Lịch sử hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Phát triển vận tải hàng không của pháp và bài học cho VN (Trang 32 - 34)

Lịch sử của ngành hàng không Pháp mở ra vào ngày 8/8/1908, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên và các quan chức Pháp tại Le Mans, Wilbur Wright đã trèo lên chiếc máy bay của mình và cất cánh bay hàng giờ liền. Ngày 4/9/1911, Roland Garros – người được xem là tiên phong trong ngành hàng không Pháp đã lần đầu tiên bay vượt Địa Trung Hải trên chiếc Blériot XI ở độ cao 3910 mét.

Năm 1919 đánh dấu sự ra đời của vận tải hàng không thương mại quốc tế với chuyến bay đầu tiên chuyên chở 10 hành khách giữa Paris và London. Đó cũng là năm Công ước Paris được kí kết, mỗi quốc gia có quyền kiểm soát vùng trời trên lãnh thổ của mình. Từ đó các chuyến bay thương mại tăng dần cả về số lượng và khối lượng chuyên chở, thúc đẩy thương mại và du lịch quốc tế phát triển. Đến tháng 5 năm 1930, phi công người Pháp Jean Mermoz lần đầu tiên thực hiện dịch vụ đưa thư bằng máy bay vượt qua Đại Tây Dương từ Senegal sang Brazil với 21 giờ bay. Từ đó, dịch vụ vận chuyển thư từ bắt đầu hoạt động.

Các chuyến bay thương mại của hàng không Pháp ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng. Đến ngày 7/10/1933, hãng hàng không Air France được thành lập thông qua việc sáp nhập các hãng Air Orient, Compagnie Générale Aéropostale, Société Générale de Transport Aérien (SGTA, công ty hàng không đầu tiên của Pháp, thành lập với tên Lignes Aériennes Farman năm 1919), Air Union và CIDNA (Compagnie Internationale de Navigation). Sau Chiến tranh Thế giới II, hãng Air France đã bị quốc hữu hóa thành hãng hàng không quốc gia Pháp thông qua một đạo luật của quốc hội.

Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong những giai đoạn tiếp theo của lịch sử hàng không Pháp với việc lập ra các tổ chức, các cơ quan liên quan đến vận tải hàng không như vào tháng 9 năm 1945, thành lập Ban thư ký Hàng không

dân dụng và thương mại (Secrétariat général de l’aviation civile et commerciale – SGACC), ngày 21/11/1945, trung tâm điều hành khu vực đầu tiên được xây dựng. Tháng 8 năm 1947, Pháp ban hành quy định đầu tiên liên quan đến vận tải hàng không. Từ sau năm 1948, các hãng hàng không sử dụng ngày càng rộng rãi máy bay cánh quạt và nhanh chóng mở rộng mạng lưới của họ, tuy nhiên khả năng điều hành bay, kiểm soát không lưu vẫn còn kém, các phương tiện và trang thiết bị còn rất hạn chế. Đến năm 1953, hệ thống điều hành hỗ trợ cho máy bay mới bắt đầu xuất hiện ở Pháp, và đến năm 1954, hệ thống radar đầu tiên được thiết lập và đi vào hoạt động ở sân bay Orly. Năm 1958, những chiếc máy bay phản lực đầu tiên đã được đưa vào sử dụng ở Pháp là Boeing 707 và Caravelle.

Những năm 1960, ngành hàng không Pháp có sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ kỹ thuật cả trong công tác điều hành bay ở mặt đất và công tác điều hành trên những chuyến bay, giúp cho ngành vận tải hàng không thuơng mại của Pháp mở rộng cả về quy mô hoạt động, và tăng độ cao của kiểm soát không phận. Trong hệ thống điều hành bay ở mặt đất, hệ thống kiểm soát không lưu được trang bị hệ thống máy tính và công nghệ thông tin hiện đại hơn. Trong những năm này, hàng không Pháp có 2 sự kiện nổi bật đó là việc sử dụng rộng rãi hệ thống radar điều khiển và hệ thống điều khiển tự động bắt đầu đi vào hoạt động.(DGAC, 2007)

Trong hai thập niên từ 1970 – 1990, vận tải hàng không Pháp đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng không ổn định. Từ năm 1970 đến 1979, vận tải hàng không tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 6% (DGAC, 2007). Từ năm 1979 đến 1985, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ nên tốc độ tăng trưởng gần như bằng không. Và từ năm 1986, vận tải hàng không Pháp lại bắt đầu hồi phục. Trong khoảng thời gian này, việc sử dụng rộng rãi hệ thống radar cùng với hệ thống công nghệ thông tin máy tính hiện đại hơn cho phép ngành vận tải hàng không gia tăng khối lượng vận chuyển đồng thời mức độ an toàn các chuyến bay được đảm bảo hơn.

Từ những năm 1990 trở đi, vận tải hàng không Pháp không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu đáng nể. Nằm ở cửa ngõ của châu Âu và là một chiếc cầu nối với đại lục đen - châu Phi, Pháp có một vị trí thuận lợi cho ngành giao thông

vận tải nói chung cũng như ngành hàng không nói riêng. Ngành vận tải hàng không Pháp phát triển một cách mạnh mẽ và trở thành ngành công nghiệp quan trọng không chỉ với nước Pháp mà còn đối với sự phát triển và thương mại của cả châu Âu. Pháp là quốc gia điều khiển nhiều chuyến bay nhất ở châu Âu, trong vòng 30 năm, khả năng điều hành bay của hàng không Pháp tăng lên 3 lần với việc điều hành khoảng 3.000.000 chuyến bay. Vào tháng 5/2004, Air France đã mua lại công ty KLM của Hà Lan, tạo ra hãng mới Air France KLM. Đến năm 2008, Air France – KLM trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới về mặt doanh thu hoạt động, lớn thứ 3 thế giới (lớn nhất châu Âu) về lượng hành khách - kilomet vận chuyển.

Một phần của tài liệu Phát triển vận tải hàng không của pháp và bài học cho VN (Trang 32 - 34)