Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA
2.2.1. Chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng
Trên cơ sở đánh giá thành tựu và hạn chế trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996) khẳng định: “Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội,... Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” [26, tr.67-68]. Đại hội chủ trương: “Phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng trước hết công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng về dầu khí, than, xi măng, cơ khí, điện tử, thép, phân bón, hoá chất…. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 14 - 15%” [26, tr.170].
Để thực hiện được chủ trương và mục tiêu đã đề ra, Đại hội đề ra chính sách phát triển công nghiệp trong 5 năm 1996-2000:
Đổi mới công nghệ của phần lớn doanh nghiệp; Phát triển nhanh một số ngành có lợi thế, hình thành một số ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm, khai thác và chế biến dầu khí, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu; Hình thành các khu công nghiệp tập trung, tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới; Phát triển mạnh công nghiệp nông thôn và ven đô thị…, nâng cấp, cải tạo các cơ sở công nghiệp hiện có, đưa các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm ra ngoài thành phố, hạn chế việc xây dựng cơ sở công nghiệp mới xen lẫn với khu dân cư [26, tr.179].
Chính sách phát triển các KCN tập trung đã mở ra hướng đi mới cho nhiều địa phương vốn không có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Đại hội cũng đề ra chủ trương khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển công nghiệp:
Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh [26, tr.91].
Đại hội VIII của Đảng khẳng định năm thành phần kinh tế, bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá thể tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân; đồng thời, đưa ra những chủ trương, chính sách đối với từng thành phần kinh tế. Trong đó, nhấn mạnh kinh tế nhà nước đóng vai trò “làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần khác cùng phát triển” [26, tr.93].
Căn cứ vào mục tiêu chung phát triển KT-XH trong công cuộc đổi mới, Đảng chủ trương khai thác thế mạnh về nguồn tài nguyên, tranh thủ thời cơ, huy động vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển nhanh nền công nghiệp, điều chỉnh và quy hoạch lại cơ cấu sản xuất theo lãnh thổ, hình thành 3 trung tâm công nghiệp lớn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, tạo bộ mặt phát triển mới theo vùng lãnh thổ. Trong quá trình hình thành và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đang phát huy lợi thế, tạo nên thế mạnh của mình theo cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, và không chỉ tạo ra động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo chiều hướng tích cực mà còn góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các tỉnh lân cận trong vùng. Nhà nước tiếp tục thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo điều kiện và đầu tư thích đáng hơn cho vùng nhiều khó khăn. Trên cơ sở phương hướng đã được xác định, Đảng, Nhà nước tiến hành quy hoạch lãnh thổ, hình thành các vùng phát triển kinh tế trọng điểm ở các miền. Nhận thức được yêu cầu đó, nhằm thúc đẩy sự hình thành các cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa phát triển mạnh ra cả nước, ngày 23/2/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 1999-2010. Theo Quyết định này, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 4 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam được xác định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, vùng kinh tế phát triển nhanh, có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.
Bước vào thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước tiến nhảy vọt, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, cùng với xu thế toàn cầu hóa kinh tế đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho quá trình phát triển công nghiệp ở Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4/2001), thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-
2010. Đây được coi là “Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” [30, tr.148], phấn đấu đến năm 2010, đưa tỷ trọng công nghiệp lên 40 - 41% GDP. Trên cơ sở những nhận định về tình hình trong nước và quốc tế giai đoạn 2001-2005, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu của thế kỷ XXI, Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2001-2005, là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại…” [30, tr.261]. Phấn đấu trong 5 năm 2001-2005, công nghiệp tăng 10,8%… Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13%/năm. Đến năm 2005, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt từ khoảng 38 - 39%. Đại hội xác định phương hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2001-2005 là: “Phát triển với nhịp độ cao, có hiệu quả, coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến và tiến tới hiện đại hóa từng phần các ngành công nghiệp” [30, tr.279].
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và quan điểm phát triển, Chiến lược đã đề ra những giải pháp định hướng phát triển các ngành, các vùng kinh tế như: “phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao”, tạo tiền đề để đưa công nghiệp Việt Nam từng bước đạt trình độ chung của khu vực và thế giới, nâng cao giá trị các sản phẩm công nghiệp; “Hoàn chỉnh và nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Mở mang công nghiệp ở các tỉnh, không tập trung quá mức vào các đô thị lớn” [30, tr.183].
Phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, tự động hoá. Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất phần mềm tin học thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Xây dựng có lựa chọn, có điều kiện về
vốn, công nghệ, thị trường và hiệu quả một số cơ sở công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất.
Với chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định: “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu” [30, tr.189]; đồng thời, xác định ở nước ta lúc này cần phát triển sáu thành phần kinh tế, tức là ngoài năm thành phần kinh tế được xác định từ Đại hội VIII của Đảng, có thêm thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và nhấn mạnh: các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Đây là quan điểm và cách nhìn nhận mới để Đảng có cơ sở lãnh đạo thu hút FDI vào phát triển công nghiệp.
Quán triệt chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng theo tinh thần Đại hội IX, ngày 3/2/2004, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 34/NQ-TW, Về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh phương hướng phát triển công nghiệp là: Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện đột phá, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp vào sản xuất những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiếp thu công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn, đào tạo và nâng cao năng lực quản lý điều hành của giám đốc doanh nghiệp và tay nghề của công nhân. Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc và có chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiếp cận và mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực... để phát triển mạnh và có hiệu quả hơn nữa kinh tế tư nhân, kể cả doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn; chú trọng trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo chuyển biến cơ bản trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nhất là của các tập đoàn xuyên quốc gia, hướng mạnh hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Mở rộng các lĩnh vực đầu tư và đa dạng hóa các hình thức đầu tư nước ngoài phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng là cơ sở quan trọng để Đảng bộ tỉnh Bình Dương vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh địa phương, phát triển công nghiệp theo định hướng chung của Đảng, đề ra chủ trương, chính sách phù hợp thúc đẩy công nghiệp phát triển trong thời kỳ mới.