1.2.3.1. Các loại hành động cơ bản của hoạt động với đồ vật
Đối với mỗi loại đồ chơi hay đồ vật thât, trẻ đều cố gắng tìm kiếm một phương thức hành động tương ứng. Sự tiếp xúc với thế giới xung quanh ngày càng rộng thì phương thức hành động với đồ vật cũng ngày càng phong phú.
Trong số những hành động với đồ vật mà trẻ nắm được ở lứa tuổi ấu nhi thì những hành động thiết lập mối tương quan và hành động công cụ là những hành động có ý nghĩa quan trọng hơn cả với sự phát triển của trẻ.
a. Hành động thiết lập các mối tương quan
Hành động thiết lập mối tương quan (TLMTQ) là hành động mà trong đó đặt hai hay nhiều đối tượng (hoặc các bộ phận của đồ vật) vào những mối tương quan nhất định trong không gian để tạo thành một chỉnh thể nào đó [29].
Một khái niệm khác về hành động TLMTQ: là những hành động mà mục đích của chúng là đưa hai hay nhiều đồ vật (hoặc các bộ phận của chúng) vào trong mối tương quan nhất định về không gian [15].Ví dụ: hành động lồng hộp, đóng mở nắp hộp, chồng tháp, xâu hạt…(hình 1.1)
Hình 1.1. Hình ảnh minh họa một số trò chơi cho trẻ
Ở tuổi hài nhi, trẻ đã bắt đầu thực hiện những hành động với hai đồ vật như lồng hộp, xếp chồng,… Song khi thực hiện những thao tác của hành động này, trẻ chưa hướng chú ý đến đặc tính của đồ vật, chẳng hạn như không xếp theo sự tương xứng về kích thước hay hình dạng… Sang tuổi ấu nhi trẻ có sự thay đổi về chất, cụ thể trẻ phải lựa chọn xem hình nào tương ứng để có thể thả lọt vào hộp, lồng hộp thì phải lồng hộp nhỏ nhất vào trong hộp nhỏ hơn hay trẻ chơi xếp chồng tháp, trẻ phải lựa chọn khối to nhất để dưới cùng và nhỏ dần về phía ngọn tháp…
Thực hiện được hành động TLMTQ đối với trẻ là cả một quá trình, từ chỗ hành động lung tung cho đến khi xếp chúng vào một trình tự nào đó trong không gian, quá trình đó có thể chia làm 3 giai đoạn [27, tr.199-200]:
Giai đoạn 1: Hành động TLMTQ thực hiện theo phương thức thử và sai, kết quả đạt tới một cách ngẫu nhiên. Chẳng hạn như tình cờ đứa trẻ lật úp đồ chơi lồng hộp, hộp to bên dưới rồi để hộp nhỏ lên trên giống cái tháp, trẻ thích thú và thực hiện lại. Tuy nhiên, có thể lần sau trẻ không có kết quả ngay như lần đầu vì do ngẫu nhiên mà lần đầu có kết quả như vậy. Lần sau có thể trẻ úp hộp to lên hộp nhỏ thế là quay lại như chơi lồng hộp, kết quả không có được cái tháp. Sau nhiều lần thử làm đi làm lại trẻ mới làm được.
Giai đoạn 2: Trẻ hành động theo một ý định nảy sinh trong đầu do nhìn thấy một đồ vật nào đó mà trẻ đã nhìn thấy và thích thú hoặc do gợi ý của người lớn
Giai đoạn 3: Trẻ thực hiện lặp đi lặp lại hành động đã thực hiện thành công ở giai đoạn 2 đến chán mới thôi, có khi trẻ lại bỏ dở hành động để bắt tay vào hành động khác.
b. Hành động công cụ
Hành động công cụ là hành động sử dụng công cụ do con người tạo ra làm phương tiện để tác động lên một đối tượng nhất định nhằm tạo ra một kết quả [29].
Hành động công cụ bao gồm hành động sử dụng các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: bát, đũa, dao, kéo, sách, bút, cài cúc áo, bấm mở công tắc quạt, tivi… và hành động sử dụng công cụ trong lao động sản xuất như: cày, bừa, cuốc, hoạt động với máy móc… Tất cả những thứ đó đều là phương tiện hoạt động của con người, nhưng đối với trẻ em không phải không phải tất cả những công cụ đó trẻ đều có thể hành động để sử dụng chúng được.
Hành động công cụ được tổ chức cho trẻ trước hết là hướng dẫn trẻ biết sử dụng những vật dụng đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như việc cầm thìa xúc cơm, cởi và mặc quần áo, kéo khóa cặp, mang giày dép…
đến việc sử dụng các đồ dùng đơn giản trong gia đình như bật công tắc quạt, bấm nút tắt mở tivi, đóng mở khóa cửa… Ngoài ra còn có những vật dụng khi muốn sử dụng hành động phải phức tạp hơn nữa thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chính vì vậy, người ta đã chế tạo ra những đồ chơi mô phỏng lại những đồ vật thật để trẻ sử dụng và được an toàn.
Quá trình hình thành và phát triển hành động công cụ từ chưa biết đến biết sử dụng một công cụ nào đó ở trẻ là một quá trình luyện tập khá phức tạp, được hình thành 3 giai đoạn [27, tr.197-198]:
Giai đoạn 1: Trẻ đã nắm được công cụ nhưng khi hành động trẻ chưa chú ý đến công cụ mà chỉ chú ý đến đối tượng. Chẳng hạn như khi trẻ cầm thìa xúc cơm, trẻ không chú ý đến cầm thìa sao cho đúng mà chỉ chú ý đến cơm trong
chén, thế là trẻ cứ múc, xới cơm làm vung vãi. Hành động như thế chưa được xem là hành động công cụ, chỉ là hành động bằng tay.
Giai đoạn 2: Trẻ đã chú ý đến mối quan hệ giữa công cụ và đối tượng.
Trẻ cố điều chỉnh tay cầm sao cho phù hợp. Trẻ phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần mới đi đến thành công.
Giai đoạn 3:Bàn tay đã thích nghi được với cấu tạo của công cụ. Lúc này ở trẻ đã xuất hiện hành động công cụ đích thực và sẽ dần hoàn thiện theo thời gian.
1.2.3.2. Vai trò của hoạt động với đồ vật trong sự phát triển tư duy trực quan hành động
Đồ vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hoá nhân cách trẻ. Đồ vật bao quanh trẻ từ khi trẻ sinh ra và trẻ sẽ thao tác với chúng suốt cuộc đời. Trong hoạt động với đồ vật trẻ tiếp thu được kinh nghiệm tích luỹ hàng ngàn năm của loài người đã được vật chất hoá trong đồ vật [15].
Hoạt động với đồ vật đảm bảo cuộc sống của trẻ, giúp trẻ thích nghi với cuộc sống xã hội mới ngay từ khi trẻ chào đời. Đây là chức năng đảm bảo sự sinh tồn và chức năng này còn tiếp tục mãi trong tương lai. Trẻ lớn lên sẽ dần nhận biết được các đồ vật, học được cách thao tác với đồ vật, cách định hướng trong thế giới đồ vật. Thông qua đó trẻ nhận biết được rất nhiều đặc tính, tính chất của thế giới xung quanh. Làm cho trẻ có cảm giác làm chủ, cảm giác tự tin, bình tĩnh và ham muốn nhận thức. Như vậy, bằng việc hoạt động với đồ vật đã dẫn dắt trẻ có nhiều “thông tin” về thế giới xung quanh, làm phong phú kinh nghiệm xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo giáo sư Makoto Shichida thuộc Viện Giáo dục trẻ em Shichida Nhật Bản, tốc độ phát triển não bộ của trẻ đến 3 tuổi hoàn chỉnh 60%. Trước ba tuổi là giai đoạn thích hợp hình thành và rèn luyện vận động tinh cho trẻ. Bằng những vận động từ đôi tay sẽ kích hoạt để tăng cường sự phát triển các tế bào
thần kinh não. Như vây, hoạt động với đồ vật là con đường trực tiếp phát triển trí não cho trẻ.
Quá trình trẻ tiếp xúc, hoạt động với đồ vật bằng con đường tự nhiên hay dưới sự tác động giáo dục của người lớn sẽ dần giúp trẻ tích luỹ vốn tri thức về thế giới đồ vật xung quanh. Cụ thể là hình thành ở trẻ các biểu tượng, khái niệm về: tên gọi, màu sắc, hình dạng, kích thước, âm thanh… ; nắm được công dụng, cách thức sử dụng đồ vật và tiếp nhận được những quy tắc hành vi xã hội gắn liền với những đồ vật đó.
Thông qua quá trình hoạt động với đồ vật, trẻ có cơ hội phát triển các quá trình nhận thức, năng lực nhận thức và các phẩm chất về trí tuệ. Từ quá trình nhận thức cảm tính: trẻ bị ấn tượng mạnh mẽ và cuốn hút vào những món đồ dùng – đồ chơi có màu sắc rực rỡ, tươi sáng, âm thanh, hình dạng phong phú…
chúng hấp dẫn trẻ kích thích ở trẻ sự tò mò, thôi thúc trẻ tiến đến hoạt động để khám phá. Nhờ đó, các cơ quan cảm giác của trẻ có điều kiện phát triển. Là cơ sở để dần hoàn thiện quá trình cảm giác – tri giác ở trẻ. Tiếp đến quá trình nhận thức lý tính cũng dần hình thành và phát triển. Hoạt động với đồ vật ban đầu bằng con đường tự nhiên trẻ thực hiện các hành động theo phương thức thử và sai, sau nhiều lần trẻ phát hiện ra cái quy luật khi thực hiện tức là trẻ đã rút ra được kinh nghiệm sau các lần hoạt động. Trẻ phát triển các năng lực quan sát, so sánh, phân biệt đồ vật này với đồ vật khác, biết khái quát những đồ vật giống nhau cùng nhóm, biết sử dụng lặp lại hành động trên đồ vật này sang đồ vật khác… Qua đó tư duy được hình thành và phát triển, ngôn ngữ của trẻ dần hoàn thiện [1], [5], [29].
Nói tóm lại, đối với sự phát triển tư duy của trẻ em nói chung và trẻ lứa tuổi hài nhi nói riêng (lứa tuổi từ 15-36 tháng), hoạt động với đồ vật có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Hoạt động này là nền tảng cho sự hình thành các quá trình nhận thức và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về trí tuệ cho trẻ. Mọi thứ từ
thế giới xung quanh đều được trẻ lứa tuổi này học từ đồ vật và thông qua hoạt động với đồ vật.