Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM
4.1.1. Bảo đảm thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa
Lịch sử nhân loại đã cho thấy, bất cứ quốc gia, dân tộc nào biết kết hợp chặt chẽ các giá trị truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới, biết chắt lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại với việc sử dụng những giá trị vốn có để làm giàu thêm những giá trị của mình, làm cho nó phù hợp với tình hình thực tiễn thì quốc gia, dân tộc đó sẽ đứng vững, sẽ phát triển trước mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Paul Kennedy - nhà sử học Mỹ đã đánh giá Nhật Bản là “một trong những nòi giống đồng nhất và có ý thức về bản ngã nhất trên thế giới”, là “một xã hội công dân cố kết, tự trọng và có ý thức cộng đồng” [83, tr.350]. Một trong những bí quyết thành công của Nhật Bản vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế tư bản chủ nghĩa chỉ sau Hoa Kỳ, vì Nhật Bản đã “triệt để sử dụng yếu tố văn hóa Khổng giáo là tinh thần võ sĩ đạo và lòng trung thành với chủ, quan hệ thân tộc và chế độ lao động suốt đời trong xí nghiệp tư bản chủ nghĩa, tính kỷ luật và tinh thần tập thể thay vì chủ nghĩa cá nhân phương Tây” [13, tr.31].
Tính truyền thống của nội dung giáo dục giá trị đạo đức được thể hiện ở chỗ biết lựa chọn những giá trị đạo đức có tính nhân loại phổ biến, bền vững, đã được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc trong quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để làm cơ sở cho sự hình thành, phát triển các giá trị đạo đức khác. Tính hiện đại được
115
thể hiện ở chỗ lựa chọn những giá trị đạo đức cơ bản phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại, hoặc đó là những giá trị đạo đức mới được xuất hiện dưới tác động của khoa học và công nghệ. Truyền thống và hiện đại luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, truyền thống là tiền đề, nền tảng của hiện đại và hiện đại là sự kế thừa, tiếp nối của truyền thống.
Quá trình phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới là một yêu cầu quan trọng. Bởi lẽ, thứ nhất, những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc được hình thành qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, trải qua bao đời, bao thế hệ, những truyền thống quý báu đó khá bền vững ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam và nó được bồi đắp lên mãi mãi, nó trở thành sức mạnh nội sinh để người dân Việt Nam chiến thắng kẻ thù xâm lược và là động lực cho sự phát triển của dân tộc lên một tầm cao mới.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, những giá trị đạo đức truyền thống cũng luôn vận động và phát triển. Với tư cách là sự phản ánh tồn tại xã hội, đạo đức là sản phẩm của những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, của cơ sở kinh tế - xã hội. Vì vậy, sự ra đời của những giá trị đạo đức mới không phải ở bên trên, bên ngoài những giá trị đạo đức truyền thống, không phải là sự phủ định sạch trơn những giá trị đạo đức cũ, nó cũng không phải kế thừa nguyên xi cái cũ, mà có phê phán, chọn lọc, kế thừa những yếu tố tích cực, tiến bộ ở giá trị đạo đức cũ, để phát triển lên trình độ mới cao hơn.
Thứ hai, trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống là một yêu cầu cơ bản. Để giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên một cách hiệu quả cần coi trọng yêu cầu kế thừa và đổi mới những giá trị đạo đức. Tính kế thừa thực chất là “mối liên hệ tất yếu khách quan giữa cái mới và cái cũ trong quá trình phát triển”
[187, tr.269]. Kế thừa là yếu tố quan trọng, yếu tố bên trong của sự phát triển.
Kế thừa và phát triển có mối quan hệ biện chứng với nhau. Không thể nói phát triển nếu không có kế thừa, cũng như không thể nói kế thừa mà tách rời sự phát triển. Kế thừa là sự lọc bỏ những yếu tố lạc hậu, tiêu cực, lỗi thời,
116
chọn lọc, bảo tồn những yếu tố tích cực, tiến bộ phù hợp với cái mới trong điều kiện mới. Còn phát triển chính là sự mở rộng, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật hiện tượng. Vì vậy, “để phát triển được bao giờ cũng cần có sự kế thừa, bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn phát triển chính là sự kế thừa tốt nhất, tích cực nhất” [49, tr.35].
Mặt khác, kế thừa phải luôn gắn liền với sự lọc bỏ và đổi mới. Chống tư tưởng kế thừa một cách nguyên xi, nhưng đồng thời cũng phải chống quan điểm phủ định sạch trơn.
Kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống thực chất là chọn lọc, giữ lại, bổ sung và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại. Quá trình “mã hóa” các giá trị đạo đức truyền thống của quy luật kế thừa được thừa nhận như là “những năng lực to lớn để tạo ra cái mới”. Sức sống của các giá trị đạo đức truyền thống không chỉ phụ thuộc vào bề dày lịch sử và chiều sâu tư tưởng của chúng, mà còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu có chọn lọc, phê phán những giá trị đạo đức của thời đại. Với tư cách là “bộ gien di truyền của xã hội”, việc kế thừa, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của con người nói chung, sinh viên nói riêng.
Nhà văn Xô-viết Aimatốp đã nhấn mạnh: “Có thể đọc, viết, có máy vô tuyến truyền hình, có ôtô và mua nhiều báo dài hạn, điều đó chưa có nghĩa là có trình độ cao về văn hóa tinh thần. Thiếu một trình độ vỡ lòng về một nền văn hóa bên trong, một lòng nhân đạo vĩ đại... là từ bỏ các giá trị tinh thần thực tế” [151, tr.44].
Dân tộc Việt Nam đã có bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong quá trình lịch sử đó đã rèn luyện, đào tạo nên những thế hệ con người Việt Nam kế tiếp nhau với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng kiên cường, tinh thần lao động cần cù và tình yêu thương con người sâu sắc, đó chính những giá trị đạo đức truyền thống và những giá trị đạo đức truyền thống ấy không ngừng được gìn giữ và tô thắm thêm giá trị và ý nghĩa của nó trong tiến trình lịch sử. Thực tế cho thấy, các giá trị đạo đức truyền
117
thống dân tộc nếu không được gìn giữ và phát huy trong điều kiện, hoàn cảnh mới thì nó sẽ bị mai một và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của dân tộc, gây cản trở, tạo xung đột giữa sức nặng uy lực của truyền thống với yêu cầu đổi mới, vươn lên của cuộc sống hiện tại.
Thực tế đã khẳng định, tinh thần yêu nước là giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị đạo đức - tinh thần của dân tộc Việt Nam. Song, cùng với sự biến đổi của lịch sử, tinh thần yêu nước cũng phải được bổ sung và phát triển cho phù hợp với yêu cầu của giai đoạn lịch sử mới. Chủ nghĩa yêu nước hiện nay chính là tinh thần đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, là ý thức chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng, phồn vinh, giàu mạnh.
Nếu như trong chiến tranh, sinh viên yêu nước là phải sẵn sàng lên đường chiến đấu chống giặc, bất chấp hy sinh gian khổ, thì ngày nay, yêu nước sinh viên phải quyết tâm vươn lên trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học, chống lại đói nghèo, lạc hậu, nạn tham nhũng, buôn lậu, ma túy và các tệ nạn xã hội khác đã và đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, gây cản trở quá trình xây dựng đạo đức mới của con người, của sinh viên, đe dọa sự an toàn của xã hội.
Ngày nay, yêu nước còn phải ý thức sâu sắc về niềm tự hào dân tộc. Đó chính là sức mạnh nội lực to lớn góp phần giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đồng thời, yêu nước ngày nay phải kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, tinh thần dân tộc luôn gắn bó chặt chẽ với tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung; lợi ích dân tộc gắn liền với lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của xã hội.
Nhân ái là một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Truyền thống nhân ái có lòng từ bi của đạo Phật, lòng nhân ái của Nho giáo, có cả hệ tư tưởng nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được các thế hệ con người Việt Nam tiếp thu, kế thừa, làm phong phú, sâu sắc thêm. Nhân ái trong các xã hội trước đây là sự giúp đỡ, chia sẻ cho nhau miếng cơm, manh áo khi gặp hoạn nạn, lúc “tối lửa tắt đèn”. Trong điều kiện hiện nay, nhân ái là ngoài yêu thương, giúp đỡ nhau,
118
còn phải tạo điều kiện cho con người phát huy được năng lực cá nhân và kích thích khả năng sáng tạo của con người. Đối với sinh viên, giáo dục truyền thống nhân ái cho họ chính là giáo dục sinh viên lòng kính trọng thầy cô, yêu thương, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt, quý trọng của công, quan tâm đến nỗi khổ đau, bất hạnh của người khác. Yêu thương con người, sinh viên phải biết ngăn chặn cái ác, cái xấu đang len lỏi vào trong cuộc sống của họ.
Đồng thời, phải biết noi gương người tốt, việc tốt, có tinh thần trách nhiệm tham gia các hoạt động xã hội như: “Hiến máu nhân đạo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Mùa hè xanh”... Sinh viên Việt Nam phải cùng sinh viên thế giới chống chiến tranh, chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa khủng bố, bệnh tật hiểm nghèo, ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị.
Lao động cần cù, sáng tạo là truyền thống lâu đời của người Việt Nam.
Trải qua bao thế hệ, nhờ phát huy truyền thống đó mà dân tộc Việt Nam đã tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ hiện nay, lao động cần cù, tiết kiệm đòi hỏi người dân Việt Nam nói chung, sinh viên nói riêng phải có không ngừng học tập để nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật, phải năng động, sáng tạo và có tác phong công nghiệp trong lao động. Vì vậy, rèn luyện nâng cao ý thức kỷ luật trong lao động và học tập, không ngừng vươn lên trau dồi tri thức chuyên môn, nghiệp vụ đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của lớp sinh viên hiện nay.
Truyền thống đoàn kết cộng đồng được biểu hiện qua các mối quan hệ cộng đồng lớn nhỏ khác nhau như gia đình, họ hàng, làng xã và lớn hơn nữa là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng của người Việt Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần đưa dân tộc ta vượt qua những gian nguy, thử thách, giành và giữ vững nền độc lập, tự do.
Ngày nay, truyền thống đoàn kết cộng đồng có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, con người mới. Truyền thống tốt đẹp này phải được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, cạnh tranh thi đua trong
119
kinh tế một cách lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi người cùng vươn lên làm giàu, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản và lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, “là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [44, tr.48], được thể hiện ở nguyên tắc lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tập hợp và đoàn kết mọi tổ chức, mọi cá nhân yêu nước phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, trước những vấn đề mang tính toàn cầu, một quốc gia, dân tộc không thể giải quyết được. Vì vậy, đoàn kết ngày nay không chỉ theo kiểu “nhà - làng - nước”
truyền thống mà còn cần hướng tới cộng đồng rộng lớn hơn trong khu vực và quốc tế để cùng hội nhập và phát triển. Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trên lập trường của giai cấp vô sản là định hướng giá trị và lý tưởng sống của sinh viên hôm nay.
Đảm bảo thống nhất giữa tính truyền thống và tính hiện đại, kế thừa và đổi mới trong quá trình phát huy các giá trị đạo đức truyền thống đối với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên là vấn đề mang tính nguyên tắc, phải được xem là một nội dung quan trọng, là đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc. Nhiệm vụ chủ yếu của việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên là từng bước xây dựng cho sinh viên ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết cá nhân với tập thể hòa chung vào các phong trào của tập thể từ lớp, khoa đến trường và lan rộng ra toàn xã hội, qua đó trang bị cho sinh viên phương pháp hữu hiệu để giải quyết mối quan hệ cá nhân với tập thể, cá nhân với xã hội, biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng để phục vụ cái chung. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của sinh viên. Nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa sinh viên với các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, trong tập thể, trong xã hội đoàn kết cùng giúp đỡ nhau học tập và lao động. Chính sự đoàn kết thống nhất này là động lực quan trọng để sinh viên từng bước trưởng thành, là cơ sở để gắn kết họ với tập thể, với xã hội trong học tập và công tác sau này.
120 Ở đây, cần chú ý mấy điểm sau:
Một là, chúng ta cần phải nhận rõ những mặt tích cực, tiến bộ, những mặt lạc hậu, hạn chế và thiếu hụt trong đạo đức truyền thống dân tộc. Nếu chúng ta không có định hướng chung đầy đủ, rõ ràng và “bản lĩnh cá nhân không vững chắc thì cũng dễ du nhập từ nước ngoài cả những điều sai lầm, thậm chí độc hại” [46, tr.38-39]. Bản chất của quy luật kế thừa luôn được khẳng định bởi sự thống nhất hữu cơ không thể chia cắt được giữa việc áp dụng các giá trị đạo đức được các thế hệ trong quá khứ tích lũy và với sự phân tích có phê phán, có cải biến những giá trị đó nhằm sáng tạo nên những giá trị đạo đức mới phù hợp với hoàn cảnh đương đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ...
Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý.
Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm...
Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm [135, tr.94-95].
Để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, cần phải loại bỏ những yếu tố bảo thủ, lạc hậu không còn phù hợp do bản thân nền đạo đức truyền thống của chúng ta sản sinh và thâm nhập từ bên ngoài (của phong kiến phương Bắc, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới). Chẳng hạn, tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng, chủ nghĩa thực dụng, sự tuyệt đối hóa tính giai cấp trong đời sống đạo đức xã hội và gia đình. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định:
Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng,