- Trình độ cán bộ quản lý của huyện còn chưa cao. Do đó, vấn đề nhận thức về chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế còn hạn chế dẫn đến trong quá trình xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiều khi còn phân tán.
- Thiếu nguồn lực thực hiện các kế hoạch và nguồn lao động còn thấp chưa qua đào tạo còn nhiều.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế giữa ba nhóm ngành: công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ và cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch chậm, nguyên nhân chủ yếu là chưa biết tận dụng tiềm năng trong nội bộ từng ngành
cụ thể như sau: Trong nông, lâm, thủy sản thì ngành nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao chiếm 37,78%. Bên cạnh đó chỉ đạo sản xuất đôi khi còn lúng túng, tính chất độc canh tự cung tự cấp, thâm canh câu trồng chưa cao thể hiện rõ nét nhất là ở cơ cấu cây trồng, ngành nghề vật nuôi. Chăn nuôi chưa thoát khỏi tính chất thụ động, cơ cấu cây trồng chưa phù hợp với từng ngành vùng. Việc sản xuất hàng hoá kém phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, chế biến lâm sản và xuất khẩu còn nhiều yếu kém, trang bị kỹ thuật và trình độ con người còn có khoảng cách xa so với đầu tư, cơ sở hạ tầng ở một số xã còn chưa phát triển để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất và thu hút lao động, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt thấp, tốc độ chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm.
Trong công nghiệp: Cơ cấu sản phẩm ngành nghề còn đơn điệu, chậm đổi mới, nhiều ngành hàng tiêu dùng, chế biến nông lâm thuỷ sản, ngành thu hút nhiều lao động chưa được quan tâm đúng mức. Các sản phẩm công nghiệp của Huyện nhìn chung đang đứng trước những nguy cơ và thách thức thị trường rất lớn, một vài sản phẩm chiếm ưu thế như: Sản xuất giấy và các sản phẩm sau giấy, công nghiệp điện, chế biến nông, lâm sản, và khai thác vật liệu xây dựng; các ngành may mặc, cơ khí...
Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng khá xét theo huyện quản lý là 26,6% nhưng xét theo địa bàn còn thấp mới chỉ đạt 19,47%, mặc dù Phù Ninh là Huyện rất có tiềm năng nhưng các ngành dịch vụ mới chủ yếu là thương mại, vận tải khả năng tạo nguồn thu còn thấp, thị trường còn hạn chế, mạng lưới hoạt động chưa đều, ở vùng núi, nông thôn, vùng sâu vùng xa nhiều khi còn bị bỏ trống, hiện tượng buôn bán gian lận, hàng giả còn nhiều. Hoạt động thương mại chưa gắn với sản xuất, chưa làm được vai trò mở đường, hướng dẫn và kích thích sản xuất. Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất
kinh doanh chưa được chú ý đúng mức. Bên cạnh đó, dịch vụ phục vụ đời sống, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ hạn chế.
- Thị trường và sức cạnh tranh sản phẩm sản xuất của Huyện còn chưa cao : Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất còn hạn hẹp, công nghệ còn lạc hậu và công tác tổ chức thị trường chưa tốt, chưa hình thành rõ các ngành trọng điểm và mũi nhọn chủ lực của Huyện và do đó cũng chưa lựa chọn và định hướng rõ được các ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư. Mặc dù trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước cũng như địa phương đã khẳng định "Hình thành dần một số ngành kinh tế mũi nhọn như chế biến nông, lâm, thuỷ sản, khai thác và chế biến dầu khí, một số ngành có khí chế tạo, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, du lịch" (Đảng cộng sản Việt nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII,1996). Tuy nhiên, Huyện Phù Ninh chưa có sản phẩm kinh tế nào thực sự là mũi nhọn nếu lấy tiêu chuẩn sản phẩm mũi nhọn ở các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, chưa có những sản phẩm hàng hoá có khối lượng lớn, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
- Trình độ khoa học công nghệ kỹ thuật, trình độ tổ chức quản lý công nghiệp chậm được đổi mới, cơ chế cũ chưa được xoá đi hoàn toàn, đội ngũ cán bộ quản lý chưa thích ứng được với thị trường, tạo ra sức cản lớn đối với quá trình chuyển dịch, đổi mới. Bên cạnh đó, sức ép về giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội cũng không cho phép chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành kỹ thuật cao.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trong những năm qua mặc dù đã được phần nào chú trọng đầu tư nhưng tình trạng vừa thiếu lại vừa không đồng bộ vẫn còn. Hệ thống lưới điện quốc gia, giao thông thuỷ lợi, thông tin truyền hình ....còn nhiều bất cập và khó khăn. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến
giao lưu hàng hoá, tiếp cận thị trường, phát triển sản xuất ...cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Huyện Phù Ninh
Công tác quản lý về đầu tư xây dựng cũng còn những tồn tại yếu kém trong công tác kiểm tra giám sát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước từ việc đầu tư vốn, chất lượng công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế, giải ngân, thanh toán vốn đầu tư, quyết toán công trình hoàn thành. Một số công trình ở cấp xã là chủ đầu tư còn vi phạm trong hoạt động xây dựng như : Vi phạm luật xây dựng ,luật đấu thầu, vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình, vi phạm về quản lý chất lượng công trình.
- Ô nhiễm môi trường của Huyện đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Hiện tại thị trấn Phong Châu có hợp tác xã thu gom rác thải sinh hoạt. Rác thải đã được thu gom. Tuy nhiên, lượng rác nhiều, lực lượng mỏng nên thu gom chưa triệt để. Ô nhiễm rác thải khu thị trấn vẫn trầm trọng, nhất là khu vực chợ. Cụ thể như sau:
Lượng rác thải từ nhà máy giấy có sử dụng hóa chất, cụm công nghiệp Đồng Lạng, An Đạo - Tử Đà nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Ngoài ra, Thị trấn Phong Châu, nơi có mật độ dân cư cao, các hoạt động sinh hoạt tập trung thường xuyên, trong khi đó hệ thống thu gom và xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù chợ thị trấn Phong Châu đã đưa vào hoạt động nhưng vẫn còn hoạt động của một số chợ tạm nằm trong khu dân cư đông nên ô nhiễm trầm trọng, rác thải không được thu gom; nước thải gây ô nhiễm nặng nề. Vấn đề ô nhiễm khu dân cư ở thị trấn Phong Châu cần được xử lý gấp xóa bỏ chợ tạm. Tổ chức hệ thống thu gom rác, xử lý nước thải chuyên một cách chặt chẽ hơn. Có chế độ xử lý nghiêm với các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường từ rác, nước thải sinh hoạt.
CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH KINH TẾ TẠI HUYỆN PHÙ NINH
TỈNH PHÚ THỌ