Chương 3. THỰC NGHIỆM BIỆN PHÁP NÂNG CAO TƯ DUY
3.2. Thực nghiệm một số biện pháp nâng cao mức độ tư duy trực quan hành động của trẻ 24-36 tháng trong hoạt động với đồ vật
3.2.1. Khái quát về tổ chức nghiên cứu thực nghiệm
Tiến hành thực nghiệm nhằm kiểm định tính khả thi và tính hiệu quả của các biện pháp nâng cao trình độ tư duy trực quan hành động cho trẻ 24-36 tháng.
3.2.1.2. Khách thể thực nghiệm
Khách thể thực nghiệm được chọn là 20 trẻ ở trường mầm non 19/5 Thành Phố có khả năng thực hiện các bài tập kiểm tra trình độ tư duy trực quan hành động đã đưa ra ở mức độ thấp và trung bình.
Tác giả đã phân chia trẻ thành nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng theo nguyên tắc ngẫu nhiên và đối xứng để đảm bảo tính khách quan và tính tương đồng giữa hai nhóm trẻ về trình độ tư duy trực quan hành động.
3.2.1.3. Nội dung thực nghiệm
Thực hiện chọn trẻ và chia nhóm: nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm.
Mỗi nhóm gồm 10 bé, ở nhiều trình độ khác nhau: trung bình, khá, giỏi.
Phương pháp chính để đánh giá vẫn là phương pháp quan sát và cho điển từng trẻ dựa trên các tiêu chí về trình độ tư duy trực quan hành động trong mỗi bài tập mà trẻ đạt được. Trên cơ sở đánh giá, tiến hành phân tích kết quả thực nghiệm bằng phương pháp thống kê toán học.
3.2.1.4. Điều kiện thực nghiệm
Nhóm đối chứng vẫn tiếp tục được chăm sóc, giáo dục trong môi trường tại lớp học như bình thường. Giáo viên tự soạn giáo án, tự chuẩn bị đồ dùng dạy học, tự tổ chức các hoạt động dạy học với các hình thức, nội dung, phương pháp như vẫn thường sử dụng trước đây.
Nhóm thực nghiệm điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ vẫn không khác gì nhóm ĐC, không có sự đầu tư đặc biệt về kinh phí cho quá trình tổ chức dạy học. Giáo viên được tập huấn về mục đích, nội dung, cách tiến hành các biện pháp đã đề ra, trên cơ sở đó, giáo viên soạn kế hoạch để tiến hành tổ chức các hoạt động cho trẻ.
Trình độ giáo viên ở 2 nhóm ĐC và TN tương đối đồng đều nhau, đều đã tốt nghiệm đại học chuyên ngành mầm non và có thâm niên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ từ trên 5 năm.
Địa điểm thực nghiệm là một phòng học có đầy đủ các điều kiện vật chất phương tiện dạy học như các phòng học khác của trường
Tác giả và giáo viên cùng chuẩn bị các đồ dùng dạy học cần thiết cho thực nghiệm. Sau mỗi buổi thực nghiệm, có sự trao đổi với giáo viên nhằm giúp giáo viên đúc kết kinh nghiệm theo hướng có thể tự thực hiện các biện pháp trên trong công tác giáo dục của mình sau này
3.2.1.5. Quy trình thực nghiệm Thực nghiệm chia làm 3 giai đoạn:
• Giai đoạn 1: Khảo sát trước thực nghiệm và chuẩn bị tác động
- Dùng 4 bài tập để đánh giá khả năng so sánh của trẻ để chọn nhóm ĐC và nhóm TN
- Trao đổi với giáo viên nhóm TN về thực trạng mức độ tư duy trực quan hành động của trẻ và những ưu điểm, hạn chế trong khả năng só sánh của trẻ ở nhóm TN để thống nhất mục đích, nhiệm vụ thực nghiệm và chuẩn bị cho thực nghiệm
• Giai đoạn 2: Tiến hành thực nghiệm
Trao đổi với giáo viên mầm non về các biện pháp nâng cao mức độ tư duy trực quan hành động của trẻ; yêu cầu sự hỗ trợ từ phía giáo viên mầm non
Tiến hành thực nghiệm với 3 biện pháp đã đề xuất
Sau mỗi giờ học, trao đổi cùng giáo viên, rút kinh nghiệm và thống nhất một số vấn đề cần lưu ý để chuẩn bị tốt hơn cho các buổi thực nghiệm tiếp theo
• Giai đoạn 3: Tiến hành khảo sát sau thực nghiệm
Tiến hành tổ chức quan sát và đánh giá mức độ tư duy trực quan hành động của trẻ ở hai nhóm nghiên cứu thông qua cho trẻ thực hiện 4 bài tập khác nhau tương đồng với bài tập sử dụng để khảo sát trước thực nghiệm.
- Trên cơ sở kết quả của quá trình thực nghiệm, tiến hành kiểm định bằng phương pháp thống kê toán học để kiểm tra tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đã đề ra.
3.2.1.6. Công cụ đánh giá sau thực nghiệm
Để đánh giá sau thử nghiệm, tác giả sử dụng 4 bài tập về cơ bản giống với 4 bài tập đã sử dụng khi khảo sát thực trạng ở chương 2, với mức độ khó hơn.
Phương pháp chính để đánh giá vẫn là phương pháp quan sát và cho điểm từng trẻ dựa trên các tiêu chí đo mức độ tư duy trực quan hành động trong mỗi bài tập mà trẻ đạt được. Trên cơ sở đánh giá, tiến hành phân tích kết quả thực nghiệm bằng phương pháp thống kê toán học.
• Các bài tập trong công cụ đánh giá sau thực nghiệm:
Các bài tập sử dụng trong đánh giá sau thực nghiệm trên thực tế vẫn dựa trên 4 bài tập đã thực hiện khảo sát thực trạng: 2 bài tập đánh giá hành động thiết lập mối tương quan kích thước (bài tập lồng hộp và xếp tháp) và 2 bài tập thiết lập mối tương quan hình dạng (bài tập đưa vật vào hộp rỗng và xâu hạt).
Độ khó của các bài tập sau thực nghiệm so với khảo sát trước thực nghiệm đã được tăng lên (để kiểm chứng việc trẻ tham gia có nâng cao hay không mức tư duy trực quan hành động), thông qua việc thay đổi các yếu tố:
+ Thay đổi màu sắc: Trước thực nghiệm, sử dụng bộ dụng cụ đơn sắc hoặc đồ chơi có 3 màu cơ bản: xanh – vàng – đỏ; sau thực nghiệm, sử dụng bộ dụng cụ nhiều màu sắc đa dạng khác nhau.
+ Thay đổi kích cỡ: Trước thực nghiệm, sử dụng 2 kích cỡ cơ bản: to – nhỏ, chỉ một số trò chơi (xếp tháp, lồng hộp) có sử dụng kích cỡ trung bình: to – vừa – nhỏ; sau thực nghiệm bộ đồ chơi đều được gia tăng về kích cỡ trung bình buộc trẻ phải nắm được các đặc điểm về kích cỡ và sắp xếp được kích cỡ tương quan giữa nhiều đồ vật mới có thể thực hiện bài tập.
+ Thay đổi hình dạng: Trên thực tế bài tập sau thực nghiệm vẫn dựa trên 3 hình dạng cơ bản theo chuẩn nội dung giáo dục mầm non: hình tròn – hình vuông – hình tam giác, tuy nhiên thay đổi về hình dạng của khối hộp rỗng (bài tập 2) hay hình dạng vòng tròn (bài tập 4) v.v.. buộc trẻ phải nắm được đặc điểm bản chất của đồ vật (tư duy) mới có thể thực hiện bài tập.
Hình ảnh 3.1. Một số đồ chơi sử dụng đánh giá trước và sau thực nghiệm
• Các bài tập sử dụng trong đánh giá sau thực nghiệm cụ thể như sau:
- Bài tập 1: Bài tập xâu hạt theo hình dạng
+ Chuẩn bị: Bộ dụng cụ xâu hạt gồm: 1 dây xâu hạt, các hạt xâu có hình dạng: 8 khối hình vuông và 8 khối hình tròn; các khối hình có kích thước to - nhỏ và màu sắc bất kỳ không giống nhau
+ Yêu cầu: Trẻ thực hiện 2 xâu hạt theo thứ tự: xâu hạt 1 gồm:1 hạt vuông to – 1 hạt vuông nhỏ xen kẽ nhau lặp lại 4 lần và 1 xâu hạt theo thứ tự: 1 hạt tròn to – 1 hạt tròn nhỏ.. lặp lại 4 lần
- Bài tập 2: Bài tập đưa vật vào hộp rỗng (Bài tập Montessori)
+ Chuẩn bị: Bộ dụng cụ Montessori gồm: một hộp rỗng có các lỗ trống hình tròn, hình vuông, hình tam giác, 3 khối hình tam giác (2 khối to – 1 khối nhỏ), 3 khối hình tròn(2 khối to – 1 khối nhỏ), 3 khối hình vuông (2 khối to – 1 khối nhỏ) tương ứng với các lỗ trên vỏ hộp. Kích thước mỗi hình trên hộp to - nhỏ, màu sắc khác nhau.
+ Yêu cầu: Trẻ đưa được các khối tròn, khối vuông, khối tam giác vào hộp rỗng thông qua các lỗ tương ứng trên hộp.
- Bài tập 3: Bài tập lồng hộp theo kích thước
+ Chuẩn bị: Bộ dụng cụ lồng hộp, gồm 5 hộp có các kích thước khác nhau. Mỗi hộp diện tích lớn hơn nhau từ 3 cm2, có màu sắc bất kỳ không giống nhau
+ Yêu cầu: Trẻ lồng các hộp vào với nhau theo thứ tự: hộp nhỏ ở trong, hộp lớn ở ngoài.
- Bài tập 4: Bài tập xếp tháp theo kích thước
+ Chuẩn bị: Bộ dụng cụ xếp tháp gồm: 1 trục đứng và 5 vòng tròn có kích cỡ từ nhỏ tới lớn, đường kính tăng dần 2cm. Các vòng tròn có màu sắc bất kỳ không giống nhau