Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN HỌC VIỆN QUẢN LÝ GIÁO DỤC TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ
3.2. Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động học tập của sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
3.2.5. Biện pháp 5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ hoạt động học tập của sinh viên đào tạo theo hệ thống tín chỉ
3.2.5.1. Mục tiêu, ý nghĩa của biện pháp
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học là điều kiện không thể thiếu để thực hiện được mục tiêu đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo. Một môi trường học tập thuận lợi sẽ kích thích tinh thần tự học của SV rất nhiều. Hiệu quả quản lý việc tự học của sinh viên không những tùy thuộc vào kế hoạch, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học mà còn phụ thuộc vào các điều kiện khác như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, sách, báo, tài liệu tham khảo... Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy tính tự giác, sáng tạo, chủ động trong học tập của sinh viên thì Học viện cần phải quan tâm việc SV đang học trong điều kiện như thế nào và môi trường học tập ra sao. Trong điều kiện học tập đầy đủ, môi trường thuận lợi sẽ giúp SV chú tâm vào hoạt động tự học của bản thân hơn.
Mục tiêu của biện pháp: Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ HĐHT của SV đầy đủ như hạ tầng CNTT; sách tài liệu tham khảo, tạp chí các loại; phòng học lớn, các phòng học nhóm, phòng thảo luận; các phòng thực hành đáp ứng yêu cầu của quy trình đào tạo theo HTTC, tạo tiền đề cho HĐHT của SV được đào tạo theo HTTC đạt hiệu quả cao.
3.2.5.2. Nội dung biện pháp
Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình dạy học, là điều kiện không thể thiếu được trong nhà trường. Đầu tư mạnh và khai thác triệt để CSVC cho hoạt động dạy học và quản lý đào tạo được coi là biện pháp ưu tiên trong đào tạo theo tín chỉ. Đào tạo theo HTTC có hiệu quả không chỉ làm tăng tính mềm dẻo, linh hoạt của quy trình đào tạo, mà còn tăng cường tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu của SV. Vì vậy, cần phải tăng cường đầu tư CSVC để đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động học tập của SV trong đào tạo theo tín chỉ. Các nội dung của biện pháp này cụ thể là:
- Quản lý các điều kiện đảm bảo CSVC, trang thiết bị dạy học theo hướng ứng dụng CNTT trong dạy học. Để SV chủ động trong quá trình học tập nhằm phát
triển năng lực cá nhân về học tập và nghiên cứu, Học viện cần tạo mọi điều kiện cho hệ thống phòng học được khai thác có hiệu quả và sử dụng thời gian hợp lý.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp với việc dạy và học theo hệ thống tín chỉ. Có sự đầu tư thỏa đáng trong việc trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và tự học.
- Quản lý các điều kiện đảm bảo cho HĐHT ngoài giờ lên lớp thông qua đảm bảo sử dụng các tiện ích của thư viện, tiếp cận nguồn tài liệu đầy đủ, đa dạng. Bổ sung sách, báo, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài liên quan đến các ngành đào tạo trong Học viện cho SV, GV, CBQL trong Học viện nghiên cứu.
- Quản lý các điều kiện đảm bảo cho HĐHT của SV trong đào tạo theo HTTC thông qua đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT thông suốt bao gồm hệ thống máy chủ, hệ thống mạng và đường truyền tốc độ cao, các phần mềm quản lý đào tạo về đăng ký học thi, tra cứu thông tin về đào tạo.
3.2.5.3. Cách thức tiến hành biện pháp
- Cần huy động các nguồn lực để phát triển quỹ đất, cơ sở hạ tầng phục vụ cho đào tạo theo HTTC. So với đào tạo theo niên chế, đào tạo theo HTTC cần nhiều không gian và diện tích xây dựng cho HĐHT của SV hơn, do các hình thức tổ chức học tập theo lớp nhỏ, nhóm thảo luận, phòng chờ cho SV giữa các lớp học phần, phòng đọc, nơi để thực hiện các bài tập, chuẩn bị các chuyên đề; văn phòng để các GV, CVHT làm việc với SV. Để triển khai đào tạo theo HTTC, Học viện có thể phát triển quỹ đất, xây dựng CSVC như tăng tỷ lệ diện tích lớp học, giảng đường, thư viện, phòng đọc. Đảm bảo đủ diện tích sử dụng cho HĐHT của SV là một trong những yếu tố thực hiện chuyển đổi đào tạo sang HTTC một cách thành công. Bên cạnh đó, cần cải thiện ký túc xá của Học viện đảm bảo SV có đủ chỗ ở để SV ở xa yên tâm học tập tại Học viện.
- Xây dựng chiến lược phát triển và mở rộng, nâng cấp thư viện điện tử hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho các khoa, ngành đào tạo nhằm hiện đại hóa hệ thống phòng tư liệu hiện có. Tăng cường khả năng khai thác và tiện ích cho người sử dụng. Thư viện và các phòng học, giảng đường cần có mạng wifi kết nối
Internet ổn định để SV và GV có thể truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi phục vụ cho hoạt động dạy và học. Hàng năm, thư viện phải lập kế hoạch rà soát sách báo tạp chí các loại để quản lý số lượng, chất lượng các đầu sách, tiến hành bổ sung số lượng còn thiếu. Học viện cần có kế hoạch kinh phí bổ sung thường xuyên giáo trình, tài liệu tham khảo, các ấn phẩm mới xuất bản. Thư viện phải có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách trong nước, quốc tế để cập nhật danh mục sách mới, kịp thời mua mới đảm bảo SV được tiếp cận với tri thức mới. Các cơ sở dữ liệu, sách báo tạp chí trực tuyến thuộc các chuyên ngành phục vụ đào tạo và nghiên cứu cần được mua và có cấp quyền sử dụng đến tất cả SV, cán bộ trong Học viện.
- Thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, phục vụ tốt nhất cho HĐHT của SV. Thiết kế các quy định cụ thể về quản lý và sử dụng CSVC, trang thiết bị dạy và học. Xây dựng và thực hiện kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ CSVC, TBDH nhằm bảo đảm tuổi thọ và khả năng sử dụng của chúng, đồng thời duy trì thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đề ra.
- Xây dựng các văn bản quy định việc QL, khai thác, sử dụng CSVC, TBDH bảo đảm tính khoa học và hiệu quả: xây dựng quy chế, nội quy QL khai thác sử dụng CSVC, TBDH bảo đảm quy trình thực hiện khoa học; xác định trách nhiệm rõ ràng trong cơ chế phối hợp QL; khai thác sử dụng hợp lý; có chế độ khen thưởng, bồi thường đích đáng; định kỳ tổ chức kiểm kê đánh giá tài sản để có hướng thanh lý và đầu tư mua sắm mới. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức: tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng cho tất cả cán bộ, GV và SV.
3.2.5.4. Điều kiện đảm bảo cho biện pháp được thực hiện
- Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện về tài liệu, giáo trình, thiết bị dạy học nhất là các trang thiết bị mới, hiện đại.
- Sự quan tâm của phòng kế hoạch tài chính và lãnh đạo Học viện về ưu tiên kinh phí để xây dựng mở rộng thư viện, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu, giáo trình,…
- Tinh thần trách nhiệm, ý thức trong sử dụng và bảo quản thiết bị của các thành viên trong Học viện.