Bối cảnh thời gian tới

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ (Trang 94 - 96)

Bối cảnh thế giới trong thời gian tới: Sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu trong năm 2008 - 2009, nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục và phát triển, kinh tế nhiều nước trên thế giới tiếp tục đi vào ổn định. Tuy vậy, cho đến giữa năm 2010, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn ra hết sức phức tạp với những dấu hiệu tốt xấu đan xen liên tục. Xu hướng phục hồi tại các nền kinh tế lớn đã được khẳng định nhưng không đồng đều và chưa có tính bền vững, tốc độ phục hồi của các nền kinh tế là rất khác nhau. Kinh tế Mỹ và Châu Âu dù đang khởi sắc nhưng với tốc độ chậm hơn dự báo trước đó, trong khi đó Châu Á vẫn tiếp tục là động lực và đang phục hồi nhanh chóng. Có thể nói, quá trình hồi phục của kinh tế thế giới đang rõ dần mặc dù còn nhiều tiềm ẩn rủi ro. Nền kinh tế thế giới sẽ chịu sự tác động sâu sắc mạnh mẽ của sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ tin học, sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới,… Những biến đổi trong thời gian gần đây là sức ép và có tác dụng thúc đẩy các nước trên thế giới phải cơ cấu lại nền kinh tế để đạt năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn. Bên cạnh việc các nước phát triển tiếp tục đầu tư vốn vào các nước đang và chậm phát triển, các nền kinh tế mới nổi cũng đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ. Phú Thọ, trong đó có Phù Ninh, cần tranh thủ thời cơ để thu hút đầu tư bằng sự thông thoáng môi trường đầu tư nhưng cần chú ý lựa chọn thu hút những công nghệ thích hợp và tranh thủ những lĩnh vực có điều kiện sớm đi nhanh vào công nghệ hiện đại, gắn với việc sử dụng có hiệu quả năng lực nội sinh.

Bối cảnh trong nước trong thời gian tới: Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế đang cần phải chuyển đổi, từ phát triển trên cơ sở chiều rộng sang chiều sâu, dựa vào công nghệ và hiệu quả.

Tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng sẽ có tác động mạnh mẽ đến các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, trong đó có Phú Thọ. Việc phát triển các khu vực, các trung tâm kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác và đối trọng là cần thiết.

Nước ta đã công bố lộ trình tham gia hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEFT), trong đó có một số mặt hàng mà Phú Thọ cần quan tâm thực hiện. Đặc biệt là sự kiện lịch sử, nước ta chính thức được kết nạp là thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Tham gia tổ chức thương mại thế giới, nước ta đứng trước rất nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức.

Trong khi đó nguồn nhân lực của Phù Ninh còn ở trình độ thấp, phong tục tập quán còn có những cản trở cho quá trình tiếp nhận các thành tựu của khoa học và công nghệ, nếu không có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động đây không là thời cơ mà là thách thức đối với Phù Ninh. Nguy cơ tụt hậu, sức cạnh tranh yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng kinh tế của huyện Phù Ninh. Những thế mạnh sẽ không được khai thác, hiệu quả kinh doanh thấp.

Tóm lại, trong thời gian tới tình hình khu vực, quốc tế sẽ có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực nhưng những thuận lợi và khó khăn luôn luôn đan xen, tác động lẫn nhau nên đòi hỏi tỉnh Phú Thọ, trong đó có huyện Phù Ninh, phải tận dụng triệt để thời cơ, nắm bắt cơ hội để bứt lên, đồng thời nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất lợi để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Một số giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên địa bàn huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ (Trang 94 - 96)