CHƯƠNG 3: NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
3.1. BỐI CẢNH MỚI TÁC ĐỘNG ĐẾN VAI TRÒ NHÀ NƯỚC
3.1.2. BỐI CẢNH TRONG NƯỚC
* Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
- Hệ thống các loại thị trường ở nước ta đã được hình thành và phát triển nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.
Trong thời gian vừa qua hệ thống các loại thị trường ở nước ta như thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động...đã được hình thành và phát triển. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường KH - CN, bởi vì các loại thị trường này có quan hệ tương tác và thúc đẩy thị trường KH - CN phát triển. Tuy nhiên trong các loại thị trường này chỉ có thị trường hàng hóa dịch vụ phát triển mạnh còn các thị trường khác vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Những bất cập trong việc phát triển các loại thị trường đã kìm hãm sự phát triển của thị trường KH - CN. Do vậy Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ các loại thị trường để thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH - CN.
- Nền kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên nhưng chất lượng phát triển chưa bền vững, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế thấp.
Trong thời gian vừa qua, nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Điều này được thể hiện:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây nước ta tương đối ổn định và đạt ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quan 5 năm 2005 - 2010 đạt 7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai
đoạn 2001 - 2005, đạt 42,9% GDP. Mặc dù khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta đạt cao. Quy mô GDP năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài có tác động lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam và đẩy mạnh CGCN từ nước ngoài, từ đó tác động tích cực đến tăng trưởng của cầu hàng hóa KH - CN trên thị trường KH - CN.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của nền kinh tế được tăng cường. Điều này giúp cho việc xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển của thị trường KH - CN.
Thứ ba, Việt Nam đầu tư phát triển mạnh một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp của nền kinh tế phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện. Các nội dung này đã thúc đẩy nhu cầu công nghệ mới, công nghệ cao và tạo ta sự đa dạng phong phus về loại hình sản phẩm KH - CN trên thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh thấp. Những điều này thể hiện nhu cầu công nghệ thấp trung bình của doanh nghiệp vẫn là chủ yếu, môi trường đầu tư kinh doanh của thị trường KH - CN còn nhiều bất cập từ đó gây cản trở rất lớn đến phát triển thị trường KH - CN. Vì vậy, Nhà nước ta tận dụng những tác động tích cực của sự tăng trưởng chung của nền kinh tế để phát triển thị trường KH - CN.
- Nguồn nhân lực đã có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong thời gian qua, quy mô nguồn nhân lực ở Việt Nam đã tăng nhanh, đặc biệt ở cấp đại học, cao đẳng và dạy nghề. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động không ngừng được nâng cao. Cơ cấu lao động có sự
chuyển dịch theo hướng tích cực. Lao động trong ngành sử dụng nhiều công nghệ, lao động đã qua đào tạo tăng về số lượng, điều này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhu cầu nhân lực để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên việc sử dụng và bố trí công việc cho đội ngũ lao động kỹ thuật còn nhiều bất hợp lý, nhiều lao động phải làm các công việc không phù hợp với chuyên môn và trình độ đào tạo.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam có sự gia tăng. Cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao có sự chuyển dịch nhanh, tỷ trọng nhân lực trình độ đại học trong các ngành sử dụng nhiều công nghệ và tri thức gia tăng. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ và kỹ năng. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam ngày càng được nâng cao về trình độ và kỹ năng. Tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam vẫn còn ít so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa tiếp cận được với trình độ quốc tế. Điều này có ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực KH - CN, tới khả năng nghiên cứu KH - CN ở trình độ quốc tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực cao đối với sự phát triển của thị trường KH - CN Nhà nước ta đã và đang tao điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt nguồn nhân lực KH - CN nói riêng.
* Tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam ngày càng được tăng cường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Trong 20 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây nhận thức được vai trò của KH - CN đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hoạt động khoa học và phát triển công nghệ của đất nước, từ đó tiềm lực KH - CN ngày càng được tăng cường cụ thể:
- Chúng ta đã có đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học, trong đó nhiều cán bộ có trình độ đại học trở lên. Đây là lực lượng tiềm tàng cho phát triển KH - CN ở nước ta.
- Nguồn kinh phí huy động cho KH - CN đã được đa dạng hóa. Đầu tư cho KH - CN từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2001-2005 đạt trung bình khoảng 2% tổng chi ngân sách, đây là tỷ lệ cao so với các nước khác. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tăng cường trang thiết bị cho các tổ chức nghiên cứu phát triển nhất là đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm đã đáp ứng được phần nào nhu cầu trước mắt của một số tổ chức nghiên cứu phát triển.
- Hệ thống các tổ chức nghiên cứu phát triển theo hướng tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất kinh doanhthoong qua việc định hướng hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả KH - CN theo nhu cầu thực tế phát triển KT - XH và đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên nhìn tổng thể tiềm lực KH - CN nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT - XH và thấp so với nhiều nước trong khu vực. Trình độ KH - CN Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với các nước phát triển và ngay cả với nhiều nước trong khu vực chưa tạo ra được năng lực KH - CN cần thiết để đáp ứng những yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Vì vậy để phát triển thị trường KH - CN, Nhà nước cần có những chính sách hữu hiệu tạo động lực đối với cán bộ KH - CN; chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động KH - CN để tạo thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng KH - CN.
* Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra những cơ hội to lớn cho phát triển và cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của thị trường KH - CN nước ta.
Trước tiến trình HNKTQT ngày càng sâu rộng Nhà nước ta cần được
nhận thức rõ để đề xuất những giải pháp đúng đắn nhằm tận dụng được những cơ hội do hội nhập mang lại và giảm thiểu những khó khăn, bất lợi trên con đường phát triển của mình.
Một là, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài.
Trong quá trình toàn cầu hoá, các dòng hàng hoá được lưu thông tự do hơn sẽ kéo theo nó sự vận động của các dòng vốn và công nghệ. Trong cơ chế thị trường, các nguồn lực vận động theo nguyên tắc là di chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ chỗ sinh lợi ít đến chỗ sinh lợi nhiều hơn... Do tích luỹ vốn đến mức cao và không ngừng hiện đại hoá công nghệ, ở các nước phát triển xuất hiện tình trạng dư thừa vốn; có những công nghệ mới không tìm được nơi sinh lợi cao, những công nghệ cũ không có chỗ sử dụng đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những nguồn vốn và công nghệ này tất yếu sẽ được chảy sang các nước đang phát triển. Đây là một thời cơ lớn cho các nước đang phát triển. Nửa sau những năm 1990, hàng năm đã có hàng trăm tỷ USD đổ vào các nước đang phát triển. Từ năm 1996 trở lại đây, mỗi năm Trung Quốc đã thu hút hơn 40 tỷ USD, trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cùng với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta là công nghệ mới.
Việc tiếp nhận công nghệ mới này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Các công nghệ này có thể là cũ và không có hiệu quả ở các nước phát triển nhưng lại là mới và có hiệu quả ở Việt nam.
Do khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài của Việt Nam còn hạn chế, việc vay vốn và nhập khẩu công nghệ mới cũng không dễ dàng. Con đường thích hợp với Việt Nam trong điều kiện hiện nay là hội nhập quốc tế để khai thông thị trường trong nước với khu vực và thế giới, tạo ra môi trường đầu tư có hiệu quả và có sức hấp dẫn.
Hai là, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, hàng rào bảo hộ mậu dịch ngày càng giảm, quan hệ buôn bán giữa các quốc gia ngày càng được tăng cường, do vậy mà thị trường thế giới cũng ngày càng được mở rộng. Các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ cho phép thị trường của một nước được khai thông với tất cả các nước đối tác
Khi thị trường bên ngoài của một quốc gia ngày càng rộng mở, sức ép từ thị trường bên ngoài cũng ngày càng mạnh trên nhiều phương diện. Trước hết là cạnh tranh toàn cầu sẽ rất gay gắt, buộc tất cả các công ty trong nước phải phấn đấu dữ dội để tồn tại và phát triển. Đây là một thách thức vì nếu các quốc gia tham gia hội nhập không có các chính sách đúng, các công ty kinh doanh không nâng cao được năng lực cạnh tranh thì tình trạng phá sản của hàng loạt công ty là khó tránh khỏi, dẫn tới thất nghiệp gia tăng, gây bất ổn định xã hội... Thứ hai, sức ép của thị trường toàn cầu sẽ tác động đến thể chế kinh tế, xã hội của các quốc gia, buộc các thể chế này phải thay đổi để thích ứng. Đây là một cơ hội để các quốc gia có thể hoàn thiện thể chế thị trường của mình. Nhưng đồng thời, đây cũng là một thách thức vì nếu các thể chế quốc gia không thích ứng với cơ chế thị trường toàn cầu thì môi trường kinh doanh sẽ bị giảm lợi thế so sánh, kém hiệu quả, gây thua thiệt cho các nhà kinh doanh.
Tham gia các khu vực mậu dịch tự do và thực hiện tự do hóa thương mại trong khuôn khổ của WTO là điều kiện cần để các nước tranh thủ những ưu đãi về thương mại đầu tư và các lĩnh vực khác được áp dụng trong nội bộ mỗi tổ chức, góp phần mở rộng thị trường và phát triển sản xuất trong nước. Đặc biệt trong WTO cũng như đại đa số các tổ chức khu vực khác đều có các chính sách ưu đãi đối với các nước đang phát triển và các nước trong thời kỳ chuyển đổi, cho phép các nước này được hưởng các miễn trừ, ân hạn trong việc thực hiện các nghĩa vụ giảm thuế, phi thuế và các nghĩa vụ khác.
HNKTQT, thực hiện tự do hóa thương mại, giảm thuế và mở cửa thị
trường sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường nội địa, buộc các ngành sản xuất phải cơ cấu lại theo hướng phù hợp nhất với xu hướng thế giới, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sản xuất những sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với những nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam. Tự do hóa thương mại cũng tạo điều kiện cho các ngành sản xuất có cơ hội lựa chọn tổ hợp các yếu tố đầu vào phù hợp. Cuối cùng, người tiêu dùng trong nước cũng sẽ có lợi hơn do mua được hàng hoá với giá rẻ hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn đối với hàng hóa trên thị trường nội địa.
Do mở rộng xuất khẩu và sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đổi mới KH - CN. Điều này có nghĩa cầu về KH - CN sẽ tăng nhanh.
Một trong những ưu điểm của việc tham gia hội nhập vào các tổ chức khu vực và quốc tế đối với các nước đang phát triển là các tổ chức này thường có các chương trình hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực quản lý và công nghệ cho các nước thành viên. Những chương trình này đã tạo điều kiện cho các nước tham gia phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực và tiếp cận với các công nghệ mới trong các lĩnh vực sản xuất, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam là một nước đang phát triển, trình độ kinh tế, KH - CN còn rất thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều loại công nghệ khác nhau của thế giới.
Trên đây chính là những nhân tố mới quan trọng nhất tác động trực tiếp đến vai trò Nhà nước trong sự phát triển KH - CN và thị trường KH - CN Việt Nam trong tình hình mới. Nắm bắt được những vận hội, vượt qua thách thức bằng những định hướng và giải pháp phù hợp, KH - CN và thị trường KH - CN Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ phát triển nhanh hơn bao giờ hết.