Vai trò tích cực của chứng khoán hóa

Một phần của tài liệu khủng hoảng thị trường khoản vay thế chấp dưới chuẩn ở mỹ và những đề xuất cho việt nam (Trang 94 - 99)

2.2.2.1 Vai trò trong việc chia sẻ rủi ro

Chứng khoán hóa cho phép các khoản vay có thể dễ dàng được luân chuyển giữa các khu vực, thậm chí là giữa các quốc gia và phân tán rủi ro giúp các tổ chức cho vay. Chứng khoán hóa giúp cho rủi ro được chia sẻ, rủi ro không còn tập trung tại tổ chức cho vay gốc mà nó được chia sẻ cho các thành phần, tổ chức khác tham gia vào quá trình chứng khoán hóa. Ông Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã từng phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ rằng: "Trong suốt những năm qua, chúng ta đã thấy rằng chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ hết sức hữu hiệu để chuyển giao rủi ro từ những người không sẵn sàng chấp nhận cho những người sẵn sàng chấp nhận nó". Rủi ro đuợc chuyển từ tổ chức tạo khoản vay gốc sang tổ chức phát hành chứng khoán và cuối cùng rủi ro nằm trong danh mục của các tổ chức đầu tư chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân. Quá trình dịch chuyển rủi ro trong chứng khoán hóa được thực hiện như sau:

- Đầu tiên, tổ chức cho vay thế chấp và người vay ký kết hợp đồng vay thế chấp trong đó tổ chức cho vay cho người vay vay tiền của mình và người vay phải lấy chính ngôi nhà sẽ mua làm tài sản thế chấp.

- Thứ hai, những khoản vay thế chấp này được các tổ chức cho vay thế chấp bán lại cho các công ty được nhà nước bảo trợ (GSE), ngân hàng đầu tư, các tổ chức tài chính có mục đích đặc biệt (SPE) (chuyển dịch rủi ro lần 1).

- Thứ ba, các công ty sau khi mua khoản cho vay thế chấp bắt đầu tiến hành chứng khoán hóa bằng cách chia danh mục đầu tư thành các gói có độ rủi ro khác nhau tương ứng với mức giá khác sau và cuống lãi suất khác nhau. Các chứng khoán sau khi được phát hành sẽ được các tổ chức đánh giá tín dụng tiến hành xếp hạng và được chào bán các sản phẩm này cho các quỹ đầu

tư được quản lý chuyên nghiệp (quỹ hưu trí, quỹ tương hộ, quỹ rào chắn rủi ro…) (chuyển dịch rủi ro lần 2).

- Thứ tư, sau khi quỹ đầu tư quản lý chuyên nghiệp mua các chứng khoán được phát hành, họ lại tiếp tục bán ra cho các nhà đầu tư khác để thu tiền về (chuyển dịch rủi ro lần 3).

- Thứ năm, sau khi có tiền do bán chứng khoán cho các nhà đầu tư khác, quỹ đầu tư chuyên nghiệp lại tiếp tục mua các chứng khoán được phát hành bởi GSE, SPE khoản nợ vay dưới tiêu chuẩn khác, tạo tính thanh khoản cho các khoản vay dưới tiêu chuẩn (các rủi ro dường như đã biến mất do có quá nhiều người đang nắm giữ các sản phẩm phái sinh).

Như vậy, có vẻ như rủi ro đã được đa dạng hóa thành các phần nhỏ khác nhau. Các nhà đầu tư nắm giữ các gói chứng khoán khác nhau tùy theo mức độ chịu rủi ro của mình. Các nhà đầu tư đều tin tưởng rằng với việc mua chứng khoán như vậy, nếu danh mục tín dụng hoạt động không tốt, sẽ có rất nhiều người khác bị ảnh hưởng trước khi đến lượt mình bị ảnh hưởng. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua gói trái phiếu senior thì sẽ có các nhà đầu tư mua gói trái phiếu equity và mezzanie bị ảnh hưởng trước khi đến lượt họ bị ảnh hưởng.

Chứng khoán hoá như một dây mắt xích gồm nhiều thành phần. Các thành phần đều tích cực tham gia vào quá trình chứng khoán hoá bởi vì họ tin rằng họ có thể chuyển giao rủi ro cho những người ở mắt xích sau mình. Tuy nhiên một điều đặt ra là tại sao các nhà đầu tư cuối cùng lại có thể chấp nhận rủi ro với việc biết rằng mình đứng ở mắt xích cuối cùng và không thể dịch chuyển cho người nào nữa? Tại sao các nhà đầu tư cuối cùng lại mua và nắm giữ các chứng khoán có độ rủi ro cao như vậy? Một điều đáng lưu ý là các nhà đầu tư chủ yếu bao gồm các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, am hiểu về tài chính như quỹ đầu cơ, quỹ hưu trí, quỹ của quốc gia nước ngoài, đặc biệt hơn còn có cả ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư cũng tham gia mua các

chứng khoán và giữ chúng trong danh mục đầu tư của mình. Như vậy, rủi ro của cả quá trình chứng khoán hoá cuối cùng đuợc tập trung trong một số danh mục đầu tư nhất định của các tổ chức đầu tư. Điều này cho thấy mâu thuẫn tồn tại trong chính quá trình chứng khoán hóa, một mặt chứng khoán hóa mang lại cơ chế linh động giúp phân chia rủi ro cho các nhà đầu tư khác nhau; mặt khác, chứng khoán hóa lại tập trung rủi ro tại một số danh mục đầu tư nhất định. Các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp giữ các chứng khoán đầy rủi ro trong danh mục tài sản của mình bởi vì các tổ chức này kỳ vọng có thể thu được lợi nhuận siêu ngạch (excess return). Vì vậy, họ sẵn sàng duy trì sự bất đối xứng về kỳ hạn, sử dụng các khoản tiền gửi ngắn hạn huy động được để tài trợ cho một danh mục đầu tư gồm các chứng khoán có nguồn gốc từ các khoản vay dài hạn- các chứng khoán MBS.

Do vậy, những thiệt hại khổng lồ có liên quan tới cuộc khủng hoảng khoản vay thế chấp dưới chuẩn không phải do quá trình chứng khoán hoá mà chính là do các tổ chức đầu tư, những người đã tập trung rủi ro từ các MBS bằng việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao và sự chênh lệch về kỳ hạn để tài trợ, mua rất nhiều các chứng khoán. Ưu điểm không thể phủ nhận của chứng khoán hoá chính là đóng vai trò phương tiện phân phối và phân bổ rủi ro cho các nhà dầu tư đa dạng khác nhau và các vấn đề này đã được phân tích ở trên.

2.2.2.2 Vai trò trong việc tạo tính thanh khoản

Bản chất của chứng khoán hóa là quá trình huy động vốn bằng cách sử dụng các tài sản sẵn có trên bảng cân đối kế toán làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành các loại chứng khoán nợ. Như vậy, với nghiệp vụ chứng khoán hóa, các món nợ thế chấp không còn nằm yên trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và công ty cho vay thế chấp. Các món nợ này đã được liên tục luân chuyển và cuối cùng được thay thế bằng những đồng vốn mới từ tiền bán các trái phiếu trên thị trường. Quá trình chứng khoán hóa đã tạo tính thanh khoản

cho các khoản vay, biến các khoản vay – một sản phẩm dịch vụ của ngân hàng và theo thông thường các ngân hàng phải giữ món vay này trên sổ sách kế toán của mình cho đến khi món nợ được thanh toán xong, trở thành một sản phẩm có tính thanh khoản. Ngân hàng không cần đợi đến khi người vay thanh toán món nợ mới có tiền để tài trợ cho món vay khác mà ngay khi sau khi cho vay thế chấp họ đã có thể bán hợp đồng vay thế chấp đó cho tổ chức tập hợp khoản vay để lấy tiền tái tài trợ cho món vay khác. Với tổ chức phát hành sau khi mua lại danh mục khoản vay thế chấp, thuê tổ chức xếp hạng tín dụng đánh giá danh mục khoản vay và phát hành các chứng khoán MBS để bán lại cho cho công ty kinh doanh chứng khoán thì khi được công ty kinh doanh chứng khoán thanh toán, tổ chức phát hành lại có tiền để tiếp tục mua các danh mục khoản vay khác từ tổ chức tập hợp khoản vay gốc. Về phía công ty kinh doanh chứng khoán, sau khi mua MBS từ tổ chức tập hợp khoản vay gốc, dựa trên cơ sở các MBS này sẽ phát hành các CMO, CDO để bán cho các nhà đầu tư. Quá trình mua bán liên tục như vậy đã tạo tính thanh khoản cho các khoản vay, giúp cho tất cả các thành phần tham gia vào quá trình đều sẵn lòng mua vì họ biết sau quá trình mua họ có thể dễ dàng bán để thu lợi nhuận.

Nhờ tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp, các tổ chức cho vay cho vay rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng người vay, từ đó giúp cho nhiều người dân được vay mua nhà hơn và từ đó gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

2.2.2.3 Vai trò tích cực của chứng khoán hóa đối với các thành phần tham gia

- Với tổ chức tạo khoản vay gốc

Chứng khoán hóa tách biệt rủi ro của tài sản gốc khỏi rủi ro hoạt động và rủi ro tín nhiệm của tổ chức tạo khoản vay gốc. Các nhà đầu tư chỉ dựa vào số tiền mà ngân hàng cho vay đối với tài sản gốc do SPE sở hữu và dòng tiền dự

kiến được sinh ra bởi các tài sản đó làm nguồn duy nhất để thanh toán các khoản lãi trên chứng khoán. Nhà đầu tư ít có khả năng truy đòi hoặc không được truy đòi tổ chức tạo khoản vay gốc hoặc tổ chức cho vay nếu có rủi ro xảy ra. Do đó, tổ chức tạo khoản vay gốc có thể chuyển rủi ro không thanh toán, rủi ro thanh toán trước và rủi ro lãi suất sang các nhà đầu tư mua chứng khoán. Ngoài ra, chứng khoán hóa giúp tổ chức tạo khoản vay gốckiếm được nhiều lợi nhuận từ việc thu phí cho vay và phần chênh lệch lãi suất giữa lãi suất thị trường thứ cấp trả cho khoản vay và lãi suất mà tổ chức này áp dụng đối với người đi vay. Hơn nữa, nếu tổ chức tạo khoản vay gốc tự thực hiện chứng khoán hóa, đây có thể trở thành một công cụ tốt giúp tổ chức tạo khoản vay gốc cân đối giữa tài sản và nghĩa vụ của mình.

- Với tổ chức phát hành chứng khoán

Thị trường sản phẩm chứng khoán hóa hoạt động rất nhạy bén và hiệu quả. Do đó, tổ chức phát hành chứng khoán có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các chứng khoán MBS, ABS có thể được tổ chức phát hành (nếu là ngân hàng) sử dụng như là một tài sản đảm bảo trong giao dịch với ngân hàng trung ương. Ngoài ra, chứng khoán hóa giúp tổ chức phát hành thu được lợi nhuận thông qua chênh lệch giữa giá mà tổ chức này trả cho tổ chức tạo khoản vay gốc để mua lại danh mục khoản vay thế chấp và giá của các chứng khoán MBS phát hành trên cơ sở danh mục khoản vay thế chấp đó.

- Với nhà đầu tư:

Các sản phẩm chứng khoán hóa như MBS, ABS, CDO mang lại mức lợi suất hấp dẫn hơn các sản phẩm đầu tư khác có cùng mức rủi ro, tăng tính thanh khoản cho thị trường thứ cấp và tạo ra sự bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư do được sự đảm bảo của các tổ chức có hạng mức tín nhiệm cao và ổn định. Nhà đầu tư có được nhiều sự lựa chọn hơn do dòng thanh toán của các chứng

khoán có thể được tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư khác nhau. Điều quan trọng hơn nữa là sự tăng cường tín nhiệm và sự đa dạng hóa các danh mục tài sản đã tách biệt các nhà đầu tư khỏi nhu cầu cần biết thông tin chi tiết về hợp đồng vay gốc. Các nhà đầu tư không cần biết chứng khoán mình mua dựa trên khoản vay gốc có đặc điểm như thế nào mà họ chỉ cần biết các chứng khoán nợ đó có dòng thanh toán như thế nào, thời hạn bao lâu…. Đây là nhân tố rất quan trọng nhất thúc đẩy thị trường sản phẩm chứng khoán hóa phát triển mạnh trong thời gian qua.

- Với người đi vay

Người đi vay được hưởng lợi từ quá trình chứng khoán hóa thông qua việc được vay dễ dàng hơn, các gói sản phẩm đa dạng hơn và được tổ chức cho vay hướng dẫn nhiệt tình hơn để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện của người vay. Nguyên nhân của vấn đề này là do mô hình “tạo ra để phân phối” (originate to distribute), cho phép tổ chức cho vay có thể bán khoản vay ngay sau khi được tạo ra cho tổ chức khác mà không phải giữ khoản vay đó trên sổ sách kế toán của mình. Số tiền mà tổ chức cho vay nhận được từ tổ chức tạo khoản vay gốc được tính theo lượng khoản vay nên tổ chức cho vay không có động lực đảm bảo các khoản vay đều tốt, tăng cho vay tới nhiều người vay kể cả những người vay dưới chuẩn.

Một phần của tài liệu khủng hoảng thị trường khoản vay thế chấp dưới chuẩn ở mỹ và những đề xuất cho việt nam (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)