Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM
4.2.5. Nâng cao tính tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh
Để có sự chuyển hóa từ nhận thức, tri thức các giá trị đạo đức truyền thống thành hành vi đạo đức, hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, đòi hỏi phải thông qua quá trình tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên. Tự giác rèn luyện, học tập được hiểu là “hình thức hoạt động nhận thức của cá nhân nhằm nắm vững hệ thống tri thức và kỹ năng do chính sinh viên tiến hành ở trên lớp hoặc ở ngoài lớp theo hoặc không theo chương trình và sách giáo khoa đã được quy định” [144, tr.276].
143
Tự giác rèn luyện, học tập của sinh viên là một khâu quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo. Đó là yếu tố cốt lõi của hoạt động học, là nội lực quyết định chất lượng rèn luyện, học tập. Đồng thời, đó cũng là yêu cầu của sự phát triển nhận thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức theo mô hình đào tạo đã được xác định. Bởi vì, “Nhân cách của một con người như thế nào, điều đó phụ thuộc vào khả năng và mức độ người đó tiếp nhận những tác động văn hóa của xã hội thông qua sự tập luyện văn hóa của cá nhân trong lao động, trong học tập và trong giao tiếp xã hội” [15, tr.3].
Khác với các hình thái ý thức xã hội khác, ý thức đạo đức đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác lựa chọn giá trị, không vụ lợi khi thực hiện các nghĩa vụ đạo đức, là sự tự nhận thức và hành động đúng chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội. Khi rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống đòi hỏi sinh viên phải có sự tự giác, tự nguyện rất cao. Bởi vì, chất lượng tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, các yếu tố khách quan của quá trình giáo dục như nội dung, chương trình, mục tiêu, hình thức, phương pháp dạy học của giảng viên, cơ sở vật chất đảm bảo cho quá trình rèn luyện, học tập và sự quản lý giáo dục của nhà trường dù có vai trò to lớn và tác động mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đạt được hiệu quả cao, nếu như sinh viên không có sự “tự thân vận động”, biến “quá trình giáo dục thành tự giáo dục”. Bởi lẽ:
Mọi học thức chân chính chỉ thu nhận được thông qua con đường tự học. Mỗi người đến suốt đời cứ bổ sung, bổ sung mãi những kiến thức đã được học ở trường. Cuộc sống đòi hỏi rất nhiều những kiến thức mà mỗi người chúng ta tự góp nhặt lại bằng phương tiện của mình, tùy theo khả năng của mình. Cái gì ta tự tìm thấy, ta kiếm được theo sở thích và mong muốn của mình thì thường in vào trí óc vững chắc hơn cả. Từ đó chúng ta thấy rằng thu nhận và gom góp kiến thức theo phương pháp tự học, chính là phương pháp tích lũy kiến thức tốt nhất, tối ưu nhất [166, tr.28].
144
Để tạo khuyến khích, nâng cao tính tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức tính tất yếu về vai trò của tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên.
Phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, cần phải làm cho mỗi sinh viên nhận thức được rằng, trong học tập nói chung, học tập các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng, điều quan trọng, cơ bản nhất là tự rèn luyện, học tập và sinh viên phải xác định được động cơ, mục đích, thái độ đúng đắn trong học tập, phát huy cao độ tính tự chủ, tự giác, độc lập, vượt qua những khó khăn, gian khổ để học tập. Bởi lẽ, hiệu quả của giáo dục giá trị đạo đức truyền thống phụ thuộc rất nhiều và có ý nghĩa quyết định ở người học. Có tự học, tự rèn luyện, sinh viên mới có thể thẩm thấu những kiến thức đã được trang bị trên lớp, biến những kiến thức lý luận đó thành hành động thực tiễn. Hêghen đã cho rằng:
“Không có gì vĩ đại có thể thực hiện trong thế giới nếu không có sự say mê”
[Dẫn theo 101, tr.336].
Thứ hai, xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tự rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống.
Việc rèn luyện, học tập nói chung, học tập các giá trị đạo đức truyền thống muốn có hiệu quả cao, sinh viên cần phải xây dựng được kế hoạch rèn luyện, học tập một cách khoa học. Sinh viên phải có kế hoạch tổ chức việc rèn luyện, học tập một cách khoa học, biết kết hợp đúng đắn giữa học và hành, học các giá trị đạo đức và thực hành các giá trị đạo đức trong thực tiễn.
Nhiệm vụ rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên chỉ hoàn thành khi sinh viên biết chuyển kế hoạch đã được xác định thành những việc làm cụ thể.
Nhiệm vụ học tập của sinh viên ở trường đại học và cao đẳng rất nặng nề. Bởi lẽ, một mặt, sinh viên phải học nhiều bộ môn khác nhau, môn học cơ sở ngành, chuyên ngành, các môn lý luận chính trị; mặt khác, việc học ở đây là để phát triển năng lực tổng hợp, chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp sau
145
này. Nếu sinh viên không thiết lập được cho mình kế hoạch cụ thể sẽ rất khó khăn trong việc học đầy đủ các môn học, và sẽ chỉ chú trọng đến môn học chuyên ngành, cơ sở ngành còn các môn học khác như: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đạo đức học, nhiều khi xem nhẹ, hoặc học đối phó, qua loa, đại khái.
Thứ ba, gắn việc tự rèn luyện, tự học tập các giá trị đạo đức truyền thống với việc thực hành và giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, thu hút sinh viên tham gia vào các phong trào chính trị - xã hội thực tiễn.
Quá trình tự học tập, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi sinh viên biết gắn học với hành, học tập lý luận phải được đối chiếu với thực tiễn. Đây là quá trình biến những điều đã học, đã nhận thức được thành hiện thực, là sự tiến hành trong thực tiễn các hoạt động theo những cách thức đã chọn lựa, chính điều này đã thể hiện nét đặc sắc “cái tôi” của cá nhân sinh viên trong học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp thực tiễn ở nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà” [137, tr.81].
Đối với sinh viên, việc rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc chủ yếu là lý luận trong sách vở, tài liệu, muốn những hiểu sâu sắc hơn những tri thức đó đòi hỏi sinh viên phải luôn liên hệ với thực tế.
Những kiến thức mà sinh viên học, nghiên cứu trong sách vở, tài liệu phải được đem đối chiếu với thực tiễn và kiểm nghiệm bởi thực tiễn. Vì thực tiễn luôn có tác dụng định hướng tư tưởng vào việc tìm tòi các phương pháp và khảo nghiệm những điều mà sinh viên đã học tập, nghiên cứu. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Chúng ta không tin vào việc rèn luyện, giáo dục và học tập nếu những việc đó chỉ đóng khung trong nhà trường và tách rời cuộc sống sôi nổi” [103, tr.372]. Muốn hiểu lý luận phải có thực tiễn, nhưng để hiểu thực tiễn cũng cần phải có lý luận. “Phải có sự kết hợp giữa nhận thức và thực tiễn” [101, tr.233]. Có thể nói: “nhà giáo dục lớn nhất vẫn là thực tiễn, nhà trường lớn nhất vẫn là cuộc đời. Không có gì làm mất uy tín của nhà giáo dục hơn là sự
146
tách rời giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn” [111, tr.109].
Song, thực tiễn cuộc sống với những biểu hiện phong phú, đa dạng, để nó đi vào nhà trường thì cần phải chọn lọc, đánh giá, hướng dẫn theo yêu cầu và mục tiêu của giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống.
Phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên nhằm giúp cho sinh viên có những nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các giá trị đạo đức này trong lịch sử dân tộc và trong thời đại hiện nay, nhận thức được những hành vi, lối sống có văn hóa, có đạo đức, đúng, sai trong cách ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên, trên cơ sở đó mà sinh viên nỗ lực, tự giác rèn luyện, học tập để hoàn thiện nhân cách của mình.
Tiểu kết chương 4
Ở nước ta hiện nay, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên là một trong những biện pháp lâu dài, cơ bản vì mục tiêu phát triển xã hội nhân văn, nhân ái. Trong những năm qua, công tác giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng ở nước ta nói chung, ở Hà Nội nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế. Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong giáo dục các giá trị đức truyền thống cho sinh viên Việt Nam hiện nay (qua thực tế các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội), các chủ thể giáo dục cần phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành nhân cách sinh viên bằng những định hướng lâu dài và một hệ thống đồng bộ, hoàn chỉnh các giải pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống, nhằm từng bước giúp sinh viên nâng cao nhận thức, ý thức các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, từ đó có thói quen, hành vi tự giác, tự nguyện và nhu cầu chủ động, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống, chuyển quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trước hết, phải xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tạo điều kiện, tiền đề cho việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, bao gồm lành mạnh hóa các quan hệ
147
xã hội trong nhà trường, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc học tập, nghiên cứu của sinh viên, có chính sách phù hợp với sinh viên và dân chủ hóa môi trường nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên rèn luyện, học tập nâng cao nhận thức và thực hành đạo đức.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống nhằm hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay. Trong đó, mỗi chủ thể giáo dục có vai trò nhất định trong giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên, song cùng mục tiêu chung là nhằm hình thành và phát triển nhân cách sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước hiện nay.
Thứ ba, đổi mới nội dung và các hình thức giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống đối với sinh viên, bao gồm giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống thông qua các môn học khác nhau trong nhà trường; thông qua hoạt động ngoại khóa, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, viện bảo tàng; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua việc nêu gương học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương người tốt, việc tốt.
Thứ tư, tăng cường vai trò của pháp luật trong việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên.
Thứ năm, nâng cao tính tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, bao gồm nâng cao nhận thức tính tất yếu về vai trò của tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên; xây dựng kế hoạch và nghiêm túc thực hiện kế hoạch tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống; gắn việc tự giác rèn luyện, học tập các giá trị đạo đức truyền thống với việc thực hành và giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Như vậy, muốn phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay có hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên là rất cần thiết, song để thực hiện được các giải pháp đó, đòi hỏi sự phối hợp, liên kết của tất cả các chủ thể giáo dục trong nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội.