Thị trường khoản vay thế chấp Mỹ với nhiều ưu điểm nhưng đồng thời cũng tồn tại nhiều nhược điểm, kẽ hở dẫn tới khủng hoảng. Thị trường đã trở thành một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư và huy động vốn từ khắp nơi
đổ vào, kể cả dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Mỹ. Tuy nhiên, vì việc hình thành, mua bán và bảo hiểm các MBS diễn ra rất phức tạp với nhiều vòng chứng khoán hóa khác nhau nên các hoạt động này đã diễn ra gần như ngoài tầm kiểm soát thông thường của chính phủ. Vì thiếu sự kiểm soát cần thiết cùng với tính mạo hiểm lớn của các nhà đầu tư do các món lời kếch xù đem lại nên thị trường khoản vay thế chấp đã phát triển nhanh chóng và khi giá nhà sụt giảm, lãi suất gia tăng thì khủng hoảng đã xảy ra. Cuộc khủng hoảng trên thị trường khoản vay thế chấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa chính là lỗi của hệ thống ngân hàng - tài chính. Các ngân hàng thương mại chịu sự quản lý giám sát của các cơ quan nhà nước, còn các ngân hàng đầu tư, các công ty tài chính ít bị giám sát hơn. Những ngân hàng này tạo ra các sản phẩm phái sinh mới với mục đích rất tốt, đó là giảm thiểu và phân tán rủi ro, nhưng lại không hiểu hết các sản phẩm ấy hoạt động ra sao, có thể gây ra hậu quả gì. Trong khi đó, các cơ quan quản lý lỏng lẻo và không theo kịp để quản lý hoạt động của tất cả các tổ chức tài chính ngân hàng, nên đã tạo điều kiện cho các tổ chức này lạm dụng các sản phẩm đó một cách thái quá và dẫn đến những rủi ro khôn lường. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng xảy ra trầm trọng hơn còn do sự sụp đổ của niềm tin. Thị trường tài chính tín dụng vốn hoạt động trên cơ sở của lòng tin và khi lòng tin bị xói mòn, sụp đổ thì tất yếu sẽ dẫn tới khủng hoảng. Giáo sư kinh tế Joseph Stiglitz, người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001 đã nhận xét như sau: “Hệ thống tài chính của Mỹ đã không thực hiện được hai trách nhiệm chính của mình đó là quản lý rủi ro và phân chia vốn. Cả hệ thống tài chính Mỹ đã không làm những gì mà nó đáng ra phải làm – chẳng hạn tạo ra các sản phẩm để giúp người Mỹ quản lý được những rủi ro nguy hiểm nghiêm trọng của mình, như là giữ lại được nhà khi mức lãi suất cho vay tăng cao hoặc khi nhà rớt giá…”
Vì vậy, qua khủng hoảng hệ thống ngân hàng - tài chính Mỹ sẽ phải trải qua việc tái cấu trúc một cách triệt để. Việc phân tích thị trường khoản vay thế chấp bất động sản Mỹ có thể mang lại cho Việt Nam nhiều bài học trong việc phát triển thị trường tài chính một cách hiệu quả và an toàn. Thị trường tài chính không thể phát triển tự do mà cần có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh. Cần có sự ngăn cách tương đối giữa hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng thương mại cần ý thức chấp hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro, xây dựng các rào cản nội bộ nhằm ngăn chặn phản ứng lan truyền từ ngân hàng đầu tư sang ngân hàng thương mại, tức là từ thị trường vốn sang thị trường tiền tệ. Các sản phẩm phái sinh, chứng khoán hóa là phát kiến mới giúp tái huy động vốn phục vụ nhu cầu của thị trường. Việc phát triển nghiệp vụ này ở Việt Nam sẽ giảm gánh nặng cho thị trường tín dụng truyền thống, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nhà ở nước ta đang còn rất lớn, trong khi Việt Nam lại chưa có thị trường cung cấp dịch vụ tài chính cho nhu cầu này. Tuy nhiên, chứng khoán hóa có tính hai mặt và như một con dao hai lưỡi. Nếu biết cách sử dụng các sản phẩm chứng khoán hóa một cách hợp lý, an toàn thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư và thị trường; còn việc quá lạm dụng các sản phẩm này để trục lợi, đầu cơ thì tất yếu sẽ dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng trên thị trường khoản vay thế chấp Mỹ sẽ mang lại rất nhiều bài học cho các ngân hàng thương mại Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung trong việc cho vay thế chấp bất động sản một cách an toàn và phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bền vững và hiệu quả. Vấn đề này sẽ được tác giả phân tích rõ trong chương 3 của luận văn.