Thị trường ngân hàng tài chính hiện tại và dự báo tình hình phát triển trong thời gian

Một phần của tài liệu phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (techcombank) (Trang 77 - 79)

trong thời gian tới.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với nhu cầu dịch vụ tài chính và cho vay tăng cao. Thu nhập bình quân của người Việt Nam cũng cao hơn trước đây dẫn đến gia tăng nhu cầu có các sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm thẻ và các dịch vụ tài chính cá nhân. Đây là một thị trường mở cho các ngân hàng vốn hiện tại vẫn chưa đáp ứng nhu cầu một cách đầy đủ.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện vẫn còn khoảng trống rất lớn cho các ngân hàng bán lẻ. Số lượng phòng giao dịch trên 100.000 người dân trong độ tuổi trưởng thành chỉ mới đạt tới con số 7, một con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Hiện tại mạng lưới ngân hàng bán lẻ chỉ mới tập trung vào hai đô thị lớn nhất của cả nước là Tp.HCM và Hà Nội, người dân ở các tỉnh thành khác vẫn chưa được hưởng lợi ích từ việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đây là một phân khúc hết sức màu mỡ để các ngân hàng tiếp cận và mở rộng thị phần.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Research & Markets, thị trường thẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường năng động hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng khoảng 18,5% từ nay đến năm 2014.

Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống ngân hàng vẫn gặp nhiều thách thức. Năm 2011 là năm Luật Các tổ chức tín dụng mới bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định những thay đổi quan trọng liên quan đến nhiều hoạt động của các ngân hàng như công tác tổ chức, quản trị, điều hành, giới hạn cấp tín dụng, hoạt động đầu tư,… Việc áp dụng các quy định mới là thách thức đối với các ngân hàng để vừa đáp ứng

quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hiệu quả. Ngoài ra, việc hạn chế về huy động tiền đồng đối với các ngân hàng nước ngoài cũng được dỡ bỏ theo cam kết WTO. Các ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng mạng lưới và phát triển phạm vi hoạt động, sau quá trình tăng vốn sẽ càng gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường tài chính tiền tệ.

Năm 2011 là một năm xảy ra nhiều biến động phức tạp trên thị trường tài chính tiền tệ: lạm phát gia tăng, lãi suất cao, tỷ giá USD/VND thay đổi, giá vàng liên tục tăng,… đã gây khó khăn nhất định đối với hoạt động của các ngân hàng. Để tăng vốn huy động, đầu năm 2011 các ngân hàng đã thực hiện chạy đua lãi suất, thực hiện các chiêu khuyến mại cộng lãi suất hoặc lãi suất thỏa thuận với các khoản tiền gửi lớn lên tới mức 17, 18%/năm. Lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất cho vay cao ở mức hơn 20% khiến doanh nghiệp và người dân khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ ổn định lạm phát, đầu tháng 03/2011 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 quy định về việc áp trần lãi suất huy động ở mức 14% và Chỉ thị 02 ban hành ngày 07/09/2011 về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng đồng đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, nếu các ngân hàng huy động vốn trong dân cư với mức lãi suất cao hơn 14% sẽ bị xử phạt nghiêm. Điều này đã khiến cho một lượng lớn vốn chạy ra khỏi ngân hàng. Các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất kịch trần trên tất cả các kỳ hạn. Mức phổ biến cho các kỳ hạn trên 1 tháng tại các ngân hàng đều bằng nhau ở mức 13,99 – 14%. Đường cong lãi suất (thấp ở kỳ hạn ngắn và cao ở kỳ hạn dài) đã bị phá vỡ, cho thấy các ngân hàng đang chịu sức ép lớn trong lãi suất và huy động vốn, đặc biệt đối với các ngân hàng nhỏ và vấn đề thanh khoản cần được cảnh báo.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s trong báo cáo phát hành đầu tháng 9 năm 2011 đã đưa ra nhận xét đánh giá không tốt về triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam trong 12-18 tháng tới dựa vào sự quan sát trên 6 ngân hàng mà Moody’s có xếp hạng tín nhiệm (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng Á châu – ACB, Ngân hàng Kỹ thương – Techcombank, Ngân hàng Quân đội – MB, Ngân hàng Quốc tế - VIB và Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội – SHB). Sáu ngân hàng này chiếm gần 30% tổng tài sản trên toàn hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2010. Theo Moody’s, triển vọng tiêu cực của ngành ngân hàng và cả Việt Nam đến từ môi trường kinh doanh khó khăn do sự mất cân bằng về kinh tế vĩ mô.

Môi trường kinh doanh có thể đưa đến những rủi ro về chất lượng tài sản của ngân hàng, và khiến cho việc vay trở thành một thách thức. Kinh tế thế giới chưa chắc có thể phục hồi sớm trong khi Việt Nam là một nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố bên ngoài, khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu chiếm 167% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) công với khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách hiệu quả để ổn định kinh tế là hai vấn đề vĩ mô bất ổn có khả năng tác động xấu đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Moody’s nêu sáu điểm yếu và thách thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam, bao gồm sự kém minh bạch dẫn đến không thể đánh giá đầy đủ sự bất ổn của hệ thống, các chính sách thường xuyên thay đổi đưa đến những thách thức trong hoạt động ngân hàng. Một trong những thách thức của ngân hàng Việt Nam là đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quá nhanh và người gửi tiền tại Việt Nam khá nhạy cảm đối với hệ thống ngân hàng và đồng nội tệ, thường làm theo tâm lý số đông dẫn đến hiệu ứng domino. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng quá lớn trong thập kỷ vừa qua, lạm phát và lãi suất cao đã có tác động tiêu cực đến tài chính của những người đi vay tiền ngân hàng. Những yếu tố này đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng gia tăng.

Moody’s cho rằng lợi nhuận năm 2010 của các ngân hàng chủ yếu đến từ tăng trưởng cho vay. Vì vậy, khi tăng trưởng tín dụng năm 2011 bị kiềm chế ở mức 20% trong khi chi phí hoạt động của ngân hàng gia tăng đáng kể do lạm phát tăng (Quỹ tiền tệ thế giới IMF dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2011 của Việt Nam ở mức 18,8%), đặc biệt là chi phí huy động vốn tăng thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có xu hướng giảm.

Điểm tích cực duy nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam theo Moody’s là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đầu tư có chọn lọc vào các ngân hàng nội địa, cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật với cái nhìn dài hạn về triển vọng của ngành này tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng tmcp kỹ thương việt nam (techcombank) (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w