ thể. Cần có những biện pháp để kiểm tra trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan kiểm tra, giám sát, công bố kết quản công khai để mọi người dân cùng biết, tránh tình trạng không có ai, cơ quan nào kiểm tra đối với các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát; vận động sự tham gia QLNN về đất đối với các tổ chức đoàn thể, người dân làm tốt việc thực hiện Nghị định về quy chế dân chủ tại địa phương. Tiếp tục chỉ đạo triển khai cải cách hành chính theo hướng thủ tục rõ ràng đơn giản, tránh tình trạng "một cửa" nhiều "khóa".
Những công tác bị ứ đọng từ trước như: một số giấy chứng nhận còn chưa cấp, một số hộ chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nợ tài chính phải được tỉnh quan tâm chỉ đạo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn thửa, đổi ruộng kết quả đạt được chưa cao vì vậy cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền; Cán bộ, công chức Phòng Địa chính các huyện cần tích cực giúp UBND cấp huyện chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.