Quan tâm đến phát triển bền vững – bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Phát triển vận tải hàng không của pháp và bài học cho VN (Trang 49 - 50)

Cục hàng không dân dụng Pháp DGAC đã đưa ra chương trình phát triển bền vững vận tải hàng không với hai trong ba mục tiêu hàng đầu liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đó là: chống lại sự biến đổi khí hậu và giảm tất cả những tác hại liên quan đến vận tải hàng không mà đặc biệt là tiếng ồn vào ban đêm. DGAC là cơ quan có nhiệm vụ hàng đầu trong vấn đề giảm thiểu những tác động của ngành vận tải hàng không đối với môi trường. Trong những năm vừa qua, DGAC đưa ra những biện pháp, những quy định như là hạn chế hoạt động vào ban đêm bao gồm việc cấm hoạt động những máy bay gây ồn ào nhất ở một số sân bay, giám sát thường xuyên để đảm bảo các hãng hàng không luôn thực hiện đúng những quy định về môi trường, trong trường hợp vi phạm thì Cơ quan kiểm soát tiếng ồn sân bay (Autorité de contrôle des nuisances sonores aéroportuaires - ACNUSA) sẽ áp dụng các hình thức xử phạt. Đặc biệt, hàng năm DGAC đều có một bản báo cáo về môi trường, trong đó nêu thực trạng môi trường, những tác động của vận tải hàng không đối với môi trường và phương hướng cũng như những giải pháp để điều chỉnh.

Liên quan đến việc giảm ô nhiễm âm thanh, tiếng ồn của vận tải hàng không, các chuyên gia kiểm định âm thanh của DGAC làm việc trong khuôn khổ ICAO để phát triển một chương trình 3 năm về chứng nhận tiêu chuẩn âm thanh máy bay. Công việc này đã được hoàn thành vào tháng 2 năm 2010. DGAC cũng liên tục cập nhật các tiêu chuẩn về âm thanh dựa trên những hướng dẫn về kỹ thuật có liên quan. Trong năm 2010, Cục hàng không Pháp đã tiến hành một số nghiên cứu về chương trình mới cho các sân bay của Bordeaux, Marseille, Nice, Cannes, sân bay Mole Saint Tropez. Chương trình này sẽ giảm thiểu được số người phải chịu mức tiếng ồn trên 65dB (ngưỡng tiếng ồn của một cuộc trò chuyện thông thường). Cũng trong năm 2010, DGAC đã vận động đo lường tiếng ồn xung quang sân bay Marseille và sẽ tiến hành ở các sân bay khác để có những phương pháp điều chỉnh, giảm thiểu tiếng ồn của vận tải hàng không gây khó chịu đối với người dân. Trong diễn đàn môi trường Grenelle, dự án tăng độ cao của các chuyến bay khi đến khu vực Paris đã được thông qua. Dự án này chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 là năm 2008, tiến hành đối với những chuyến bay về ban đêm đến Paris-Le Bourget; năm 2010 sẽ là giai đoạn 2, liên quan đến việc tăng độ cao từ 900 đến 1200 mét đối với những máy

bay có điểm đến là sân bay Paris-Orly, khi đó tiếng ồn trên mặt đất sẽ giảm từ 3 đến 4 dB trong bán kính 20km; và giai đoạn 3 được bắt đầu vào tháng 11 năm 2011, liên quan đến việc tăng độ cao lên 300 mét đối với những chuyến bay có điểm đến là các sân bay Paris – CDG và Bourget.

Liên quan đến việc giảm khí thải, DGAC đã tham gia vào việc tổ chức lại không phận khu vực châu Âu để tối ưu hóa các tuyến đường và giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu. Theo số liệu nghiên cứu của ICAO, sử dụng hết 1 tấn nhiên liệu sẽ sinh ra 3,15 tấn CO2 . Việc giảm nhiên liệu tiêu thụ không chỉ là vấn đề bảo vệ môi trường mà còn là vấn đề kinh tế khi mà giá nhiên liệu trên thế giới ngày càng tăng, việc tiết kiệm nhiên liệu cũng là tiết kiệm chi phí cho vận tải hàng không. Để giảm thải khí CO2 , năm 2007, Ủy ban châu Âu và Cục hàng không dân dụng Mỹ đã đưa ra dự án Giảm thải từ Đại Tây Dương - AIRE (Atlantic Initiative to Reduce Emissions). Cục hàng không Pháp cũng ký kết tham gia chương trình này để tổ chức một số chuyến bay trình diễn với công nghệ hiện đại. Trong năm 2009, khoảng 80 chuyến bay trình diễn như vậy đã được thực hiện với sự hợp tác của Air France và Aéroports de Paris. Theo đánh giá của Air France, chương trình này có thể giảm khoảng 1500 tấn CO2 mỗi năm.

Ngày 28/1/2008, Pháp đã thông qua một cam kết chủ yếu về môi trường đến năm 2020, theo đó Pháp sẽ giảm 50% lượng khí thải CO2 của vận tải hàng không, 80% lượng khí thải oxit nitơ và 50% tiếng ồn. Hàng không Phápđang hành động để thực hiện mục tiêu này bằng cách đổi mới đội tàu bay để tiết kiệm nhiên liệu, phát triển các trung tâm nghiên cứu về công nghệ và môi trường, phần lớn các nghiên cứu hiện nay của hàng không Pháp về động cơ máy bay là nhằm mục đích giảm phát thải khí và giảm độ ồn. DGAN dành một phần lớn ngân sách của năm 2010 cho việc nghiên cứu công nghệ hàng không nhằm mục đích phát triển ngành hàng không thân thiện với môi trường.

Một phần của tài liệu Phát triển vận tải hàng không của pháp và bài học cho VN (Trang 49 - 50)