Chương 1:CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DẠY HỌC SÁNG TẠO CỦA HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.2. Môi trường dạy học sáng tạo cho học sinh
1.2.1. Khái niệm sáng tạo và môi trường dạy học sáng tạo
Khái niệm Sáng tạo đã được định nghĩa ở những cấp độ, mức độ và góc độ khác nhau bởi các nhà chuyên môn của nhân loại
Theo từ điển Tiếng Việt:
Sáng tạo: “tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần từ những cái đã có”. [18]
Dưới góc độ Tâm lý học, tác giả Nguyễn Huy Tú cho rằng: “Sáng tạo thể hiện khi con người đứng trước hoàn cảnh có vấn đề. Quá trình này là sự tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà nhờ đó con người trên cơ sở kinh nghiệm của mình và bằng tư duy độc lập tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lý trên bình diện cá nhân hay xã hội”. [16. Tr5]
Nghiên cứu về sáng tạo trong cấp THCS và THPT phải kể đến tác giả Trần Luận (1995,1996), ông cho rằng: “sáng tạo có nghĩa là tạo ra, làm ra, sản xuất ra, sinh ra cái mới. Hai đặc trưng quan trọng nhất của sáng tạo là tính mới mẻ trong sản phẩm của tư duy ( trên bình diện xã hội hoặc trên bình diện cá nhân) và tính độc lập của tư duy trong việc đặt mục đích tìm đường giải quyết và trong việc chọn con đường giải quyết”. [1. Tr9]
Cũng dưới góc độ Tâm lý học, theo tác giả Phạm Thành Nghị: “Sáng tạo có thể được coi là quá trình tiến tới cái mới, là năng lực tạo ra cái mới, sáng tạo được đánh giá trên cơ sở sản phẩm mới, độc đáo và có giá trị” [15.Tr31].
Watson lại cho rằng cho rằng: “Sáng tạo được xem như một quá trình tạo ra cái mới trong hoạt động của con người” [15. Tr30]
Sáng tạo cá nhân và sáng tạo của tổ chức là hai cấp độ sáng tạo khác nhau.
Tiếp cận theo sáng tạo của tổ chức thì Phạm Thành Nghị đưa ra khái niệm: “ Tính sáng tạo của tổ chức được hiểu là khả năng tạo ra ý tưởng mới, hữu ích và đưa các ý tưởng mới, hữu ích đó vào áp dụng trong thực tiễn để tạo ra sản phẩm mới, quá trình mới trong tổ chức”. [15.Tr280]
Các quan niệm trên đều nhấn mạnh sáng tạo là một quá trình tạo ra cái mới có giá trị, cách giải quyết mới để đạt hiệu quả tốt nhất. Từ các quan niệm trên luận văn đưa ra khái niệm sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần có đồng thời tính mới và tính ích lợi.
Bản chất của quá trình sáng tạo là quá trình tạo ra những giá trị mới, hoặc gia tăng giá trị cho những thứ đang có trong thực tế hay còn ở dạng tiềm năng. Đó là
một thuộc tính tâm lý đặc biệt thể hiện khi con người đứng trước tình huống có vấn đề. Thuộc tính này là tổ hợp các phẩm chất và năng lực mà trên cơ sở kinh nghiệm của mình và bằng tư duy độc lập, con người có thể tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lý trên bình diện cá nhân hay xã hội. Sáng tạo là gạt bỏ những giải pháp truyền thống để đưa ra giải pháp mới độc đáo, tối lợi đối với tình huống được đặt ra 3 thuộc tính cơ bản của sáng tạo:Tính mới mẻ, Tính độc lập và tính tối lợi. Sáng tạo gắn liền với quá trình tư duy, thể hiện mức độ tối ưu trong tư duy của con người.
Sáng tạo bao gồm con người (chủ thể của sự sáng tạo), quá trình (tâm lí và xã hội), môi trường và sản phẩm sáng tạo. Đứng về mặt giá trị của kết quả hành động thì cho đó là việc tạo ra những giá trị mới về vật chất hay tinh thần. Đứng về mặt phương pháp hành động thì cho đó là việc tìm ra cách giải quyết mới có hiệu quả hơn cho một vấn đề quen thuộc. Đứng về mặt cấu trúc hệ thống của kết quả hành động thì cho đó là việc tạo ra một hệ thống cấu trúc mới cho một sự vật hiện tượng mới từ các thành phần cấu trúc của các sự vật hiện tượng tương ứng đã có.
Sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống và công việc của con người. Sáng tạo thường ngày là một trong năng lực mạnh mẽ nhất giúp chúng ta sống sót, tạo ra sự phong phú và những lựa chọn đa dạng trong công việc và giúp chúng ta phát triển về mặt nhân cách. Mặt khác nền kinh tế thị trường về bản chất đòi hỏi sự sáng tạo của con người bởi hai đặc tính cơ bản của nó: sự cạnh tranh và quyền tự do mà nó ban tặng cho bất kì ai để sáng tạo. Sự cạnh tranh bản thân nó đòi hỏi rất nhiều sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, hàng hóa mới và các dịch vụ mới nhằm chiến thắng các đối thủ. Ngày nay khi sự cạnh tranh mang tính toàn cầu thì sáng tạo lại càng cần hơn bao giờ hết. Với quyền tự do con người có được trong nền kinh tế thị trường họ luôn đổi mới và sáng tạo để làm cho sản phẩm, dịch vụ của tổ chức mình có tính cạnh tranh cao và thu được nhiều lợi nhuận nhất. "Các nhà kinh doanh càng ngày càng nhận thấy sự sáng tạo của con người là một lợi thế cạnh tranh vĩnh viễn, quan trọng hàng đầu của một tổ chức" (MichealJ.Gelb). Toàn cầu hóa và các hợp tác qua các mạng xã hội để sáng tạo tri thức mới ngày càng phổ biến. Để có một nền kinh tế sáng tạo, trước hết cần một nền giáo dục biết kích thích và mở đường cho trí sáng tạo của người học. Đó là nền tảng để phát triển trí tuệ và
tạo sức bật cho kinh tế. Sáng tạo đem lại lợi nhuận kinh tế lớn và có ý nghĩa xã hội - nhân văn lớn. Một ý tưởng bất chợt lóe lên đôi khi có trị giá cả triệu đô la (A - Robert Collier). Sáng tạo đem lại sự phát triển của xã hội loài người. Edward de Bono đã nói: “Không thể nghi ngờ gì nữa: sáng tạo là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của loài người”. Vì vậy, giáo dục của Việt Nam cần có những sáng tạo, đổi mới để theo kịp giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới. Như Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc tập đoàn Cà phê Trung nguyên đã từng chia sẻ “Sáng tạo là tất cả, không có sáng tạo không có lịch sử; không có sáng tạo không có tương lai.Mỗi quốc gia cần đầu tư vào giáo dục và khoa học công nghệ, đặc biệt là coi trọng tinh thần sáng tạo, coi sáng tạo là năng lực sống, thì mới có thể phát triển nhanh và mạnh”.
1.2.1.2.Môi trường dạy học sáng tạo
Theo từ điển Tiếng Việt: Môi trường là “nơi xảy ra một hiện tượng hoặc diễn ra một quá trình, trong quan hệ với hiện tượng, quá trình ấy. Là toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người ấy, với sinh vật ấy”[18]
Môi trường dạy học sáng tạo là môi trường mà trong đó học sinh cảm thấy thoải mái diễn tả các ý tưởng của mình và nhận được sự hỗ trợ để phân tích và phát triển các ý tưởng này.
Từ thực tế có thể nhận thấy môi trường dạy học sáng tạo chính là môi trường khuyến khích sáng tạo, là điều kiện thuận lợi để sinh ra những con người sáng tạo.
Môi trường sáng tạo còn đòi hỏi phải sẵn sàng chấp nhận cả cái đúng lẫn cái sai, thành công và thất bại của học sinh, từ cái sai, sự thất bại rút ra bài học để tìm ra cái đúng, giải pháp tốt. Trong hoàn cảnh đó sẽ khuyến khích sự sáng tạo phát sinh mà không cần phải có sự thúc ép thì học sinh vẫn đề xuất ý tưởng mới mà không phải quá lo sợ việc bị chê cười hay chịu hậu quả khi thất bại.
Một môi trường sáng tạo tốt sẽ tạo ra sư hấp dẫn cuốn hút cũng như động lực cho học sinh, làm sinh sôi, nảy nở mạnh mẽ tính sáng tạo trong lớp học, trường học.
Sự quan tâm và coi trọng mọi ý tưởng sáng tạo sẽ là động lực mạnh mẽ tạo nên môi trường dạy học sáng tạo. Như thực tế đã chứng minh những ý tưởng sáng tạo độc
đáo có khả năng hướng quy trình quyết định sang những lối đi mới và hữu ích hơn thường vượt khỏi cách nghĩ và hiểu biết thông thường của số đông. Đó là điều đã tạo nên sức mạnh và thành công vượt trội liên tiếp của Microsoft, Apple, Google, Facebook. Ngược lại tính sáng tạo bị ức chế nặng nề trong môi trường thiếu thân thiện và không khuyến khích sáng tạo, điều thường xảy ra ở những nơi mà người hiệu trưởng thỏa mãn với hiện tại, thiếu niềm tin vào những người xung quanh về khả năng sáng tạo. Tính năng động, sáng tạo sẽ dần thui chột và không phát huy được tư duy sáng tạo của giáo viên và người học.