CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ KẾ TOÁN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
1.1 TỔNG QUAN VỀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP – NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH CHI PHỐI KẾ TOÁN ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
1.1.2 Nguồn tài chính và quản lý tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập
1.1.2.1 Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Nguồn tài chính đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập được hình thành trong quá trình phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân của các chủ thể kinh tế - xã hội, bao gồm hai nguồn chủ yếu: nguồn vốn từ NSNN và nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức kinh tế, chính tri, xã hội, cá nhân trong và ngoài nước, quỹ tiền tệ tự tạo do hoạt động sự nghiệp của các đơn vị gọi chung là nguồn ngoài NSNN.
- Nguồn tài chính từ NSNN:
Xuất phát từ đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập có thể thấy những hàng hóa dịch vụ công cộng mà đơn vị này cung cấp cho xã hội có tác động ngoại biên đối với xã hội. Để gia tăng các tác động ngoại biên thuận lợi đến xã hội, đảm bảo cơ hội thụ hưởng dịch vụ công cho mọi cá nhân trong xã hội, nhà nước thường can thiệp trực tiếp bằng cách cung cấp nguồn lực tài chính và kiểm soát chất lượng dịch vụ công do đơn vị cung cấp. Thông thường, nguồn tài chính từ NSNN là nguồn thu truyền thống có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn mà đơn vị được giao. Nguồn tài chính từ NSNN được huy động từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc sử
dụng nguồn này luôn gắn với mục đích, nội dung dự toán được giao, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, vậy nên định kỳ đơn vị sự nghiệp công lập thường phải làm thủ tục quyết toán tình hình tiếp nhận và sử dụng từng loại kinh phí với cơ quan chuyên trách về cấp kinh phí từ NSNN địa phương hoặc quốc gia.
- Nguồn tài chính ngoài NSNN:
Tại nhiều quốc gia, nguồn tài chính ngoài NSNN là tất cả các nguồn tiền tệ mà Nhà nước cho phép các đơn vị được huy động trực tiếp trong khuôn khổ thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công để tồn tại và phát triển. Đơn vị không phải nộp vào NSNN các nguồn tài chính này, mà được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ của mình nhưng phải tuân thủ theo các quy định thống nhất của Nhà nước về quản lý tài chính.
Các nguồn ngoài NSNN gồm:
+ Nguồn thu giá dịch vụ: hình thành từ số thu của đối tượng sử dụng dịch vụ công mà đơn vị cung cấp; nguồn này tồn tại ở các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho áp dụng cơ chế giá dịch vụ tuân thủ Luật Giá. Cùng với việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính, tỷ trọng nguồn này trong các đơn vị sự nghiệp công lập có xu hướng tăng, đòi hỏi các đơn vị phải tổ chức khai thác hợp pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính của đơn vị.
+ Nguồn từ viện trợ, biếu tặng là những khoản thu không thường xuyên, không dự tính trước được chính xác nhưng có tác dụng hỗ trợ đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
+ Các nguồn khác có được từ hoạt động vay nợ tổ chức tín dụng, từ hoạt động huy động vốn góp của nhân viên, đối tác liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Hiện tại, các nguồn này chưa nhiều và chưa ổn định, song trong tương lai đây sẽ là nguồn vốn đáng kế cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
1.1.2.2 Quản lý huy động nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ thông thường với mỗi đơn vị sự nghiệp công lập cần có các yếu tố đầu vào để vận hành hoạt động hay còn gọi là chi phí đầu vào và các yếu tố đầu ra hay còn gọi là giá trị công việc, dịch vụ … mà đơn vị
cung cấp cho các đối tượng thụ hưởng trong xã hội. Việc quản lý tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dựa trên yếu tố đầu vào hoặc theo yếu tố đầu ra.
- Với việc quản lý nguồn tài chính từ NSNN
Nguồn tài chính đơn vị sự nghiệp nhận được từ NSNN tương ứng phần NSNN chi cho đơn vị, do vậy quản lý nguồn tài chính từ NSNN ở đơn vị phải gắn với thủ tục và qui trình quản lý việc phân bổ NSNN, thường theo các cách sau:
Cách 1 - Thuyết minh dự toán: đơn vị thuyết minh một dự toán ngân sách định kỳ dựa trên những tính toán về các chi phí đầu vào và thương thuyết với cơ quản quản lý nhà nước chuyên trách để được phê duyệt dự toán. Khi được quyết định giao theo dự toán đơn vị phải sử dụng tiền được phân bổ từ NSNN theo đúng mục đích kế hoạch đã xây dựng trong dự toán được duyệt.
Cách 2 - Dựa trên số tiền được cấp giai đoạn trước: số kinh phí được cấp từ NSNN ở mỗi kỳ sẽ dựa trên số kinh phí đã được cấp ở kỳ trước có công trừ các khoản điều chỉnh. Đơn vị sự nghiệp được sử dụng kinh phí mà không bị bó buộc bởi dự toán cụ thể về khoản kinh phí nào chi cho nhiệm vụ cụ thể gì.
Cách 3 - Dựa trên công thức phân bổ phản ánh hoạt động đã qua: việc phân bổ NSNN cho đơn vị dựa trên công thức tính toán phân bổ NSNN cho kết quả công việc, dịch vụ đơn vị đã thực hiện ở kỳ trước.
Cách 4 - Dựa trên đơn đặt hàng mà nhà nước đặt mua của đơn vị: tương tự cách 3 nhưng kinh phí cấp dựa trên kết quả dịch vụ sẽ hoàn thành trong tương lai.
Rõ ràng việc quản lý tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập được phân bổ NSNN theo cách 1 hoặc cách 2 hoàn toàn dựa trên yếu tố đầu vào, còn theo cách 3 hay cách 4 lại dựa trên yếu tố đầu ra. Trên thực tế hoặc nghiên cứu thường hướng đến việc kết hợp các cách trên trong quản lý việc tạo lập nguồn tài chính từ NSNN tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể như sau:
+ Quản lý khai thác nguồn tài chính từ NSNN gắn với hoạt động theo dự toán: theo đó, khoản kinh phí được nhận từ NSNN được phân bổ cho từng loại hoạt động (ví dụ: hoạt động liên quan cơ sở vật chất, hoạt động liên quan lao động, …). Việc quản lý nguồn tài chính gắn với kiểm soát các yếu tố chi phí đầu vào. Điều này đòi hỏi kế toán chú trọng thông tin về mức độ tuân thủ chính xác dự toán thay vì tính hiệu quả.
+ Quản lý khai thác nguồn tài chính từ NSNN theo phương thức khoán: theo đó, khoản kinh phí được nhận từ NSNN được khoán chi một cục, không phân chia theo hoạt động cụ thể. Đơn vị sẽ chú trọng quản lý tính hiệu quả của nguồn tài chính được huy động, vì sau khi được nhận kinh phí từ NSNN, đơn vị được chủ động phân bổ cho từng hoạt động và phải báo cáo kết quả định kỳ với nhà nước.
+ Quản lý khai thác nguồn tài chính từ NSNN theo cơ chế giá kết hợp phương thức đặt hàng: theo đó kinh phí mà đơn vị được nhận từ NSNN được tính toán dựa trên khối lượng công việc dịch vụ hoàn thành ở từng đơn đặt hàng và giá phí đơn vị.
Việc quản lý khai thác nguồn tài chính gắn với từng loại hình hoạt động và khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công việc…của đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này đòi hỏi kế toán phải chú trọng giá phí công việc, dịch vụ mà đơn vị cung cấp.
- Với việc quản lý nguồn tài chính ngoài NSNN:
Việc thu hút nguồn tài chính ngoài NSNN có thể từ người trực tiếp thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ do đơn vị cung cấp hoặc từ các bên thứ ba (ví dụ: tổ chức tài trợ cho người thụ hưởng, tổ chức bảo hiểm, tổ chức nhân đạo …) nhưng tựu chung đều dựa trên cơ chế giá có kết hợp sự khống chế hoặc can thiệp của nhà nước để đảm bảo tính công cộng của sản phẩm dịch vụ mà đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp cho xã hội (ví dụ: mức giá dịch vụ công được xác định dựa trên chỉ số của nền kinh tế như: GDP/ người, thu nhập trung bình hộ gia đình, tiền lương trung bình người lao động, thu nhập bình quân đầu người …). Với phương thức quản lý nguồn tài chính ngoài NSNN đòi hỏi kế toán phải chú trọng chi phí dịch vụ, sản phẩm đơn vị sự nghiệp công lập tạo ra.
1.1.2.3 Quản lý sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Song song với việc tổ chức khai thác các nguồn tài chính các đơn vị phải có kế hoạch theo dõi việc sử dụng các nguồn này đúng mục đích để hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cơ sở minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Xuất phát từ nhu cầu chi tiêu trong quá trình hoạt động, các nguồn tài chính từ NSNN hay ngoài NSNN được sử dụng cho mục đích tồn tại (hoạt động cơ bản cần các khoản chi thường xuyên) và mục đích mở rộng phát triển (hoạt động phát triển cần các khoản chi đầu tư phát triển). Tùy thuộc nguồn tài chính và phương thức huy
động nguồn tài chính mà việc quản lý sử dụng nguồn tài chính có sự khác biệt đáng kể. Với nguồn tài chính từ NSNN cấp gắn với dự toán, việc quản lý sử dụng cần tuân thủ đúng dự toán đã xây dựng, kinh phí nào dùng cho hoạt động gì với mức bao nhiêu. Với nguồn tài chính từ NSNN cấp theo cơ chế khoán hoặc theo cơ chế đơn đặt hàng, hoặc nguồn tài chính ngoài NSNN việc quản lý sử dụng cần gắn với khối lượng công việc hoàn thành đầu ra. Các đơn vị thường xây dựng định mức chi phí, quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để quản lý đơn vị sự nghiệp công lập điều hành, kiểm soát việc tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính của đơn vị.
Hoạt động sự nghiệp diễn ra trên phạm vi rộng, đa dạng và phức tạp dẫn đến nhu cầu sử dụng các nguồn tài chính luôn gia tăng với tốc độ nhanh chóng trong khi khả năng huy động nguồn tài chính có hạn. Việc tiết kiệm chi để đạt hiệu quả trong quản lý tài chính là vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó việc phải tính toán sao cho với chi phí thấp nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề quan tâm hàng đầu của quản lý tài chính. Muốn vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập phải sử dụng đồng thời nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc vận dụng hệ thống phương pháp kế toán để thu thập, ghi nhận, xử lý và cung cấp thông tin kịp thời các hoạt động sử dụng các nguồn tài chính, tổ chức phân tích, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra biện pháp tăng cường quản lý sử dụng các nguồn lực này.