Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó địi hỏi người trần thuật, người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng và có điệu. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với giọng “trời phú” của mỗi tác giả nhưng mạng nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị thường đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chứ không đơn điệu” [15, tr. 113].
Giọng điệu là yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Qua giọng điệu người ta có thể nhận ra được thái độ, tình cảm, cảm xúc cũng như trạng thái tâm lý của tác giả đối với sự vật, hiện tượng phản ánh. Trong đời sống hằng ngày mỗi người có một giọng khác nhau thì trong văn học mỗi tác giả cũng có một giọng điệu riêng, khó lẫn với ai được. Giọng điệu là đặc trưng trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của họ. Và khi ai nhắc đến nhà văn ấy có thể nghĩ ngay đến giọng điệu đặc trưng, riêng biệt ấy. Sự đan xen, kết hợp và liên tục thay đổi giọng điệu có tác dụng kích thích, khiêu gợi ở người đọc những suy ngẫm, liên tưởng và đồng sáng tạo.
Trong tiểu thuyết Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? nhà văn Park wan- suh đã sử dụng các phương diện ngôn ngữ: ngôn ngữ người kể chuyện; ngôn ngữ nhân vật; ngôn ngữ lịch sử, văn hóa. Đi kèm với đó là các giọng điệu tương ứng: giọng điệu khách quan lạnh lùng; giọng điệu trữ tình, triết lý; giọng điệu thiết tha tự hào.