Ngôn ngữ người kể chuyện

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy (Trang 49)

Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả”[15, tr. 213]. Trong một tác phẩm tự sự thì trần thuật là phần lời của tác giả, người kể chuyện, tức là (toàn bộ văn bản tác phẩm, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của nhân vật). Nó “bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoài đề, lời ghi chú của tác giả” [15, tr. 364]. Người kể chuyện còn là một điểm tựa để tác giả bộc lộ những quan điểm của mình về cuộc sống nghệ thuật, giữa người kể chuyện và tác giả có mối quan hệ mật thiết với nhau, người kể chuyện thay mặc nhà văn trình bày những quan điểm về cuộc sống nghệ thuật nhưng ta tuyệt đối không được đồng nhất giữa hai đối tượng này. Thái độ của người kể chuyện đối với thế giới câu chuyện được kể lại có thể phần nào trùng khít với quan điểm của tác giả, nhưng không bao giờ trùng khít hoàn toàn.

Tác giả đã rất thành công khi lựa chọn hình thức tiểu thuyết tự truyện với cái tôi tự thuật đóng vai trò kép, vừa là người kể chuyện xưng “tôi” vừa là nhân vật chính của truyện. Đứng ở thì hiện tại, khi đã là một nhà văn nữ đứng tuổi, nhưng vật tôi kể bằng hồi ức, trong quy chiếu của một bé gái hồn nhiên, ngây thơ và nhạy cảm, đem đến lớp ngôn ngữ người kể chuyện đa dạng, phong phú, sinh động qua những lời tả, lời cảm nhận.

Những đoạn kể về những lúc đi học: “Điều đầu tiên chúng tôi được học trong sách là câu tiếng Nhật “Mùa xuân đến rồi, mùa xuân kìa, xuân đến từ đâu? Từ núi, từ vườn” Hoa anh đào trong sách giáo khoa nở rộ và chúng tôi còn được học cả bài hát” [36, tr. 93]. Hay những lúc tả về không cảnh thiên nhiên:

Phía đằng sau nhà chúng tôi là một quả đồi nhỏ và cũng là một khoảng sân chơi rộng rãi, trừ mùa đông rét mướt, còn lại lúc nào cũng rộ hoa. Chum vại cũng được xếp hết ở đây. Cả nơi thờ ông thổ địa cũng thế. Hoa đầu xuân đan kín hàng rào, các loại quả mùi vị cũng bình thường, nhưng tất cả lại khá rậm rạp bởi một cây lê dại nở hoa chi chít, thêm vào đó là một vài cây sơ ri, bên dưới là các cây dâu tự mọc lên um tùm phía gần nơi thờ ông thổ địa. Bên dưới hàng rào đầu xuân là thiên đường của những cây tầm bóp, những tán cây leo bám vào những chiếc vại, đùn lên thành tầng tầng lớp lớp, hệt như cỏ dại mọc cả một năm trời

Khi đến nhà Mudang cùng bà nội, với việc sử dụng lớp ngôn ngữ miêu tả giúp câu chuyện thêm sinh động, hiện thực, đầy màu sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Hàn:

Mudang trong sắc phục tướng quân, đầu đội mũ cánh chuồn, đã cởi vớ ra. Bàn chân nhỏ xíu, trắng muốt và các ngón chân như chụm vào nhau bởi lúc nào cũng mang vớ thít chặt ấy của mudang bắt đầu đặt lên lưỡi dao. Mudang bay bổng lên trên hai lưỡi dao song song một cách tự do và nhẹ bổng như loài bướm [36, tr. 106].

Khi mẹ nhờ người phu khuôn đồ đưa hành lý lên phường Hyeonjeo- dong “tôi” cảm nhận được: “trong mắt người khuân đồ ấy chợt ánh lên một vẻ gì đó thiếu tôn trọng. Rõ ràng là đang coi thường chúng tôi. Rút cuộc phường Hyeonjeo- dong là ở đâu mà lại khiến ông ta như vậy nhỉ? Tôi nhìn người lớn và đọc thấy tất cả những điều đó” [36, tr. 59].

Ngôn ngữ người kể chuyện còn thể hiện sự đa dạng qua các lời bình của “tôi” về các nhân vật trong truyện. Khi ông nội bị trúng gió:

Một ngày có đến vài lần, ông nội cất tiếng gọi tôi bằng thứ giọng nói run rẩy nhưng vẫn có gì đó thật sang sảng để sai vặt hoặc kiếm người trò chuyện. Dù hẵng còn bé nhưng tôi vẫn có thể nhận thấy ông thật tội nghiệp và không đành lòng trông thấy ông như vậy. Ông ngồi lặng thinh một chỗ, rồi dường như không còn chịu đựng nổi hoặc phát cáu lên, lúc ấy, ông mới cất tiếng gọi tôi [36, tr. 42].

Với mẹ “cứ tưởng là một người căn cơ không có kẽ hở, vậy mà cũng có những phần lỏng lẻo như thế. Ai cũng phải công nhận mẹ tôi là người khéo tính toán, nhưng việc cái hầu bao nghèo rớt của mình bị mất trộm mà cũng không biết ấy lại là một khía cạnh khác của mẹ” [36, tr. 115].

Tác giả còn sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện hóa thân vào nhân vật, thể hiện trước tiên qua những lời nói trực tiếp của bà, mẹ, và đặc biệt là cô bé Wan-suh. Cách kể này giúp tác giả có thể tái hiện một cách khách quan những chiều khác nhau của tâm trạng, những biến thái tâm lí tinh vi của nhân vật. Khi mẹ có ý định đưa Wan-suh lên Seoul đi học, qua lớp ngôn ngữ của bà có thể thấy bà không muốn cho cô đi vì muốn ở lại với bà. Bà thoảng thốt: “ Trời đất, cả con gái cũng phải đi học ở Seoul từ tiểu học à?. Bà buông ra những lời nhạy cảm “Chị làm gì ở Seoul mà đủ tiền cho cả nó đi học ở trên đó?”. Thấy mẹ không nói gì bà lại bảo:

Bố chị ốm đau thế kia, sống được cũng là nhờ niềm vui hằng ngày được trông thấy đứa con nít ngây ngô nhăn nhít, chạy ra chạy vào ở sân ngoài kia. Chị thấy chị mang nó đi mà được sao? Chị thật là quá quắt, không thể nhịn nổi nữa rồi [36, tr. 49]

Bất chấp những lời nói tuyệt tình của bà, mẹ vẫn không hề xoay chuyển. Thấy vậy bà quay sang hỏi cô bé Wan-suh: “Con thích ở với bà nội hay với mẹ hơn? Nói mau, con này. Thích bà hơn thì mau nói với mẹ là con ở với bà nội. Mau lên” [36, tr. 49]. Qua lớp ngôn ngữ trên, có thể thấy bà rất yêu đứa cháu gái của mình. Đưa lí do ông nội ốm để giữ đứa cháu lại. Còn cô bé Wan-suh khi nghe bà nội nói vậy cũng thể hiện tâm trạng rối bời của mình khi phải đưa ra câu trả lời khó khăn. Cô chỉ thốt ra được mấy từ: “Con không biết, con không biết” và òa khóc nức nở.

Những lời an ủi của mẹ khi đưa cô lên Seoul học: “Ở đây người ta gọi là ngoại thành Seoul. Sau này, anh con đi làm, kiếm được nhiều tiền, lúc ấy mình sẽ chuyển vào trong thành, sống cho đàng hoàng hơn. Những lời nói của mẹ với người gánh nước thuê: “Ông đó trông thế thôi, chứ nghĩ đến việc ông ấy được đội cái mũ cử nhân lên đầu thằng con trai là trong bụng mình đã phải kính nể rồi” [36, tr. 88].

Câu nói không chỉ biểu lộ sự kính trọng mà còn là sự ghen tị với người gánh nước thuê ấy. Không những thế khi nghe Wan-suh kể về việc nhặt được tiền thì đem vào sở cảnh sát, qua lời nói của mẹ có thể thấy một giọng như đang mỉa mai: “Con nhìn thấy của rơi thì cứ coi như không nhìn thấy. Sao mà phải nhặt? Người nào đánh rơi sẽ tự khắc quay lại tìm, nên cứ để đó cho người ta thấy. Chỉ có những đứa muốn ra vẻ ta đây mới đem nộp cho cô giáo hay sở cảnh sát thôi” [36, tr. 99]. Khi mẹ cắt đi mái tóc của Wan-suh rồi bị những đứa trẻ trong xóm trêu chọc, nhân vật đã phản ứng lại: “Bọn trẻ ở Seoul đều để tóc ngắn như thế này đấy. Xí, cái này mà cũng không biết” [36, tr. 51]. Khi về quê, cô lại tìm thứ cỏ ăn được, nhưng vùng đất xung quanh ngọn núi Seonbawi chỉ còn những loài cỏ thô ráp, cứng chắc mọc lên. Chốc chốc cô lại ngẩn người ngơ ngác: Ai đã ăn hết những cây sing-a mọc đầy quê tôi?. Một câu hỏi trong lòng nhân vật, nhưng qua đó như để tác giả nói lên được nỗi niềm mong nhớ quê hương.

Trong Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? còn có sự kết hợp – đan xen giữa ngôn ngữ cảm xúc và lí trí. Những lúc nhân vật “tôi” thể hiện tình yêu với ông nội hay với mẹ điều được thể hiện dưới lớp ngôn ngữ đầy tình yêu thương và kính trọng. Lúc chờ đợi ông đi Songdo về, cô bé Wan-suh lưng lưng theo dòng cảm xúc: “Bước chân riêng của ông nội, tôi không thể miêu tả được bằng lời, nhưng nó hệt như một luồng sáng mạnh mẽ truyền tới tôi vậy. “Ông nội kia rồi”. Ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu tôi và nhanh như tên bắn, tôi vụt chạy ra ngoài cửa Đông. Chưa khi nào, dù chỉ một lần tôi nhầm lẫn cả” [36, tr. 22]. Hay “Vòng tay ông nội thật rắn chắc và hơi thở thì vô cùng ấm áp. Hơi thở ấy luôn đượm nồng mùi rượu. Tôi mê vô cùng cái hơi thở ấm nồng hòa lẫn với hơi men ấy” [36, tr. 23]. Khi anh trai cầu xin mẹ đi gặp người con gái anh yêu, mẹ đã nhượng bộ, chấp nhận đi xem mặt cô gái ấy: “Tôi cảm thấy mẹ tôi vừa như bị cuốn hút, lại vừa như trở nên bé nhỏ trước chị ấy. Dù thật không phải với mẹ nhưng tôi vẫn phải nghĩ rằng mẹ lại thua rồi. Tôi có thoáng chút ghen tị nhưng rồi cũng không thể không đồng lòng với họ. Hình như mẹ tôi cũng nhận ra một điều rằng một nửa trong mẹ đã không thể phản đối cuộc hôn nhân này” [36, tr. 213]. Lớp ngôn ngữ lí trí thể hiện ở những câu văn

mang tính chất lí giải vấn đề của nhân vật “tôi” như “sau này”, “sau này tôi mới biết”… Khi cùng mẹ đến thăm thím, thím mặc chiếc váy áo Hanbok, bên ngoài khoác chiếc áo lao động màu xanh. “Sau này tôi mới biết, ngày đầu, thím đã từng được nhận giúp việc cho một nhà người Nhật. Khi thím đi làm osin thì chú tôi ngủ ở căn gác của khô đông lạnh của cửa hàng cá. Khổ sở không biết bao nhiêu mà kể” [36, tr. 123]. Tác giả viết cuốn “Chưa thể quên”, “trong đó có cảnh lễ cưới truyền thống của nhân vật nữ chính, tôi vẫn mượn hình ảnh ấy” [36, tr. 223], khi trông thấy hình ảnh chị dâu đội chiếc mũ miện trên đầu. Rồi khi nằm nghe câu chuyện giữa chú và người và người phụ nữ: “Một thời gian dài tôi đã không thể quên được câu chuyện nghe lỏm ấy và đến vài chục năm sau này, câu chuyện đó vẫn được nhớ đến và trở thành mô típ quan trọng trong cuốn tiểu thuyết dài nhất trong số những tiểu thuyết của tôi có nhan đề Không thể quên” [36, tr. 256].

Như vậy, việc sử dụng đa dạng, kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện, vừa khách quan – chủ quan, miêu tả - cảm nhận, vừa cảm xúc - lí trí, Park wan-suh đã thể hiện đặc sắc trong việc sử dụng ngôn ngữ. Chuyển tải được tư tưởng, khẳng định phong cách cá tính độc đáo của nhà văn.

Một phần của tài liệu nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w