Thời gian tự sự trong tiểu thuyết Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? mang những nét độc đáo riêng, ngoài thời gian sự kiện gắn với cuộc đời nhân vật từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, câu chuyện còn được thuật lại không hoàn toàn
theo trật tự thời gian. Thời gian có sự đảo lộn từ hiện tại quay lại quá khứ, đôi khi nói về những việc ở tương lai. Điều này cho thấy thời gian có sự thay đổi theo tâm lí người kể chuyện. Câu chuyện đã khái quát một thời gian dài trong suốt cuộc đời nhân vật tôi, với nhiều mốc sự kiện trọng đại, truyện vừa phát triển theo một mạch thẳng vừa xen lẫn hồi tưởng của nhân vật đòi hỏi một kết cấu truyện hợp lí, dài nhưng không rối, nhiều nhưng không thừa, cho thấy tài năng của nhà văn Park wan –suh.
Câu chuyện hiện tại diễn ra là mẹ quyết tâm dù bất cứ giá nào cũng phải nuôi con lớn lên ở Seoul, ông nội đã rất giận mẹ, thì nhân vật lại kể về thời gian quá khứ khi bố mất.
Bỗng dưng một hôm, bố tôi lại lăn quằn quại vì một cơn đau bụng, và trong khi ông nội còn đang tự chữa cho bố tôi bằng thứ thuốc nam nào đó, còn bà tôi thì đi đến thầy cúng để cầu xin, thì bố tôi đã rơi vào tình trạng hấp hối sắp tắt thở. Đến lúc đó mẹ mới có thể kiên quyết đặt bố lên xe bò mà chở ra tận Songdo. Và phần viêm ruột thừa bị vỡ ra của bố tôi đã được phẫu thuật một cách muộn màng. Ngày ấy còn chưa có thuốc kháng sinh nên bệnh tình lại càng trầm trọng, vì thế bố tôi đã qua đời” [36, tr. 27].
Một sự kiện mà sau này khi biết suy nghĩ rồi, nhân vật tôi đã không thể không đồng tình với quan điểm đó của mẹ.
Khi lên Seoul đi học, rất nhiều lúc nhân vật tôi nhớ lại thời gian quá khứ. “Mùa hè năm ngoái, mẹ cho anh tôi ăn diện thật ra dáng rồi dẫn về quê, những ngày ở quê, mẹ rất vui vẻ và lúc nào cũng tỏ ra hãnh diện vì phải học giỏi lắm, anh tôi mới có thể theo được trường công lập ở trên đó” [36, tr. 47]. Kì nghỉ hè tới gần, cô có cảm giác trở về quê hương. Và lúc này, lại nhớ về buổi dã ngoại đầu tiên của năm thứ nhất:
Lần dã ngoại ấy, chúng tôi đi thăm sân sau của Phủ toàn quyền. Phủ toàn quyền là một tòa nhà choáng ngợp, đủ khiến một đứa nhà quê như tôi phải run rẩy. Lúc bước chân vào khu vườn rộng mênh mông ở phía sau tòa nhà, chúng tôi được nghe cô giáo nhắc lại vô số những điều cấm kị tuyệt đối không được làm trong đó.
Rồi tất cả ra về, và chúng tôi cùng đi ăn trưa với mẹ tôi - lúc ấy đã đợi sẵn ở bên ngoài [36, tr. 118].
Cô nhớ một chuyến về quê: “Chẳng nhớ đôi giày trượt tuyết ấy có làm cho lũ bạn ở nhà quê ghen tị hay hào hứng đến đâu, chỉ nhớ rằng hôm đó đã trở thành một màn trình diễn ngoạn mục. Mùa đông ngày ấy lạnh hơn bây giờ rất nhiều. Ngay ngày hôm sau, tôi đã mang đôi giày ra ngoài thửa ruộng đang đóng băng trơn nhẵn” [36, tr. 129]. Đôi khi đang kể chuyện nhân vật lại nhìn nhận về những chuyện trong quá khứ:
Sau này tôi mới biết, ngày đầu, thím đã từng được nhận vào làm giúp việc cho một nhà người Nhật. Khi thím làm osin thì chú tôi ngủ ở gác của kho đông lạnh của cửa hàng cá. Khổ sở không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng rồi nhờ học tiếng Nhật nhanh, lại tinh ý, nên chỉ vài tháng, thím được chủ nhà tín nhiệm, cho ra trông hàng ở cửa hiệu buôn bán tạp hóa của chủ nhà [36, tr. 123].
Hay khi nghĩ lại lúc đi học:
Sau này, mỗi lần nhìn lại, tôi vẫn không thể lí giải được. trong suốt sáu năm ròng rã ấy, một mình vượt qua ngọn núi để đến trường, hiếm khi nào tôi có, dù chỉ là một chút thôi, ý nghĩ sợ hãi hay buồn chán. Cũng làm tôi cảm thấy thoải mái và tự do nếu đi một mình, còn hơn cảm giác phiền toái khi có bạn đồng hành mà chẳng biết phải nói điều gì [36, tr. 139].
Có thể thấy câu chuyện được kể có nhiều đoạn thời gian quay lại quá khứ theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi, nhưng không làm câu chuyện bị rối, ngược lại đem lại cho người đọc những liên tưởng sâu sắc về tình cảm của nhân vật về câu chuyện mà mình kể.
Đôi khi đang nhắc tới chuyện này cô lại nhớ đến một câu chuyện khác. Nhắc tới chuyện đào ngũ cô nhớ đến chuyện xảy ra cách đây bốn mươi năm, khoảng thời gian mấy năm trước khi mẹ mất, mẹ đã không đi đâu được vì đau chân và chỉ đi quanh quẩn trong nhà. Vốn là một người theo Phật, nhưng lúc ấy mẹ lại không đi chùa được. Khi cô gia nhập Công giáo, mẹ thích đọc những cuốn sách kinh điển, những câu chuyện giảng giải về Kinh thánh, mẹ còn khen hay. Thấy thế cô khuyên
mẹ cải đạo. Nhưng khác với dự đoán, “khuôn mặt mẹ chợt biến sắc và tỏ ra khó chịu, mẹ đã mắng nhiếc tôi một cách thậm tệ. Đó quả là một cơn thịnh nộ sấm sét” [36, tr. 288]. Rồi cô lại nhớ lúc truyện của cô được đăng trên tờ Donga Ilbo đã có người của tạp chí nào đó cứ đòi phỏng vấn cả hai mẹ con. Lần đầu được được phỏng vấn nhưng mẹ lại trả lời một cách hết sức khéo léo. Rồi nhà báo hỏi mẹ có cảm tưởng gì khi đọc tiểu thuyết ấy, giọng nói mẹ cất lên thật lạnh lùng và dứt khoát: cái đó mà cũng gọi là tiểu thuyết à?.
Trái tim bóp nghẹt nãy giờ của tôi chợt giãn ra và khuôn mặt tôi trở nên nóng bừng và như đang kề gần ngọn lửa trại. Những ngày tháng sau đó, thi thoảng lời phê bình sắc lạnh của mẹ lại bất chợt được gợi nhớ đến và trở thành nỗi đau nhức nhối trong tôi. Những lúc ấy, tôi lại tự nhủ rằng phải hết sức kiềm chế những lời nói làm tổn thương người khác, như để vỗ về cho những giận hờn với mẹ trong tôi [36, tr. 290].
Cô lại tiếp tục câu chuyện bằng cách “đến lúc phải quay lại quảng thời gian sống ở ngôi nhà đằng sau nhà tắm công cộng, thuộc phường Donam-dong, đã bị cắt ngang khá lâu” [36, tr. 290].
Là một tác phẩm tự truyện, việc thời gian trong tác phẩm được thuật lại không hoàn toàn theo trật tự thời gian mà có sự đảo lộn là điều rất dễ hiểu. Sự đảo lộn thời gian thể hiện trong dòng ý thức của nhân vật. Chính cách xử lí thời gian như vậy đã tạo bất ngờ đối với người đọc. Cuộc sống có muôn màu, muôn vẽ thì thời gian cũng chứa đựng sự đa dạng của nó. Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày
ấy? đã xuất hiện nhiều chiều thời gian để thể hiện thế giới nội tâm đầy sinh động
của nhân vật.
Nghệ thuật xử lí không gian-thời gian trong tiểu thuyết Ai đã ăn hết những
cây sing-a ngày ấy? đã cho thấy sự tài năng cũng như sáng tạo của nhà văn Park
wan-suh. Câu chuyện là sự đan xen giữa thực tại, quá khứ và tương lai, nhưng điều đó không làm câu chuyện bị xáo trộn lung tung mà được kể lại một cách hợp lí, theo dòng tâm trạng của nhân vật. Giống như một lời nhận xét của dịch giả “câu chuyện không phải được đọc bằng từ, bằng chữ, mà là bằng cảm xúc”. Chúng ta
phải thả trôi tâm hồn mình theo câu chuyện được kể thì mới hiểu được tài năng của tác giả trong việc thể hiện ý nghĩa không gian thời gian mà tác giả nhắc đến. Nỗi bi thương về thân phận của một con người, nỗi niềm bùi ngùi và xót xa trong bối cảnh đất nước bị Nhật Bản đô hộ, cho đến những năm tháng diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai miền Nam Bắc trên bán đảo Triều Tiên.
Chương 3. Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy?