Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC
1.3. Đặc điểm và yêu cầu của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ
1.3.2. Yêu cầu của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Trong phương thức đào tạo theo niên chế, nhà trường tự xây dựng kế hoạch đào tạo và buộc sinh viên phải theo kế hoạch nhà trường sắp đặt, không phân biệt điều kiện hay năng lực riêng của từng cá nhân sinh viên. Ngược lại, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của bản thân. Những sinh viên giỏi có thể học theo đúng hoặc vượt kế hoạch đào tạo toàn khóa để hoàn thành chương trình đào tạo đúng chuẩn hoặc sớm hơn. Vì thế sinh viên phải chủ động xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình phù hợp với điều kiện, năng lực và nhu cầu của bản thân dưới sự giúp đỡ của cố vấn học tập và giảng viên. Chính điều này đòi hỏi hệ thống quản lý đào tạo, quản lý sinh viên phải vận hành theo yêu cầu của sinh viên làm cho quá trình quản lý trở nên hết sức phức tạp so với đào tạo theo niên chế: chương trình đào tạo của tất cả các ngành đều phải cấu trúc lại theo hướng module hóa thành những học phần; lịch trình giảng dạy phải thực hiện chính xác, giảng viên không được đổi giờ, bỏ giờ; mỗi giảng viên, sinh viên đều có thời khóa biểu riêng không theo quy luật nào cả. Nhà trường khi thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ phải “chạy” theo kế hoạch của từng sinh viên nên đòi hỏi một hệ thống quản lý khoa học, chặt chẽ, linh hoạt và mềm dẻo. Để hoạt động đào tạo theo hệ thống tín chỉ đạt hiệu quả cao, nhà trường cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
- Thứ nhất, chương trình đào tạo phải mềm dẻo và linh hoạt. Chương trình được thiết kế theo phương thức đào tạo tín chỉ bao gồm một hệ thống những học phần thuộc khối kiến thức chung, những học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành, những học phần thuộc khối kiến thức cận chuyên ngành. Mỗi khối kiến thức đều có số lượng những học phần lớn hơn số lượng các học phần hay số lượng tín chỉ được yêu cầu; sinh viên có thể tham khảo ý kiến của giảng viên hoặc cố vấn học tập để chọn những học phần phù hợp với mình nhằm hoàn thành những yêu cầu cho một văn bằng và để phục vụ cho nghề nghiệp tương lai của mình. Nhà trường cần đảm bảo độ ổn định và công khai hóa chương trình đào tạo của tất cả các ngành đào tạo của nhà trường.
- Thứ hai, phải thay đổi cách tổ chức quá trình đào tạo: Trong phương thức đào tạo theo niên chế, lớp học được tổ chức theo khóa tuyển sinh ổn định suốt khóa học, nhưng khi bước sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ lớp học phải được tổ chức theo mỗi học phần mà sinh viên đăng ký vào đầu mỗi kỳ học. Muốn làm được điều này, thời khóa biểu học tập và hệ thống các phòng học phải được phòng Đào tạo của trường tập trung quản lý, không phân cấp cho các khoa như trong đào tạo theo niên chế. Do đó, khối lượng công việc của phòng Đào tạo nhiều hơn, đòi hỏi cán bộ, chuyên viên của phòng này phải là những người am hiểu chương trình đào tạo và thạo việc.
- Thứ ba, phải thay đổi phương thức quản lý sinh viên: Thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên phải tự lập kế hoạch học tập và tự chọn môn học cho mình với sự hỗ trợ của hệ thống cố vấn học tập (không phải là giáo viên chủ nhiệm như trong đào tạo theo niên chế). Cố vấn học tập là những cán bộ giảng dạy am hiểu quy trình đào tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín với sinh viên. Với sự giúp đỡ của cố vấn học tập, từng sinh viên sẽ lựa chọn đăng ký những học phần thích hợp với năng lực và ý muốn riêng của mình vào đầu mỗi kỳ học. Cùng với việc thay đổi hình thức tổ chức lớp học, cơ chế hoạt động của tổ chức đoàn thể trong sinh viên của phải thay đổi cho thích hợp.
- Thứ tư, phải thay đổi phương pháp dạy và học: phương thức đào tạo theo tín chỉ là phương thức đặt dạy - học ở đại học vào đúng với bản chất của nó: nó đặt sinh viên vào vị trí trung tâm của quá trình dạy - học, tạo cho họ thói quen tự học, tự khám phá kiến thức, có kĩ năng giải quyết vấn đề, tự chủ động thời gian hoàn thành một môn học, một chương trình đào tạo. Giảng viên không chỉ là người truyền đạt tri thức nữa mà còn là người cố vấn cho quá trình học tập và tham gia vào quá trình học tập của sinh viên. Đặc điểm này đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên đều phải thay đổi phương pháp dạy - học của mình. Giảng viên phải sử dụng phương pháp giảng dạy sao cho phát huy được tính tích cực, chủ động của sinh viên, giúp sinh viên biết cách học để có thể tự học, tự nghiên cứu tìm ra tri thức mới. Sinh viên không thể thụ động tiếp thu hay chờ đợi giảng viên mà phải tích cực, tự giác rèn luyện phương pháp tự học cho bản thân để hoạt động học tập đạt kết quả.
Để giảng dạy có chất lượng trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, giảng viên có trách nhiệm:
+ Nắm vững quy chế đào tạo, các quy định, hướng dẫn của nhà trường về việc thực hiện công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
+ Cung cấp đề cương chi tiết học phần cho sinh viên ngay từ đầu kỳ học (trong đó trình bày rõ thông tin về đơn vị đào tạo, về học phần, về tổ chức dạy - học học phần, về mục tiêu - nội dung - phương pháp giảng dạy học phần, giáo trình và danh mục tài liệu tham khảo, các quy định về kiểm tra và đánh giá kết quả). Chuẩn bị bài giảng nghiêm túc, giảng dạy theo đúng đề cương chi tiết đã được phê duyệt và gửi tới sinh viên. Quản lý sinh viên lớp mình giảng dạy trong quá trình lên lớp và các hoạt động giảng dạy khác. Quyết định về việc thi kết thúc môn học của sinh viên đối với từng trường hợp cụ thể.
+ Sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến, phù hợp với phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Hướng dẫn sinh viên rèn luyện năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực làm việc nhóm, năng lực tự học, tự nghiên cứu…
+ Tổ chức hoạt động giảng dạy phù hợp với yêu cầu của từng loại giờ tín chỉ:
giờ lý thuyết, giờ thực hành, giờ thảo luận, giờ bài tập, giờ tự học xác định.
+ Xây dựng nội dung tự học phù hợp và giao nhiệm vụ học tập cụ thể cho sinh viên. Hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu để giải quyết các nhiệm vụ học tập, tổ chức kiểm tra - đánh giá kết quả tự học của sinh viên.
+ Ra đề, chấm thi và trả bài theo đúng thời gian quy định.
Về phía sinh viên, để nâng cao hiệu quả học tập trong phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, sinh viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
+ Chuẩn bị đầy đủ các học liệu của môn học (gồm tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo).
+ Tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp, các buổi xe-mi-na.
+ Nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ trong các buổi học trên lớp.
+ Hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ học tập mà giảng viên giao.
+ Tích cực phát biểu, xây dựng bài trên lớp, thường xuyên tự nghiên cứu mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho bản thân.
- Thứ năm, về hoạt động kiểm tra, đánh giá: Khác với đào tạo theo niên chế, đào tạo theo hệ thống tín chỉ coi trọng phần tự học, tự đào tạo của sinh viên, do đó đặt ra những yêu cầu cao, chặt chẽ, liên tục về kiểm tra - đánh giá. Việc kiểm tra - đánh giá hoạt động học tập của sinh viên được thực hiện thường xuyên trong quá trình đào tạo với nhiều nội dung đánh giá như: hoạt động trên lớp (số buổi có mặt, thái độ học tập); việc tự học ở nhà; làm việc trong phòng thí nghiệm, thực hành; bài thi kết thúc môn học…
- Thứ sáu, phải thay đổi chế độ thu học phí: Học phí được tính với mỗi học kỳ tỷ lệ với khối lượng của tất cả các học phần bằng tổng số tín chỉ mà sinh viên đã đăng ký.
- Thứ bảy, về các điều kiện phục vụ đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Những thay đổi trong hoạt động dạy học khi áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ kéo theo sự thay đổi trong yêu cầu về cơ sở vật chất và tài chính phục vụ đào tạo. Thời gian và nội dung tự học tăng lên đặt ra những đòi hỏi về không gian tự học, về nguồn tài liệu tra cứu và học tập, về các phương tiện kỹ thuật phục vụ tự học, đặc biệt là các phương tiện nghe nhìn và mạng Internet. Phương pháp dạy học đổi mới theo hướng dạy tự học và dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học
kéo theo việc thiết kế lại các giáo trình và tài liệu tham khảo. Kế hoạch dạy học mềm dẻo mang tính cá nhân dẫn đến việc phải xây dựng lại quy chế tài chính phục vụ dạy học. Sự mềm dẻo của kế hoạch dạy học cũng kéo theo việc sinh viên không học theo buổi cố định và điều này đòi hỏi phải xây dựng thêm phòng học và áp dụng quy trình quản lý phòng học, trang thiết bị phù hợp. Tất cả những điều này là các vấn đề nảy sinh khi áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ và đòi hỏi hệ thống quản lý phải đáp ứng. Để đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo mới bản thân không gian nhà trường phải thay đổi. Nhà trường không chỉ là nơi giảng dạy, học tập mà còn phải giải quyết các nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí suốt cả ngày. Thư viện của trường đại học không thể chỉ dừng lại ở mức độ nơi sinh viên mượn tài liệu học tập, mà phải trở thành trung tâm thông tin tư liệu với các dịch vụ thông tin, các phòng đọc mở, các phòng độc lập để sinh viên có thể học tập, làm việc theo nhóm, tổ chức các xemina. Căng tin không chỉ đáp ứng các nhu cầu giải khát, ăn uống nhẹ, mà phải phục vụ các bữa ăn chính trong ngày từ sáng đến tối. Phải có các khu thể thao, khu nghỉ ngơi giải trí cho cán bộ và sinh viên. Phải có hệ thống thông tin nội bộ tốt đảm bảo kịp thời thông báo và thu nhận các thông tin cần thiết.
Ngoài ra, môi trường tâm lý thuận lợi cho việc dạy - học trong phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cũng rất quan trọng, đó là môi trường mà cá nhân được tôn trọng; hoạt động sáng tạo nội tâm được khuyến khích; có sự đối thoại tự do giữa người học với người dạy và cán bộ quản lý; khoan dung với sự không chắc chắn; hỗ trợ niềm tin; chấp nhận sai lầm của người học. [32]
Như vậy, từ những đặc điểm của hệ thống tín chỉ và những yêu cầu khi thực hiện phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã cho thấy công tác quản lý của nhà trường đại học cần phải thay đổi khi áp dụng phương thức này vì nó làm nảy sinh một loạt vấn đề quản lý liên quan đến toàn bộ các phương diện của đào tạo, gồm:
quản lý mục tiêu đào tạo; quản lý nội dung và chương trình đào tạo; quản lý hoạt động dạy của giảng viên; quản lý hoạt động học của sinh viên; quản lý cơ sở vật chất, tài chính phục vụ dạy học; quản lý môi trường đào tạo; quản lý các hoạt động phục vụ đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo. Để quản lý có hiệu quả nhà trường
cần có hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo, quản lý sinh viên theo hệ thống tín chỉ.