Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.4. Hoạt động học tập của sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học
1.4.5. Hình thức học tập
Theo Nguyễn Phúc Châu, hình thức tổ chức dạy học là các tổ chức quá trình dạy học phù hợp với mục đích, nội dung, chương trình nhằm đạt tới chất lượng và hiệu quả dạy học cao. [9, tr 116]
Hình thức học tập được xác định tùy thuộc vào những mối quan hệ của các yếu tố cơ bản như: (i) dạy học có tính chất tập thể hay cá nhân; (ii) Mức độ hoạt động độc lập của SV trong quá trình chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng; (iii) Phương thức
hướng dẫn, tổ chức và điều khiển HĐHT của SV; và (iv) địa điểm thời gian học tập.
Trong trường ĐH, tồn tại ba hình thức dạy học cá nhân, nhóm và tập thể.
Các hình thức tổ chức học tập chủ yếu gồm trên lớp, thảo luận và tự học.
Hình thức tổ chức dạy học trong HTTC là cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục của GV và học tập của SV tương ứng với cách tổ chức chương trình môn học/bài học, trong đó coi trọng khâu tự học, năng lực tự nghiên cứu, thực hành, thực tập và các kỹ năng mềm. Hình thức tổ chức dạy học phù hợp với yêu cầu đào tạo theo HTTC, giúp SV thực hiện việc học tập trong trường ĐH nhằm tích lũy đủ khối lượng kiến thức, đủ số tín chỉ để đạt được văn bằng ĐH. Có các hình thức tổ chức giờ tín chỉ như sau:
- Dạy, học trên lớp: hoạt động dạy học trên lớp, chủ yếu các giờ lý thuyết, hướng dẫn chung về bài tập, tổ chức thảo luận theo chủ đề và có sự hướng dẫn của GV, các hoạt động khác theo yêu cầu của GV được nêu trong đề cương bài giảng.
Trong đào tạo theo HTTC, GV nên đặt ra các vấn đề lớn, câu hỏi liên quan đến nội dung bài giảng trước khi giảng nhằm lôi cuốn sự tập trung sự chú ý của SV.
Bằng hình thức này, SV chủ động trong nhận thức bài giảng, đồng thời là động lực khuyến khích SV muốn khám phá, chiếm lĩnh tri thức. Sau đó, GV có thể sử dụng các hình thức tổ chức dạy học khác như chia nhóm thảo luận, mô phỏng hoặc nghiên cứu trường hợp.
- Dạy, học thực hành, thực tập: chủ yếu là hoạt động dạy, học trong phòng thực hành, thí nghiệm, SV làm các bài thực hành thí nghiệm có sự hướng dẫn của GV, kỹ thuật viên nhằm bổ sung/làm rõ các kiến thức được học qua các môn học.
Các hoạt động thực hành, thực tập đóng vai trò rất quan trọng trong việc biến những lý thuyết thành thực tiễn sinh động. Thông qua những giờ thực tế này, SV có dịp tiếp cận với những yêu cầu cụ thể, thực hành những thao tác nghề nghiệp liên quan đến chuyên môn.
- Tự học, tự nghiên cứu ngoài lớp: Trên lớp, GV giới thiệu các vấn đề, nội dung chính, cơ bản cốt lõi. Ngoài giờ lên lớp, SV tự học tập, bổ sung kiến thức, kỹ
năng cần thiết để hỗ trợ việc học tốt hơn. Tự học, tự nghiên cứu có thể thông qua cá nhân, hoặc theo nhóm.
Trong đào tạo theo tín chỉ, tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập của SV. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận, bằng 60 giờ thực tập tại cơ sở hoặc bằng 45 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp. Để tiếp thu được một tín chỉ, SV phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị ngoài giờ lên lớp. Như vậy có nghĩa là sinh viên phải phát huy tích cực việc tự học của mình.
Tự học là hoạt động đòi hỏi sự nỗ lực của chính người học trong việc chiếm lĩnh văn hóa nhân loại nhằm tạo động lực phát triển bản thân mình. Tự học là cốt lõi của việc học, có hoạt động học tập là có tự học, không ai có thể học thay người khác. Tự học không những giúp sinh viên không ngừng nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp SV có thói quen và phương pháp học tập thường xuyên, làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình.
Tự học thường xuyên, tích cực không những giúp sinh viên thu nhận kiến thức mà còn giúp học rèn luyện nhân cách, hình thành thói quen làm việc có khoa học, rèn luyện ý chí phấn đấu, đức tính kiên trì, óc phê phán, lòng say mê nghiên cứu.
Muốn đạt được tri thức một cách có hệ thống, chúng ta phải tiến hành hoạt động học tập một cách tích cực. Trong quá trình thực hiện hoạt động học tập của mình, chúng ta phải tích cực tự học. Vậy ta có thể nói rằng cốt lõi của việc học là tự học.
Tự học là một hoạt động độc lập nhằm làm phong phú thêm tri thức khoa học, hình thành kỹ năng, thái độ, bao gồm những đặc điểm: người học tự học, tự nghiên cứu, tạo ra cầu nối trong tình huống học tập; tự học kết hợp với các bạn trong lớp, trường dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Hoạt động tự học đòi hỏi SV phải tự tìm tòi, tự phát hiện ra cũng như nghiên cứu vấn đề, những kiến thức sẽ được SV khắc sâu vào tâm trí hơn và đặc biệt là rèn luyện được kỹ năng tự học suốt đời.
Tự học có vai trò quan trọng, quyết định kết quả học tập của người học.
Chính vì vậy, xây dựng kế hoạch tự học của SV là yếu tố hết sức quan trọng trong
việc nâng cao chất lượng tự học. Kế hoạch tự học phải đảm bảo tính khoa học, khả thi thể hiện ở sự sắp xếp chính xác công việc, phân phối hợp lý thời gian và xác định đúng cách thức tổ chức thực hiện từng công việc và mức độ hoàn thành chúng.
Xây dựng kế hoạch tự học là hình thành một biểu tượng rõ ràng về trình tự các công việc làm theo ý nghĩa và nhu cầu của nó. Nội dung và yêu cầu tự học phải hướng tới bổ sung và hoàn thiện kiến thức, đào sâu và mở rộng sự hiểu biết, hoàn thành công việc học tập của mình.
Ngoài ra, các hoạt động tập thể sinh hoạt văn hóa, thể thao... được các đoàn thể như Hội Sinh viên, Đoàn thanh niên,... tổ chức góp phần hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng cần thiết cho SV, giúp họ hoàn thiện mình, tự tin trong học tập và trong cuộc sống. Hoạt động học tập của SV muốn được diễn ra phải có môi trường học tập thích hợp. Môi trường học tập có ảnh hưởng từ môi trường quốc tế trong xu thế hội nhập và phát triển, môi trường xã hội gồm các yếu tố kinh tế, văn hóa, gia đình và cộng đồng, môi trường nhà trường gồm như sự hướng dẫn của GV;
có sự phối hợp của các bạn về chia sẻ kinh nghiệm học tập, cùng học tập nghiên cứu; có sự đảm bảo về điều kiện CSVC của nhà trường như đủ phòng học lớn, học nhóm, phòng học chuyên đề; có các phương tiện học tập phù hợp với yêu cầu bài học; có thư viện hiện đại đủ tài liệu học tập, tài liệu tham khảo....; đảm bảo hạ tầng CNTT, mạng, máy tính phục vụ cho việc học tập và tra cứu tài liệu.
HTTC cho phép SV chủ động trong quá trình học tập, tự chọn các môn học và chủ động đăng ký thời gian học tập phù hợp với điều kiện cá nhân. Để HĐHT của SV được thực hiện đúng theo đặc điểm của HTTC, SV cần được cung cấp môi trường học tập thuận lợi, từ việc nhà trường tổ chức được lớp môn học được lựa chọn đến việc thời gian dạy học đa dạng phong phú. Đáp ứng được đặc điểm này của HTTC giúp tạo ra tính tích cực học tập của SV. Theo Thái Duy Tuyên "Tính tích cực học tập của SV là tập hợp các hoạt động nhằm làm chuyển biến vị trí của người SV từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập". Điều này giúp cho SV nuôi dưỡng ý thức tự học tập, tự nghiên cứu, hình thành kỹ năng học tập suốt đời. Do được chủ động trong học tập từ tiến độ đến lựa chọn môn học nên HĐHT của mỗi SV không giống nhau. Vì vậy, SV
phải có kế hoạch học tập riêng của cá nhân. Để kế hoạch học tập của cá nhân đúng và phù hợp với mục đích học tập, HTTC phải có hệ thống cố vấn học tập. Cố vấn học tập giúp đỡ hướng dẫn SV xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, lựa chọn môn học phù hợp, đúng và đủ theo yêu cầu của ngành đào tạo.