Bài 26. BÀI TIẾT VÀ CÂN BẰNG NỘI MÔI
5. Bài tiết và cân bằng nội môi
- Gợi ý trả lời câu hỏi:
(1) Nước tiểu là một sản phẩm thải của cơ thể, ngoài nước tiểu cơ thể còn thải ra ngoài những sản phẩm thải chủ yếu nào nữa? Và việc thải những sản phẩm thải chủ yếu đó do các cơ quan nào đảm nhận?
- Ngoài nước tiểu cơ thể còn thải ra ngoài những sản phẩm thải chủ yếu sau: CO2, mồ hôi. Việc thải những sản phẩm thải đó do các cơ quan sau đảm nhận:
Sản phẩm thải chủ yếu Cơ quan bài tiết
CO2 Phổi
Mồ hôi Da
Nước tiểu Thận
(2) Bài tiết là gì? Là một hoạt động của cơ thể thải loại các chất cặn bã và các chất độc hại khác để duy trì tính ổn định của môi trường trong.
- Đáp án hoạt động điền từ:
Hằng ngày cơ thể ta phải không ngừng lọc và thải ra ngoài môi trường các chất cặn bã do hoạt động trao đổi chất của tế bào tạo ra, cùng một số chất được đưa vào cơ thể quá liều lượng nên gây hại cho cơ thể. Quá trình đó được gọi là bài tiết.
- Hoạt động đọc nhãn của một loại thuốc, kết hợp với hiểu biết của bản thân và trả lời câu hỏi giúp HS phát triển năng lực đọc nhãn mác các loại thuốc, dần dần hình thành thói quen đọc nhãn mác thuốc trước khi sử dụng chúng. Điều này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong đời sống hàng ngày của mỗi HS.
- Gợi ý trả lời câu hỏi:
+ Câu hỏi (1) và (2):
- HS trả lời dựa vào thông tin trong nhãn mác ở sách hướng dẫn học.
+ Câu hỏi (3). Tại sao chúng ta cần phải bù nước và điện giải (hay còn gọi là các khoáng chất) khi bị tiêu chảy, ...?
- Nếu cơ thể không đủ nước thì chức năng chuyển hóa của toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng như thiếu máu, lơ mơ, suy tuần hoàn. Cơ thể thiếu chất điện giải thì người bệnh sẽ lừ đừ, nôn mửa, co giật, bụng chướng, ruột liệt, rối loạn nhịp tim, ngưng tim, tử vong.
Đó là biểu hiện của mất cân bằng nội môi.
+ Câu hỏi (4). Tiêu chảy có thể dẫn đến cơ thể người bệnh bị mất cân bằng nội môi. Vậy cân bằng nội môi là gì? Ngoài nguyên nhân mất cân bằng nội môi là do tiêu chảy có thể còn có nguyên nhân nào liên quan đến hệ bài tiết không? Tại sao?
- Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể.
- Ngoài nguyên nhân mất cân bằng nội môi là do tiêu chảy có thể còn có nguyên nhân liên quan đến hệ bài tiết vì thận có vai trò quan trọng trong điều hòa cân bằng nội môi vì thận có vai trò ổn định một số thành phần của máu nhờ khả năng tái hấp thụ hoặc thải bớt nước và các chất hòa tan trong máu.
- Đáp án hoạt động sắp xếp các câu sau thành một đoạn văn:
(4) Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể. Ví dụ: duy trì nồng độ glucozơ trong máu người ở 0,1 %; duy trì thân nhiệt người ở 36,7oC, … (2) Khi sự bài tiết các sản phẩm thải bị trì trệ bởi một lí do nào đó thì các chất thải (CO2, urê, axit uric ...) sẽ bị tích tụ nhiều trong máu, làm biến đổi các tính chất của môi trường trong cơ thể (làm mất cân bằng nội môi). (1) Lúc đó cơ thể bị nhiễm độc có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, thậm chí tới mức hôn mê và chết. (2) Thận có vai trò quan trọng trong điều hòa cân bằng nội môi vì thận có vai trò ổn định một số thành phần của máu nhờ khả năng tái hấp thụ hoặc thải bớt nước và các chất hòa tan trong máu.
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP 1. Lần lượt em hỏi bạn và nghe bạn trả lời các câu hỏi sau :
- Hoạt động này giúp HS củng cố kiến thức đã học được trong hoạt động hình thức kiến thức.
Cách thực hiện như sau: Hoạt động này được thực hiện theo nhóm 2 HS, giả sử có 2 HS A và B. Đầu tiên HS A hỏi HS B các câu hỏi như các câu hỏi trong sách hướng dẫn học HS B trả lời HS B lại hỏi HS A các câu hỏi và HS A trả lời.
2. Hoàn thành sơ đồ: Bài tập này yêu cầu HS vẽ được sơ đồ đường đi của nước tiểu chính thức từ lúc được hình thành đến lúc được thải ra ngoài
- Nước tiểu chính thức (được hình thành ở ống thận) được dẫn xuống ống góp Bể thận ống dẫn nước tiểu Bóng đái Ống đái Thải ra ngoài.
3. Bài tập hãy viết một đoạn văn từ 5 - 10 câu, trong đó có sử dựng các từ hoặc cụm từ gợi ý sau: Bài tiết, sản phẩm thải, da, phổi, CO2, mồ hôi, thận, ống dẫn nước tiểu, ống đái, sỏi thận ..
Bài tập này giúp HS củng cố kiến thức đã học đồng thời rèn luyện ngôn ngữ viết cho HS
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG - HS tự học ở nhà theo hướng dẫn trong sách hướng dẫn học
- Khuyến khích HS về nhà thực hiện cả 3 hoạt động, sau khoảng 1- 2 tuần sau đến báo cáo với GV.
E. HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI MỞ RỘNG
1. Hoạt động Hãy tìm hiểu trong thư viện (thư viện lớp học hoặc thư viện nhà trường):
- GV yêu cầu HS ghi chép vào vở/ giấy thông tin tìm hiểu được.
- HS có thể thực hiện hoạt động này với sự trợ giúp của bố/mẹ, ông/bà, anh/chị, hoặc người lớn.
- GV yêu cầu HS hoàn thành và nộp lại ghi chép trước tiết học tiếp theo.
- GV cần có những nhận xét, phản hồi kết quả hoạt động ứng dụng của HS.
2. Hãy viết một báo cáo về một số bệnh thường gặp ở cơ quan bài tiết nước tiểu.
- Bài tập này không chỉ giúp HS ứng dụng kiến thức vào thực tiễn mà còn giúp các em rèn luyện ngôn ngữ viết.GV nên khuyến khích các em viết các loại bênh khác nhau sau đó trao đổi bài viết cho nhau. Hoạt động này có ý nghĩa giúp các em biết được các loại bệnh thường gặp ở hệ bài tiết nước tiểu và cách phòng tránh chúng để giúp cho bản thân và gia đình sống khỏe mạnh.