Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA
2.3.1. Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Tỉnh Bình Dương luôn xác định đẩy mạnh cải cách hành chính vừa đảm bảo làm tốt công tác quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Bình Dương đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, ngày 19/9/1997, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2640/QĐ-UB, Về chỉ định đầu mối “một cửa” giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết các văn bản hành chính. Theo Quyết định này, cơ chế “một cửa” là giảm mạnh các thủ tục hành chính đã được thực hiện thí điểm ở 8 sở, ngành và 2 huyện thị, đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Văn phòng HĐND, UBND và thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An.
Cụ thể với chính sách “trải chiếu hoa” đón các nhà đầu tư: Đối với đầu tư nước ngoài, UBND đã ban hành quy định về thủ tục, trình tự và thời gian xét duyệt cấp giấy phép dự án đầu tư nước ngoài trong và ngoài KCN, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan để triển khai nhanh các dự án. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại Bình Dương. Có sự thống nhất giữa các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện công khai quy trình và thủ tục hành chính thông thoáng, giảm khâu trung gian, nhiều tầng nấc, rút ngắn thời gian. Ưu tiên thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan nhiều đến quyền lợi, nghĩa vụ công dân và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài bao gồm: đất đai, nhà ở, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh... Trong 7 lĩnh vực trọng điểm cần đột phá về mặt cải cách thủ tục, thành công nhất của Bình Dương là thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài trong và ngoài KCN.
Không chỉ có vậy, chính sách “một cửa” còn nhằm mục tiêu tránh việc các nhà đầu tư phải chạy lòng vòng, thậm chí có những vướng mắc ở tầm vĩ mô, với tinh thần “khó khăn của họ cũng chính là khó khăn của mình”. Đây chính là điểm cải tiến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Vì thế, khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương, luôn được chính quyền các cấp, các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, ngày 29/9/1997, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2707/QĐ-UB, Về việc ban hành quy định, thủ tục, trình tự xét duyệt các dự án đầu tư trong nước và các dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương. Quyết định này nhằm quy định cụ thể việc phân cấp, cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo cơ chế “một cửa” một đầu mối. Theo quy định trên, đối với các dự án đầu tư nước ngoài được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho Ban quản lý các KCN Bình Dương cấp giấy phép đầu tư, việc tiếp
nhận hồ sơ, thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, điều chỉnh giấy phép, Ban quản lý các KCN Bình Dương thực hiện theo quy chế riêng do UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý các KCN Bình Dương với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của địa phương. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore cấp giấy phép đầu tư, việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, điều chỉnh giấy phép Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore thực hiện theo quy chế riêng, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc giữa Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore và các cơ quan chức năng của địa phương theo quy định tại Quyết định ủy quyền số 67/BKH-KCN ngày 17/3/1997 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư, ngày 22/6/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 92/2001/QĐ-UB, Về việc ban hành quy định thủ tục trình tự và thời gian xét duyệt cấp giấy phép dự án đầu tư nước ngoài trong và ngoài khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương; thời gian giải quyết các thủ tục để triển khai các dự án. Quyết định này tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong và ngoài KCN như: thủ tục cấp giấy phép đầu tư, thủ tục thẩm định các dự án đầu tư và thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư…, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhanh dự án sau khi được cấp giấy phép đầu tư, các thủ tục hành chính và các công việc thực hiện đế đưa dự án vào hoạt động; căn cứ đề nghị của các Sở ngành liên quan, quy định thời gian giải quyết các công việc hợp lệ.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, ngày 16/8/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 97/2002/QĐ-UB Về việc ban hành Quy định trình tự, thủ tục, thời gian đăng ký kinh doanh; thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể áp dụng đối với đầu tư trong nước tại tỉnh Bình Dương. Cũng như quy định giải quyết thủ tục hành chính đối với các doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Quyết định cũng quy định các thủ tục, trình tự thời gian giải quyết các hồ sơ và chỉ đạo các sở, ban ngành tập trung giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Đồng thời với việc chỉ đạo giải quyết các thủ tục hành chính, để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực, tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tư vấn, hướng dẫn nhà đầu tư về quy trình, thủ tục đầu tư, cung cấp thông tin liên quan, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang website, các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong những lĩnh vực nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân và các nhà đầu tư. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành rà soát, đơn giản hoá, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, bám sát thực tiễn, nắm chắc hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức các cuộc đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thành công nhất là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép đầu tư trong và ngoài KCN. Các lĩnh vực khác được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất loại bỏ những thủ tục rườm rà, các loại giấy tờ bổ sung không cần thiết, rút ngắn được thời gian giải quyết từng loại vụ việc cụ thể so với quy định của Trung ương. Đối với đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh đã ban hành quy định về thủ tục, trình tự và thời gian xét duyệt cấp giấy phép dự án trong và ngoài KCN, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính sau khi cấp giấy phép đầu tư giúp cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án. Cấp giấy phép dự án đầu tư nước ngoài chỉ cần 1 ngày cho dự án ngoài KCN, dự án trong KCN là 3 ngày nếu không cần thỏa thuận của bộ, ngành và là 15 ngày đối với dự án cần phải có văn bản thỏa thuận của bộ, ngành Trung ương. Đối với dự án đầu tư trong nước, thời gian 7 ngày cho các doanh nghiệp, 5 ngày cho các hộ cá thể. Ngoài yếu tố rút ngắn thời gian, UBND tỉnh cũng quan tâm đến yếu tố tâm lý, tập quán của các nhà đầu tư trong công tác cấp giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng nhà xưởng...
Cải cách hành chính đã tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ về phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc của hệ thống tổ chức Đảng và chính quyền tỉnh Bình Dương. Theo đó, tỉnh Bình Dương đã sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế phù hợp với yêu cầu mới, dựa vào khả năng công việc của địa phương, lấy đó làm căn cứ cho việc chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển và đặc biệt là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với kiện KT-XH của tỉnh. Năm 2005, chỉ số cạnh tranh của tỉnh Bình Dương xếp thứ 1/42 tỉnh, thành trong cả nước tham gia xếp loại, đã có doanh nghiệp của 37 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương. Khu vực kinh tế đầu tư trong nước có bước phát triển mạnh, đặc biệt sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 1999). Đến năm 2005, toàn tỉnh có 3.459 doanh nghiệp trong nước được thành lập với tổng số vốn đầu tư 15.733 tỷ đồng; có 1.076 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 5 tỷ 680 nghìn USD [44, tr.54-56].