CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VAI TRÒ NHÀ NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM
2.2.1. TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG PHÁP LUẬT
Từ nền kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp thông qua đổi mới để chuyển sang mô hình kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa nay là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chính sách, luật pháp về SHTT, CGCN và phát triển thị trường KH- CN. Từ khi có Nghị quyết số 37/NQ/BCT năm 1981 đến nay, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã có hàng trăm văn bản luật, dưới luật để cụ thể đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KH - CN và thị trường KH - CN. Trước khi có Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 1989, nước ta đã có hàng loạt Nghị định và Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích về mua bán li- xăng. Sau đó, các Nghị định đó từng bước được hoàn thiện. Nghị định số 84/HĐBT (20/3/1990) “Về việc sửa đổi bổ sung Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế, Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá, Điều lệ về giải pháp hữu ích, Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp, Điều lệ về mua bán li-xăng” [39] được ban hành theo hướng đó. Với Nghị định này, Việt Nam đã cụ thể hơn việc công nhận quyền sở hữu công nghiệp và coi các hàng hoá thuộc đối tượng sở hữu công nghiệp như một loại hàng hoá đặc biệt và có quyền trao đổi theo những quy tắc nhất định mà Điều lệ đặt ra. Đây cũng là những nguyên tắc đầu tiên cho việc hình thành thị trường KH - CN Việt Nam.
Nghị quyết 26 NQ/ TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về “Khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới” [7] chỉ rõ vai trò của KH - CN trong nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xây
dựng tiềm lực KH - CN, xây dựng cơ chế quản lý KH - CN phù hợp với cơ chế kinh tế này. Nghị quyết còn đề cập đến việc mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở nghiên cứu triển khai, quan tâm đúng đắn đến đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, thành lập Hội đồng chính sách khoa học quốc gia, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động KH - CN. Trước đó, ngày 20/1/1981, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về chính sách khoa học kỹ thuật, coi khoa học vừa là công cụ vừa là căn cứ để thực hiện thắng lợi các kế hoạch KT - XH.
Tiếp đó Nghị định 35/ HĐBT về công tác quản lý KH- CN của Hội đồng Bộ trưởng ban hành 28/01/1992 ghi nhận quyền của các tổ chức KH - CN, tập thể khoa học, các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, lực lượng vũ trang được bình đẳng hoạt động KH - CN, thành lập các tổ chức KH - CN.
Ngày 30/7/1994, Ban chấp hành Trung ương khoá VII đã họp và ra Nghị quyết 07 NQ/HNTW về “Phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000... xây dựng giai cấp công nhân trong thời đại mới”. Nghị quyết đã chỉ rõ phải gắn KH - CN với sản xuất, dịch vụ; gắn các chương trình phát triển KH - CN với các chương trình phát triển KT - XH. Mở rộng phương thức ký kết hợp đồng nghiên cứu. Khuyến khích sự sáng tạo của các nhà khoa học, đồng thời coi trọng phát huy sáng kiến của mọi người lao động, từ đó đầu tư có chiều sâu cho việc phát triển công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương Đảng đề cập thị trường KH - CN: “Tạo lập thị trường để sản phẩm của hoạt động khoa học công nghệ được trả giá đúng mức và lưu thông như một dạng hàng hoá đặc biệt”. Cùng với thay đổi về tư duy, Nghị quyết cũng khẳng định phải thực hiện tốt Pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và Pháp lệnh CGCN đồng thời khẳng định phải sớm ban hành Luật KH - CN.
Quyết định 419/ TTG ngày 21/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý các hoạt động KH - CN [61]. Quy định nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KH - CN là nhiệm vụ của các cơ quan KH - CN, của các cấp,
các ngành ở Trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp các tổ chức xã hội và tư nhân.
Ngày 24/10/1996 Nghị định số 63/CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp [18]. Nghị định này được xây dựng và bổ sung trên cơ sở Bộ luật dân sự năm 1995; các đối tượng sở hữu công nghiệp được chỉ rõ trong các điều 4, điều 5, điều 6, điều 7. Nghị định cũng chỉ rõ căn cứ pháp lý phát sinh quyền sở hữu công nghiệp theo điều 780, điều 800 Bộ luật dân sự năm 1995, thời hạn bảo hộ, các thủ tục xác lập quyền bảo hộ... Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó có quyền chuyển giao, quyền sử dụng, quyền sở hữu, thừa kế... Hợp đồng li-xăng chỉ có giá trị pháp lý khi đã được đăng ký tại Cục sở hữu công nghiệp. Mọi hình thức chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phải được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức hợp đồng.
Bộ luật dân sự ban hành ngày 01/07/1996 chương VII có quy định về sở hữu công nghệ, chương III quy định về CGCN.[15]
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 12/11/1996 có quy định bảo hộ quyền SHTT, bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài hoạt động CGCN ở Việt Nam.[49]
Nghị định 12/CP ban hành ngày 18/2/1997 của Chính phủ quy định về việc CGCN, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền và lợi ích của bên CGCN.[19]
Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20/5/1998 có quy định Nhà nước lập quỹ hỗ trợ phát triển KH - CN, có hỗ trợ cho áp dụng KH - CN, CGCN, đổi mới công nghệ.[51]
Nghị định 45/1998/ NĐ của chính phủ do Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường nghiên cứu trình Chính phủ có quy định chi tiết về CGCN.[20]
Luật Khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua 6/2000, điều 23 có quy định về hợp đồng KH - CN bao gồm hợp đồng nghiên cứu khoa học
và phát triển công nghệ, hợp đồng CGCN, hợp đồng dịch vụ KH - CN. Điều 26 quy định về quyền sở hữu, quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điều 33 xây dựng và phát triển thị trường KH - CN quy định các chính sách, biện pháp xây dựng và phát triển thị trường KH- CN.[50]
Cùng với sự phát triển của đất nước và yêu cầu của qua trình hội nhập, Bộ luật dân sự 14/6/2005 đã ra đời, trong đó tại phần VI chương XXXIV, XXXV, XXVI quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và đối với giống cây trồng, quyền CGCN được quy định từ điều 736 đến điều 756.
[16]
Bộ luật dân sự năm 2005 quy định cụ thể những đối tượng được và không được chuyển giao. Đối tượng chuyển giao công nghệ bao gồm bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao; giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ, cấp phép đặc quyền kinh doanh và các đối tượng khác do pháp luật về CGCN quy định.
Đối tượng không được chuyển giao bao gồm công nghệ không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường.
Năm 2005 Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định về KH - CN như:
Nghị định 115/2005/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 5/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH - CN công lập [23].
Nghị định 80/2007/NĐ - CP chính phủ ban hành 19/05/2007 là nghị định về doanh nghiệp KH - CN [24]. Ngoài ra còn nhiều nghị định, thông tư liên tich có liên quan đến nghị định 115/2005/NĐ - CP và Nghị định 80/2007/NĐ -CP.
Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua 29/11/2005 và có hiệu lực
vào ngày 1/7/2006.[52]
Luật SHTT quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Luật cũng quy định rõ thủ tục để được đăng ký bảo hộ và quy định mức xử phạt, các hình thức xử phạt các hành vi xâm phạm SHTT.
Tiếp đó Luật CGCN cũng được ban hành ngày 26/11/2006 đã quy định về hoạt động CGCN tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CGCN, thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động CGCN.
Quyết định 592/QĐ -TTg do Thủ tướng ban hành ngày 22/05/2012 quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH - CN và tổ chức KH - CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
[62]
Từ tổng quan các văn bản nói trên cho thấy:
Trước năm 2000 hầu hết các văn bản ban hành thường tập trung vào việc tạo môi trường pháp lý cho việc nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu KH- CN. Hơn nữa các văn bản này lại mang nặng tính bao cấp chưa thật sự chuyển sang môi trường mới - môi trường kinh tế thị trường.
Mãi đến năm 2000, trong luật KH - CN, điều 33 mới đề cập đến việc xây dựng và phát triển thị trường KH- CN, nhưng việc cụ thể hóa điều 33 của Luật này thành các chính sách và các quy định cụ thể diễn ra rất chậm đẫn đến hệ quả làm cho thị trường KH- CN nước ta chậm xuất hiện và phát triển chưa tương xứng với nhu cầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nhanh kinh tế thị trường và HNKTQT, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nước ta.
Từ năm 2000 đến nay, Bộ Luật dân sự 2005, Luật SHTT 2005, Luật
CGCN 2006 đã ra đời. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng, là hành lang pháp lý rất quan trọng cho sự phát triển KH - CN của thị trường KH - CN.