Trong lãnh đạo phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã sớm vạch ra chủ trương và giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 119 - 133)

Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1.1.2. Trong lãnh đạo phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã sớm vạch ra chủ trương và giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực

Đề ra chủ trương sát với thực tiễn địa phương

Sau khi được tái lập (1997), Bình Dương không phải là một trung tâm kinh tế - chính trị lâu đời như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, không có bề dày lịch sử phát triển công nghiệp như Đồng Nai, không có vị trí thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi như Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng lại có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp như: Bình Dương nằm ở vùng ven của Thành phố Hồ Chí Minh, gần với trung tâm công nghiệp Biên Hòa, có vùng nguyên liệu đồi dào cho công nghiệp chế biến là tỉnh Bình Phước,... Nhận thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp, mạnh dạn tìm hướng đi mới, bằng những chủ trương và sự chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo. Điều khác biệt là Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chú trọng hơn đến những tiềm năng, lợi thế riêng của mình để phát triển như: vị trí địa lý, nguồn nhân lực,… mà không phải là tài nguyên thiên nhiên, nguồn nguyên liệu như các Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé trước đây xác định. Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã chứng tỏ một cách nhìn, cách đi, một tư duy kinh tế hoàn toàn mới. Phát triển không chỉ dựa vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên mà quan trọng hơn chính là những lợi thế mang tính nhân văn. Đó là cơ chế, chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi để huy động, thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn thúc đẩy sự phát triển.

Đặt công nghiệp Bình Dương trong tổng thể phát triển của vùng

Ngay từ khi tái lập tỉnh, trong khi nguồn lực của địa phương còn rất nhiều hạn chế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương chủ động khơi dậy các tiềm năng lợi thế và liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các công trình thực hiện chương trình đột phá của tỉnh để hoàn thiện kết nối với các trung tâm phát triển của tỉnh và hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng, qua đó nâng cao vai trò của Bình Dương trong “Tứ giác hạt nhân” và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược và lâu dài đối với Đảng bộ và

chính quyền tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, Bình Dương biết khai thác thế mạnh về hệ thống cảng biển và dịch vụ logistic của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cảng sông tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng để phát triển KT-XH; khai thác những thế mạnh về thương mại, dịch vụ và vận tải hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch xây dựng các KCN để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư di dời từ Thành phố Hồ Chí Minh do áp lực của quá trình đô thị hóa.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, để ưu tiên phát triển công nghiệp, Bình Dương chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút mạnh các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong quá trình phát triển KT- XH và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là điểm khác biệt của Bình Dương so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm thể hiện vai trò và trách nhiệm của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo ra niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Điều này trước hết được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo tại các kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ. Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản để nhằm hiện thực hóa hoạt động cải cách hành chính của tỉnh. Ngay sau khi được khi tái lập, tỉnh đã ra Quyết định 2640/QĐ-UB, ngày 19/9/1997, Về chỉ định đầu mối “một cửa” giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vân bản hành chính; Quyết định 4635/QĐ-UBND, ngày 13/10/2006, phê duyệt đề án áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên cả ba mặt: Thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính, trong tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch và tiện lợi, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến giao, cho thuê đất, xây dựng, quản lý môi trường, thuế và hải quan. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo Tỉnh với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tuyên truyền cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Để xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, có tính chuyên nghiệp cao, Bình Dương đã đề ra mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là 100% các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, nhanh chóng và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đạt chất lượng tương ứng với yêu cầu chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của địa phương theo từng thời kỳ, đặc biệt là có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; xây dựng nền hành chính công nghệ cao thay cho nền hành chính thủ công.

Thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… Những chính sách trên đã tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Dương liên tục được xếp trong tốp đầu cả nước, xếp vị trí thứ I trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2015.

Phát triển đa dạng và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển

Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng đồng bộ các loại hạ tầng: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội và hạ tầng về các thể chế tài chính, tín dụng. Để phát triển công nghiệp, trước tiên Bình Dương phải xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng năm tỉnh đã chi hơn 37% ngân sách vào lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh đầu tư mới và nâng cấp mở rộng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH đi trước một bước, theo hướng hiện đại và đồng bộ. Đây là yêu cầu cần thiết của CNH, HĐH. Giai đoạn đầu do hạn chế về nguồn vốn, cũng như các địa phương khác, Bình Dương chỉ có thể nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật như cầu, đường, điện, thông tin liên lạc... Khi công nghiệp ngày càng phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh kéo theo dân cư tập trung ngày càng đông, nhu cầu về hạ tầng văn hóa - xã hội và nhất là nhu cầu về hệ thống các thể chế tài chính, tín dụng ngày càng trở nên gay gắt. Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhận thức được rằng không thể thực

hiện phát triển công nghiệp nhanh và bền vững nếu không phát triển đồng bộ cả ba loại hạ tầng cơ sở nói trên. Ngân sách của địa phương kết hợp với các nguồn vốn khác đầu tư hoàn thiện dần hệ thông hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và văn hóa xã hội. Đồng thời, tỉnh có chính sách thích hợp thu hút các ngân hàng và tổ chức tín dụng cả trong và ngoài nước về mở chi nhánh làm ăn ở Bình Dương. Sự đồng bộ về ba loại hạ tầng cần phải có đã thúc đẩy công nghiệp Bình Dương phát triển nhanh và ngày càng ổn định.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp phát triển

Cùng với quá trình phát triển mạnh công nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 31/3/2010, Về xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010 - 2015; Quyết định số 4020/QĐ-UBND ngày 23/12/2011, Về việc quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 27/6/2012, Phê duyệt quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương.

Cùng với quá trình xúc tiến thương mại, Bình Dương chú trọng phát triển dịch vụ chất lượng cao. Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 21- CTr/TU, Về phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Bình Dương. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, tính hấp dẫn và năng lực cạnh tranh được nâng lên, các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản… tiếp tục phát triển nhanh và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Những chính sách trên đã thúc đẩy các hoạt động thương mại, thị trường phát triển mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Metro, Coop Mart, Vinatex Mart, Big C, Lotte, Aeon,…đã lựa chọn Bình Dương để đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị. Điển hình nhất là Trung tâm thương mại Aeon

Mail tại thị xã Thuận An thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), một trong những trung tâm thương mại có hạ tầng, trang thiết bị hiện đại tầm cỡ khu vực, đã trở thành hình mẫu cho thương mại hiện đại tại Bình Dương. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển mạnh theo hướng vừa nâng cao chất lượng, vừa mở rộng cho vay đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn trên địa bàn. Đã có 65 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán liên thông được đẩy mạnh.

Hoạt động đầu tư trực tiếp giữa các quốc gia là biểu hiện của quá trình quốc tế hóa nền kinh tế thế giới đạt trình độ cao. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới phát triển như hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào một quốc gia phụ thuộc vào môi trường đầu tư của nước đó. Môi trường đầu tư là tổng thể các yếu tố cấu thành liên quan đến điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Bên cạnh giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh, duy trì thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bình Dương cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án vào các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, điện tử, hoá dược; những tập đoàn đa quốc gia có tiềm năng về công nghệ, thị trường, vốn để kéo theo các vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ tùng, từ đó thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. UBND tỉnh và các Sở, ngành đã chủ động phối hợp trong quảng bá hình ảnh Bình Dương, đồng thời tích cực hỗ trợ cho chủ đầu tư các KCN, CCN đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và trong hoạt động tiếp thị, xúc tiến thu hút đầu tư.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, thời gian đầu, tỉnh xác định trọng tâm là thu hút và tuyển dụng từ nguồn đào tạo nhân lực của xã hội cùng với chính sách mời gọi người có trình độ cao về tỉnh công tác đi đôi với mời gọi đầu tư.

Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách thu hút người ngoài tỉnh không cao, do vậy, Bình Dương xác định xây dựng nguồn nhân lực trong các cơ quan đảng, đoàn thể, hành chính, sự nghiệp dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức hiện có trên cơ sở tuyển chọn để cử đi đào tạo trong và ngoài nước kết hợp với thực hiện chương trình hỗ trợ cho sinh viên của tỉnh theo học các ngành, nghề mà tỉnh đang có nhu cầu để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng sau đào tạo. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành

tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Chính phủ về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH. Tăng cường và thống nhất sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Chủ trương phát triển nhanh gắn với bền vững

Từ một địa phương có nền sản xuất công nghiệp “non trẻ”, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương đã sớm nhận thức được yếu tố bền vững trong phát triển công nghiệp, từ đó cương quyết và nghiêm túc trong quy hoạch và thu hút đầu tư, kiên quyết hạn chế tối đa việc cấp phép cho các dự án ngoài KCN, các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, các dự án còn sử dụng nhiều lao động, các dự án có số vốn và trình độ công nghệ thấp. Các nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường nhanh chóng ra đời như: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, về

“đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường”; Chương trình hành động Số 35-CTr/TU ngày 27/4/2007, Về phát triển công nghiệp nhanh và bền vững giai đoạn 2006-2010. Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng nhanh và bền vững, trong đó, ưu tiên chính sách thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng nhanh, bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chăm lo đời sống cho công nhân lao động, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu

Cùng với sự phát triển công nghiệp, lực lượng lao động cũng liên tục tăng nhanh. Lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến từ nhiều vùng trên cả nước, tỷ lệ công nhân và người lao động nhập cư luôn ở mức trên 50% tổng số lao động cả tỉnh. Sự biến động dân số do tăng nhanh lao động trên địa bàn tỉnh đã dẫn đến những khó khăn trong giải quyết vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học, các thiết chế văn hóa, nơi vui chơi giải trí, y tế... Xác định công nhân lao động là lực lượng nòng cốt

tham gia sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, đồng thời với quan điểm gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống và đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động và cán bộ công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, địa bàn huyện, thị xã, thành phố, nơi tập trung đông công nhân lao động... để tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn, công nhân lao động được tiếp xúc, phản ánh trực tiếp với lãnh đạo tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống; qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc của công nhân lao động, động viên công nhân lao động an tâm lao động và sinh sống.

Đặc biệt, nhằm giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở trên địa bàn của tỉnh, giúp công nhân lao động an cư, lạc nghiệp, Bình Dương đã tập trung triển khai thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhiều công trình nhà ở cho đối tượng công nhân và người có thu nhập thấp. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 82 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 85.073 căn hộ, đáp ứng cho 238.325 người, trong đó đã có 22 dự án đưa vào sử dụng, với tổng số 9.330 căn hộ, đáp ứng cho gần 36.860 người [46, tr.63]. Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ tạo cơ hội lớn cho người lao động sở hữu nhà ở, yên tâm làm việc.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương luôn lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cuối cùng hướng đến sự phát triển. Quá trình CNH làm thay đổi toàn bộ đời sống lao động, sản xuất và sinh hoạt của tất cả các thành phần dân cư. Hàng ngàn hộ gia đình đã phải nhường đất, giao đất để xây dựng các KCN, CCN, khu dân cư, khu đô thị và các hạ tầng khác…, làm cuộc sống bị xáo trộn, thậm chí có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ngay từ những ngày đầu quy hoạch và phát triển công nghiệp, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã ý thức được điều đó, để trong quá trình xây dựng chính sách không vì phát triển mà xem thường hoặc hy sinh lợi ích của nhân dân. Nhờ đó, trong chính sách di đời, đền bù giải tỏa đất đai để xây dựng KCN, CCN và khu đô thị, Bình Dương đã làm tốt các chủ trương, biện pháp có lợi tối đa cho người dân, được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh bình dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 119 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)