CHƯƠNG 3: NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
3.2. QUAN ĐIỂM VAI TRÒ NHÀ NƯỚC TRONG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
3.3.1. HOÀN THIỆN MÔI TRƯỜNG VĨ MÔ
Với thực trạng thị trường KH - CN như hiện nay, để nâng cao vai trò của
Nhà nước trong việc phát triển môi trường này cần hoàn thiện môi trường vĩ mô trong đó việc hoàn thiện môi trường pháp lý có vai trò quyết định.
* Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về SHTT ở Việt Nam
Thứ nhất: Triển khai thực hiện Luật SHTT và tiếp tục hoàn thiện bổ sung những điều khoản chưa hợp lý trong bộ luật này.
Luật SHTT đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2005 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 [52]. Với 6 phần, 18 chương, 222 điều, Luật SHTT của nước ta đã bao hàm tất cả các nội dung cần thiết: Từ những quy định chung (phần I); Quyền tác giả và quyền liên quan (phần II), Quyền sở hữu công nghiệp (phần III), Quyền đối với giống cây trồng (phần IV), Bảo vệ quyền SHTT (phần V) cho đến các điều khoản thi hành (phần VI). Về cơ bản sự ra đời của Luật SHTT đã khắc phục được tính tản mạn, phân tán của các quy định pháp luật đã tồn tại trong nhiều văn bản trước đây. Để luật này thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục triển khai những hoạt động sau đây:
Trước hết, cụ thể hóa toàn bộ các quy phạm về các chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trình tự dân sự làm biện pháp chủ yếu trong việc điều chỉnh quan hệ về SHTT. Cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm quyền SHTT để tránh việc lạm dụng hình thức này như thực tế đã xẩy ra ở nước ta trong những năm qua. Ở điều 211 – mục 1 - chương XVIII thuộc phần thứ năm của luật SHTT đã đưa ra những quy định các hành vi xâm phạm quyền SHTT sau đây bị xử phạt hành chính:
a) Thực hiện các hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội.
b) Mặc dù đã được chủ thể quyền SHTT thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền SHTT nhưng không chấm dứt việc xâm phạm đó.
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng giả mạo về SHTT
hoặc chuyển giao cho người khác thực hiện những hành vi này.
d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc giao cho người khác thực hiện những hành vi này.
Tuy nhiên những quy định nêu trên vẫn mang tính chung chung, chưa cụ thể nên khi áp dụng có thể vận dụng một cách tùy tiện và dẫn đến tình trạng xử phạt bằng hình thức này vẫn có thể tiếp tục gia tăng.
Hơn nữa khi trình độ hiểu biết của người tiêu dùng Việt Nam được tăng lên họ có thể liên minh để kiện người vi phạm quyền SHTT bồi thường thiệt hại bằng biện pháp dân sự.
Để tránh lạm dụng hình thức xử phạt hành chính cũng cần tăng mức phạt bằng hành chính đối với các hành vi vi phạm SHTT. Cụ thể là :
Xác định rõ thẩm quyền vụ việc của Tòa án trong xét xử tranh chấp về SHTT. Đối Với tranh chấp về quyền tác giả, thẩm quyền vụ việc đã được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC - VKSNDTC - BVHTT ngày 05/12/2001. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cần có một văn bản tương tự để tạo ra sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện thẩm quyền của mình nhằm nâng cao hiệu quả thực thi về quyền SHTT.
Cho phép tòa án được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi thụ lý vụ án. Bởi vì theo pháp luật tố tụng dân sự hiện nay, muốn áp dụng biện pháp này thì trước đó phải chấp nhận đơn kiện. Quy định trên chưa phù hợp với yêu cầu của luật pháp quốc tế về bảo hộ mà Việt Nam đã tham gia về lĩnh vực này.
Nâng mức đền bù thỏa đáng cho người có quyền SHTT khi bị xâm phạm trong chế tài dân sự để đủ sức mạnh răn đe, ngăn chặn các hành vi cố tình vi phạm.
Mặt khác, cần kịp thời bổ sung những điều khoản còn thiếu, sửa đổi
những nội dung chưa phù hợp trong Luật SHTT. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia vẫn còn nhiều sơ hở bất cập trong bộ luật này. Chẳng hạn các quy định về quyền tác giả và các quyền có liên quan chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, chưa đảm bảo được tính thống nhất và tính minh bạch của hệ thống pháp luật về SHTT. Ví dụ, chưa vạch ra được ranh giới rõ ràng, chính xác giữa kiểu dáng công nghiệp (thuộc sở hữu công nghiệp) và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (thuộc quyền tác giả) mà đây là kẽ hở đã bị nhiều người lợi dụng để tìm đến sự bảo hộ của Nhà nước một cách không minh bạch gây ra nhiều vụ khiếu kiện, phức tạp kéo dài ở nước ta trong nhiều năm qua.
Thứ hai, triển khai thực hiện luật CGCN để duy trì trật tự của hoạt động mua bán công nghệ bảo đảm lợi ích hợp pháp cho các tổ chức cá nhân tham gia vào thị trường KH - CN .
- Tăng cường năng lực của tổ chức thực thi pháp luật về SHTT và CGCN.
Trước hết cần khắc phục tình trạng chồng chéo hiện nay giữa các tổ chức, phân công cụ thể quyền hạn của từng cơ quan thực thi pháp luật về SHTT. Bố trí một cơ quan làm đầu mối để tiếp nhận các đơn yêu cầu xử lý hành chính xử lý các đơn trên từng địa bàn và đối với từng lĩnh vực, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý và cơ quan thực hiện biện pháp đó.
Hai là, nâng cao hiệu quả của công tác xét xử tranh chấp về quyền SHTT.
Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực SHTT. Đào tạo cán bộ chuyên ngành về SHTT cho các cơ quan: Tòa án, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra khoa học công nghệ và Hải quan.
Xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho các đối tượng khác nhau: Những người hành nghề chuyên nghiệp của Tòa án, các cơ quan thực
thi, những người làm dịch vụ SHTT và các cán bộ chuyên trách quản lý SHTT ở địa phương, doanh nghiệp.
Đầu tư cải cách và hiện đại hóa hệ thống thông tin về SHTT để phục vụ cho nhu cầu tra cứu, xét đơn để tránh trùng lặp trong việc cấp văn bằng bảo hộ.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT nói chung và học hỏi kinh nghiệm của các nước trong xét xử tranh chấp về SHTT nói riêng.
Ba là, củng cố tổ chức quản lý về CGCN ở các ngành,địa phương.
Hiện nay quản lý nhà nước về CGCN đã có những thay đổi cơ bản, đã chuyển từ phê duyệt sang xác nhận đăng ký, công tác quản lý chỉ tiến hành ở một số việc cần thiết để các công nghệ không phương hại đến an ninh quốc phòng - môi trường và sức khỏe con người. Sự thay đổi trên về cơ bản đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động CGCN. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quản lý CGCN không được coi trọng mà ngược lại phải tăng năng lực cho các tổ quản lý CGCN của các ngành và địa phương. Cần xây dựng cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan này và đồng thời đào tạo để nâng cao kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý về CGCN.
* Nâng cao nhận thức xã hội về quyền SHTT
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về SHTT để mọi công dân, tổ chức có ý thức đầy đủ đối với quyền SHTT. Phải làm cho mọi người dân nhận thức được rằng, SHTT là một quyền mà họ có thể khởi kiện, yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ khi bị xâm phạm hoặc sẽ bị chịu các hình phạt của pháp luật khi họ có hành vi xâm phạm quyền SHTT của người khác.