Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA
2.1.2. Những tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp ở Bình Dương
Vị trí địa lý:
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên 2.695,22 km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước và xếp thứ 42/63 về diện tích tự nhiên. Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem là cửa ngõ vào Thành phố Hồ Chí Minh, thông thương giữa trung tâm công nghiệp đô thị lớn với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên; là trung tâm của các đầu mối giao thông huyết mạch, có khả năng tiếp nhận các cơ sở công nghiệp
từ đô thị chuyển ra, đồng thời là vành đai cung cấp thực phẩm cho các vùng đô thị. Với vị trí địa lý tự nhiên, Bình Dương có tiềm năng đa dạng và có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh trên cả ba lĩnh vực: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Với địa hình cao trung bình từ 6 - 60 m, nên chất lượng và cấu trúc đất Bình Dương không chỉ thích hợp với các loại cây trồng mà còn rất thuận lợi đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xí nghiệp, nhà máy, phát triển các KCN.
Trên địa bàn Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km. Các tuyến đường sông tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận tiện.
Với đặc điểm khí hậu, thủy văn thuận lợi đó, tạo cho Bình Dương những lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, đồng thời cũng là đặc điểm rất thuận lợi để xây dựng và phát triển các KCN tập trung.
Tài nguyên - khoáng sản
Về tài nguyên rừng: Diện tích rừng hiện còn 18.500 ha, khu vực có diện tích lớn nhất là rừng phòng hộ núi Cậu với 3.905 ha. Rừng tự nhiên hiện còn chủ yếu là rừng non tái sinh, phân bố rải rác ở phía Bắc tỉnh, chưa đáp ứng được vai trò bảo vệ môi trường, phòng hộ và cung cấp lâm sản. Độ che phủ của tỉnh đến cuối năm 1999 đạt tỷ lệ 44,5% diện tích.
Về tài nguyên nước: Bình Dương hiện có 3 sông chính thuộc hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương. Ngoài ba sông chính, còn có sông Thị Tính (chi lưu của sông Sài Gòn), rạch Bà Lô, Bà Hiệp, Vĩnh Bình, rạch cầu Ông Cộ...Tiềm năng nguồn nước mặt trong tỉnh khá dồi dào, hàng năm các sông suối trong tỉnh truyền tải đến cho khu vực một khối lượng nước rất lớn. Nguồn nước ngầm của tỉnh Bình Dương tương đối phong phú, được tồn tại dưới 2 dạng là lổ hổng và khe nứt. Toàn bộ nguồn nước mặt và nước ngầm cung cấp nước phong phú cho nhu cầu sinh hoạt và cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về tài nguyên khoáng sản: Bình Dương có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, nhất là khoáng sản phi kim loại có nguồn gốc magma, trầm tích và phong hoá đặc thù. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho những ngành công nghiệp truyền thống và thế mạnh của tỉnh như gốm sứ, vật liệu xây dựng.
2.1.2.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội
Bình Dương trước đây là một phần của vùng đất Gia Định. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12/1899 từ Sở Tham Biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập tỉnh Bình Dương và Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long. Năm 1959, chế độ cũ cắt một phần đất của tỉnh Biên Hoà và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành.
Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, quốc phòng, ngày 02/7/1976, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hoà, Tân Đông Hiệp thuộc huyện Thủ Đức thành tỉnh Sông Bé, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Đến ngày 06/11/1996, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Ngày 1/1/1997, Bình Dương chính thức được tái lập với 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Đến năm 2015, sau khi được chia tách đơn vị hành chính, Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện.
Từ trong lịch sử, Bình Dương là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Bình Dương là nơi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Những truyền thống cách mạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với nguồn lao động là nội lực, để Bình Dương phát triển KT-XH trong thời kỳ đổi mới.
Là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, năm 1997, ngay trong năm đầu tiên tái lập, nhưng kinh tế tỉnh Bình Dương đã tăng trưởng với tốc độ cao, toàn diện. Hầu hết các mục tiêu
quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 1997, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 17,5%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.800,6 tỷ đồng (tăng 42%), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%, giá trị dịch vụ tăng 10,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 41%, thu ngân sách tăng 29%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng trong GDP là: 50% - 27% - 23%. Năm 1997, toàn tỉnh có 845 doanh nghiệp trong nước được cấp phép hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 8.900 tỷ đồng, 163 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 1.235,3 triệu USD [42, tr.9,14].
Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Bình Dương, năm 2005, dân số toàn tỉnh là 1.030.722 người. Bình Dương vẫn đang ở thời kỳ “dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động là 734.952 người. Là một tỉnh công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao, hàng năm, tỉnh tiếp nhận một lượng lớn dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt của địa phương. Trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, nhưng đông nhất là dân tộc Kinh và sau đó là dân tộc Hoa, dân tộc Khơ Me,...
Bình Dương là địa phương có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, Quốc lộ 13 là con đường chiến lược quan trọng xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía Nam lên phía Bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia đến biên giới Thái Lan. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng thuộc tỉnh Bình Phước xuyên suốt vùng Tây Nguyên, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước… và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh. Bình Dương còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận thị xã Dĩ An, với chiều dài 8,6 km. Ga xe lửa Sóng Thần là trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường xe lửa của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn chỉ cách
Bình Dương khoảng 25-30 km, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại với các nước trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý và đặc điểm KT-XH, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND luôn năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương, biết khéo léo khơi dậy các nguồn lực bên trong, tạo gắn kết với nguồn lực bên ngoài. Nhân dân Bình Dương đồng thuận, ủng hộ cho công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và cho ngành công nghiệp nói riêng.