Chương 3 ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH
3.3.3. Chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa theo hướng hiện đại
Về phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Giai đoạn 1997-2005, việc hình thành và phát triển các KCN, CCN tập trung là rất đúng đắn, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, do sức ép của môi trường đầu tư nên các KCN tập trung vào phát triển về số lượng doanh nghiệp và tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp là chính, tuy có quan tâm đến chất lượng phát triển nhưng kết quả chưa đáng kể. Trình độ công nghệ chỉ đạt mức trung bình, số doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chưa đáng kể, doanh nghiệp đạt hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến còn ít. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là khâu thẩm định, lập dự toán, cấp phép đầu tư…
Thực hiện chủ trương quy hoạch và phát triển các KCN, CCN, ngày 30/8/2006, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 215/2006/QĐ-UB, Phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2020.
Quyết định đề ra mục tiêu đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 31 KCN với diện tích 9.220,5 ha (trong đó có 6 KCN nằm trong Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương) và 23 CCN với diện tích 2.704 ha. Tổng diện tích các KCN, CCN đến năm 2020 khoảng 12.000 ha.
Định hướng phát triển các KCN, CCN theo hướng tập trung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, củng cố các phân khu chức năng trong từng KCN. Đầu tư đồng bộ cho sản xuất, dịch vụ, nhà ở trong và ngoài KCN. Trong giai đoạn 2006- 2010, khẩn trương nghiên cứu và xây dựng bổ sung hoàn chỉnh một khu công nghệ cao với vị trí và quy mô thích hợp.
Ngày 27/4/2007, Tỉnh ủy đề ra Chương trình phát triển công nghiệp nhanh và bền vững giai đoạn 2006-2010, chủ trương: “Phân bố hợp lý các khu, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, quy mô dân cư và khả năng chịu tải của cơ sở hạ tầng tại khu vực” [113, tr.7].
Ngày 07/4/2009, HĐND tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết số 03/NQ- HĐND7, Về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương là: Phát triển các KCN theo hướng hình thành chuỗi các KCN cùng với sự phát triển các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống hạ tầng KT-XH cần thiết cho toàn khu vực, góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa của tỉnh một cách đồng bộ; Quy hoạch các KCN của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển vùng theo hướng kết nối với hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Các KCN cần tập trung thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng ít lao động, ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Phát triển các KCN phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống các loại tội phạm, đồng thời quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến đội ngũ công nhân và bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào tình hình phát triển các KCN tỉnh Bình Dương, ngày 18/12/2013, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, chủ trương phát triển các KCN theo hướng nhanh và bền vững; chủ trọng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2020, Bình Dương có 31 KCN với tổng diện tích 11.463,11 ha.
Đối với các CCN, đến năm 2015, đảm bảo 8/8 CCN có quyết định thành lập hoàn thiện kết cấu hạ tầng, có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động.
Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân 04 CCN còn lại đạt trên 60%; các cơ sở sản xuất trong CCN phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Diện tích đất cho phát triển CCN lũy kế là 790,50 ha.
Thành lập mới 03 CCN, đưa số lượng CCN lên 11 vào năm 2015.
Chủ trương phát triển thêm nhiều KCN, tỉnh Bình Dương chú trọng chọn lọc các dự án đầu tư, kiên quyết không chấp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường cao, hạn chế tối đa việc đầu tư ngoài KCN, CCN đã được quy hoạch.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực phía Bắc của tỉnh gắn với việc khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Chú trọng phát triển công nghệ theo chiều sâu ở các KCN phía Nam tỉnh.
Cùng với phát triển các KCN, CCN, vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra hết sức nghiêm túc và trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xét duyệt cấp phép các dự án đầu tư. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức đối với sự phát triển bền vững của các KCN trên địa bàn tỉnh không phải là ít. Để thực hiện điều đó, Tỉnh ủy, UBND đã đưa ra một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng quy hoạch mạng lưới các KCN trên địa bàn tỉnh, quy hoạch các KCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và theo hướng mở rộng đầu tư, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương với quy hoạch vùng và yêu cầu bảo vệ môi trường. Hoàn thiện mô hình tổ chức KCN theo hướng chuyển từ KCN đa ngành, đa lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên, lao động sang KCN sản xuất, chế biến và dịch vụ với trình độ chuyên môn hóa cao.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ KCN theo hướng phát triển các ngành công nghệ sạch.
Bên cạnh việc lấy yếu tố phát triển công nghiệp bền vững làm nền tảng như Nghị quyết đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chú trọng phát triển các KCN đòn bẩy.
Đến năm 2015, ngoài 16 KCN được xây dựng trước đây, tỉnh Bình Dương đã phát triển thêm 12 khu công nghiệp mới, nâng số lượng các KCN lên 28 khu với tổng diện tích là 9.412,9 ha (gấp 2,7 lần năm 2005), trong đó có 26 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%. Đồng thời, các CCN đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh đã quy hoạch được 8 CCN với diện tích 600 ha, trong đó có 6 CCN hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động [46, tr.46]. Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào KCN ở Bình Dương, Đài Loan đứng đầu, kế đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Cayman Islands, Hoa Kỳ và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Một số dự án có vốn đầu tư lớn thu hút vào các KCN như: Công ty TNHH Lốp Kumho trên 384 triệu USD, Uni-President 225 triệu USD, Giấy Chánh Dương 206 triệu USD, Giấy Vina Kraf trên 193 triệu USD [178].
Về quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng hiện đại
Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh Bình Dương ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở đó, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh ưu tiên hàng đầu. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, Bình Dương đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, đô thị loại I trước năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh đã mạnh dạn thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín để lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để có cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ngày 5/6/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/2007/QĐ- TTg, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Quyết định nhấn mạnh: Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, qua trình đô thị hoá sẽ diễn ra nhanh chóng theo hướng hiện đại hoá, đi đầu trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 40% năm 2010, tăng lên 50% năm 2015 và đạt 75% năm 2020. Tập trung phát triển điểm đô thị ở thị xã, thị trấn có sức lan tỏa lớn như Thủ Dầu Một, khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, các thị trấn trung tâm huyện lỵ và các khu đô thị gần các KCN. Mở rộng các khu vực ngoại vi, hướng tới mở rộng đô thị theo mô hình đô thị hoá các vùng nông thôn, trên cơ sở nâng cao kết nối hạ tầng và các dịch vụ phúc lợi xã hội. Phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Không gian thành phố Bình Dương kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hoà trở thành đại đô thị của cả nước.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 31/01/2008, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND, Về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương;
ngày 22/7/2008, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua Nghị quyết số 04/2008/NQ- HĐND7, Về nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; đảm bảo có sự kết nối giữa đô thị cũ và các đô thị mới một cách có hệ thống, đồng bộ, đạt các tiêu chí đô thị loại I; có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển KT-XH của khu vực phía Nam và cả nước; liên kết với các tỉnh trong vùng thành phố Hồ Chí Minh, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ khu vực Đông Nam Á. Phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh gắn với đô thị trung tâm sẽ hình thành tại Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị; kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, chỉnh trang các đô thị cũ và quy hoạch xây dựng các đô thị mới, phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị sinh thái dọc các trục lộ chính và các tuyến ven sông;
phát triển đô thị phải gắn kết hài hòa với phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ với đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU ngày 20/7/2011 của Tỉnh uỷ Bình Dương, Về việc phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020; ngày 26/6/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1701/QĐ- UBND, Phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2015, Bình Dương gồm 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện trực thuộc tỉnh. Trên cơ sở phân tích KT-XH đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương lựa chọn phương án phát triển đồng đều theo chiến lược khu vực: phía Nam, phía Bắc và trung tâm. Mô hình chùm đô thị và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ với nhau trên nguyên tắc “một đô thị ba chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh”.
Thực hiện chủ trương CNH, HĐH gắn với đô thị hóa, quá trình đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương diễn ra với tốc độ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH hội được đầu tư xây dựng. Đô thị hóa góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị nông, lâm, thuỷ sản trong tổng thu nhập quốc dân và tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đến năn 2015, tỷ lệ đô thị hóa ở Bình Dương trên 75%, hệ thống đô thị gồm 1 thành phố loại II (trực thuộc tỉnh), 4 thị xã, tổng dân số 1.947.220 người.