Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy (Trang 53)

Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện chủ đề tác phẩm và tính cách nhân vật. Nói như trong Từ điển thuật ngữ văn học “Dù tồn tại dưới dạng nào hoặc được thể hiện bằng cách nào,

ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng phải đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá thể và tính khái quát, nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có “lời ăn tiếng nói” riêng, mặt khác, ngôn ngữ ấy lại phản ánh được đặc điểm, ngôn ngữ của một từng lớp người nhất định gần gũi về nghề nghiệp, tâm lí, giai cấp trình độ văn hóa…” [15, tr. 214]. Ngôn ngữ nhân vật vừa là lời tự bộc lộ của nhân vật, vừa là đối tượng miêu tả của tác giả, vừa thể hiện nội tâm… Trong Ai

đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?, ngôn ngữ nhân vật được thể hiện qua hai

dạng: ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.

Đối thoại là một trong những đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết. Thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật, tính cách nhân vật được thể hiện. Hình thức đối thoại trực tiếp trong tác phẩm thể hiện phát ngôn chủ quan của nhân vật, nhưng là lời khách quan của người kể chuyện, để nhân vật tự nói lên tiếng nói của mình nhờ đó việc thể hiện nhân vật tương đối khách quan và toàn diện.

Đối thoại là một dạng phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Tuy nhiên trong tiểu thuyết hiện đại, lời thoại của nhân vật nhiều khi không được giữ nguyên như những đối đáp giao tiếp trong đời sống mà nó được nhìn nhận dưới cái nhìn chủ quan của người kể chuyện. Lúc này, lời đối thoại của nhân vật không được sắp xếp theo thứ thứ tự đối đáp mà xen trong lời người kể chuyện. Trong Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?, người kể chuyện biến lời thoại của nhân vật thành lời kể của mình, tức là đối thoại được đưa ra theo lời nói gián tiếp nhưng vẫn giữ được dấu ấn riêng của nhân vật

Cuộc đối thoại giữa ông và bà:

Có lúc bà nội đay nghiến ông: “Tại ông cứ nuông chiều quá mức thành ra nó mới như thế. Ông có biết lúc ông không ở nhà, nó ngoan ngoãn, dễ bảo thế nào không?. Lập tức ông liền nổi đóa lên: “Nó không có ai để làm nũng nên mới thế. Bà thích nhìn thấy cháu rầu rĩ lắm à?”, “À vâng, tôi thích như thế đấy”. Bà lại bắt đầu giận dỗi và gắt ùm lên [36, tr. 21].

Cuộc đối thoại giữa mẹ và người giúp việc nhà họ hàng:

Mẹ nhẹ nhàng cảm ơn, ánh mắt vẫn toát lên một vẻ đường hoàng. Thật lòng, tôi rất muốn tránh khỏi chỗ của người lớn, song mẹ và bà ấy vẫn còn nói thêm vài câu nữa

“Có gì đâu ạ. Bà trẻ đừng ấy náy chuyện đó. Bà thử nghĩ đến việc lần trước cháu nói nhé”.

“Việc khâu đồ cho kĩ nữ ấy hả? Thật lòng, tôi cũng chẳng có ý định làm cả việc đó đâu. Nhưng mà nghĩ đến cái sự nhân khẩu và học phí năm nay bỗng dưng nhiều lên như thế, tôi thực sự chẳng còn được ở cái thế che cơm nóng cơm nguội

rồi. Tiện đây, chị đã có lời như vậy thì chị thử giúp tôi liên hệ với người ta xem sao”

“Bà trẻ thực là sáng suốt. Thật ra, những nhà bình thường bây giờ may vá cũng cẩn thận hơn. Đám người ấy chỉ khoác thêm lên bên ngoài lớp đồ mỏng mặc bên trong thôi, thế nên chỉ cần cái cổ vừa và thoải mái là được chứ không phân biệt được viền cổ hay vạt áo được khâu như thế nào đâu. Vừa không soi mói, vừa lại rộng rãi tiền công, còn gì hơn thế mà bà trẻ phải lưỡng lự ạ.”

“Chỉ vì tôi không thích người lớn trong nhà nói ra nói vào rằng là không biết ở Seoul làm cái trò trống gì mà nuôi được cả đứa con gái, lại cho nó cả đi học nữa, nên tôi cứ tránh xa những lời nhiếc móc là hơn.”

“Ui dào, nếu bà làm việc của kỹ nữ thì đã đành. May đồ cho kỹ nữ mà cũng bị nhiếc móc là sao?.”

“Thì họ vốn là lưỡng ban mà.”.

“Bà đừng lo. Ở nhà mà nói này nói nọ, cháu sẽ đứng ra làm chứng.”

“Ai đời cả công ăn việc làm cũng lại đến một tay chị lo liệu. Đã khiến chị phải bận tâm rồi” [36, tr. 74-75].

Trong những cuộc đối thoại trên, người kể chuyện lược lại lời thoại của nhân vật bằng lời kể, thể hiện rõ những dấu hiệu chú thích của người kể chuyện như: nội đay nghiến ông; thật lòng, tôi muốn tránh khỏi chỗ của người lớn, song mẹ và bà ấy vẫn còn nói thêm vài câu nữa. Lời thoại của nhân vật được đan xen với lời kể

của người kể chuyện nhưng được đặt trong dấu ngoặc kép để giúp người đọc phân biệt được đâu là lời đối thoại, đâu là lời kể, lời dẫn dắt câu chuyện.

Hay trong cuộc đối thoại của cô và mẹ về vấn đề nhặt được của rơi, nó thể hiện cách nhìn chủ quan của nhân vật tôi. “Tôi” đem điều đó kể lại cho mẹ, vậy mà mẹ “tôi” đã đáp lại điều đó bằng một giọng giống như đang mỉa mai: “Con nhìn thấy của rơi coi như không nhìn thấy. Sao mà phải nhặt? Người nào đánh rơi sẽ tự khắc quay lại tìm, nên cứ để ở đó cho người ta thấy. Chỉ có những đứa muốn ra vẻ ta đây mới đem nộp cho cô giáo hay sở cảnh sát thôi.”

Nghe có vẻ có lí. “Nhưng nhỡ đâu trước khi chủ nhân quay lại mà đã có người khác nhặt mất thì sao ạ?”. Tôi thể hiện sự lo lắng rất hợp lí nhưng lập tức liền bị mẹ cắt ngang: “Đó là lỗi của kẻ lượm đồ của người khác, không liên quan gì đến mình hết”. Hình như mẹ tôi đang mơ về một xã hội lí tưởng, khi đánh rơi hũ vàng vẫn có thể tìm lại được trên đường ở đúng vị trí của nó chăng?”. [36, tr. 99-100]. Giữa những lời đối thoại là những lời bình phẩm của nhân vật tôi: mẹ đáp lại điều đó bằng một giọng mỉa mai; nghe có vẽ có lí…

Trong Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?, tác giả sử dụng dạng thức ngôn ngữ đối thoại trong lời của người kể tạo cho người đọc có cảm giác câu chuyện “giống như thật và đang ở thời hiện tại”. Bởi vì lúc này câu chuyện kể như vang lên cùng một lúc nhiều giọng nhưng nhân vật không trực tiếp phát ngôn mà vang lên qua lời của người trần thuật.

Ngôn ngữ đối thoại là một yếu tố cơ bản và quan trọng trong ngôn ngữ tiểu thuyết. Nhờ đối thoại mà các vấn đề đặt ra trong tác phẩm được xem xét dưới nhiều điểm nhìn khác nhau. Đọc Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?, ta thấy tác giả sử dụng dạng thức “ngôn ngữ đối thoại trong lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất”. Đó là nét đặc sắc và độc đáo trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trần thuật của Park wan-suh.

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Phương thức xây dựng đối thoại theo kiểu đối thoại bên trong hay đối thoại hóa được gọi là độc thoại nội tâm. Độc thoại nội tâm là hình thức đối thoại của nhân vật với chính bản thân mình. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”[15;tr108]. Vì vậy các nhà văn sử dụng độc thoại nội tâm để xây dựng tính cách, quá trình nhận thức và tự ý thức của nhân vật. Trong tác phẩm tự sự, độc thoại nội tâm được thể hiện ở việc nhà văn chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật, để cho nhân vật tự bộc lộ thế giới nội tâm của mình.

Trong tiểu thuyết Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?, Park wan-suh sử dụng phương thức độc thoại nội tâm để bộc lộ những suy nghĩ, băn khoăn của con người về cuộc đời và thực trạng xã hội. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là những lời độc thoại của nhân vật chính xưng “tôi” về xã hội và con người. Tâm trạng cô đơn, những băn khoăn day dứt, dằn vặt bên trong con người của nhân vật “tôi” được thể hiện tinh tế và sâu sắc thông qua độc thoại nội tâm “khác với những lúc được mẹ cõng trên lưng, tôi chợt cảm thấy muốn đối mặt với cảm giác buồn tủi ấy và cố làm điều đó. Làm sao để những cây ngô khiến mình thấy buồn nhỉ? Tự hỏi như vậy rồi tôi cúi thấp người xuống, ngó qua ngó lại, có lúc còn nằm xuống bãi cỏ. Tôi nằm im và chờ cho những giọt nước mắt trong lòng bắt đầu rơi”.[36, tr. 37] Việc để cho nhân vật tự vấn, thể hiện thế giới nội tâm của mình thông qua ngôn ngữ độc thoại như trên là phương thức hữu hiệu thể hiện rõ cảm giác nhân vật.

Để thâm nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật, nhà văn đã sử dụng nhiều hình thức độc thoại nội tâm khác nhau để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Độc thoại nội tâm trong Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? thể hiện qua cách tác giả sử dụng nhiều câu hỏi tu từ, nhân vật tự đặt câu hỏi cho bản thân mình. Cách thức sử dụng câu hỏi nghi vấn giúp người đọc thấy được trạng thái tâm lí bên trong nhân vật một cách tinh tế và sâu sắc. Khi mẹ không cho chơi với lũ trẻ trong xóm. Lúc đó cô tự hỏi:

Mẹ đang may đồ cho kĩ nữ đấy thôi, vậy mà vẫn còn nhắc đến mấy chữ “dòng dõi”. “Dòng dõi” là gì, tôi chẳng hiểu rõ lắm, nhưng nó dễ hơn cụm từ “thiếu nữ tâm thời”. Tôi chỉ láng máng hiểu được qua cung cách sống của nhà chúng tôi, những người luôn coi trọng việc thể diện và hành xử như một gia đình quyền thế ở nhà quê. Có thể tôi cảm nhận được điều đó vì tôi thấy nhớ cuộc sống cũ của mình, vì cảm giác mình khác với những đứa trẻ trong xóm. Nhưng còn mẹ, tại sao mẹ lại như thế?. Câu hỏi đó đã châm ngòi cho những suy nghĩ thất vọng thầm kín về người mẹ lúc nào cũng tin mọi điều mình làm là đúng. Lúc ở Seoul thì đem nhà quê ra để lên mặt, còn lúc ở nhà quê thì lại lấy Seoul ra để ngạo mạn. Thái độ hai mặt ấy của mẹ nhiều lúc bị nhiễu loạn [36, tr. 77-78].

Hay khi mẹ gọi những người hàng xóm là “cặn bã xã hội” cô đặt ra câu hỏi “có lẽ nào đó lại là những giây lát mẹ quên mất một điều rằng chúng tôi cũng sống nhờ vào kĩ nữ chăng?”. Những câu hỏi được đặt ra, cho thấy tâm trạng dằn vặt của nhân vật “tôi” trước những lời nói của mẹ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Khi ở Seoul không có người bạn thân nào, nhân vật “tôi” lại nhớ về quê hương và tự hỏi: Những đứa trẻ ở Seoul làm sao có thể biết được màu lam tím của những cành hoa thài lài phủ đầy trên đường đi lung linh đến nhường nào? Và cả thứ âm thanh đẹp đẽ biết bao nhiêu ẩn chứa trong những cành lá thài lài ấy?. Đó là những lời tự động viên, an ủi gợi lên cảm giác an toàn trong tâm hồn nhân vật.

Hiểu được sự lỏng lẽo trong quản lí tiền bạc nên nhân vật “tôi” lấy tiền của mẹ đi mua kẹo. Rồi một ngày cô làm vỡ nắp ống thủy tinh để đựng kẹo của chủ cửa hàng, họ đến gặp mẹ. Lúc này, đỉnh cao của độc thoại nội tâm là sự đấu tranh giữa ý thức và vô thức, giữa lí trí và bản ngã, thể hiện ở dòng độc thoại nội tâm của nhân vật tôi: “Giả sử lúc đó mẹ có nghi ngờ và căn vặn thì biết làm thế nào nhỉ? Chắc mẹ sẽ tra hỏi bằng được sự thật và lúc đó, tôi chỉ còn mỗi cách là nếm trải cảm giác nhục nhã” [36, tr. 115], hay “Giả sử lúc đó, mẹ phát hiện ra thói quen lấy trộm và những xúc cảm bẽ bàng vốn đã rất nhạy cảm một cách khác thường đó của tôi không được bảo vệ, thì mọi chuyện sẽ ra sao nhỉ? “Nhạy cảm” cũng đồng nghĩa với “dễ đổ vỡ”. Tôi chắc sẽ thành một đứa trẻ hư hỏng không ghìm lại được” [36, tr. 116]. Có thể thấy người kể chuyện đã đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật để lột tả những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt bên trong tâm hồn. Ý thức đã lên tiếng và phơi bày mọi trăn trở, day dứt trong tâm hồn cô bé Wan-suh.

Một câu hỏi thể hiện thế giới nội tâm sinh động nhất là khi cô trở về quê nghỉ hè cùng anh đó là:

Tôi chạy ra tận xa xa, bứt lấy cỏ gà rồi ngồi xuống ngay bên cạnh anh tôi và bắt đầu tết. Mỗi lần bứt cỏ gà, như thói quen vốn có, tôi lại tìm lấy thứ cỏ ăn được. Nhưng ở vùng đất cằn cỗi xung quanh ngọn núi Seonbawi này, chỉ có những loài cỏ thô ráp, cứng nhắc mọc lên. Chốc chốc, tôi lại ngừng tay, ngẩn người, ngơ ngác: “Ai đã ăn hết những cây sing-a quê tôi? [36, tr. 117].

Câu hỏi thể hiện sự khắc khoải, nhớ mong quê hương về những ngày thơ ấu đẹp đẽ của nhân vật. Tuy là một câu hỏi đơn giản nhưng đã chạm đến nơi chốn sâu thẳm nhất trong mỗi con người. Đây cũng chính là sự thành công của nhà văn Park wan –suh trong việc khắc họa nội tâm nhân vật.

Thông qua độc thoại nội tâm, nhân vật còn bộc lộ nỗi lòng của mình, những điều mà mình không thích. Khi trường tổ chức đi tham quan Gaeseong, mẹ dặn nếu không có ai ra đón thì đừng buồn, cứ đi chơi vui vẻ. Lúc này cô “cầu trời cho đừng

có ai ra đón”. Rồi lúc bà đến đón, đưa tiễn “trong tôi chỉ tồn tại có một suy nghĩ là xấu hổ với lũ bạn. Mong sao cho khoảng thời gian nhục nhã này qua mau”

[36;tr183]. Và đến khi lớn lên cô đã không thể không cảm thấy hối hận vì sao mình lại có những suy nghĩ xấu hổ do bà.

Tuy nhiên, không rõ có phải chỉ vì mỗi sự ăn năn ấy làm cho tâm trạng tôi buồn chán như vậy hay không. Trong lòng tôi chia ra làm hai nửa, một nửa là cảm giác hối hận vì sao mình lại như thế, một nửa là suy nghĩ không thể cưỡng lại được rằng tại sao gia đình chúng tôi lại như vậy? Mối quan hệ gắn bó khắng khít và sự quan tâm quá mức của những thành viên ruột thịt trong gia đình đã dần dần khiến tôi cảm thấy phát cáu, như đang bị kìm kẹp đến mức không thể chịu đựng hơn được nữa [36, tr. 184].

Như vậy, việc sử dụng độc thoại nội tâm và sự ý thức của nhân vật là một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu, đem lại thành công cho Park wan-suh trong việc khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật tôi. Cùng với đối thoại, lời độc thoại giúp người đọc nhìn nhận nhân vật đa chiều hơn, khám phá trên bình diện con người tâm lí, con người với đầy đủ tâm trạng suy tư. Qua đó, thêm cơ hội để nhận xét, đánh giá nhân vật toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy (Trang 53)