Chỉ đạo công tác đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 60 - 63)

Chương 2 CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA

2.3.4. Chỉ đạo công tác đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp

Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH cũng như phát triển công nghiệp, coi đó là nhân tố then chốt cho sự phát triển. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại chỗ tỉnh Bình Dương chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng cho các KCN, trong khi Bình Dương có nhiều KCN nhất nước. Đa số lao động đến từ ngoài tỉnh là lao động phổ thông, tỷ lệ người có trình độ và tay nghề chuyên môn còn rất thấp. Ngày 11/02/1997, Tỉnh ủy Bình Dương ra Nghị quyết số 05/NQ-TU, Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 1997. Nghị quyết nêu rõ, trong những năm tới:

Nhanh chóng triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trường Trung học kỹ thuật của Tỉnh. Huy động rộng rãi các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhân lực có trình độ quản lý, có tay nghề kỹ thuật, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong tỉnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nắm chắc việc quy

hoạch quản lý, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ. Có chính sách thu hút và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh [107, tr.7].

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã có những chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp như:

Tiếp tục đầu tư hoàn thành công trình trường đào tạo cán bộ tỉnh, trung tâm dạy nghề tỉnh; khuyến khích mở rộng các cơ sở dạy nghề tư nhân, các trường dân lập;

tổ chức các lớp học nghề tại xí nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng các trung tâm đào tạo kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Ngày 15/7/1997, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2003/QĐ-UB, Về việc thành lập Trung tâm đào tạo Kỹ thuật Việt Nam - Singapore (nay là trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore). Trung tâm được thành lập trong khuôn khổ dự án hợp tác đào tạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore với mục đích chính là đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ cho các KCN tại Bình Dương.

Để đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển KT-XH, ngày 22/6/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 89/2001/QĐ-UB, Về việc phê duyệt mạng lưới dạy nghề tỉnh Bình Dương thời kỳ 2001-2010. Chủ trương này nhằm tạo cơ hội cho người lao động từng bước được phổ cập nghề và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, tiếp tục phát triển mạng lưới các trung tâm dạy nghề ở các huyện phía Bắc, phấn đấu đến năm 2004, các huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề, đồng thời tiếp tục nâng cấp, mở rộng, nâng cao quy mô đào tạo nghề ngắn hạn tại các trung tâm, trường trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề, các cơ sở dạy nghề. Cùng với việc quy hoạch mạng lưới dạy nghề, ngày 17/4/2002, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 45/2002/QĐ-UB, Về việc thành lập Trường Kỹ nghệ Bình Dương. Trường Kỹ nghệ Bình Dương trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có chức năng đào tạo

công nhân kỹ thuật trung hạn, dài hạn và một số ngành nghề ngắn hạn đáp ứng cho nhu cầu lao động có tay nghề ở các KCN.

Cùng với chủ trương thành lập các trường, trung tâm đào tạo, tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo xây dựng quy hoạch hệ thống các trung tâm, trường dạy nghề, đổi mới nội dung chương trình, tổ chức dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội, phát triển đào tạo nghề ngắn hạn theo yêu cầu của doanh nghiệp, mở rộng hình thức dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho các trường, trung tâm dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước thành lập các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh mở rộng quy mô giáo dục ở các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường lớp, củng cố và mở rộng các trường dân lập, bán công. Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, động viên toàn dân tham gia phong trào xây dựng trường học với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Việc đẩy mạnh phát triển KT-XH phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là cần thiết, là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Bình Dương tập trung giải quyết đồng bộ với sự phát triển toàn diện. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 5/8/1998, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 115/1998/QĐ-UB, Về chính sách đào tạo, tu nghiệp cán bộ công chức và thu hút nhân tài tỉnh Bình Dương; ngày 15/1/2002, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành Quyết định số 06/2002/QĐ-UB, Về bản quy định về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Với chính sách đào tạo, tu nghiệp và thu hút nguồn nhân lực được ban hành đã mở ra một hướng đi mới có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trình độ cao, đồng thời động viên cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp thu hút lao động vào KCN: chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với

chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển các dịch vụ nhà ở, dịch vụ vận tải hành khách phục vụ công nhân các khu KCN; ưu tiên lao động ở các xã vùng sâu, vùng xa khi tuyển dụng; tuyên truyền vận động thanh niên nông thôn đến lập nghiệp tại các KCN. UBND tỉnh Bình Dương cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngoài tỉnh có chuyên môn kỹ thuật mà địa phương đang thiếu, với chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài và các chính sách đào tạo khác.

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu CNH, HĐH, giai đoạn 1997-2005, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng năm tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 33.000 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 38%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị giảm từ 4,5% năm 1997, xuống còn 2,8% vào năm 2005 [56, tr.68]. Số lượng công nhân của tỉnh cũng tăng nhanh từ 65.723 năm 1997, đến năm 2005 tăng lên 369.485 người. Với chính sách đào tạo, tu nghiệp cán bộ công chức và thu hút nhân tài, trình độ cán bộ công chức, viên chức ngày càng cao. Trong đó, cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 42,44%; trình độ trung cấp chiếm 30,5%; sơ cấp và dưới sơ cấp chiếm 27,07%. Cơ cấu lao động của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động của tỉnh có cơ cấu: công nghiệp, xây dựng chiếm 32%; dịch vụ chiếm 23%; nông, lâm nghiệp chiếm 45% [51, tr.257-258].

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng lao động nhìn chung còn thấp. Cơ cấu lao động vẫn còn bất hợp lý, thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)