2.2.1.1. Môi trường bên ngoài
Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn 2011 – 2015, với chủ trương của Chính phủ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, dự báo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khoảng 7- 8%/năm. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến kinh tế thế giới nhưng tăng trưởng năm 2011 của Việt Nam vẫn được Quỹ tiền tệ Thế giới IMF dự đoán ở mức 5,8% (so với mức trung bình của thế giới là 4,0%).
Việt Nam có môi trường chính trị ổn định trong suốt thời gian qua, giúp các doanh nghiệp và ngân hàng yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút vốn đầu tư. Hoạt động của các NHTM được quản lý và điều tiết bởi các chính sách, quy định của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Dân số Việt Nam tăng nhanh, năm 2010 đạt khoảng 87 triệu người, cơ cấu dân số trẻ. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm 1 – 1,1 triệu người. Điều này tạo ra một thị trường đa dạng về cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Cùng với sự phát triển về kinh tế là sự đi lên của văn hóa và nhu cầu của người dân, các NHTM nói chung và Techcombank nói riêng phải không ngừng đa dạng hóa và hiện đại hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng dịch vụ mới có thể cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Theo số liệu thống kê, hiện nay chỉ có khoảng gần 20% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng. Với số dân khoảng 87 triệu người cùng mức thu nhập cũng như trình độ dân trí của người dân ngày càng cao, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường rất tiềm năng dành cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Dưới áp lực cạnh tranh về cung cấp dịch vụ ngân hàng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào khai thác thị
trường bán lẻ. Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh cho công nghệ để tạo lập cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chủ động đối mặt với những thách thức của tiến trình hội nhập.
Người đứng đầu tạp chí Asian Banking and Finance - ông Timothy James Charlton nhận định rằng, thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang trở nên cạnh tranh với các cuộc chạy đua ráo riết về công nghệ, mạng lưới, tiện ích dịch vụ và nguồn lực của mỗi ngân hàng. Bối cảnh này đưa đến một viễn cảnh tích cực rằng, trong vòng 5 năm tới đây, thị trường ngân hàng sẽ chứng kiến mức tăng đột biến về tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Tiềm năng này là cơ hội lớn cho chiến lược kinh doanh của các ngân hàng trong tương lai. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, theo nhiều đánh giá, tăng nhanh chóng từ con số 10% lên 20%. Hàng loạt các ngân hàng thương mại khác cũng đang xây dựng cho mình các chiến lược bán lẻ với các hoạch định tổng thể về đầu tư hạ tầng, hệ thống, nhân lực và đặc biệt là một danh mục dài các sản phẩm bán lẻ nhiều tiện ích. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt này, Techcombank chọn cho mình hai giá trị định vị rất khó trong chiến lược bán lẻ là nâng cao dịch vụ, tiện ích cho khách hàng và nhìn nhận đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng một ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp.
Các đối thủ lớn của Techcombank trên thị trường bán lẻ bao gồm 3 nhóm: - Các ngân hàng có vốn Nhà nước thành lập lâu năm và có số lượng khách hàng lớn, ổn định như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Ngân hàng Công thương Việt nam - Vietinbank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank,... Do xuất thân là Ngân hàng vốn Nhà nước nên các ngân hàng này có số lượng khách hàng lớn từ xưa. Người dân Việt Nam với tư tưởng truyền thống, sợ rủi ro thường tìm đến các ngân hàng này.
- Các ngân hàng TMCP lớn như: Ngân hàng Á châu – ACB, Ngân hàng Sài gòn Hà Nội – SHB,... cũng có tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược kinh doanh hiện đại, bài bản, là những đối thủ lớn trên mọi phân khúc thị trường của Techcombank.
- Các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam như HSBC, ANZ, Citybank, Standard Charter bank,... thì có đối tượng khách hàng cá nhân chủ yếu là những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hiện cũng có xu hướng phát triển khách hàng nội địa.
2.2.1.2. Môi trường bên trong
* Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Ngân hàng bao gồm những người có trình độ cao, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là những người luôn có tư tưởng cải tiến, đổi mới không ngừng để đưa hoạt động của ngân hàng ngày càng phát triển. Cơ cấu Ban điều hành được tách biệt theo các Khối quản trị, kiểm soát, các Khối kinh doanh, và các Khối hỗ trợ nhằm đảm bảo hoạt động điều hành tách biệt và sát sao theo từng mảng.
Khối Kinh doanh bao gồm các khối: - Khối Ngân hàng giao dịch
- Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn - Khối Khách hàng định chế tài chính
- Khối Dịch vụ Ngân hàng Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - Khối Dịch vụ và Tài chính cá nhân
- Khối Nguồn vốn và Thị trường tài chính - Khối Bán hàng và Kênh phân phối
Dựa trên cơ cấu tổ chức của Techcombank, thị trường ngân hàng bán lẻ sẽ chỉ bao gồm các khách hàng là cá nhân và chủ hộ kinh doanh, được quản lý và phát triển kinh doanh bởi Khối Dịch vụ và Tài chính cá nhân (PFS).
* Các chiến lược và chính sách quản trị và phát triển của ngân hàng trong từng giai đoạn luôn được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển của các ngân hàng lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động quản trị rủi ro cũng được xem là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng trong quá trình phát triển. Trong nhiều năm qua, Techcombank đã tích cực hoàn thiện khung hệ thống quản trị rủi ro đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nhiệm vụ quản trị rủi ro của Ngân
hàng được thực hiện chủ yếu bởi Khối Quản trị rủi ro, với yêu cầu đảm bảo đánh giá và kiểm soát được rủi ro ở mọi phạm vi, từ rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động đến các rủi ro trong loại hình kinh doanh, phù hợp với đặc thù địa bàn hoạt động rất rộng của mạng lưới Techcombank.
Năm 2010, Khối Quản trị rủi ro đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm toán và rủi ro – ARCO (thuộc Hội đồng quản trị), tham gia vào Ủy ban Quản lý tài sản nợ có – ALCO (thuộc Ban điều hành) để xem xét điều chỉnh kịp thời, thường xuyên các công tác về quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, trong mỗi khối kinh doanh đều có bộ phận phân tích và đánh giá mức độ rủi ro đối với các nghiệp vụ được triển khai theo chức năng. Việc kiểm soát rủi ro theo hướng tập trung kết hợp với phân cấp nhiều tầng đảm bảo cho ngân hàng đánh giá đúng và đủ các rủi ro có thể gặp phải để xây dựng các chính sách phòng ngừa thích hợp.
Trong bối cảnh thị trường tiền tệ có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động tín dụng dễ phát sinh nợ xấu, công tác quản trị rủi ro tiếp tục được hiện đại hóa theo hướng chuyên sâu và thích ứng với tình hình mới, do vậy đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Các công tác trọng tâm của quản trị rủi ro là tiếp tục hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro cho từng khối khách hàng từng khối ngành; mô hình hóa và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro; xây dựng và cập nhật liên tục các báo cáo đánh giá rủi ro; theo dõi và giám sát hàng ngày đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các tỷ lệ an toàn bắt buộc,…
- Quản trị rủi ro tín dụng:
Tín dụng luôn là một trong những hoạt động đem lại lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh hậu khủng hoảng còn nhiều bấp bênh. Techcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thiện mô hình phê duyệt tín dụng tập trung, phân luồng và phân cấp phê duyệt hồ sơ tín dụng theo các mức từ chi nhánh, đến các khối chức năng và hội đồng tín dụng cao cấp. Mô hình hiện đại này đảm bảo cho ngân hàng luôn kiểm soát được rủi ro khách hàng, duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.
Trong năm 2010, chính sách quản trị rủi ro tín dụng được Techcombank tiếp tục rà soát, cập nhật theo tình hình thị trường, đặc biệt đã cải tiến và ban hành hàng loạt văn bản quan trọng: Khẩu vị rủi ro tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, Chính sách tín dụng, Quy định cho vay, Quy định bảo lãnh, Quy định về phê
duyệt tín dụng, Quy định cấp tín dụng doanh nghiệp và một số chỉ thị tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng cho một số ngành chiếm tỷ trọng dư nợ lớn của ngân hàng. Khối Quản trị rủi ro cũng hoàn thành phương pháp xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng cho khách hàng vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo dự án trên cơ sở mô hình quản trị rủi ro tín dụng do McKinsey tư vấn. Bước đầu đã triển khao thí điểm hệ thống xếp hạng này tại 8 chi nhánh, tiến tới triển khai đại trà trên toàn hệ thống thời gian tới.
Một bài học quan trọng được rút ra trong công tác quản trị rủi ro đối với các tổ chức tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010 là không chỉ quản lý rủi ro tốt ở tổ chức mình mà còn phải thấu hiểu khả năng quản trị rủi ro của đối tác là các định chế tài chính trên thị trường. Do đặc thù hoạt động theo hệ thống, rủi ro của một định chế tài chính khác có thể ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của ngân hàng. Vì vậy Techcombank đã hoàn thành việc xây dựng khung quản lý rủi ro tín dụng đối với các định chế tài chính để xác định nguy cơ rủi ro, đánh giá và đo lưởng rủi ro, đồng thời xây dựng các khẩu vị rủi ro, hệ thống tính điểm tín dụng nội bộ, các chính sách tín dụng và hướng dẫn cho khách hàng là các định chế tài chính.
- Quản trị rủi ro thị trường:
Techcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công hệ thống quản trị rủi ro thị trường từ năm 2003 nhằm đảm bảo phòng chống các rủi ro trong kinh doanh ngoại hối, chứng khoán cũng như rủi ro về lãi suất, thanh khoản. Đối với các rủi ro về lãi suất và thanh khoản: Ủy ban ALCO của ngân hàng thực hiện các cuộc họp định kỳ và bất thường nhằm đánh giá rủi ro lãi suất. Các quyết định điều chỉnh chính sách lãi suất của Techcocmbnak đều dựa trên sự phân tích thấu đáo về môi trường kinh doanh, dựa vào các công cụ kỹ thuật đo lường lãi suất…. Ngân hàng cũng xây dựng các công cụ theo dõi, giám sát và đảm bảo hàng ngày các tỷ lệ an toàn, bao gồm cả tỷ lệ khả năng chi trả, mà các tổ chức tín dụng cần phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như chỉ tiêu thanh khoản nội bộ của ngân hàng.
- Quản trị rủi ro hoạt động:
Rủi ro hoạt động là các rủi ro xảy ra do quy trình, con người và hệ thống không phù hợp hay vận hành không đúng hoặc do các sự kiện bên ngoài. Đây là loại rủi ro xảy ra khá thường xuyên trong hoạt động của các ngân hàng và được
Techcombank đặc biệt quan tâm. Nhóm làm việc về rủi ro hoạt động nhóm họp hàng tháng nhằm thảo luận và đưa ra phương hướng giải quyết các vấn đề rủi ro hoạt động trọng yếu của ngân hàng.
Các chương trình hoạt động cốt lõi của Quản trị rủi ro hoạt động bao gồm: Thu thập dữ liệu tổn thất, Đánh giá rủi ro và Đo lường chỉ số rủi ro chính. Ngoài ra Phòng Quản trị rủi ro hoạt động còn có các nhiệm vụ khác như xem xét yếu tố rủi ro hoạt động trong quy trình/sản phẩm mới trước khi ban hành và làm đầu mối rà soát, đàm phán ký kết các hợp đồng bảo hiểm. Phần mềm quản lý rủi ro hoạt động được phát triển từ năm 2009 và hoàn thành năm 2010, đáp ứng được nhu cầu về Quản trị rủi ro hoạt động của ngân hàng trong vài năm tới.
* Nhân lực luôn được coi là nguồn tài nguyên quý giá của mọi doanh nghiệp. Nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Techcombank.
Việc tuyển dụng nhân tài – phát triển nhân lực là một trong năm giá trị cốt lõi của Techcombank. Số lượng cán bộ nhân viên có bằng cấp từ hệ đại học trở lên chiếm hơn 92% cho thấy mặt bằng học vấn và trình độ tại ngân hàng cao và được chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào.
Techcombank hướng tới mô hình là một ngân hàng kinh doanh (Attacker bank), vì vậy số lượng đội ngũ nhân viên bán hàng được đặc biệt quan tâm, thường chiếm 30 – 40% trên tổng số cán bộ nhân viên. Ngân hàng cũng có số lượng lớn các chuyên gia tư vấn nước ngoài, các quản lý cao cấp từng giữ nhiều trọng trách tại các tổ chức tài chính ngân hàng có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.
Ngân hàng luôn chú trọng công tác đào tạo. Năm 2009, tổng chi phí đào tạo của Techcombank là 16,1 tỷ đồng (chiếm 2,7% so với tổng ngân quỹ lương) cho 500 khóa học được tổ chức cho 14.452 lượt cán bộ nhân viên và trung bình số giờ học trên mỗi cán bộ nhân viên là 48 giờ/năm. Không chỉ tổ chức các lớp học theo kiểu truyền thông, Techcombank còn đi đầu trong việc áp dụng phương pháp đào tạo hiện đại là đào tạo từ xa (online).
Trong các năm qua, vào các thời điểm kinh tế khủng hoảng suy thoái, các ngân hàng nước ngoài phải cắt giảm nhân lực để bảo toàn bộ máy và cắt giảm
lương của nhân viên để giảm thiểu chi phí hoạt động thì Techcombank luôn đảm bảo có số lượng nhân viên ổn định và không ngừng tăng. Năm 2009 ngân hàng đã tiến hành một bước ngoặt lớn trong chính sách ngân sự và tiền lương tại Techcombank, đó là tiến hành đánh giá lại các vị trí chủ chốt và điều chỉnh lương cho cán bộ nhân viên bắt đầu từ tháng 06/2009 theo một cơ cấu lương tăng 23%, mang tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động. William Mercer là tổ chức được chỉ định thực hiện dự án trên nguyên tắc tìm giải pháp và tư vấn cho Techcombank một thang bảng lương mới, để có thể thúc đẩy hơn nữa hiệu suất lao động nhằm mang lại thặng dư cho ngân hàng, cho phép giữ chân người tài làm việc tại Techcombank và có thể tuyển dụng các vị trí quản lý cao cấp với chất lượng tốt nhất từ bên ngoài hiện đang làm việc tại các ngân hàng nước ngoài hoặc các tổ chức tài chính uy tín tại Việt Nam.
Chế độ phúc lợi cũng là một điểm được chú trọng trong việc tạo dựng môi trường làm việc hấp dẫn cho các nhân viên. Techcombank là ngân hàng TMCP tiên phong trong việc mua bảo hiểm sức khỏe cho toàn thể cán bộ nhân viên đang làm việc trong hệ thống, toàn bộ chi phí này được ngân hàng đài thọ với