Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA
2.3.6. Chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp
Ngày 13/12/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2000/2001/QĐ-UB, Về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng
hệ thống quản lý chất lượng và quản lý môi trường. Chủ trương nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế với các nước và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; xét chọn, hỗ trợ một phần kinh phí cho một số doanh nghiệp thuộc những ngành sản xuất trọng yếu của tỉnh áp dụng hệ thống ISO 9000, HACCP, TQM, GMP hoặc ISO 14000...
Bình Dương là tỉnh có nhiều làng nghề thủ công nghiệp truyền thống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm sứ. Nếu không di dời các cơ sở này ra khỏi khu đô thị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Vì vậy, ngày 25/7/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 115/2001/QĐ-CT, Về việc phê duyệt kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ, gạch ngói ra khỏi khu đông dân cư. Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ và gạch ngói ra khỏi khu dân cư tập trung, khu đô thị, khu du lịch là do yêu cầu phát triển bền vững của bản thân nó, bởi vì quá trình di dời sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới công nghiệp, chuyển đổi mặt hàng sang sản xuất hàng xuất khẩu; di dời các cơ sở gốm sứ, gạch ngói lên các huyện phía Bắc sẽ góp phần thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và còn giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.
Căn cứ vào quy hoạch phát triển KT-XH và hiện trạng môi trường, dự báo các thách thức và xu thế diễn biến về môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, ngày 18/12/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 146/2002/QĐ- UB, Về việc phê duyệt chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2001-2010. Mục tiêu của Chương trình là bảo vệ môi trường phải tập trung vào công tác phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư; ngăn chặn không để ô nhiễm môi trường gia tăng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị; cải thiện và nâng cao chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh; khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến xây dựng Bình Dương thành
nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Quyết định số 218/2003/QĐ-UB ngày 25/8/2003 của UBND tỉnh Bình Dương, Về việc ban hành quy định chi tiết áp dụng các Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước thải công nghiệp khi thải vào từng thủy vực cụ thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã quy định các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng nước thải công nghiệp khi thải vào từng thủy vực cụ thể trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Trong quá trình xây dựng các KCN, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đến vấn đề xử lý nước thải nhằm bảo vệ môi trường. Đến năm 2005, tất cả các KCN ở Bình Dương đều được đầu tư hoàn chỉnh công trình thoát nước và có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra sông, suối. Các KCN đã đi vào hoạt động ổn định có tổng công suất nhà máy xử lý nước thải lên đến 19.700 m3/ngày đêm, trong khi đó tổng lưu lượng nước thải của các KCN đang hoạt động khoảng 16.100 m3/ngày đêm. Cuối năm 2005, KCN Sóng Thần I và Sóng Thần II, tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải thứ hai có công suất 4.000 m3. Như vậy, tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải ở các KCN đang hoạt động đạt khoảng 24.000 m3/ngày đêm.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và các sở ban ngành, công tác bảo vệ môi trường ở Bình Dương có những thành tựu quan trọng. Trong 8 năm phát triển công nghiệp, mặc dù các vụ việc gây ô nhiễm môi trường năm nào cũng có, nhưng chưa có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường đều được xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tiểu kết chương 2
Sau khi tái lập năm 1997, tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn như: ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, với tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã vươn lên, khắc phục khó
khăn, tận dụng và khai thác những thuận lợi về vị trí địa lý, về tiềm năng lao động, đất đai… của địa phương, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả mà tỉnh Sông Bé trước đây để lại, từng bước đưa KT-XH phát triển liên tục và toàn diện.
Sớm nhận biết được tiềm năng và vị thế của tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên cơ sở vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã lãnh đạo phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng các KCN, CCN để từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH, HĐH.
Quá trình chỉ đạo phát triển công nghiệp, Đảng bộ, UBND và các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương đã luôn bám sát thực tiễn, nhạy bén, sáng tạo kịp thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sát đúng để chỉ đạo toàn diện các cấp, các ngành, trên các lĩnh vực ở địa phương tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương do Đảng bộ đề ra với những bước đi và biện pháp thích hợp.
Công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế trọng yếu và lớn nhất của tỉnh, thực sự là động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, trong giai đoạn 1997-2005, kinh tế của tỉnh Bình Dương luôn đạt tốc độ tăng cao hơn mức trung bình chung của cả nước và cao hơn của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hàng năm là 14,7%. Công nghiệp phát triển đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trong công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông nghiệp. Năm 1997, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp (50%) - dịch vụ (27%) - nông nghiệp (23%);
đến năm 2005, cơ cấu kinh tế là công nghiệp (63,8%) - dịch vụ (28,2%) - nông nghiệp (8%). So với Đồng Nai, cơ cấu kinh tế của Bình Dương có sự chuyển dịch nhanh hơn (năm 2005, cơ cấu kinh tế Đồng Nai là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ lệ tương ứng: 57% - 28,1% - 14,9% [73].
Quá trình phát triển công nghiệp ở Bình Dương đã thúc đẩy quá sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Năm 1997, lao động công nghiệp chiếm 21,2% tổng số lao động của tỉnh; đến hết năm 2005, số lao động công nghiệp của
tỉnh Bình Dương chiếm 54% và 49% số người trong độ tuổi lao động của tỉnh.
Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm đáng kể, đến năm 2005 còn lại 22,1% [18].
Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh, từ 2.869 cơ sở năm 1997 tăng lên 5.110 năm 2005. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 34%/năm;
năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 88.633.968 triệu đồng [18]. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 9%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 27%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 46% [44, tr.48].
Những thành tựu to lớn của quá trình phát triển công nghiệp ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997-2005, chứng minh chủ trương do Đảng bộ tỉnh đề ra và quá trình chỉ đạo thực hiện là hoàn toàn đúng định hướng. Đây là điều kiện, cơ sở khoa học đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định đường lối chủ trương của Đảng đã, đang và sẽ đi vào cuộc sống. Những thành tựu đạt được trong quá trình chỉ đạo thực hiện giai đoạn này làm cơ sở để Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Chương 3