Chương 2. CON NGƯỜI CÔ ĐƠN VÀ THA HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP
2.1. Con người cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.2.2. Con người thực dụng
Có người gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của “những cái trớ trêu”.
Với sự mẫn cảm đặc biệt của một nhà văn có thực tài, ông đã thoát ra ngoài những chuẩn mực đạo đức, luân lí thông thường để xác định diện mạo thật của cuộc sống. Cuộc sống đâu chỉ có cái đẹp, cái cao cả nhƣ một thời văn học ta ca ngợi. Cuộc sống còn là một cõi tục hoang sơ, trì đọng, một thế giới hỗn tạp xô bồ “đất không có vua, biển không có thủy thần”. Ở đó có những con người bạc ác, đểu cáng, vụ lợi, dối trá. Nguyễn Huy Thiệp dùng phần lớn
dung lượng tác phẩm của mình để viết về kiểu người đê tiện, thực dụng. Đây là kiểu nhân vật bị thoái hóa về nhân cách, bị vấy bẩn về tâm hồn, sống độc ác và tàn nhẫn. Họ lấy đồng tiền, lấy quan hệ vật chất làm thước đo cho mọi giá trị. Họ tham lam, ích kỉ, thực dụng một cách tỉnh táo và vụ lợi một cách bỉ ổi.
Rất nhiều kẻ trí thức đƣợc ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp lại là những kẻ tầm thường, xấu xa.
Ở Tướng về hưu có “Đủ các hạng người: tướng lĩnh, kĩ sư, bác sĩ, người làm công, cô gái lỡ làng, thằng tù… Đủ các mối quan hệ: cha - con, ông - cháu, chủ - người làm thuê, thông gia, nhân tình, nhân ngãi…Đủ các sự kiện tang ma, cưới hỏi…Đủ các cảm xúc: hỉ, nộ, ái ố” [44; tr.56]. Trong bộ “tấn trò đời” (Ban zắc) thu nhỏ ấy, Thủy là điển hình cho con người của thời hiện tại tiếp diễn, điển hình cho kẻ trục lợi, cơ hội và thực dụng. Là một bác sĩ sản khoa, “công việc là nạo phá thai” [59; tr.20], Thủy đã mang các mẩu thai nhi bị nạo bỏ ở bệnh viện để làm thức ăn cho chó Becgiê vì chó mang lại nguồn thu lớn cho gia đình Thủy. Khi bị bố chồng phát hiện trong nồi cám nấu cho chó có “các mẩu thai nhi bé xíu, thấy có cả những ngón tay nhỏ nhỏ hồng hồng” [59; tr.20], Thủy đã lạnh lùng mắng ông Cơ “ Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?” [59; tr.20]. Người đọc thấy ghê rợn trước hành động phi nhân tính của Thủy. Đồng thời, bản chất con người thực dụng, toan tính, sòng phẳng, sắc lạnh của Thủy còn đƣợc thể hiện qua việc tính toán thu chi trong nhà “Anh thôi hút thuốc lá Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng lại là bốn mươi lăm nghìn” [59; tr.20].
Cô cũng sòng phẳng đến lạnh lùng: Ông Bổng là chú nhƣng khi cho vay tiền vẫn bắt ông phải kí cƣợc. Đặc biệt sự tỉnh táo, rạch ròi, sòng phẳng trong tính toán của Thủy đƣợc thể hiện rõ nhất khi cô tính toán làm cỗ trong ngày mẹ chồng mất: “Em nghe hết rồi, em tính ba chục mâm, tầm trăm đồng một mâm, ba tám hai tư. Hai nghìn tư, phụ phí sáu nghìn. Việc mua bán em lo, cỗ bàn
giao cho cô Lài. Đừng nghe ông Bổng, lão ấy đểu lắm” [59; tr.23]. Dường như ở con người này, tính thực dụng một cách tỉnh táo, vụ lợi một cách bỉ ổi đang choán ngập tâm hồn. Người đọc cảm tưởng mọi hỉ, nộ, ái, ố trong Thủy đều xoay quanh tiền của, vật chất. Banzăc từng nói “Khi túi tiền phình ra thì trái tim bị teo lại”. Có lẽ Thủy cũng nhƣ đứa con gái của mình - Vi đã hiểu rằng:
“Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần” [59; tr.24]. Thủy đã rơi vào trạng thái “phóng thể làm mất bản thể của ta, nằm lì ở tình trạng sự vật: sống như cây cỏ và động vật” (chữ dùng của Trần Thái Đỉnh).
Một nhân vật khác trong truyện này cũng bị lối sống thực dụng làm cho trở thành tha hóa, đó là nhân vật ông Bổng. Vốn là một gã “đánh xe bò” [59;
tr.18], lại là kẻ “lỗ mãng”, trong đám ma chị dâu, điều ông ta quan tâm hơn cả là những toan tính vật chất. Hãy nghe lời ông Bổng nói với đứa cháu ruột của mình ngay trong đám tang mẹ nó “Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván” [59; tr.23]. Không chỉ vậy, ông ta còn tranh thủ thời gian ngồi cạnh quan tài người chết để chơi tam cúc ăn tiền cùng mấy người đô tùy. Khi nào được “kết tốt đen”, ông Bổng lại hí hửng chạy vào vái quan tài “lạy chị, chị phù hộ để em vét thật nhẵn túi chúng nó” [59; tr.24]. Trong một hoàn cảnh đặc biệt nhƣ thế, vậy mà ông Bổng cũng vẫn chỉ biết nghĩ đến tiền và mong kiếm đƣợc thật nhiều tiền bằng những cách thức chẳng lấy gì làm sạch sẽ. Nét tâm lí vụ lợi, thực dụng đến tàn nhẫn ấy đã khiến cho con người này đánh mất lương tri.
Nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Huy Thiệp vạch trần tâm lí thực dụng, vụ lợi một cách trắng trợn của con người. Cô Diệu trong truyện ngắn Cún cũng là một kẻ thực dụng, tha hóa đến đáng khinh. Lúc còn phát tài, sung sướng, không coi Cún là người, Diệu chỉ coi nó như “một ngôi sao Hóa lộc”
mang lại cho cô may mắn trong một ngày buôn bán. Cô thường bỏ tiền ra thuê Cún làm người đón đường mỗi lần cô gánh hàng ra chợ “Này thằng hình
nhân mặt đẹp! Cho mày một hào, sáng mai mày ra đón cửa cho tao…Hôm nào đi chợ gặp mày là thiên hạ xô vào mua bán như tranh cướp” [59; tr.35].
Đến lúc “thất cơ lỡ vận”, mất trắng cả tình lẫn tiền thì với Diệu, Cún và mấy chỉ vàng của nó lại trở thành “đấng phúc tinh”, là nguồn vốn giúp cô lấy lại những gì đã mất. Khi tận mắt nhìn thấy mấy chỉ vàng trong tay Cún “cô Diệu bỗng giật thót mình…Cô thấy lạnh toát sống lưng. Chân tay cô run bần bật”
[59; tr.37]. Sau khi đã tìm hết cách để thử, biết đó là vàng thật, Diệu “tái mặt đi, cô cười, cô đấm thùm thụp vào người của Cún” [59; tr.37]. Lúc ấy, trong đầu Diệu lập tức nảy ra ý định trao thân cho Cún để đổi lấy mấy chỉ vàng.
“Mày hãy cho tao ba cái nhẫn này…Mày muốn gì tao cũng nghe” [59; tr.38].
Và khi thủ tục trao đổi đã kết thúc, Diệu trơ tráo tuyên bố “Thế là chẳng có nợ nần gì nhé!”[59; tr.38].
Bường trong Những người thợ xẻ cũng là một con người hiện lên với rất nhiều hành động và quan niệm sống của một kẻ đã lặn xuống tận cùng của vũng bùn tha hóa. Từng là lính trong một đơn vị đặc quân thủy, nhƣng rời quân ngũ, Bường nhanh chóng bị ném vào tù vì tội “ăn trộm phân đạm” [59; tr.97].
Nhà tù không phải là nơi giúp Bường “cải tà quy chính”, để hắn trở về với những phẩm chất tốt đẹp đã được rèn luyện trong quân đội. Ra tù, Bường mở ngay một quán thịt chó làm kế mưu sinh. Những tưởng Bường đã trở nên lương thiện, nhưng không, thói lưu manh của Bường vẫn tiếp tục được phát huy. Kể từ khi quán thịt chó của Bường mở cửa, trong làng, nhiều nhà “bị mất trộm chó một cách hết sức thần tình” [59; tr.97]. Khi lên rừng làm nghề gỗ thuê, để trục lợi, Bường không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả lừa lọc, ức hiếp. Kế sách của Bường là “kéo cưa lừa xẻ”, tuyên ngôn sống của Bường là
“tiền làm được hết”. Càng ngày Bường càng toan tính, thực dụng. Người đọc không khỏi ngạc nhiên khi nghe Bường tính toán việc chặt phần chân đã bị hoại tử của thằng em họ y như người ta chặt một cái chân gà “Bác Chỉnh cầm
hộ em con dao, đặt vào đây. Em lấy chày táng cho một phát, đứt ngay” [59;
tr.109]. Cũng vì tiền, Bường sẵn sàng dở thói côn đồ, dao búa với người chủ đã thuê mình xẻ gỗ - người đã tạo công ăn việc làm cho chính mình và cả toán thợ xẻ. “Bác không trả tiền như tôi thỏa thuận, tôi mời bác xơi nhát dao này.
Đùa với ai thì đùa, đừng đùa với Đặng Xuân Bường” [59; tr.112]. Lối sống thực dụng đã biến Bường trở thành một kẻ mất hết nhân cách, nhỏ nhen, ti tiện và đầy tráo trở.
Cùng với tâm lí vụ lợi ấy, nhân vật Hạnh trong Huyền thoại phố phường để lại dấu ấn đậm nét trong tâm trí người đọc bởi quá trình tha hóa khủng khiếp của mình. Huyền thoại phố phường là một trong ít tác phẩm mà ở đó, Nguyễn Huy Thiệp đi sâu vào miêu tả quá trình tha hóa của nhân vật.
Xuất thân từ nghèo túng, mặc dù phải toan tính chi li từng chút cho cuộc sống, thậm chí phải giành giật với miếng cơm manh áo hàng ngày, nhƣng Hạnh đã từng nuôi trong lòng khát vọng sau này trở thành “một người xuất chúng” [59; tr.233 - 234]. Hắn từng mong muốn sẽ toàn tâm, toàn ý “làm việc” và “sáng tạo” nếu cuộc đời này không bắt hắn phải loay hoay, vất vả kiếm tiền. Người đọc hẳn đã mừng cho Hạnh, bởi hắn đã cho người ta nghĩ rằng: nghèo túng không thể bóp chết những ƣớc mơ, khát vọng đẹp đẽ của con người. Nhưng rồi cũng chính Hạnh đã khiến người đọc phải bất ngờ, thất vọng khi phải chứng kiến những toan tính, những việc làm của y. Từng sống trong cảnh bần hàn, túng thiếu, hơn ai hết, Hạnh hiểu đƣợc giá trị và tầm quan trọng của đồng tiền. Song, không chỉ vậy, Hạnh còn coi đồng tiền là mục đích sống cao nhất của mình. Lên thành thị, tiếp xúc với môi trường mới, cuộc sống mới, Hạnh nung nấu khát vọng trở thành người giàu có vì theo Hạnh: “Tài năng mà nghèo thì buồn ghê lắm. Nếu đã tài năng thì phải thực giàu” [59; tr.232].
Chính suy nghĩ này đã đƣa Hạnh đến những toan tính. Một dịp may tình cờ đƣa Hạnh làm quen với gia đình bà Thiều. Xác định đây là một cơ hội tốt để
thoát khỏi sự trói buộc của nghèo túng, để vươn tới sự giàu có, để có thể trở thành “triệu phú”, Hạnh cố tìm mọi cách để lấy lòng các thành viên trong gia đình. Hắn sẵn sàng “xắn tay áo, đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn lõng bõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người” [59; tr.236] để mò tìm cái nhẫn vàng mà cô con gái bà Thiều đã sơ ý đánh rơi trong lúc vặt lông gà.
Bản chất con người toan tính, thực dụng, bất chấp mọi việc để chen chân vào giới thượng lưu, để làm giàu, thoát khỏi cảnh nghèo của y còn được thể hiện rõ trong hành động tán tỉnh bà Thiều khi hắn đến nhà bà với ý định đánh tráo chiếc vé số. Hắn đi đến quyết định này từ sau hôm ở nhà bà Thiều về. Sau hôm đó, Hạnh luôn bị ám ảnh bởi chiếc vé số đang đƣợc bà Thiều mang đi xin lộc. Để có thể đánh tráo chiếc vé số ấy, hắn đã không ngần ngại tìm cách ngủ với người đàn bà bằng tuổi mẹ mình “Hắn chồm hẳn dậy và xô người đàn bà ngã xuống đi văng” [59; tr.239]. Sau khi chiều lòng bà Thiều, Hạnh đã thay đổi ngay thái độ “Hạnh thở khò khè, y hỏi bằng một giọng nói gần như van lơn. Chiếc vé số ở đâu rồi?” [59; tr.239]. Đến đây, người đọc có thể nhận ra ngay âm mưu, mục đích chiều lòng bà Thiều của Hạnh là chiếc vé xổ số.
Sức mạnh của đồng tiền đã làm Hạnh lóa mắt, hắn sẵn sàng bán rẻ danh dự, nhân phẩm của mình. Đồng tiền đã biến Hạnh thành kẻ nhỏ nhen, ti tiện. Kết cục cuối cùng của y là từ một chỗ ở “chỉ kê vừa cái giường một” [59; tr.234]
đến “viện tâm thần” [59; tr.241]. Phải chăng đây là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những kẻ coi đồng tiền là mục đích sống cao nhất của mình, vì tiền sẵn sàng đánh rơi nhân phẩm, phẩm cách, nhân tính, danh dự của mình. Hạnh chỉ là một điển hình tiêu biểu cho lối sống thực dụng đang nhan nhản ở chốn thị thành.
Tâm lí bất chấp tất cả để đạt đƣợc mục đích của mình ở Hạnh khiến người đọc nhớ đến lão Thiến trong Anh lính Tony D của Lê Minh Khuê. Sự tha hóa ở nhân vật này đƣợc bộc lộ một cách ti tiện, trần trụi. Với suy nghĩ
“thành thị vẫn hơn quê nhà”, lão sẵn sàng bán căn nhà thoáng mát, rộng rãi ở
quê, dắt vàng đầy người mon men đặt chân vào chốn thị thành. Hắn sống “giả nghèo giả khổ”, “chui rúc trong cái hốc chưa đầy mười tám mét vuông”, lúc nào cũng nồng nặc “mùi nhà xí”, “mùi chuột chết” mà vẫn thấy “thỏa thê sung sướng”. Lão chén một bữa “tám bát cơm gạo mốc”, ăn cùng với thứ
“mắm muối đầu gà, ruột cá nhặt nhạnh ở chợ chiều”. Món ăn cả xóm phải
“nín thở” vì nó quá “nặng mùi”, song với lão nó vẫn rất “hợp khẩu vị” bởi nó rẻ tiền. Suốt ngày lão chỉ chăm chăm xem ai có gì hở ra hắn “thó”, từ “cái quần lót đàn bà” đến “cái bô trẻ con”, để rồi gom góp tất cả lại, thỉnh thoảng vận chuyển về quê đổi cho người làng lấy “nắm khoai sọ, nắm đỗ”. Đầu óc thực dụng luôn đặt lợi ích vật chất lên đầu, luôn quy mọi thứ thành tiền đã biến lão Thiến thành một con vật - người bẩn thỉu.
Cũng nhìn ở góc độ đó, trong truyện ngắn Không có vua, Nguyễn Huy Thiệp đã phản ánh tác hại, sức phá hủy mãnh liệt của đồng tiền đối với con người. Vì tiền mà quan hệ máu mủ ruột rà, tình anh em cũng được đem ra để đong đếm theo giá trị đồng tiền. Hãy nghe đoạn đối thoại giữa hai anh em Đoài và Khảm dưới đây ta sẽ thấy rõ điều đó: “Tối nay mày dẫn tao đến con ông Ánh sáng ban ngày đấy nhé”. Khảm bảo: “Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì?”. Đoài bảo: “Thưởng cái đồng hồ”. Khảm bảo: “Được rồi. Anh ghi chi em mấy chữ làm bằng”. Đoài hỏi: “Không tin tao à?”. Khảm bảo: “Không”. Đoài ghi vào giấy: “Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ giá trị ba nghìn đồng. Lấy Mỹ Trinh thưởng 5% của hồi môn.
Ngày…tháng…năm…Nguyễn Sỹ Đoài”. Khảm cười cất mảnh giấy vào túi rồi nói: “Cảm ơn” [59; tr.53]. Và đây nữa: “Sang năm tao cưới Mỹ Trinh, ông ánh sáng ban ngày hứa cho một cây. Mày bảo mua nổi nhà không?”. “Có năng khiếu kinh doanh thích thật, còn các năng khiếu như văn chương, nghệ thuật,v.v…đều vô dụng cả” [59; tr.56]. Dường như trong con người Đoài, tiền là ngự trị, là ánh sáng soi đường cho hắn. Những toan tính, lợi lộc của Đoài
cho thấy sự lên án, phê phán bản chất thực dụng, vô liêm sỉ của tác giả đối với nhân vật này. Đoài làm ta nhớ đến lời bài hát của một anh chàng trong đám cưới mà Nguyễn Huy Thiệp đã viết trong Tướng về hưu.
Ừ…ê…cái con gà quay
Ta đi lang thang khắp miền giang hồ Tìm nơi nào có tiền
Tiền ơi mau vào túi ta
Ừ...ê...cái con gà rù... [59; tr.19]
Nhƣ vậy, đồng tiền đã trở thành chúa tể trong chốn tập hợp những con người nhếch nhác và bê tha. Nó san bằng mọi quan hệ gia đình, thiết lập một trật tự riêng theo ý nó. Người ta đưa lên bàn cân giá trị của nhau theo thang độ đồng tiền. Họ làm mọi cách để kiếm tiền và đánh giá nhau, đánh giá nghề nghiệp của nhau trên cơ sở mức tiền thu đƣợc.
Viết về sự tha hóa của con người, Nguyễn Huy Thiệp luôn tỏ ra tỉnh táo. Sự phơi bày cái xấu, cái ác của ông nhiều khi thẳng thắn đến mức làm cho người đọc e ngại. Tuy nhiên, khi làm việc ấy, nhà văn muốn ngầm gửi đi thông điệp: mong con người hãy giữ gìn lấy bản tính tốt đẹp của mình, hãy giúp cho con người thoát ra khỏi sự mông muội, tăm tối, hãy giữ lấy nhân phẩm của mình và những người sống quanh mình trước sức mạnh ghê gớm của đồng tiền cũng nhƣ lối sống sùng bái vật chất hiện thời. Đúng nhƣ một nhà nghiên cứu đã nói, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp “nó như một thứ thông điệp gửi đến mọi người để báo động về sự suy vi của xã hội, mà trong đó những chuẩn mực về đạo đức tinh thần bị vi phạm nghiêm trọng bởi những hành vi tha hóa, bởi thói thực dụng, bởi sự bảo thù trì trệ ngu dốt đôi khi xen lẫn với thói kiêu ngạo của con người” [44; tr.397].