Chương 1:CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG DẠY HỌC SÁNG TẠO CỦA HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý hoạt động xây dựng môi trường dạy học sáng tạo ở trường trung học cơ sở
1.4.3. Yếu tố thuộc về môi trường quản lý hoạt động dạy học phát triển sự sáng tạo
Môi trường dạy học sáng tạo trong nhà trường bao gồm cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Trong luận văn chỉ đề đề cập đến môi trường vật chất, nói khác hơn, đó là CSVC của nhà trường bao gồm: không gian, ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ, độ ẩm, sự lưu thông của không khí, hình thức và nội dung bố trí các đồ vật, nơi làm việc của học sinh và giáo viên (lớp học, phòng thực hành, xưởng...) và môi trường tinh thần như nền nếp học tập, tinh thần làm việc, chính sách khuyến khích để tạo ra ý tưởng mới, bầu không khí nhà trường thân thiện, mọi người tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng nhau, quan hệ thầy trò....Tất cả những điều kiện trên đều hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học và dạy.
-Yếu tố tâm lý đối với việc xây dựng môi trường dạy học sáng tạo
Bảo đảm các môi trường dạy học sáng tạo trong nhà trường có tác dụng làm tăng hiệu quả của quá trình nhận thức của học sinh, giúp cho học sinh thu nhận được kiến thức về đối tượng thực tiễn khách quan. Tuy vậy, nếu môi trường dạy học trong nhà trường không đảm bảo một cách hợp lý thì hiệu quả sư phạm không những không tăng lên mà còn làm cho học sinh học đối phó hơn, không tạo ra bầu không khí tương tác kích thích trí tò mò say mê tìm hiểu của các em, thậm chí là cho học sinh, rối loạn, căng thẳng với tâm lý sợ sệt... Do đó các nhà sư phạm đã nêu lên các nguyên tắc đúng lúc, đúng chỗ, đúng cường độ. Để phát huy hết hiệu quả và nâng cao vai trò của môi trường dạy học sáng tạo trong nhà trường, giáo viên phải nắm vững ưu, nhược điểm và các khả năng cũng như yêu cầu của môi trường dạy học trong nhà trường để việc vận dụng phải đạt đựơc mục đích dạy học và phải góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học.
Phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh thông qua hàng loạt các tác động của giáo viên là bản chất của môi trường dạy học mới. Tính tích cực, tự giác nảy sinh từ phía học sinh, được biểu hiện ra bên ngoài hay bên trong của sự hoạt động.
Môi trường dạy học sáng tạo có một ưu điểm lớn là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Nhờ phát huy được tính tích cực mà học sinh không còn bị thụ động. học sinh trở thành các cá nhân trong một tập thể mang khát vọng được khám phá, hiểu biết. Muốn vậy, điều khó khăn nhất với người giáo viên là:
trong một giờ lên lớp, phải làm sao cho những học sinh tốt nhất cũng được thoả mãn nhu cầu tri thức, thấy tri thức là một chân trời mới. Còn những học sinh học yếu nhất cũng không thấy bị bỏ rơi, họ cũng tham gia được vào quá trình khám phá cái mới. Điều này là đặc biệt cần thiết, vì học sinh sẽ hào hứng để đi tìm tri thức chứ không còn bị động, bị nhồi nhét. Có như vậy mới tạo ra bầu không khí dạy và học sáng tạo của thầy và trò, khuyến khích môi trường dạy học phát triển sự sáng tạo cho học sinh.
Cơ chế chính sách về phát triển môi trường dạy học sáng tạo: cần thực hiện tốt các cơ chế chính sách như tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi lực lượng xã hội về vai trò của môi trường dạy học sáng tạo trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và địa phương; các chính sách hỗ trợ đầu tư cho giáo dục; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phân cấp nguồn vốn đầu tư xây dựng CSVC, kỹ thuật trường học; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Bảo đảm các điều kiện về tài chính, tài sản, CSVC để phát triển giáo dục trên địa bàn; ban hành các quy định để bảo đảm quyền tự chủ, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Đầu tư CSVC trường học cho các đơn vị giáo dục, đảm bảo đủ phòng học xây dựng theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá. Có phòng chức năng, phòng bộ môn, sân chơi bãi tập, nhà ở GV và các TBDH, thiết bị sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, TDTT nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ CBGV, đồng thời tạo điều kiện để trường trở thành trung tâm văn hoá ở khu dân cư và nơi hấp dẫn thu hút trẻ đến trường. Có chính sách đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút CBGV ở các địa phương khác, giáo viên giỏi.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư cho giáo dục. Xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chế độ chính sách đối với đội ngũ GV và cán bộ quản lý như: Chính sách ưu tiên đối với GV giỏi; chính sách ưu đãi và chế độ nhà công vụ đối với GV và cán bộ quản lý; chính sách đối với GV ngoài công lập. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục.
-Điều kiện trang thiết bị dạy học, tài liệu
Cần có kế hoạch đầu tư CSVC, cần dành một tỉ lệ kinh phí cần thiết để đầu tư xây dựng các điều kiện đáp ứng yêu cầu dạy học, các phương tiện công nghệ phục vụ dạy học và quản lí nhà trường. Kế hoạch đầu tư cần dựa trên thực trạng của nhà trường, các xu hướng công nghệ và cần đầu tư cho cả CSVC kinh tế lẫn con người.
-Sự phối hợp và chỉ đạo thống nhất giữa các lực lượng tham gia xây dựng môi trường dạy học sáng tạo
Có sự phối hợp đồng bộ và có hiệu quả giữa các bộ phận, lực lượng tham gia xây dựng môi trường dạy học sáng tạo trong nhà trường. Có sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đoàn kết cùng nhau giữa các thành viên. Cùng với sự chỉ đạo thống nhất của hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu nhà trường và các bộ phận, lực lượng tham gia sẽ tạo sức mạnh tổng hợp và quyết tâm cao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Tiểu kết chương 1
Qua phân tích các tài liệu lí luận trong và ngoài nước về môi trường dạy học sáng tạo, luận văn đã hệ thống hóa được các vấn đề lí luận cơ bản sau:
- Môi trường dạy học sáng tạo là môi trường học sinh cảm thấy thoải mái diễn đạt các ý tưởng của mình và nhận được sự hỗ trợ để phân tích, phát triển các ý tưởng sáng tạo.
- Quản lý hoạt động xây dựng môi trường dạy học sáng tạo của hiệu trưởng là quá trình tác động có định hướng của người hiệu trưởng đến giáo viên, học sinh để tạo nên một môi trường dạy và học sáng tạo nhằm phát triển sự sáng tạo cho học sinh, nâng cao hiệu quả dạy học trong nhà trường.
- Quản lý xây dựng môi trường dạy học sáng tạo bao gồm: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động xây dựng môi trường dạy học sáng tạo trong nhà trường.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý xây dựng môi trường dạy học sáng tạo bao gồm các yếu tố thuộc về người hiệu trưởng, thuộc về giáo viên, học sinh và các yếu tố thuộc về môi trường tổ chức, quản lý dạy học sáng tạo.
Chương 2