Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.2. Một số khái niệm liên quan đến vấn đề nghiên cứu
1.2.1. Quản lý, quản lý giáo dục
Nguồn gốc phát triển loài người là lao động của cá nhân và lao động chung.
C. Mác đã khẳng định: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ chế sản xuất... Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng”.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, từ khi có sự phân công lao động, đã xuất hiện một dạng lao động mang tính đặc thù, đó là tổ chức, điều khiển các hoạt động lao động theo những yêu cầu nhất định. Dạng lao động mang tính đặc thù đó được gọi là hoạt động quản lý.
Trong nghiên cứu khoa học về quản lý, có rất nhiều quan niệm về quản lý dựa trên những cách tiếp cận khác nhau.
Khái niệm “Quản lý” được định nghĩa khác nhau dựa trên cơ sở những cách tiếp cận khác nhau. Sau đây là một số khái niệm chủ yếu:
W.Taylo cho rằng: “Quản lý là nghệ thuật biết rõ ràng, chính xác cái gì cần làm và làm cái đó bằng phương pháp tốt nhất, rẻ nhất”.[24]
Theo V.I.Terechenco, “QL là tập hợp các biện pháp phối hợp nhằm đạt mục đích xác định”. [24]
“Quản lý là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu đã định”.
Ở Việt Nam, các tác giả trong lĩnh vực khoa học QL và khoa học giáo dục, cũng đã đưa ra các định nghĩa về “Quản lý” như sau:
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Hoạt động QL nhằm làm cho hệ thống hoạt động theo mục tiêu đặt ra tiến tới trạng thái có chất lượng mới”. [3, tr.5]
Tác giả Trần Kiểm, khái niệm rằng “Quản lý là nhằm phối hợp nỗ lực của nhiều người, sao cho mục tiêu của từng cá nhân biến thành những thành tựu của xã hội. Quản lý là những tác động của chủ thể quản lý trong việc huy động, phát huy, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) trong và ngoài tổ chức (chủ yếu là nội lực) một cách tối ưu nhằm đạt mục đích của tổ chức với hiệu quả cao nhất” [23, tr.8].
Tác giả Nguyễn Quốc Chí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: “Quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo), và kiểm tra” [10, tr.9].
Theo tác giả Hà Thế Ngữ và Đặng Vũ Hoạt thì: “QL là một quá trình định hướng, quá trình có mục tiêu, QL có hệ thống là quá trình tác động đến hệ thống nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Những mục tiêu này đặc trưng cho trạng thái mới của hệ thống mà người QL mong muốn” [30, tr.225].
Trên cơ sở đó, ta có thể đi đến một quan điểm chung về quản lý như sau:
“Quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có định hướng, có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý để chỉ huy, điều khiển, liên kết các yếu tố tham gia vào hoạt động thành một chỉnh thể thống nhất, điều hoà hoạt động của các khâu một cách hợp quy luật nhằm đạt đến mục tiêu xác định trong điều kiện biến động của môi trường”. Sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý được biểu hiện qua các chức năng quản lý, có 4 chức năng cơ bản sau: Kế hoạch, Tổ chức, Chỉ đạo, Kiểm tra.
Các chức năng này gắn bó chặt chẽ với nhau, đan xen lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau để tạo ra một chu trình QL có hiệu quả (Sơ đồ 1.1). Quá trình QL không thể không đề cập đến thông tin QL, bởi thông tin QL là những dữ liệu về tình hình thực hiện các nhiệm vụ đã được xử lý giúp người QL hiểu đúng về đối tượng QL mà họ đang quan tâm để phục vụ cho việc đưa ra các quyết định quản lý cần thiết. Thông tin QL không chỉ là tiền đề của QL mà còn là huyết mạch quan trọng để duy trì quá trình QL. Thông tin QL là cơ sở quan trọng để người QL đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời và hiệu quả.
Sơ đồ 1.1. Mối quan hệ giữa các chức năng quản lý Quản lý giáo dục
Có thể nói GD và QLGD là hai yếu tố luôn luôn tồn tại song hành với nhau, có mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Nếu nói GD là hiện tượng xã hội tồn tại lâu dài cùng với xã hội loài người thì cũng có thể nói như thế về QLGD. GD xuất hiện nhằm thực hiện cơ chế truyền kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người, của thế hệ đi trước cho thế hệ sau và để thế hệ sau có trách nhiệm kế thừa, phát triển nó một cách sáng tạo, làm cho xã hội và cá nhân phát triển không ngừng. Để đạt mục đích đó, GD được coi là nhân tố tổ chức, chỉ đạo việc thực thi cơ chế đã trình bày.
QLGD là hoạt động có ý thức của con người nhằm hướng đến mục đích của mình, cái mục đích đó chỉ có con người mới có khả năng khách thể hóa nó, nghĩa là thể hiện cái nguyên mẫu lý tưởng của tương lai được biểu hiện trong mục đích đang ở trạng thái khả năng sang trạng thái hiện thực. Đã có nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm QLGD. Tuy vậy, xét trên góc độ chung nhất, chúng ta có thể tiếp cận một số khái niệm QLGD sau:
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo: “QLGD theo nghĩa tổng quan là điều hành phối hợp các lực lượng nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo thế hệ trẻ theo yêu cầu phát triển của xã hội. Ngày nay, với sứ mệnh phát triển giáo dục thường xuyên, công tác giáo dục không chỉ giới hạn ở thế hệ trẻ mà cho mọi người. Cho nên, QLGD được hiểu là sự điều hành hệ thống giáo dục quốc dân”.[3, tr.17]
Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc: “Quản lý giáo dục là quá trình đạt tới mục tiêu trên cơ sở thực hiện có ý thức và hợp quy luật các chức năng kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra”. [25, tr.16].
Tác giả Hà Thế Truyền, Hoàng Minh Thao: “Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có ý thức, hợp quy luật của chủ thể quản lý ở các cấp độ khác nhau đến tất cả các khâu của hệ thống nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong hệ thống giáo dục, đảm bảo sự tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như chất lượng”. [37]
Theo tác giả Nguyễn Tấn Phát cho rằng: “QLGD là quá trình tổ chức và điều chỉnh sự vận hành của ba yếu tố: Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tập thể con người và các điều kiện vật chất cụ thể. Với các quan hệ tác động qua lại trong quá trình giáo dục thống nhất” [31, tr.45].
Tác giả Trần Kiểm thì quan niệm QLGD có hai cấp độ chủ yếu: cấp vĩ mô và cấp vi mô (tùy theo việc xác định đối tượng QL mà QLGD được hiểu theo mỗi cấp độ khác nhau) [23, tr. 36-38].
- Đối với cấp vĩ mô:
QLGD được hiểu là những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể QL đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ cấp cao nhất đến các cơ sở GD là nhà trường) nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu phát triển GD, đào tạo thế hệ trẻ mà xã hội đặt ra cho ngành GD.
QLGD là sự tác động liên tục, có tổ chức, có hướng đích của chủ thể QL lên hệ thống GD nhằm tạo ra tính trồi của hệ thống; sử dụng một cách tối ưu các tiềm năng, các cơ hội của hệ thống nhằm đưa hệ thống đến mục tiêu một cách tốt nhất trong điều kiện bảo đảm sự cân bằng với môi trường bên ngoài luôn luôn biến động.
Cũng có thể định nghĩa QLGD là hoạt động tự giác của chủ thể QL nhằm huy động, tổ chức, điều phối, điều chỉnh, giám sát, ... một cách có hiệu quả các nguồn lực GD, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Đối với cấp vi mô:
QLGD được hiểu là hệ thống những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể QL đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu GD của nhà trường.
Cũng có thể định nghĩa QLGD thực chất là những tác động của chủ thể QL vào quá trình QL (được tiến hành bởi tập thể giáo viên và học sinh, với sự hỗ trợ đắc lực của các lực lượng xã hội) nhằm hình thành và phát triển toàn diện nhân cách SV theo mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Từ những quan niệm khác nhau về QLGD, ta có thể hiểu : QLGD là những tác động có hệ thống, có kế hoạch hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm tổ chức điều khiển hoạt động của khách thể quản lý thực hiện các mục tiêu giáo dục đề ra.
Như vậy, qua hai khái niệm quản lý và quản lý giáo dục chúng ta thấy rằng hoạt động quản lý giáo dục là hoạt động mà chủ thể quản lý thực hiện các chức năng điều hành, hướng dẫn, phối hợp các lực lượng trong cơ quan hay hệ thống giáo dục do mình quản lý thực hiện đúng nguyên tắc, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước và mục tiêu của ngành giáo dục để phát triển nhân cách, tri thức cho thế hệ trẻ nói riêng và người được giáo dục nói chung. Dó đó, QLGD được hiểu theo nghĩa rộng là quản lý tất cả các thành tố hợp thành giáo dục bao gồm: mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, nguồn nhân lực, môi trường giáo dục...
Mục tiêu của QLGD là đảm bảo chất lượng giáo dục của người học một cách toàn diện, với các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, văn hoá, khoa học kỹ thuật, phát triển trí tuệ, thể chất, hiểu biết và thích ứng nghề nghiệp. Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động phù hợp với quy luật của chủ thể một cách có mục đích, có kế hoạch, có nội dung, có phương pháp nhằm vận hành hệ thống giáo dục theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thực hiện các mục tiêu giáo dục đề ra.