Kiến nghị đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (techcombank) (Trang 93 - 97)

NHNN là cơ quan đại diện cho Nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các Ngân hàng, vì vậy Ngân hàng Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động của Ngân hàng nói chung và hoạt động ngân hàng bán lẻ nói riêng.

NHNN cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy về hoạt động ngân hàng bán lẻ nói riêng và hoạt động của Ngân hàng nói chung. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy sẽ tạo nền tảng cơ sở cần thiết cho hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển. Cần có những văn bản cụ thể về đối tượng, loại hình tín dụng bán lẻ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng cho hoạt động này. Đối với các văn bản khác thì nên nghiên cứu kỹ tình hình thị trường và có những dự đoán chính xác xu hướng thay đổi của thị trường để ra những văn bản chính xác và có tuổi đời kéo dài.

NHNN cần có sự nỗ lực trong việc phối kết hợp với các Bộ, Ngành có liên quan trong hoạt động ngân hàng bán lẻ để cho ra đời những Thông tư liên bộ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng và huy động vốn từ dân cư phát triển.

NHNN thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, sáp nhập các NHTM nhỏ, hoạt động không hiệu quả, nhằm tạo dựng một môi trường cạnh tranh ngang bằng và lành mạnh giữa các NH.

NHNN cần phát triển hệ thống thông tin liên Ngân hàng. NHNN nên tăng cường mối quan hệ với các Ngân hàng thương mại và giữa các Ngân hàng thương mại với nhau, thiết lập nên mối quan hệ mật thiết từ đó nắm bắt thông tin về hoạt động Ngân hàng cũng như thông tin về khách hàng trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, NHNN nên khuyến khích tất cả các Ngân hàng thương mại tham gia hệ thống nối mạng thông tin liên Ngân hàng, hệ thống cho phép các Ngân hàng có khả năng thanh toán, trao đổi thông tin về hoạt động Ngân hàng cũng như về khách hàng với tất cả các Ngân hàng có tham gia nối mạng.

NHNN cần xây dựng cơ chế điều hành lãi suất cụ thể và rõ ràng hơn, tổ chức tốt thị trường liên ngân hàng nhằm khơi thông các dòng vốn giữa các thị trường, giữa các khu vực, giữa các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Mặt khác, NHNN cần điều hành linh hoạt các loại lãi suất chính sách (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu giấy tờ có giá, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất cho vay thanh toán bù trừ), phối hợp với khối lượng tiền cung ứng và dự trữ bắt buộc để định hướng và xác lập mặt bằng lãi suất thị trường, vừa hỗ trợ được sản xuất, vừa hướng dòng vốn ngân hàng tới các khu vực sản xuất cần được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Để thị trường hoạt động lành mạnh, hiệu quả và có trật tự, kỷ cương nghiêm minh, mọi thành viên tham gia thị trường đều phải tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với xã hội, NHNN cần quan tâm và quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tốt, có hiệu quả đối với chất lượng tín dụng của các NHTM. NHNN cần hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc cho vay tái cấp vốn đối với các NHTM thế chấp bằng hồ sơ vay vốn của khách hàng của NHTM. Trong thanh tra hoạt động tín dụng cần phát huy vai trò của CIC, tăng cường sự kết hợp công tác của CIC và thanh tra, giám sát

các NHTM. Khi tiến hành thanh tra tại chỗ về hoạt động tín dụng, thanh tra NHNN nên chọn mẫu ngẫu nhiên một số hồ sơ cho vay của NHTM để kiểm tra, so sánh mức độ phân loại nợ của chính NHTM được kiểm tra với việc phân loại nợ của CIC, qua đó đánh giá phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ hoặc phân loại nợ của NHTM có hợp lý, nghiêm túc hay không.

NHNN nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Ngân hàng Thương mại phát triển hoạt động của mình thông qua các biện pháp như: tăng khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cho các Ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, NHNN cũng nên thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, những khóa học, những buổi nghe ý kiến của các Ngân hàng Thương mại về những văn bản chính sách mà NHNN đưa ra, nhằm phổ biến những chủ trương mới của NHNN tới các Ngân hàng Thương mại và hoàn thiện những chủ trương này. Cử cán bộ của NHNN đi học ở các nước có hoạt động ngân hàng bán lẻ phát triển để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam.

Thời gian tới, NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động vốn và có biện pháp phù hợp giải quyết các vấn đề: quản trị điều hành yếu kém của một số NHTM, nhất là yếu kém trong quản trị rủi ro tín dụng, quản trị thanh khoản; sự quản lý, điều hành trên thị trường liên ngân hàng chưa khơi thông tốt các nguồn vốn; và sự thắt chặt có phần quá mức của chính sách tiền tệ. Giải quyết được các vấn đề trên thì mặt bằng lãi suất thị trường sẽ hạ nhiệt, ở mức hợp lý hơn so với hiện nay, lãi suất từng bước được hạ thấp theo mức độ giảm lạm phát của nền kinh tế. Đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng, kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN nên giảm bớt mức độ thắt chặt về chính sách tiền tệ, cho phép những NHTM có hệ số an toàn vốn cao (ví dụ có hệ số an toàn vốn trên 12%) và chất lượng quản trị điều hành tốt (3 năm liên tiếp xếp loại A theo Cơ quan thanh tra giám sát Nhà nước, thuộc nhóm 10 NHTM hoạt động tốt nhất) được phép tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 khoảng 18%.

KẾT LUẬN

Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng hiện đại trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn mà nền kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn với nhiều biến động khôn lường như hiện nay, việc cho vay các doanh nghiệp lớn sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam đã chú trọng và đầu tư vào các hoạt động phát triển thị trường bán lẻ nhằm thu hút và thỏa mãn nhu cầu của các đối tượng khách hàng cá nhân – nhóm khách hàng đóng góp lớn vào doanh thu hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Qua nghiên cứu lý luận và thực tế các hoạt động kinh doanh trên thị trường bán lẻ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, được sự hướng dẫn của thầy giáo PGS. TS. Nguyễn Hữu Tài, tôi đã đi vào phân tích và nêu ra những mặt đạt được và những còn hạn chế trong hoạt động phát triển thị trường khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), từ đó mạnh dạn đưa ra một số giải pháp với mong muốn hoạt động này ngày càng được phát triển, thị trường ngân hàng bán lẻ của ngân hàng ngày càng được mở rộng, giúp ích phần nào cho Ngân hàng và cho những cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Do còn hạn chế về mặt kiến thức lý luận cũng như thực tiễn, đồng thời do hạn chế về tài liệu và thời gian nghiên cứu, nhiều vấn đề cần phân tích sâu hơn nhưng tôi chưa làm được điều đó trong bài viết này, tôi rất mong có thể quay lại nghiên cứu trong một ngày gần đây.

Tôi rất mong có được sự góp ý, nhận xét của các thầy cô, bạn bè, những người có cùng niềm đam mê trong lĩnh vực Ngân hàng nói chung và hoạt động phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ nói riêng.

Xin chân thành cảm ơn!

1. PGS. TS. Phan Thị Thu Hà (2007), Ngân hàng Thương mại, NXB Đại Học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

2. PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hiền (2007), Marketing ngân hàng, NXB Thống kê.

3. Nguyễn Bách Khoa (2003), Marketing thương mại, NXB Thống kê.

4. Peter S. Rose (2001), Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Tài chính.

5. PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến (2009), Tài chính – Tiền tệ ngân hàng, NXB Thống kê.

6. Báo cáo thường niên của Techcombank các năm từ 2006 – 2010.

7. Thời báo Ngân hàng (2008, 2009, 2010, 2011).

8. Báo Đầu tư (2010, 2011).

CÁC TRANG WEB

1. Website của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam: www.techcombank.com.vn

2. Website của Bộ tài chính: www.mof.gov.vn

Một phần của tài liệu phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (techcombank) (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w