Có rất nhiều yếu tố ảnh hướng đến quá trình tư duy của trẻ 24-36 tháng.
Trong hoạt động với đồ vật nói riêng, việc tư duy có đạt hiệu quả cao hay không không đơn thuần chỉ dựa vào khả năng của trẻ mà còn bị chi phối bởi rất nhiều những yếu tố tác động đến từ môi trường xung quanh. Do đó, khi nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến tư duy trực quan hành động của trẻ 24-36 tháng trong hoạt động với đồ vật, tác giả chia các yếu tố đó thành 2 nhóm chính: nhóm các yếu tố chủ quan và nhóm các yếu tố khách quan.
1.2.6.1. Các yếu tố khách quan
Tư duy của trẻ 24 – 36 tháng là tư duy trực quan – hành động, tức là tư duy thực hiện nhờ những hành động định hướng bên ngoài. Do đó, có thể có rất nhiều các yếu tố khách quan từ bên ngoài tác động đến đứa trẻ, hay tác động đến quá trình thực hiện tư duy của đứa trẻ. Có thể kể đến một số yếu tố dưới đây:
a. Các đặc điểm bề ngoài của đồ vật, đồ chơi
Để phát triển tư duy trực quan hành động trong hoạt động với đồ vật, trẻ 24-36 tháng phải tiếp xúc bằng các thao tác tay, chân, các giác quan một cách trực tiếp, do đó những yếu tố bên ngoài của đồ vật, đồ chơi là một trong những yếu tố có sự ảnh hưởng mạnh mẽ. Các yếu tố đó có thể đến từ: màu sắc của đồ vật – trẻ thường bị thu hút bởi những màu sắc sặc sỡ; hình dạng của đồ vật, kích thước của đồ vật – những đồ vật vừa tay sẽ làm trẻ thích hoạt động với hơn; vị trí của đồ vật trong không gian – những đồ vật ở gần trong tầm tay của trẻ sẽ là đối tượng trẻ hướng hoạt động của mình đến nhiều hơn là những đồ vật ở xa.
Những đặc điểm bên ngoài của đồ vật tưởng chừng như là những yếu tố rất nhỏ nhưng đối với trr 24-36 tháng lại có sự chi phối rất mạnh mẽ. Đôi khi
chỉ vì tập trung đến những đặc điểm này mà trẻ bỏ qua yêu cầu chính của hoạt động làm kết quả của hoạt động thấp đi.
b. Sự giáo dục từ phía phụ huynh và nhà trường
Tư duy là một quá trình nhận thức, do đó hoàn toàn có thể được giáo dục để nâng cao mức độ tư duy. Khởi điểm từ những kiến thức về đặc điểm đơn giản nhất của đồ vật trong thế giới xung quanh trẻ, phụ huynh và giáo viên dạy cho trẻ nắm bắt được, trẻ ghi nhớ thì từ đó trẻ sẽ có sự vận dụng linh hoạt các kiến thức này trong hoạt động của mình nhanh và chính xác hơn.
Hiện nay, trẻ mầm non là một trong những đối tượng mà giáo dục đặc biệt ưu ái. Chương trình giáo dục mầm non được biên soạn và chỉnh sửa phù hợp với sự phát triển của trẻ, giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn và nghiệp vụ, sự nâng cao dân trí cũng làm cho các bậc phụ huynh chú ý tới việc dạy trẻ tại nhà hơn… làm cho mặt bằng chung về giáo dục trẻ mầm non nói chung và trẻ 24-36 tháng nói riêng hiện nay khá tốt. Biết phát huy các điểm mạnh và phát hiện, khắc phục những điểm yếu trong quá trình giáo dục trẻ sẽ làm cho tư duy của trẻ phát triển hơn nữa.
c. Môi trường hoạt động, sự đa dạng của đồ vật, đồ chơi
Đồ chơi, đồ vật càng đa dạng càng làm cho các hoạt động của trẻ 24-36 tháng đa dạng, phong phú, và sự phát triển tư duy trực quan hành động theo đó cũng phát triển theo. Trong xã hội ngày nay, hầu hết các trẻ em đều có cơ hội được tiếp xúc với các đồ chơi rất đa dạng và hiện đại. Bỏ qua yếu tố về an toàn, các đồ chơi này có sự đa dạng cả về màu sắc, chủng loại lẫn công năng, vừa làm đồ chơi cho trẻ, vừa là dụng cụ học tập rất hữu ích. Đây là một điểm cộng rất lớn cho quá trình hình thành và phát triển tư duy của trẻ nói chung và tư duy trực quan hành động nói riêng cho trẻ 24-36 tháng. Vận dụng những hệ thống đồ chơi này đúng cách sẽ là một biện pháp hữu hiệu nâng cao mức độ tư duy cho trẻ.
1.2.6.2. Các yếu tố chủ quan
Bên cạnh những yếu tố khách quan, tư duy của trẻ luôn là một quá trình nhận thức có tính chủ thể. Do đó, các yếu tố chủ quan tự thân của trẻ sẽ là những yếu tố quyết định kết quả phát triển tư duy. Một số yếu tố cần lưu ý như:
a. Sự phát triển thể chất của trẻ
Sự phát triển ở trẻ bao giờ cũng là sự phát triển toàn diện. Để phát triển mạnh về trí tuệ trẻ cần có một bộ não và một cơ thể khỏe mạnh. Việc các hệ thống thần kinh hoạt động và phát triển bình thường và tiền đề quan trọng cho bất kì một phát triển nào về trí tuệ hay tư duy. Thêm nữa, một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp trẻ có sự vận động linh hoạt hơn trong không gian, các hoạt động của trẻ từ đó cũng nhanh nhẹn, chính xác hơn, làm cho kết quả học hỏi và phát triển về trí tuệ của trẻ cũng tăng theo.
b. Khả năng nghe – hiểu lời nói của trẻ
Đối với trẻ 24-36 tháng, ngôn ngữ của trẻ mới chỉ đang trong giai đoạn phát triển. Cuối tuổi này trẻ đã có thể hoàn thiện một câu nói dài và nghe hiểu tương đối tốt, tuy nhiên điều này không phải đúng với tất cả các trẻ. Việc thực hiện được các yêu cầu của một bài toán tư duy đưa ra, ngoài việc trẻ nắm được các đặc điểm của đồ vật, có khả năng liên kết các đặc điểm đó với nhau theo yêu cầu thì trước hết trẻ cần hiểu rõ nhiệm vụ, yêu cầu của bài tập đó trước hết.
c. Khả năng ghi nhớ, bắt chước hành động của trẻ
Trí nhớ cũng là một quá trình nhận thức hết sức quan trọng của con người. Đối với trẻ giai đoạn đầu, việc ghi nhớ tốt hay không các đặc điểm của thế giới xung quanh sẽ quyết định việc đứa trẻ đó có phát triển nhanh, mạnh hay không. Tư duy là một quá trình nhận thức lý tính, lấy cơ sở trên các quá trình nhận thức cảm tính: cảm giác, tri giác. Do đó, việc trẻ ghi nhớ các kết quả thu được từ nhận thức cảm tính trước đo sẽ là cơ sở nền tảng quan trọng để phát triển tư duy tốt hay không.
d. Các yếu tố chủ quan khác
Bên cạnh những yếu tố kể trên, còn rất nhiều các yếu tố chủ quan khác của trẻ làm chi phối sự phát triển tư duy của trẻ. Các yếu tố này có thể đến từ hứng thú của trẻ, tùy từng thời điểm, tùy từng giai đoạn trẻ có hứng thú với một loại đồ vật, hiện tượng khác nhau; có thể từ năng lực, khả năng của trẻ, đối với trẻ này việc khám phá các hoạt động ngoài trời với những sự vật trong thiên nhiên sẽ giúp trẻ nhanh nhạy hơn nhưng đối với trẻ khác việc cho trẻ tự khám phá các loại đồ chơi có cấu tạo máy móc, động cơ sẽ giúp trẻ học hỏi được nhiều hơn.
Nói chung, có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng tư duy của trẻ nói chung và tư duy trực quan hành động của trẻ 24-36 tháng nói riêng. Việc nắm bắt các yếu tố đó để phát huy các điểm mạnh, khắc phục các điểm còn hạn chế sẽ giúp nâng cao mức độ tư duy của các em theo hướng tích cực.
Tiểu kết Chương 1
Tư duy trực quan hành động là một quá trình tư duy phản ánh những mối liên hệ, quan hệ của sự vật, hiện tượng bằng các thao tác bên ngoài, tác động lên sự vật hiện tượng đó một cách trực tiếp để giải quyết nhiệm vụ trí tuệ.
Trẻ 24-36 tháng với hoạt động chủ đạo là hoạt động với đồ vật, giúp trẻ tìm hiểu thế giới đồ vật xung quanh, nắm được các quy tắc hành vi xã hội.
Hoạt động với đồ vật bao gồm: hành động công cụ và hành động thiết lập mối tương quan. Trong đó, các hành động thiết lập mối tương quan đóng vai trò quan trọng giúp các chức năng tâm lí của trẻ như tri giác, trí nhớ, tưởng tượng được phát triển mạnh, đặc biệt là tư duy trực quanh –hành động.
Tư duy trực quan hành động của trẻ 24-36 tháng trong hoạt động với đồ vật có thể được quan sát và đánh giá thông qua một số hoạt động cụ thể, đơn cử như hoạt động chơi giải quyết các nhiệm vụ trí tuệ như: phân biệt các đặc điểm bề ngoài của đồ vật; liên kết các đặc điểm của đồ vật theo tiêu chí nhất định như xếp tháp, lồng hộp theo đúng kích thước, xâu vòng đúng thứ tự.. Theo đó trẻ phải sử dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được để thiết lập những mối tương quan giữa các đồ vật để đưa ra cách giải quyết vấn đề chính xác.
Khả năng tư duy hay trình độ tư duy của trẻ 24-36 tháng chịu ảnh hưởng của rất nhiều các yếu tố khách quan: môi trường học tập, sinh hoạt; sự điều khiển, giáo dục của giáo viên, phụ huynh; hay các đặc điểm bên ngoài của đồ vật tham gia hoạt động…; đồng thời tư duy của trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan khác như: khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, khả năng ngôn ngữ.. của từng trẻ.